Trên đời, có nhiều việc đôi lúc nhìn tựa như có công, thật ra là có tội; có lúc nhìn như có tội, thật ra là có công; nhưng có khi không có công mà cũng không có tội, đôi lúc công cũng lớn mà tội cũng cao. Giữa công và tội, có khi công ít tội nhiều, đôi lúc công nhiều tội ít, công và tội thật sự rất khó bàn định!
Công và tội không phải là điều nhất thời có thể luận định, cũng không phải do một người, một nơi có thể phán xét. Công và tội cần phải trải qua kiểm chứng của thời gian và không gian, mới có thể đi đến kết luận. Bởi thông thường có những chuyện “trước có tội mà sau có công”; lại có những người “trước có công mà sau có tội”. Vì thế, công và tội cần phải trải qua sự kiểm chứng của thời gian và không gian, mới có thể đi đến kết luận. Có thể nói, tất cả sự vật trên thế gian, phần nhiều đều có công và tội. Ví dụ dao bén có thể giết người, song cũng có thể cắt thức ăn; súng có thể hủy diệt thế giới, đồng thời cũng có thể giữ gìn hòa bình; thuốc độc Arsenic có thể hại người, nhưng đối với thầy thuốc cao minh, họ có thể “lấy độc trị độc” để cứu người; thực phẩm dinh dưỡng dù tốt đến mấy mà ăn nhiều, hoặc ăn không đúng cách cũng sẽ sinh ra tác dụng phụ. Điều này cũng giống như câu: “Pháp chẳng phải thiện ác, nhưng thiện ác là pháp”.
Người đời cũng lại có câu: “Đậy nắp quan tài mới khen chê hay dở”. Bởi trên thực tế, có kẻ ở địa vị cao quý, cho dù có tội, mọi người cũng không dám nói ra, chỉ đành cam chịu sự chuyên quyền, bạo ngược, bức hại của hắn, rồi nuốt giận cầu an qua ngày. Có người mặc dù có công với đất nước, nhưng do mất lòng lãnh đạo, nên cũng không được những người xung quanh tiến cử. Không dám tiến cử người tốt, cũng không dám vạch trần kẻ xấu, như vậy thì công và tội làm sao có thể phân minh được?
Những phương tiện giao thông như tàu hỏa, máy bay, tàu thủy, ngày đi muôn ngàn dặm, đã cống hiến rất lớn cho cuộc sống của con người, nhưng khi nghe tin tàu thuyền, máy bay bị nạn, chúng ta lại phải nên bàn luận thế nào? Cho nên, công tội thường rất khó có thể bàn định, bởi vì thế gian đều là pháp hữu lậu, chẳng phải cứu cánh. Ở đây xin nêu lên vài ví dụ để cùng tham khảo:
Tần Thủy Hoàng bắt hết dân làm phu xây dựng Vạn Lý Trường Thành, bấy giờ trời giận người oán, xôn xao chỉ trích ông là vị vua tàn bạo, cai trị bằng chính sách hà khắc. Nhưng trải qua thời gian, đến ngày nay, Trường Thành đã trở thành một kiến trúc vĩ đại khiến cả thế giới phải kinh ngạc ngợi khen.
Võ Tắc Thiên phế bỏ thái tử, đoạt ngôi làm vua, bị hậu nhân cho là người dâm loạn mà phỉ nhổ, nhưng thực tế bà đã có công chỉnh đốn chính trị giúp nhà Đường hưng thịnh, chẳng lẽ điều đó không đáng để ca tụng ư?
Trong lịch sử có rất nhiều vị vua, tướng lĩnh, văn nhân sĩ tử mà công tội của họ đối với dân tộc, đối với nước nhà mãi đến hôm nay vẫn khó có thể luận định. Nhưng có thể khẳng định rằng, từng lời nói, từng hành động của người đứng ở vị trí đưa ra quyết định luôn luôn liên quan mật thiết đến sinh tử an nguy và hạnh phúc của muôn ức sinh linh, sao có thể không cẩn thận? Thậm chí, chỉ cần một bài viết cẩu thả của một nhà báo vô danh thôi, thì “tội” đó sẽ kéo dài muôn thuở, bởi vì văn tự sẽ còn lưu mãi trên đời, cho nên càng không thể không thận trọng được!