Có người hỏi một triết gia rằng: “Từ đất đến trời cao bao nhiêu?” Triết gia trả lời: “Cao ba thước”. “Sao lại thấp thế? Chúng ta chẳng phải ai cũng cao ít nhất là bốn thước, năm thước, sáu thước ư?” Triết gia đáp: “Cho nên nếu anh muốn đứng trong khoảng trời đất này thì nên biết cúi đầu!”
Đoạn hội thoại trên chứa đầy tính triết lý nhân sinh! Các Nho sinh ngày xưa khi mới nhập học, trước tiên sẽ được dạy khấu đầu bái sư; những người tin theo Phật giáo, trước tiên phải học lễ Phật. Thậm chí khi bạn bè qua lại, cũng cần cúi đầu tỏ sự kính trọng. Một người nếu không giao tiếp với ai, người đó có thể mặc sức nghênh ngang hống hách ra sao cũng được, nhưng nếu họ giao tiếp với người khác, thì chắc chắn phải biết cúi đầu, khiêm tốn, nhã nhặn.
Người cúi đầu tượng trưng cho lịch sự, lễ độ; người cúi đầu thể hiện họ biết thế nào là khiêm tốn. Người biết cúi đầu thì mới có thể tiến về phía trước, đi đến đâu cũng đều thuận lợi, vì cúi đầu mới có thể giao tiếp với người khác. Việc đỉnh lễ, lễ Phật trong Phật giáo là giao tiếp với tâm của Phật. Việc hậu bối đứng cúi đầu buông tay trước các bậc tiền bối, đấy chính là thể hiện ý muốn được các bậc tiền bối chấp nhận.
Cúi đầu là lễ độ, nhưng có lúc Phật giáo cũng không hoàn toàn muốn con người ta cúi đầu, vì có lúc ngẩng cao đầu chiêm ngưỡng cũng chính là hành lễ. Còn việc nhiễu Phật, nhiễu tháp1 cũng thể hiện sự yêu mến, quyến luyến, cung kính. Vì vậy, Phật giáo cho rằng lúc cần cúi đầu thì cúi đầu, lúc cần ngẩng đầu thì ngẩng đầu, lúc cần nhiễu quanh thì nhiễu quanh, thậm chí tâm ý quán tưởng cũng đều là cung kính tu hành ba nghiệp. Cung kính chính là kết nối, phương thức kết nối chỉ cần khiến đôi bên có thể biểu đạt tâm ý, chỉ cần đối phương chịu chấp nhận, đó chính là tôn trọng lẫn nhau.
1 Đi vòng quanh Phật hoặc quanh tháp ba vòng, thể hiện sự tôn kính.
Phật giáo còn một cách giải thích khác về cúi đầu, đó là “chú ý bước chân”, ý muốn chỉ một người làm việc gì cũng cần phải đi từng bước chắc chắn, đi tốt con đường của mình.
Người biết chú ý bước chân của mình thì mới có căn bản. Để an toàn, con người khi đi bộ hay lái xe đều nhìn xuống mặt đất mà không ngước lên trời. Một người nếu chỉ biết ngước lên cao, nhìn lên cao, chắc chắn sẽ thất bại.
Cúi đầu là thể hiện sự chín chắn, là đức tính tốt đẹp. Cây cổ thụ kết trái đều hướng về phía mặt đất; cây lúa chín, đều trĩu bông xuống dưới. Cúi đầu thể hiện sự khiêm tốn, nhã nhặn. Người biết cúi đầu sẽ nhận được sự chào đón của mọi người. Vĩ nhân ngày nay, có người thì hiên ngang bước đi, có người ngẩng đầu ưỡn ngực, nhưng nếu là bậc thánh hiền thì chắc chắn sẽ cúi đầu. Thế nên chúng ta thà cúi đầu, chứ cũng không ngẩng đầu ưỡn ngực.
Người biết cúi đầu thì mới có các mối quan hệ tốt. Các mối quan hệ có thể gặt hái được trong lúc cúi đầu, được người ta coi trọng cũng là nhờ cúi đầu. Có thể cúi đầu, chắc chắn sẽ có ngày mở mày mở mặt; có thể cúi đầu, chắc chắn có ngày mạnh mẽ vươn lên. Bạn đọc thân mến, các bạn nên thử trải nghiệm sự vi diệu và những quả ngọt mà cúi đầu khiêm tốn đem lại.