Mọi người đều hy vọng mình có thể “kế thừa đời trước, mở mang đời sau”. Người có thể kế thừa đời trước, mở mang đời sau, chắc chắn sẽ làm vẻ vang cho tổ tông, chắc chắn có thể noi theo người đi trước, mở đường hướng mới để các hậu bối tiến bước trong tương lai.
Về phương diện quốc gia, ta có thể tiếp nhận các quan niệm chính trị, đạo đức căn bản của Đường Nghiêu, Ngu Thuấn, Chu Văn Vương, Chu Vũ Vương, Chu Công, Khổng Tử, Mạnh Tử; có thể kế thừa và lưu truyền bức tranh chính trị tươi đẹp “ra đường không nhặt của rơi, đêm ngủ không cần đóng cửa, nhân dân thân với người khác như người thân của mình, yêu con của người khác như yêu con mình”, đó mới gọi là kế thừa đời trước.
Nói đến mở mang cho đời sau, đó là mở ra một “viễn cảnh hòa bình an lạc về sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự tiên tiến của y học, chế độ bảo hiểm xã hội, hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, quan không nhiễu dân, không có cảnh đao gươm súng ống”. Quan niệm về hòa bình, an định này cần phải truyền lại cho hậu thế, đó mới gọi là mở mang cho đời sau.
Trong gia đình, con cháu cùng nhau gánh vác sự nghiệp của cha ông, đối với sự phát dương cho đời sau lại càng cần phải nỗ lực cố gắng. Thái độ, tinh thần đối đãi của ông cha đối với nhân viên, các chính sách phúc lợi, cùng các chế độ, quy tắc điều lệ tốt thì tiếp tục phát huy. Nếu sản nghiệp tổ tiên để lại đáng giá 100 triệu, 200 triệu, con cháu nên lập ra các kế hoạch năm năm, mười năm để sản nghiệp đó tăng lên thành 800 triệu, rồi đến một tỷ. Nếu số nhân viên vốn có là 200 người, 300 người, thì bản thân không chỉ nên duy trì mãi ở con số như vậy, mà còn cần kế thừa và phát triển tăng lên đến 2.000 người, 3.000 người, như thế mới có thể gọi là tinh thần “kế thừa đời trước, mở mang đời sau”.
Đặc biệt, chúng ta cũng cần phải phát huy đạo đức, sự cống hiến của tổ tiên, để làm khuôn mẫu cho con cháu đời sau.
Về chính trị, ví dụ như trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, câu đầu tiên của tân tổng thống sau khi bầu cử kết thúc bao giờ cũng là “xin kế thừa các quy tắc điều lệ về nội chính, các ước định với các quốc gia khác về mặt ngoại giao của tổng thống tiền nhiệm”, tiếp đó mới đưa ra chính sách chính trị, nói rõ kế hoạch làm thế nào để bản thân xây dựng các đường lối điều hành đất nước. Đó chính là mở mang cho đời sau.
Nói đến kế thừa đời trước, mở mang đời sau, có thể nói công việc thể hiện rõ nhất sự nghiệp trên, chính là các giáo viên ngày nay. Họ làm nghề giáo dục, chính là kế thừa đời trước, mở mang cho đời sau; các nhà tôn giáo truyền giáo cũng vậy. Như Trương Tái từng nói: “Vì xã hội xây dựng lại giá trị tinh thần, vì dân chúng xác lập ý nghĩa của sinh mệnh, vì tiền thánh kế thừa học thống đã bị gián đoạn, vì vạn thế mở mang cơ nghiệp thái bình”. Đây chính là tinh thần kế thừa đời trước, mở mang đời sau.
Thực ra, không chỉ có loài người mới có thể kế thừa đời trước, mở mang cho đời sau, mà ngay cả động vật, thực vật, cũng có quá trình tiếp nối giống nòi vô cùng gian khổ, chúng cũng có các hành vi kế thừa đời trước, mở mang cho đời sau. Ví dụ như loài chim yến hiểu được việc cải tạo giống nòi, như loài kiến đỏ của Canada hiểu được việc tích lũy lương thực cho con cái đời sau. Cho nên, chúng ta nên lấy “tứ duy bát đức”1, “ba việc bất hủ”2 để tiếp nối lịch sử, đặc biệt cần phải tiếp nối sự truyền thừa tín ngưỡng để tìm được tính chân như của đạo Phật.
1 Tứ duy bao gồm: lễ, nghĩa, liêm, sỉ. Bát đức bao gồm: hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ.
2 Ba việc bất hủ bao gồm: lập đức, lập công, lập ngôn.