Sự nghiệp cả một đời của người xưa đều bắt đầu từ việc học nghề, thành tựu cả đời của con người hiện đại bắt đầu từ việc thi cử.
Bạn thử nhìn lại xem, các nghề như cắt tóc, thợ may, đầu bếp thời xưa, không một nghề nào là không bắt đầu từ việc học nghề. Vì bái sư học nghề, chế độ học hành đều dựa vào việc thầy dạy dỗ cho học trò theo hình thức một kèm một. Hàng ngày được thầy ân cần dạy bảo, học trò tự nhiên sẽ có cảm giác gần gũi, thân thiết; ngược lại nhìn vào hình thức đi học tại trường ở xã hội ngày nay, việc dạy dỗ thực hiện một cách tập trung nên đương nhiên quan hệ thầy trò cũng không được như xưa, học sinh cũng không cảm thấy rằng tri thức mình có là do người khác truyền dạy cho, vì vậy chế độ học nghề tốt đẹp dần dần trở nên phai nhạt.
Nhưng, chúng ta nhìn xã hội ngày nay, những bác sĩ thực tập trong bệnh viện, vẫn phải theo các bác sĩ chủ trị để thực tập các ca lâm sàng. Còn các ngành công nghiệp, các công nhân tiện cũng cần phải có các thầy ở bên cạnh từng bước chỉ bảo, giảng giải, đó cũng là hình thức học riêng, kế thừa kinh nghiệm.
Xưa kia, những người nông dân làm đồng, họ phải đến đâu để thực tập? Chẳng phải là đều theo cha đi làm đồng ư, ngày qua ngày học hỏi tích lũy, họ liền trở thành những chuyên gia nông nghiệp. Đến như các nghệ nhân trồng hoa, cũng đều là học được những điều mắt thấy tai nghe từ các bậc tiền bối luôn kề cận sát sao, họ học được một ít kinh nghiệm, dần dần tích lũy, tự nhiên trở thành nghệ nhân làm vườn, chuyên gia trồng rau.
Ngày nay, cho dù là các phóng viên, khi mới học việc cũng phải đi theo thực tập với những phóng viên có kinh nghiệm, nếu không thì họ lấy tin tức ở đâu? Khi không tìm đâu ra tin tức, thì có thể phỏng vấn lấy tin ở đâu đây?
Xã hội hiện nay rất tiến bộ, bất kỳ việc gì cũng nói đến tập thể, đến tốc độ, khiến cho giới lao động đòi hỏi kỹ năng tay nghề cao khó có thể đào tạo ra những nhân tài đặc biệt ưu tú, thậm chí đến đầu bếp cũng không thể nấu ra các món ăn ngon có đủ màu sắc và hương vị, đã không có các tiền bối lành nghề hướng dẫn, lại bị thời gian thúc ép, thì sao có thể làm ra các món ăn xuất sắc vừa đẹp mắt vừa ngon miệng? Các họa sĩ nếu không có thầy hướng dẫn từng nét vẽ viền, phác thảo, phân tích, giảng giải thì sao có thể dễ dàng học được “tam muội” trong hội họa?
Cũng giống như trong Phật giáo ngày nay, có vài người bái sư rồi, song cũng không chịu theo danh nghĩa học trò, trong chốc lát tự cho mình là thầy, cho rằng mình đã hoàn thành học đạo. Cho nên đi đứng cũng không ra đi đứng, bái sư cũng không ra bái sư, nói cũng không ra nói, lời nói và việc làm cũng không giống như một người xuất gia.
Vì thế, người xưa đọc sách, mười năm vất vả bên song cửa; học trò học nghề, ba đến năm năm mới có thể rời xa thầy, không giống như những học trò ngày nay, ra khỏi cổng trường, là có thể đến các nơi làm việc. Cho nên, chế độ học nghề xưa tuy cũng có những khuyết điểm, nhưng nếu một người muốn thành công thì vẫn cần phải học từ thầy, làm theo thầy, mới có thể đạt đến đỉnh cao, xuất sắc siêu việt.