Xưa kia, khi tổ chức lễ hội rước kiệu các vị thần, ta luôn thấy có những thanh niên to khỏe, tay cầm biển “hồi tỵ” và “tĩnh túc”, để nhắc nhở người đi đường chớ có ồn ào, ầm ĩ.
Xã hội văn minh ngày nay cũng nhấn mạnh “nói khẽ”, là tượng trưng cho văn minh, đâu đâu cũng chú trọng không gian sinh hoạt “yên lặng”. Ví dụ như khi đi máy bay, tàu hỏa, mọi người cũng cần xem khoang hành khách có yên tĩnh hay không. Thậm chí tại những nơi công cộng, cũng thường treo biển “yên lặng”, để mọi người tránh gây ồn ào, mất trật tự.
Trước khi chiếu một bộ phim, người ta thường nhắc nhở bạn yên lặng; trước khi bắt đầu một cuộc hội nghị, người ta cũng nhắc nhở bạn nên giữ yên lặng. Có những người đi du lịch không phải để thưởng ngoạn phong cảnh, cũng chẳng phải tìm nơi náo nhiệt mà là muốn tránh xa tiếng ồn, tận hưởng không gian tĩnh lặng của thiên nhiên.
Yên tĩnh, nghiêm túc là những phẩm chất mà người hiện đại mong muốn trong cuộc sống. Là người hiện đại, chúng ta cũng nên có những phẩm chất đó. Tại những nơi công cộng, trong các cuộc mít tinh, hoặc khi đang trong một cuộc diễn giảng, chúng ta chớ có đi lại tùy ý, cũng không nên ồn ào vì mọi người đang cần yên lặng, đây là điều kiện để nghe người khác nói, cũng là sự tôn trọng và lịch sự đối với diễn giả. Thậm chí, trong một cuộc hội nghị, khi bất kỳ một người nào đang phát biểu, mọi người đều nên chú ý lắng nghe, ta không thể nói chuyện riêng, cũng không nên phát ra tiếng động.
Nhiều người không biết tôn trọng các nghi lễ nơi công cộng. Như trong một bữa tiệc, các nhân viên tiếp tân phải phụ trách tiếp đón khách mời, nên họ cũng không muốn trong sảnh tổ chức tiệc có nhiều người đi qua đi lại, gây ồn ào. Nhưng những người kia lại không để ý đến chi tiết này, họ thích gây ồn ào, không thể giữ nổi một chút yên tĩnh.
Trong gia đình nếu có con cái đang học, chúng luôn phải tìm chỗ yên tĩnh, để tránh tiếng ồn trong nhà ảnh hưởng. Đến cả các học giả viết sách hay báo, họ cũng cần tìm một nơi yên tĩnh mới có thể hoàn thành tác phẩm. Có thể thấy xã hội của chúng ta đâu đâu cũng là âm thanh. Thật khó mà tìm được chỗ nào yên tĩnh.
Có nhóm khách du lịch đến tham quan một ngôi chùa trên ngọn núi nổi tiếng. Suốt cả quãng đường, họ luôn bật máy nghe nhạc, nhân viên trong chùa ra nhắc nhở: “Này các bạn, các bạn đến đây chẳng phải là để tìm một chút không gian yên tĩnh hay sao? Đến nơi này mà các bạn cũng cần dùng âm thanh để làm tê liệt bản thân, hoàn toàn không có một giây một phút yên tĩnh nào thì sao có thể sản sinh trí tuệ?”
Lời nói ấy mới chân thật làm sao! Nho gia nói rằng: “Biết dừng thì sau đó mới có thể định được, định rồi sau đó mới có thể tĩnh, tĩnh rồi sau đó mới có thể an, an rồi sau đó mới có thể suy nghĩ, suy nghĩ sau đó mới có thể đạt được”. Tâm mình không yên tĩnh, thì ở đâu mới có thể yên tĩnh được? Có câu: “Tâm tĩnh lặng mới có thể đạt được những mục tiêu cao xa”, Phật giáo cũng chú trọng tĩnh lặng, tĩnh mới có thiền tâm, mới có thể thông đạt, có thể giao cảm với thánh hiền. Cho nên tĩnh lặng cũng là một cảnh giới Niết bàn, chỉ có tĩnh lặng mới là sự hưởng thụ lớn nhất.