Con người có rất nhiều tính cách, nếu để ý, quan sát thế giới động vật chúng ta sẽ thấy chúng cũng có rất nhiều đặc điểm giống con người. Ví dụ: Tính cách của người Hồ Nam rất giống tập tính của con la, thói quen sống của người Thượng Hải rất giống tập tính của con công, ngoài ra còn có tập tính của voi, tập tính lạc đà, tập tính hồ ly, tập tính đà điểu, v.v. Thậm chí cũng có người nói rằng, người Nhật có tính cách giống như tập tính của loài vịt, người Trung Hoa thì lại có tính cách giống như tập tính của gà trống.
Nói người Nhật có tính cách giống như tập tính của loài vịt vì người Nhật chịu phục tùng lãnh đạo, có tinh thần đồng đội. Cũng giống như một con vịt mẹ đi trước, các con vịt con luôn đi theo sau, không rời khỏi hàng. Ta có thể nhìn thấy tính cách nổi bật này của người Nhật khi họ đi du lịch. Người hướng dẫn viên chỉ cần cầm cờ đi phía trước, những người phía sau sẽ đi theo không để lạc đoàn.
Còn tính cách của người Trung Hoa được ví với tập tính của gà trống, vì họ không thích xếp hàng, đi đến đâu cũng đứng thành hai, ba hàng, tự tiện theo ý mình. Đặc biệt, gà trống không thích người khác vĩ đại hơn mình, chỉ cần thấy một con gà trống nghển cổ gáy vang “ò, ó, o”, lập tức một con gà trống khác liền dang cánh bay về phía đó, mổ vào mào của con kia, khiến cho đối phương không thể nghển cổ gáy vang nữa. Đây chính là tính chịu không nổi người khác hơn mình. Tính cách này của người Trung Hoa đã hình thành thói xấu “thằng chột làm vua xứ mù”. Cũng có thể nói, người Trung Hoa, ai cũng tự cao tự đại, ai cũng muốn hùng cứ một phương, mà không chịu xếp sau người khác. Đây chính là tập tính của gà trống.
Thực ra, một vở kịch ai cũng tranh đóng vai chính thì ai đóng vai phụ? Ai cũng đòi xếp thứ nhất thì ai xếp thứ hai, thứ ba? Cho nên giải thưởng Kim Mã, giải thưởng Oscar đều đặt ra các giải cho vai phụ.
Không chỉ diễn kịch, đóng phim mới cần vai phụ mà trong một cơ quan đoàn thể, một vị lãnh đạo xuất sắc, cũng cần phải có một trợ lý tốt nhất. Nếu ai cũng tranh đóng vai chính, ai cũng muốn làm sếp, chỉ có tính cách gà trống, thì sao có thể thành công?
Mỗi người có một tính cách khác nhau, có người thích cứng rắn, có người thích mềm mỏng, có người hòa nhã, có người cố chấp, có người hướng ngoại, có người hướng nội, có người hào phóng, có người thích sống một mình, có người ích kỷ, có người thì hết lòng vì việc chung, có người thích làm tổn hại người khác, có người muốn đem lại lợi ích cho người khác. Hay như, người Pháp thì lãng mạn, người Anh thì ga lăng, người Đức thì anh hùng, người Úc thì thích làm việc giúp ích xã hội.
Chúng ta cũng không cần thiết phải học theo những tính cách trên, nhưng tính cách giống như tập tính của gà trống thì cũng chưa chắc đã được mọi người hoan nghênh. Tại sao chúng ta không thay đổi những tính cách xấu, ích kỷ thành tính đại chúng, tập thể, đoàn thể, thống nhất, đoàn kết, trung hiếu, nghĩa khí, từ bi, ôn hòa? Điều quan trọng hơn, chính là chúng ta cần phải tự thay đổi chính mình, học cách làm người đứng thứ hai, không tranh giành hơn thua.