Trên thế gian, đâu đâu cũng đầy cám dỗ, biết chống lại cám dỗ mới có thể trưởng thành. Adam và Eva vì sự cám dỗ của một quả táo mới phạm phải tội lỗi. Tu Đề Na, đệ tử của Đức Phật, vốn đã xuất gia, nhưng khi về nhà, vì không cưỡng lại được sự cám dỗ của vợ, nên làm trái với đạo xuất gia, đây là nguyên nhân Đức Phật chế ra giới điều. Việc tu thân dưỡng tính của Nho gia, chủ yếu cũng là để người ta có sức mạnh vượt qua mọi cám dỗ.
Trên đời này, đâu đâu cũng đầy rẫy sự cám dỗ, nào là cám dỗ về tiền tài, địa vị, tình yêu, thậm chí là lời ngon tiếng ngọt, vinh hoa phú quý. Trên thế gian này, năm dục như là nam châm, cám dỗ bạn, hấp dẫn bạn, biến bạn thành nô lệ của nó. Bạn không muốn bị chúng cám dỗ thì phải có một sức mạnh khác để chống lại sức hút ấy.
Nếu bạn không chống lại được sự cám dỗ của tiền tài thì sinh mệnh, danh dự của bạn đều bị tiền tài khống chế; nếu bạn không ngăn được cám dỗ về danh vọng, địa vị thì sinh mệnh, nhân cách của bạn cũng bị danh vọng thao túng; nếu bạn không chống lại được cám dỗ trong tình yêu, thì sinh mệnh, đạo đức của bạn cũng bị tình yêu điều khiển; nếu bạn bị những lời ngon tiếng ngọt, vinh hoa phú quý cám dỗ, bạn không thể tự cứu mạng mình, đồng thời đánh mất sức mạnh và sẽ lầm đường lạc lối trong sự cám dỗ của thế gian.
Cám dỗ nhìn thì tưởng là từ bên ngoài đến, mắt thấy trai thanh gái lịch, muôn loại phong tình; tai nghe âm thanh du dương; mũi ngửi mùi thơm nhè nhẹ; những xúc chạm mềm mại ấm áp, thậm chí những món ăn làm người ta yêu thích; những dây trói của tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, đồ ăn, giấc ngủ sẽ trói ta thật chặt. Con người không thể đổ lỗi cho ngoại cảnh, đây đều là do lòng người không đủ sức chống lại cám dỗ mà thôi.
Trụ Vương bị sắc đẹp của Đát Kỷ cám dỗ mà mất nước; rất nhiều thanh niên có triển vọng không ngăn nổi sự cám dỗ, cam tâm gian trá phạm pháp, để rồi trở thành nô lệ của tiền tài. Con cá vì mồi nhử mà mất mạng dưới lưỡi câu; con chim vì thức ăn, sa vào lưới của thợ săn mà mất mạng. Mọi loài động vật đều bị thức ăn cám dỗ mà bỏ mạng, có thể thấy sức mạnh của cám dỗ thật to lớn, nó có thể khiến cho bạn không màng đến cả mạng sống của mình.
Con thiêu thân lao vào lửa, con tằm nhả kén; sắc đẹp không mê hoặc con người mà con người tự bị mê hoặc, đó đều là do bản thân không có sức mạnh ngăn chặn sự cám dỗ, cho nên mất mạng vì bị cám dỗ.
Cám dỗ là kẻ thù của chúng ta, không phải là bạn. Pháp luật của một nước, dư luận của một xã hội, thực ra đều đang giúp chúng ta, khích lệ chúng ta không trở thành kẻ bại trận của vật dục. Tôi có thể từ chối cám dỗ, cám dỗ từ ngoại cảnh sẽ trở thành tù binh của tôi, do tôi tùy ý sai khiến, tôi thanh bạch giữ mình, tôi sống tiết kiệm, tôi thấu hiểu có được tài vật khó khăn, tôi giữ gìn đạo đức, thì sẽ không bị vật chất trói buộc. Một người chỉ cần rèn luyện được sức mạnh trong lòng mình thì sẽ không bị ngoại cảnh cám dỗ, đó gọi là: “Giống như người gỗ xem hoa, ngại gì muôn vật tựa vờ vây quanh”1, thì bản thân có thể sống một cuộc đời tiêu dao tự tại.
1 Ý muốn nói ta nên giống như người gỗ, đối đãi với mọi vật xung quanh bằng tâm an định, tĩnh lặng quán sát cảnh vật nhưng không còn động niệm với mọi vật trên thế gian. Câu này trích từ bài Sơn hành lưu khách của Trương Húc thời Đường.