Già hóa dân số được các quốc gia đánh giá là vấn đề rất nghiêm trọng. Cho nên, hiện tại chính phủ nhiều quốc gia đang gấp rút xây dựng các “chung cư cho người cao tuổi”, “mái ấm mãi thanh xuân”, “viện dưỡng lão”, thậm chí khuyến khích nhân dân nhận nuôi dưỡng người già, để giải quyết vấn đề người cao tuổi.
Nhưng nếu chỉ xây dựng các “viện dưỡng lão”, “tùng hạc cư” để người già ở, cũng không thể giải quyết hết vấn đề người cao tuổi. Thực sự người già đã đến tuổi xế chiều, như bước vào thời kỳ lạnh giá nhất của mùa đông, nhu cầu của người già không chỉ là vấn đề chỗ ở, điều họ cần hơn đó là sự quan tâm, thấu hiểu, hỏi han ân cần của chúng ta.
Có người lấy bốn mùa để ví với đời người, tuổi nhi đồng, thanh thiếu niên như mùa xuân, mùa hạ; người già thì đã bước vào tiết thu đông. Thực ra, chúng ta nên tạo cho người già cảm giác như chưa bước vào mùa đông, tức là cần phải đem lại cho họ một mùa xuân mới.
Năm mươi năm trước, ông Tưởng Kinh Quốc đã sáng lập ra Cứu quốc đoàn, đưa những hoạt động của thanh niên vào dịp nghỉ hè, các doanh trại chiến đấu vào dịp nghỉ đông, để thanh niên trưởng thành trong chiến đấu, giải quyết các vấn đề của thanh niên. Vậy thì ngày nay, người cao tuổi cũng cần những doanh trại chiến đấu như của thanh niên, để họ cảm nhận được mùa xuân thứ hai trong dòng sinh mệnh của mình.
Hiện nay các tòa nhà ở khắp nơi đều cần tuyển nhân viên quản lý, họ đều tìm những người già đã về hưu; những công việc như duy trì trật tự nơi công cộng, hay bảo vệ các cơ quan, đoàn thể đều do người già phụ trách. Điều này thể hiện rằng, tuy đã về hưu nhưng họ không nghỉ ngơi mà vẫn có thể tiếp tục phục vụ xã hội. Nhưng đây không phải là mùa xuân của người già, để tạo ra mùa xuân thứ hai cho họ, chúng ta cần phải làm cho họ hoạt bát, phấn chấn lên, khiến cuộc sống của họ một lần nữa lại tỏa hương thơm, để họ cảm thấy như mình vẫn đang sống trong mùa xuân của đời người. Vì vậy, chúng tôi đề xuất:
Thứ nhất, hy vọng “Hội liên nghị tùng bách” giúp cho người già kết giao thêm thật nhiều bạn, có thêm thật nhiều tình hữu nghị và sự giao lưu, để người già không còn cô đơn, trống trải, khiến họ hoạt bát, vui vẻ trở lại.
Thứ hai, hy vọng “Câu lạc bộ người cao tuổi” sẽ được thành lập ở khắp nơi, để người già hàng ngày có thể đến đây vận động, bàn luận chuyện cổ kim, hay đánh cờ, để rèn luyện khả năng hoạt động của bộ não.
Thứ ba, hy vọng “Viện dưỡng lão”1 được mở ra ở nhiều nơi. Người già giống như trẻ nhỏ, trong xã hội có nhà gửi trẻ, thì ngày nay cũng nên có nhà gửi người già. Trong viện dưỡng lão có những bạn trẻ bầu bạn với người già, nói chuyện với họ, kể chuyện cho họ nghe. Đối với những người già thích vận động chân tay, thì nơi đây sẽ giúp họ tập luyện để hoạt bát trở lại, thậm chí cùng họ đọc sách, nói chuyện, giúp họ bớt đi sự trống trải, để họ hưởng thụ mùa xuân của người già.
1 Theo ý tác giả, viện dưỡng lão được đề cập ở đây giống như mô hình nhà gửi trẻ, chỉ khác ở đối tượng được gửi, nhà gửi trẻ nhận trông nom và chăm sóc trẻ nhỏ, thì viện dưỡng lão nhận trông nom và chăm sóc người già.
Thứ tư, tại các khu dân cư cần lên kế hoạch thành lập “Các loại hình câu lạc bộ âm nhạc, nghệ thuật” cho người cao tuổi. Tại đó họ có thể diễn tấu các loại nhạc cụ Trung Hoa cũng như nhạc cụ phương Tây, để họ có thể hát các ca khúc bằng giọng của các miền từ Nam đến Bắc, khuyến khích họ vẽ tranh, động viên họ viết chữ, cổ vũ họ ngâm thơ, làm câu đối, chia sẻ những điều tâm đắc sau khi đọc sách, để người già lại một lần nữa cất lên khúc ca cuộc đời.
Thứ năm, thành lập các “Đoàn du lịch cho người cao tuổi”, để họ có thể du sơn ngoạn thủy như thanh niên.
Thứ sáu, thành lập “Xưởng gia công dành cho người cao tuổi”, làm các công việc gia công vừa giúp họ có thể vận động lại có thể kiếm thêm thu nhập bổ sung cho cuộc sống hàng ngày.
Tóm lại, người già đáng được kính trọng và yêu thương. Họ không chỉ có công với đất nước, với xã hội mà họ còn có ân có nghĩa với chúng ta. Vì vậy, chúng ta nên quan tâm tới người cao tuổi, tạo điều kiện để họ có thể lại sống mùa xuân thứ hai của cuộc đời.