Xã hội của chúng ta thịnh hành câu nói: Nhìn về phía “tiền”1. Cả nước từ trên xuống dưới đều nhìn vào đồng tiền, bạn thử nói xem một quốc gia trọng lợi khinh nghĩa như vậy, thì có thể đạt được thành tựu gì? Điều này chúng ta có thể suy nghĩ mà biết được.
1 Trong tiếng Hán, “tiền” 前 (phía trước) đồng âm với “tiền” 錢 (tiền bạc).
Xã hội tiến bộ đương nhiên là do kinh tế phát triển, tăng trưởng, vì có kinh tế mới có thể xây dựng, cải thiện đời sống, nuôi sống gia đình, phát triển giao thông, tăng cường quốc phòng, v.v. sao có thể nói tiền không quan trọng? Nhưng tiền một mặt mang lại tiến bộ cho xã hội, mặt khác cũng khiến nhân tính con người trở nên sa đọa. Anh em trong nhà bất hòa với nhau chỉ vì tiền; rất nhiều đôi vợ chồng trở mặt ly hôn cũng vì tiền; bạn bè ác khẩu với nhau cũng vì tiền; nhiều đối tác cùng hợp tác kinh doanh, phân chia lợi tức không đồng đều mà kiện nhau ra tòa, cũng vì tiền; thậm chí thanh thiếu niên vì tiền mà trộm cắp, cướp giật; các thành phần bất hảo vì tiền mà gây ra những vụ án thương thiên hại lý; còn rất nhiều tham quan ô lại vì tiền mà không thể phục vụ nhân dân một cách chân chính, dẫn đến thân bại danh liệt.
Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế, nhưng càng cần hơn một xã hội có tri thức.
Thế nào là một xã hội có tri thức? Đó là xã hội mà toàn dân đọc sách, có tư tưởng, có trí tuệ, biết phân tích sự việc, phán đoán được thiện ác, tốt xấu; người người đều xuất phát từ tri thức, họ không chỉ có thể bao dung một gia đình, mà còn có thể bao dung cả xóm làng, xã hội, quốc gia. Như vậy, tri thức quan trọng hơn tiền bạc rất nhiều.
Tri thức là động lực của con người, người có tri thức có thể thay đổi khí chất của bản thân; người có tri thức có thể thấu hiểu đạo lý đối nhân xử thế; người có tri thức có thể xây dựng rất nhiều phương án, kế hoạch vì nước vì dân; có tri thức thì chất lượng của sản phẩm sẽ tốt hơn; có tri thức thì khoa học, triết học có thể nâng cao.
Một số chính trị gia vì không đủ tri thức, cho nên họ phân chia đảng phái, mưu cầu lợi ích cá nhân, không lấy toàn dân làm chủ. Thậm chí, không ít nhà giáo dục ngày nay, tuy công việc của họ là giáo dục con người, nhưng họ cũng không nghĩ đến tri thức. Tri thức không chỉ dùng để dạy người khác mà trước hết còn để hoàn thiện bản thân mình, để bản thân trở thành chủ nhân của tư tưởng, tri thức.
Tri thức không có nghĩa là đọc sách nhiều, cũng không phải là biết cách nói chuyện, hay biết kiếm tiền. Người không đi học, không biết chữ, họ cũng có tri thức. Lục tổ - Đại sư Huệ Năng ngộ đạo, bạn dám nói rằng Ngài ấy không có tri thức chăng? Vũ Huấn đi ăn xin để chấn hưng việc học, bạn có thể nói ông ta không có tri thức chăng? Vương Quán Anh, người đi nhặt các đồ đồng nát để lập nên thư viện, bạn có thể nói ông ta không có tri thức ư?
Người có tri thức sẽ hiểu rõ đạo lý. Chỉ cần mọi người hiểu được đạo lý làm người, hiểu được quan hệ giữa bản thân và tập thể, biết đạo nghĩa nhân cách, biết nghĩ đến quốc gia xã hội, biết chí công vô tư, đây chính là tri thức xã hội.
Tri thức, xét trên phương diện cá nhân chính là dũng khí đạo đức; trên phương diện xã hội chính là chính khí nơi công cộng, ở trong nước đâu đâu cũng cần lan tỏa công lý, chính nghĩa. Tri thức là cần phải biết người, biết việc, biết tình, biết lý, biết vật, biết tâm, có thể dung hòa mối quan hệ giữa con người, với mọi vật, mọi việc, trao nhân duyên cho người khác, đó mới là tri thức.
Chúng ta thà rằng cái gì cũng ít đi một chút, nhưng tri thức xã hội thì không thể thiếu.