Lời đồn vốn là lời nói dối, nhưng lời nói dối được nói đến lần thứ 30 thì cũng có người cho nó là chân lý!
Có người đến nhà Tăng Tử, nói với mẹ ông rằng: “Tăng Tử giết người rồi”. Lần đầu mẹ ông không tin, lòng không chút dao động; lần thứ hai, lại có người đến nói Tăng Tử giết người, mẹ Tăng Tử tuy miệng nói không thể có chuyện đó nhưng trong lòng lại hoài nghi; lần thứ ba, tin tức Tăng Tử giết người lại được truyền đến, mẹ ông đứng bật dậy khỏi ghế hỏi: “Có phải thật không?”
“Lời nói dối nói mãi rồi cũng thành sự thật”, từ câu chuyện nêu trên ta có thể thấy sự đáng sợ của lời đồn.
Xưa kia, để củng cố quyền lực chính trị của mình, các bậc đế vương thường giả ý thần thánh, mượn lời đồn để mê hoặc dân chúng, như Hồng Tú Toàn của Thái Bình Thiên Quốc tự xưng là “Thiên Vương”, mượn ý trời, tạo các lời đồn để mê hoặc dân chúng. Cho đến, Đông Vương Dương Tú Thanh1 cũng bị những lời đồn hại, đến nỗi vợ lấy người khác, bản thân thì tuyệt vọng tự sát.
1 Là một trong những nhân vật khởi xướng và là tổng tư lệnh khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc. Năm 1851, khi Hồng Tú Toàn tự xưng là Thiên Vương, Dương Tú Thanh cũng trở thành thống soái của quân đội, được phong là “Đông vương”.
Chưa hết, Lương Vũ Đế mất nước cũng là do tin vào những lời đồn đoán của Hầu Cảnh. Ngô Tam Quế sau khi nghe theo lời đồn, cho rằng ái thiếp là Trần Viên Viên bị Lý Sấm Vương bắt, trong lúc căm phẫn đã mở cửa ải Sơn Hải, hai tay dâng giang sơn Đại Minh cho triều đại nhà Thanh.
Lời đồn thật giả lẫn lộn, làm người ta không phân biệt được đâu là thực, đâu là hư. Các thuyết khách thời xưa, lợi dụng những lời đồn để mê hoặc dân chúng, như sư huynh đệ Trương Nghi, Tô Tần đấu trí, đương nhiên cả hai cũng dựa vào cơ trí của mình, nhưng việc họ tung ra những lời đồn, cũng là cách để giành phần thắng.
Trong giới tôn giáo hiện nay, có những người tự xưng là thiền sư, Phật sống, vọng ngôn về thần thông, đến đâu cũng lừa gạt thu tiền. Họ không chỉ dùng lời đồn mê hoặc lòng người, lại còn thốt ra những lời ngông cuồng, “chưa chứng đắc mà nói mình đã chứng đắc”. Thậm chí có những kẻ mạo nhận là “chân Phật”, không phải Phật giả thì cần gì phải tự xưng là “chân Phật”?
Tình cảm vợ chồng như chim liền cánh, như cây liền cành, nhưng cũng không tránh khỏi bị phá hoại vì những lời đồn, cuối cùng lại ly hôn, mỗi người một phương. Anh em tương thân tương ái, bạn bè hỗ trợ lẫn nhau, cũng chỉ vì những lời đồn mà huynh đệ tương tàn, so đo tính toán, tranh chấp với nhau, thậm chí đến mức người sống kẻ chết. Tất cả cũng chỉ vì những lời đồn.
Trên thế gian này, lời nói thật không mấy người muốn nghe, lời đồn đoán lại nhiều người tin tưởng. Có biết bao kế ly gián trong lịch sử chẳng phải đều lợi dụng những lời đồn hay sao? Thời Tam Quốc, các nhân vật như Tào Tháo, Lưu Bị, Lã Bố, hay Gia Cát Lượng đều là những người giỏi dùng kế ly gián. Có thể thấy từ xưa đến nay, lời đồn mê hoặc dân chúng, không thời nào là không có, người nào cơ trí thì người đó có thể giành thắng lợi cuối cùng.
Điển hình là cứ mỗi lần bầu cử, thì những lời đồn lại được phát tán khắp nơi, khiến những người dân thuần khiết, không ai là không bị những lời đồn này làm phiền, làm cho người ta không biết ai đúng ai sai.
Thông tin hiện nay phát triển như vậy, những nhân vật chính trị cũng khó tránh bị kinh động bởi những lời đồn. Tuy nhiên, “thị phi dừng ở bậc trí, lời đồn dừng khi người ta không nghe”. Trên thế gian, có những người thích tung lời đồn, có người thích nghe lời đồn, có người thích phát tán lời đồn, có người thích tin lời đồn; song nếu bạn không nói, không nghe, không lan truyền, không tin lời đồn, thì chúng tự nhiên sẽ biến mất mà không để lại dấu vết nào.