Một con thuyền có thể đi trên biển lớn mênh mông vì nó đã định ra mục tiêu, nó không cần phải băn khoăn có tìm thấy con đường phía trước hay không. Máy bay có thể bay hàng vạn dặm trên bầu trời bao la, vì nó cũng đã đặt ra mục tiêu, chỉ cần đi theo các đường bay thì nó sẽ hạ cánh an toàn. Vậy thử hỏi mục tiêu cuộc đời của chúng ta là gì?
Bạn hãy xem! Xe cộ qua lại tấp nập trên đường, bạn không cần phải suy nghĩ đến chúng vì chúng đều có mục tiêu của mình; người qua lại bên đường như thoi đưa, ai cũng đều có con đường của riêng mình, họ đều đang vội vã hướng tới mục tiêu của riêng mình. Mục tiêu là đích đến của mỗi người, mỗi việc. Con người không thể sống thiếu mục tiêu của chính mình.
Người Trung Hoa xưa, khi còn nhỏ, bố mẹ, các bậc trưởng bối đều khuyến khích họ xác định chí hướng, đặt ra mục tiêu. Đến ngày nay, thanh niên khi đi học thì chọn khoa, chọn ngành học, cần phải điền nguyện vọng một, nguyện vọng hai, v.v. đó cũng là lựa chọn mục tiêu cho mình. Có những thanh thiếu niên thả mình theo sóng gió cuộc đời, tùy ý buông thả, không có mục tiêu, ngày qua ngày sống mơ màng như người trong mộng. Cũng có những thanh niên đặt ra mục tiêu quá lớn, không thực tế, giống như máy móc trong nhà máy, một ngày chỉ có thể sản xuất 20.000 tấn sản phẩm, nhưng bạn lại muốn ép nó sản xuất 100.000 tấn, vượt quá mục tiêu thì cũng như không có mục tiêu; hay một máy xới đất, mỗi ngày chỉ có thể cày xới 20 mẫu, bạn lại muốn nó mỗi ngày cày 100 mẫu, không những không đạt được mục tiêu, mà máy móc nếu chạy quá tải sẽ hỏng hóc. Đó chính là “dục tốc bất đạt”. Cũng giống như máy tính, có thể chứa rất nhiều dữ liệu, nhưng nếu dữ liệu quá nhiều, quá lượng, quá tiêu chuẩn cho phép, máy tính cũng sẽ có vấn đề.
Cho nên, đặt ra mục tiêu nhưng phải lượng sức mình, nên cân nhắc các điều kiện, dần dần từng bước, không thể có chuyện thành công dễ dàng được. Cũng giống như chuyện rùa và thỏ chạy đua, sau khi đặt ra mục tiêu, rùa tuy có chậm chạp nhưng chỉ cần cố gắng bò, cuối cùng nó cũng đã đến đích.
Mục tiêu của trẻ em là hy vọng có thể lớn nhanh, việc học có thành tích; mục tiêu của thanh niên là hy vọng tình yêu mỹ mãn, tìm được một công việc tốt; mục tiêu của người trung niên là hy vọng cả gia đình, người già, trẻ nhỏ, vợ con có thể sống no ấm, bản thân công thành danh toại; mục tiêu của người già là hy vọng có một môi trường yên tĩnh để an hưởng tuổi già, có con hiền cháu thảo, sống vui vẻ tự tại.
Tất nhiên, cũng có những người không lấy bản thân mình làm trung tâm, họ không lấy gia đình, cuộc sống, công danh của bản thân làm mục tiêu. Lòng họ chứa cả thế giới, họ thấu hiểu nỗi khổ đau của con người trong xã hội, họ đặt ra mục tiêu là: “Lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ”; hay như Đức Phật phổ độ chúng sinh, khai thị giáo hóa làm cho chúng sinh lợi lạc hoan hỷ; cho đến tục ngữ Trung Hoa nói: “Nam nhi chí ở bốn phương”, không đoái hoài đến riêng bản thân mình.
Mục tiêu cũng có nhiều loại, bạn cho việc tòng quân báo quốc là mục tiêu, bạn cho việc làm chính trị để cứu giúp dân chúng là mục tiêu, bạn cho việc tăng gia sản xuất công nghiệp, nông nghiệp là mục tiêu, hoặc bạn cho việc học để giáo dục người khác là mục tiêu, hay bạn lấy lòng từ bi “người đói ta cũng đói, người chết chìm ta cũng chết chìm” của những nhà tôn giáo làm mục tiêu, thậm chí có khi bạn chỉ cần làm một nhân vật nhỏ, an bần lạc đạo, tuân thủ pháp luật, giữ gìn bổn phận, vui với người nhà, giúp đỡ khu dân cư mình sinh sống, lấy đó làm mục tiêu. Con người chỉ cần có mục tiêu, bất kể là lớn hay nhỏ thì sẽ hoàn thành cột mốc của cuộc đời mình.