Mắt, tai, miệng, mũi, thân thể, tâm, trong Phật giáo gọi là “lục căn”, cũng gọi là “lục thức”. Thông qua lục căn, con người có thể nhận thức được “lục trần”1, đây là cách tạo nên các hoạt động của thân và tâm.
1 Lục trần gồm: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
Sáu thức đóng vai trò rất quan trọng đối với con người. Thân thể như một thôn trang, trưởng thôn (ông chủ của thân) là tâm thức; mắt, tai, miệng, mũi, thân thể đều nương theo tâm thức mà sinh ra, cho nên còn gọi là “năm thức đi cùng”.
Mắt muốn nhìn thấy đồ vật, cần có đủ chín nhân duyên1, thì đôi bên mới có thể tác động lẫn nhau. Miệng có thể nói, có thể hát, việc xấu có thể nói thành việc tốt, việc tốt có thể nói thành việc xấu, khẩu nghiệp, thiện ác thao thao bất tuyệt cũng mang đến cho con người ta rất nhiều phiền phức.
1 Theo Hoa nghiêm kinh, chín duyên này gồm: cảnh, ánh sáng, hư không, mắt, chủng tử, tác ý, ý thức, mạt na thức, a lại da thức, hợp thành chín duyên.
Trong sáu thức, thân thể dường như là một thôn trang, năm thức như thám tử. Mũi, mắt, tai, miệng, tâm, trong năm thức ấy, thức nào bạn dùng nhiều nhất? Bạn thích nhìn nhiều? Hay thích nghe nhiều? Thích ăn nhiều? Hay thích nói nhiều?
Nếu bạn chú ý một chút, sẽ thấy có một vài người dường như có vẻ không thích dùng mắt nhìn, cũng không thích dùng tai lắng nghe, mà chỉ thích dùng miệng nói. Ví dụ như một đoàn du lịch, vừa đến khách sạn, hướng dẫn viên tập trung mọi người và nói: “Bên tay trái tôi là nhà hàng, sáu giờ mọi người vào nhà hàng này ăn. Bên tay phải tôi là nhà vệ sinh, mọi người có thể sử dụng”.
Sau khi nói xong, hướng dẫn viên rất yên tâm vì nếu mọi người quên có thể xem biển chỉ dẫn. Nhưng sau khi giải tán chưa lâu, lập tức có người hỏi: “Hướng dẫn viên, nhà vệ sinh ở đâu?” Hướng dẫn viên nghe xong, bực cũng không được mà không bực cũng chẳng xong, đáp lại: “Khi nãy chẳng phải tôi vừa nói rồi sao? Sao anh lại không nghe thấy, hơn nữa cũng có biển chỉ dẫn mà, sao anh còn phải hỏi lại?” Từ đó có thể thấy, đối với những người như vậy, cho dù bạn nói gì, họ cũng không chú ý lắng nghe, bạn viết gì, họ cũng không để tâm đọc, họ đều cho rằng đến lúc cần thì chỉ hỏi một cái là có thể giải quyết vấn đề.
Thực ra, nhãn thức được sinh ra khi đủ chín duyên, tai lại càng hữu ích. Những vật ở xa, mắt không nhìn thấy được nhưng tai có thể nghe thấy; đồ vật ở bên cạnh bị che khuất, nhìn không thấy, nhưng có thể nghe thấy âm thanh; những việc đã qua không còn nhìn thấy nữa, nhưng bạn kể lại một lần, tôi vẫn có thể nhớ lại được. Mắt, tai đều có sở trường của mình, đáng tiếc mọi người không biết tận dụng, mà chỉ tận dụng cái miệng luôn tạo ra những tranh cãi thị phi, mọi người đều tin vào nó, thường cho rằng phải nói ra thì mới tính là có.
“Chính mắt nhìn thấy, chính tai nghe thấy, chính mình nói ra”; người nói thì có đúng có sai, người nghe thì có giả có thật, chỉ có nhìn mới là chân thực. Vì vậy, chúng ta nên tận dụng đôi mắt để quan sát thế giới nhân sinh này, chứ không nên việc gì cũng chỉ tin vào đôi tai và cái miệng.