Để chăm sóc kiều bào trên toàn thế giới, Ủy ban Kiều vụ Trung Hoa Dân Quốc đã tăng cường quảng bá tình hình chính sự trong nước, đặc biệt thiết lập một kênh truyền hình vĩ mô. Vào thời đại của thế kỷ XXI, có những việc ngỡ xa tận chân trời, nhưng ta lại có thể dễ dàng tiếp cận như thể chúng gần ngay trước mắt, quả thực là một thời đại có tầm nhìn “vĩ mô”.
Ông Hồ Trung Tín1 phát biểu rằng: “Vĩ mô là kính viễn vọng, vi mô là kính hiển vi”. Con người nhìn thế giới không thể không có tầm nhìn vĩ mô, tất nhiên không thể thiếu kính viễn vọng, còn nhìn nhận bản thân thì không thể thiếu vi mô, đương nhiên là không thể thiếu kính hiển vi.
1 Hồ Trung Tín (1953): Sinh tại Đài Loan, một nhà hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, nhà bình luận chính trị.
Nói đến mối liên hệ giữa vĩ mô và vi mô, ta thấy phải có vĩ mô mới có tầm nhìn xa, mới có thể mở rộng lòng mình, mới có nhận thức về quốc tế, nhìn được xa, trông được rộng, thấy được nhiều, “bàn mưu kế ở trong màn trướng, định thắng lợi ở ngoài ngàn dặm” đó chính là vĩ mô. Vi mô là nhận thức, nhìn thấu được bản thân, bản thân có bao nhiêu sự nhẫn nại, bao nhiêu năng lực, có khuyết điểm gì, có khả năng phối hợp gì, có thể kết hợp sức mạnh cá nhân với nhu cầu của tập thể, xã hội đó là vi mô.
Căn nhà của cư sĩ Duy Ma tuy nhỏ nhưng có thể chứa được 32.000 tòa sư tử, có thể tiếp đón hàng nghìn, hàng vạn Bồ tát và La hán; cũng giống như Đức Phật thấy cả tam thiên đại thiên thế giới như một quả Am ma la1, đó chính là vĩ mô. Khi Lưu Huyền Đức đến Long Trung mời Gia Cát Lượng xuống núi trợ giúp mình, Gia Cát Lượng đã đưa ra “Long Trung đối sách” nói về viễn cảnh ba nước phân tranh, đó là vĩ mô. Các đời vua chúa bị bọn tiểu nhân vây quanh, không nhìn ra sự nguy nan của quốc gia ở ngay trước mắt, vì họ không có tầm nhìn vi mô, không có kính hiển vi.
1 Quả Am ma la: Hay A ma lặc, quả của cây Am ma la (một loại cây ở Ấn Độ), có vị chua, có thể dùng làm thức ăn, cũng có thể dùng làm thuốc.
Một lần Mạnh Tử hỏi Tề Tuyên Vương rằng: “Sức tôi đủ nhấc nổi trăm quân1 nhưng không nhấc nổi một cọng lông; mắt tinh đủ thấy rõ một cọng lông vào mùa thu nhưng không thấy cái xe chở củi”. Vua nói: “Làm gì có chuyện đó”. Mạnh Tử lại nói: “Nay ơn huệ lan tỏa tới cầm thú, mà công lao không đến được với trăm họ, sao lại lẻ loi thế? Không nhấc nổi một cọng lông vì không dùng sức đấy thôi; không thấy được cái xe chở củi vì không chịu dùng mắt sáng đấy thôi; không che chở được trăm họ vì không dùng đến ân huệ đấy thôi. Cho nên vua chẳng nên nghiệp vương là do vua chẳng chịu làm, đâu phải không có khả năng”.
1 Quân: Là đơn vị đo trọng lượng tại Trung Hoa vào thời cổ, tương đương với 15kg.
Vĩ mô, ai ai cũng có năng lực này, nhưng người ta không làm; vi mô, “cắp Thái Sơn vượt qua biển Bắc”, quả thực là không thể; “phục vụ cho bậc trưởng giả, là không muốn làm thôi, chứ không phải không thể làm được”. Đấy chính là Tề Tuyên Vương không có kính viễn vọng để nhìn được tầm vĩ mô, lại không có kính hiển vi để soi thấu được vi mô.
Có người nói rằng, từ một đám mây có thể biết được sự thay đổi của thời tiết; từ một hạt gạo có thể thấy được mồ hôi công sức và sự vất vả của người nông dân; từ một hạt cát, một viên sỏi có thể thấy được tam thiên đại thiên thế giới; từ một góc áo cà sa có thể thấy được lòng từ bi của Phật thân sắc vàng ròng; từ sự sinh sôi của cây cối hoa cỏ có thể thấy được nguồn sinh mệnh vô hạn của thiên nhiên vĩ đại.
“Thấy được thành tựu của tất cả các pháp chính là thấy được nhân duyên”, đó là vi mô; “thấy được duyên khởi là thấy Phật”, đó là vĩ mô. Cho đến “trong núi Tu Di chứa hạt cải, trong hạt cải lại chứa núi Tu Di”, đó là vĩ mô; còn “Phật quán một bát nước, trong đó có 48.000 con vi trùng” là vi mô.
Bạn không những vừa phải nhìn rõ sợi lông mùa thu, mà còn phải thấy được xe chở củi, như vậy mới có đủ cả tầm nhìn vi mô và vĩ mô.