“Làm lại từ đầu” là một việc thật tốt đẹp!
Tôi từng bị bệnh nặng, hiện nay đã khỏi, với tất cả mọi việc tôi đều có thể “làm lại từ đầu”. Tôi đã từng thất bại, chán nản, hiện tại tôi phấn đấu, cũng có chút thành quả, tôi có thể bắt đầu lại từ đầu.
Trước đây, tôi không có các mối quan hệ, không được người thân và bạn bè yêu mến, hiện tại tôi kết được nhiều thiện duyên, có rất nhiều bạn bè ủng hộ tôi, tôi có thể “làm lại từ đầu”. Trước đây, tôi không biết cư xử, đắc tội với người này, đắc tội với người kia, hiện nay tôi đã biết sửa chữa lỗi lầm, một lòng hướng thiện, tôi có thể đối đãi với người khác theo lễ nghĩa, người khác cũng chịu nối lại tình xưa với tôi, tôi đã có vốn để “làm lại từ đầu”. Có niềm tin bắt đầu lại cuộc đời, thì sẽ có hy vọng thành công trong tương lai.
Rất nhiều người từng bị tai nạn, gãy xương, tàn tật, sau khi được chữa trị, phải ngồi xe lăn, trong lòng họ vẫn tràn đầy niềm tin và nghị lực để bắt đầu lại, sau cùng đều có thể thành công. Có người không gặp thời, trồng trọt canh tác sắp đến ngày gặt hái lại gặp mưa to gió lớn, chịu cảnh tay trắng; có người khi lập nghiệp, gặp phải sự cố, nhà tan cửa nát, mất hết cả thành tựu. Nhưng chỉ cần không mất niềm tin, biết làm lại từ đầu, vài năm sau, họ có thể thấy được thành quả của mình.
Khi đi trên đường, vấp ngã rồi, có thể đứng dậy; khi lái xe, xe hỏng rồi, sửa xong thì có thể tiếp tục tiến về phía trước. Thi trượt thì năm sau thi lại; không trúng cử thì năm sau có thể ứng cử tiếp. Thậm chí lũ lụt, hỏa hoạn, thiên tai, động đất phá hủy nhà cửa, vườn tược, tài sản của chúng ta nhưng không hủy diệt được niềm tin của chúng ta, chỉ cần chúng ta có thể bắt đầu lại, còn sợ không thể thành công sao?
Pierre Fournier vốn là một nghệ sĩ Piano nổi tiếng, có rất nhiều người hâm mộ, nhưng không may ông lại mắc bệnh bại liệt, hai chân không thể sử dụng bàn đạp của piano, bắt buộc phải ngừng diễn tấu. Nhưng ông không vì thế mà nhụt chí, chuyển sang luyện Cello để bắt đầu lại sự nghiệp. Sau đó, nhờ nghị lực và niềm tin của mình, ông đã trở thành một tay Cello cự phách trong lịch sử âm nhạc.
Paul Wittgenstein là nghệ sĩ Piano nổi tiếng tại Viên (thủ đô của nước Áo) vào đầu thế kỷ XX, nhưng trong Thế chiến thứ hai, không may ông bị đạn pháo bắn cụt tay phải, ông không vì vậy mà chịu cúi đầu trước số phận, ngược lại ông đi khắp nơi khẩn cầu các nhà soạn nhạc, giúp ông soạn những bản nhạc có thể diễn tấu bằng tay trái, cuối cùng ông để lại những khúc diễn tấu Piano tay trái khiến người ta yêu thích1.
1 Nhạc công Paul Wittgenstein: Ông bị cụt tay trong Thế chiến thứ nhất. Trong bài có thể do tác giả nhầm lẫn.
Thomas Alva Edison đối mặt với hỏa hoạn ở nhà máy, tất cả tài sản đều bị thiêu rụi, nhiều người lo rằng ông không thể chịu nổi cú sốc này, nhưng không ngờ ngày hôm sau, ông nói với nhân viên rằng: “Cảm ơn ngọn lửa đã không thiêu rụi cả tôi, mà chỉ đốt cháy tất cả những lỗi lầm trước đây, chúng ta hãy bắt đầu lại từ ngày hôm nay”.
Đời người, việc không như ý rất nhiều, mười việc thì có đến tám chín việc không như ý, mình ngã thì tự mình phải đứng dậy. Có người ngã một lần đã không thể gượng dậy nổi; có người thì giống như lật đật, càng vấp ngã càng dũng cảm bật lên. Làm thế nào để khi vấp ngã không những không thấy tiêu cực, chán nản mà còn có thể tích cực bắt đầu lại? Tôi xin đề xuất bốn ý kiến sau đây:
Thứ nhất, cần lấy tâm thái bình tĩnh đối diện với mọi nghịch cảnh.
Thứ hai, cần dùng tâm cảm ơn, biết ơn để chuyển hóa trở lực.
Thứ ba, cần lấy tâm tinh tấn để tăng cường sức mạnh.
Thứ tư, cần lấy tâm trí tuệ để thấu hiểu mọi nhân duyên.
Trên đường đời, chỉ cần chúng ta có nghị lực, không ngừng bắt đầu lại, thì có thể trở thành con lật đật không bao giờ bị gục ngã.