Tính của con người là thiện hay ác? Vấn đề này từ xưa đến nay vẫn chưa có một kết luận chính xác.
Tuân Tử chủ trương: “Tính người vốn ác”, khi sinh ra đã ích kỷ, cố chấp, mang theo tham, sân, si đến nhân gian là ác, sao có thể nói là thiện đây? Mạnh Tử chủ trương: “Con người tính vốn thiện”, vì con người ai cũng có lòng trắc ẩn. Có biết bao nhà Nho lỗi lạc đã tranh luận không ngừng về vấn đề tính người thiện hay ác, cuối cùng vẫn chưa có kết luận.
Tính của con người là thiện chăng? Tính của con người là ác chăng? Phật giáo nói rằng, tâm có thể là thiện, có thể là ác, có thể là ác, có thể là thiện. Thiện ác khó mà phân biệt, chúng đan xen với nhau hòa thành một thể, nhưng vì nhân duyên, có người hướng thiện, có người lại hướng ác. Trong Đại thừa khởi tín luận nói rằng: “Một tâm mở ra hai cửa: cửa chân như và cửa sinh diệt”, câu kinh này đã gây ra nhiều tranh luận sâu sắc. Hoa nghiêm kinh nói rằng: “Một tâm có đủ mười pháp giới”, mỗi một cuộc sinh diệt đều có thiện ác, nếu tâm thiện thăng hoa thì mỗi ngày đều thăng hoa lên cảnh giới của thánh nhân, thanh tịnh, đẹp đẽ, phát sáng; nếu ác niệm tăng trưởng, khó tránh khỏi sự đen tối, trầm luân, đọa lạc, tự hủy hoại. Cho nên chúng ta thăng trầm trong bốn thánh sáu phàm, phải xem công phu hành trì như thế nào? Thường trụ ở thiện giới hay dừng lại ở cõi phàm tục?
Hoa nghiêm kinh nói “mười pháp giới” gồm: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A tu la, người, trời cho đến chư Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và Phật. Trong mười pháp giới này, mỗi pháp giới đều có “mười như thị”1: gồm như thị tướng, như thị tính, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bản mạt cứu cánh. Vì mỗi một pháp giới đều có “mười như thị” nên “một trăm giới thì có một nghìn như thị”, đời người thiện ác, tốt xấu lẫn lộn, từ xưa đến nay luôn đan xen, khó mà tách bạch.
1 Mười như thị là mười bản chất chân thực của các pháp gồm: tướng như vậy, tính như vậy, thể như vậy, lực như vậy, tạo tác như vậy, nhân như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo ứng như vậy, đầu cuối rốt ráo như vậy.
Thiên Thai tông nói rằng: Về thiện ác trong nhân tâm, có thuyết “tính khởi”1, có thuyết “tính cụ”2. Khoan hãy bàn đến những học thuyết uyên áo như vậy, chỉ bàn đến tâm của chúng ta, trước mắt chúng ta có hai con đường, một đường thiện, một đường ác, bình thường chúng ta chỉ cần tự hỏi: “Chúng ta nên đi theo đường thiện hay nên đi theo đường ác?” Nếu ta chọn đi theo đường thiện thì hãy giữ mình theo giới luật, đề phòng những việc làm sai trái, dừng lại những việc ác, lấy đạo đức để hành sự, hỷ xả bố thí, tạo phúc cho đại chúng, dùng Phật pháp để làm thanh tịnh tâm niệm, giữ vững định tuệ Bát nhã, tác động đến xã hội, lấy tâm Bồ đề để chăm sóc thế gian, hóa tục hướng chân. Chỉ cần người trên thế gian vẫn giữ chân tâm bất diệt, không ngừng cố gắng, thì sẽ hoàn thành pháp giới viên mãn của tự tâm.
1 Tính khởi: Từ nơi tính mà sinh khởi, tức là từ cảnh giới của Phật quả mà nói về sự hiện khởi của các pháp, là một trong các giáo nghĩa của Hoa Nghiêm tông. Theo phẩm Bảo vương Như lai tính khởi trong Hoa nghiêm kinh, tính khởi thuộc về quả, là pháp môn của Đức Phật Lô Xá Na. Tất cả pháp tùy thuận bản tính chân thực của chúng mà hiển hiện, đồng thời có năng lực tùy theo căn cơ của chúng sinh mà sinh khởi tác dụng, đó là tính khởi (Trích Phật Quang đại từ điển).
2 Tính cụ: Chỉ cho chân như, pháp tính sẵn có trong mỗi chúng sinh. Thiên thai tông chủ trương mỗi một sự pháp trong pháp giới xưa nay vốn tròn đủ ba nghìn các pháp nhân quả, mê ngộ trong mười cõi, đó gọi là tính cụ. Nghĩa là các thế giới hiện tượng đều có thiện và ác, đây kia hoàn toàn đầy đủ, mà pháp này pháp kia không lẫn lộn nhau. Ý nghĩa tính cụ này là thuyết cao tột, là nền tảng và đặc sắc căn bản của giáo học Thiên thai. Sự khác nhau cơ bản về tư tưởng giữa Thiên thai tông và Hoa nghiêm tông là ở chỗ: Thiên thai tông chủ trương thuyết tính cụ, còn Hoa nghiêm tông thì chủ trương thuyết tính khởi (Trích Phật Quang đại từ điển).
Nếu chúng ta chọn đường ác, thì hãy cứ ích kỷ, cố chấp, lợi mình hại người, làm tổn hại lợi ích của người khác, xâm phạm sở hữu của người khác. Tính ác nếu đầy tràn đến cùng cực, ắt sẽ đánh mất đi giá trị của sinh mệnh. Chúng sinh thuộc ác đạo chẳng phải đều chịu nhân quả như vậy sao? Chúng ta cũng không nên tranh luận nhân tính là thiện hay ác, rõ ràng có hai con đường như vậy, bạn vẫn không biết nên chọn như thế nào ư?