Khôn ngoan có tốt hay không? Ai cũng hy vọng mình khôn ngoan, ai cũng mong cầu mình khôn ngoan, sao có thể nói khôn ngoan không tốt được?
Khôn ngoan rất tốt ư? Có câu rằng: “Khôn ngoan lắm oan trái nhiều”. Thời Tam Quốc có Dương Tu, cậy mình thông minh, cậy tài mà kiêu căng ngạo mạn, nên cuối cùng rước họa vào thân. Điền Phong ra sức khuyên Viên Thiệu chớ nên tác chiến trực tiếp với Tào Tháo, Viên Thiệu không nghe, còn nhốt ông ta vào đại lao, kết quả là Viên Thiệu xuất binh đại bại. Điền Phong trong ngục than rằng: “Đời ta thế là hết”. Người khác mới nói rằng: “Ông can gián đúng, Viên Thiệu chắc sẽ thả ông”. Điền Phong đáp rằng: “Ta vốn biết Viên Thiệu lòng dạ hẹp hòi, ta nói sai ông ta có thể sẽ tha cho ta, ta nói đúng ông ta nhất định sẽ giết ta”. Sự khôn ngoan của Điền Phong chẳng những không giúp ông ta trên con đường thăng quan tiến chức, ngược lại còn hại ông chết oan trong ngục.
Có những người thông minh lỗi lạc, nhưng đối với những lĩnh vực mà mình am hiểu, lại không suy nghĩ thấu đáo, chỉ biết một mà không biết hai, không hiểu được quy luật trước tạo nhân sau dẫn đến quả, như vậy không được coi là khôn ngoan. Ví như bọ ngựa bắt ve, bọ ngựa tự cho rằng đã thắng thế, ai dè chim sẻ lại ở ngay sau; chim sẻ tự cho rằng là thành công rồi, ai ngờ lại trúng đạn của người thợ săn.
Trong xã hội, có những kẻ phạm tội thường tự cho rằng thủ đoạn của mình không có sơ hở, những vụ án mình gây ra không ai biết, nhưng trời biết, đất biết, nhân quả biết, sao có thể nói không ai biết? Trong xã hội, có rất nhiều tội phạm theo “tuýp trí tuệ”, đều tự cho mình là thông minh, chẳng phải là gậy ông đập lưng ông sao?
Chúng sinh đều có tâm lý ăn may, tự cho mình khôn ngoan, không sợ luật nhân quả. Cho dù bạn không biết sợ nhân, nhưng khi quả đắng đến, bạn cũng không sợ ư? Ích kỷ không nghĩ đến ai, chính là không khôn ngoan; tham lam coi thường pháp luật, chỉ biết lợi mình hại người, thì đều là không khôn ngoan; sân hận, đố kỵ, cản trở người khác, là không khôn ngoan; tham lợi nhỏ, nhận vơ thành tích của người khác, tự cho rằng mình được lợi, thực tế lại đánh mất đi nhân cách đạo đức, đây không phải là khôn ngoan.
Có một đứa con trai ra ngoài ăn cắp ăn trộm, người mẹ lại khen con thông minh tài giỏi. Đứa con càng ăn cắp thì càng liều lĩnh, tội lỗi chồng chất, cuối cùng cướp của giết người, bị xử tử hình. Cho nên người làm cha mẹ, đối với con cái không nên chỉ yêu cầu chúng khôn ngoan, mà cần dạy dỗ chúng nên biết giữ bổn phận, hiểu rõ nhân quả, biết tiến biết lui, không làm hại người khác, không trộm cắp của người khác, từ đó mà biết hỷ xả, tùy duyên bố thí theo khả năng của mình, như vậy chắc chắn có thể kết được nhiều thiện duyên, tiền đồ thuận lợi, đây chính là con đường dẫn tới thành công.
Làm người chớ cậy thông minh; mình tính, người tính, không bằng trời tính! Khôn ngoan chân chính là hiểu rõ quan hệ giữa mình và tập thể, hiểu được sự hòa hợp của mọi lẽ, biết tuân thủ pháp luật. Người thông minh sẽ hiểu nguyên tắc “dự tắc lập”, đó là làm việc gì cũng phải có sự chuẩn bị thì mới an toàn. Người thông minh luôn hiểu rằng có gieo hạt mới có thu hoạch.
Trong lịch sử, rất nhiều kẻ phát động chiến tranh, đều tự cho mình là thông minh, đến cuối cùng chẳng phải đều thất bại đấy sao? Trong xã hội, nhiều người cho rằng vay tiền để đầu tư, lập nghiệp là có thể kiếm được một món hời lớn, chẳng phải cuối cùng đều nợ nần chồng chất, thân bại danh liệt sao? Có kẻ cho rằng người nhà làm quan, có tiền có thế, đi đâu cũng ăn không uống không của người khác, đến cuối cùng gia đình sa sút, trắng tay. Bởi vậy mới nói, nếu chỉ cậy khôn ngoan, con người ta sao có thể đứng vững trong xã hội này?
Tô Đông Pha từng nói:
Nuôi con đều muốn được thông minh,
Ta bị thông minh hại đời mình,
Chỉ mong con trẻ luôn khờ khạo,
Chẳng gặp nạn tai được công khanh.
Đây tuy là sự châm biếm của Tô Đông Pha với triều đại đương thời, nhưng cũng cho thấy, một người tài trí thông minh, nếu không chịu vun bồi, tích lũy phúc đức nhân duyên, thì rất khó mà đứng vững trong cuộc đời này, thậm chí có người vì vậy mà uất ức cả đời, còn có thể than trách ai đây? Người thông minh tài trí nếu hiểu được nên kết nhiều thiện duyên, hiểu được việc vun bồi sự hòa hợp với người khác, đó mới là sự khôn ngoan chân chính.