Chúng ta khi làm bất cứ việc gì cũng cần phải cân nhắc kỹ càng, suy nghĩ trước sau, nghiền ngẫm thấu đáo.
Một việc có thể làm được hay không, có khả thi hay không, có dễ làm hay không, có cần làm hay không, đều cần phải cân nhắc. Trước bất kỳ việc gì, chúng ta cũng phải biết việc đó có chân chính hay không, thiện lành hay không, cũng cần phải cân nhắc.
Nói năng nên “cân nhắc” để tránh đắc tội người khác; làm việc nên “cân nhắc”, liệu việc đó có gây thiệt thòi cho người khác không; đứng trước lợi ích nên “cân nhắc”, liệu điều đó có xâm phạm đến người khác không; vinh quang đến với mình, cũng nên “cân nhắc”, liệu vinh quang ấy có chấp nhận được không; đầu tư cũng nên “cân nhắc”, liệu khoản đầu tư ấy có thỏa đáng không; kết giao với bạn bè cũng nên “cân nhắc”, liệu hai bên có thành tâm thành ý hay không; đặc biệt kết hôn cũng nên “cân nhắc kỹ”, liệu hai bên có thực sự tâm đầu ý hợp, tự nguyện đến với nhau hay không?
Dù là ngoài xã hội hay trong gia đình, ta cũng nên cân nhắc kỹ khi đối nhân xử thế. Ví dụ như khi họp hành, ta nên cân nhắc trước khi phát biểu mới không nói năng thất thố. Viết thư, viết văn cũng nên đắn đo suy ngẫm, như vậy ta mới được người khác kính trọng. Hiện nay, các dự thảo nghị quyết tại quốc hội đều phải được “đọc thông qua ba lần”, thì mới trở thành nghị quyết chính thức, vì vậy tất cả mọi việc đều nên cân nhắc kỹ, để tránh thiếu sót hoặc có chỗ chưa chu toàn.
Cân nhắc kỹ, là không chỉ đứng trên lập trường của bản thân mình, mà còn phải nghĩ đến lập trường của người khác; cũng không thể chỉ đứng trên lợi ích của bản thân, mà phải dựa trên cơ sở lợi ích của tập thể. Một việc tuy có lợi cho bản thân, nhưng vẫn nên cân nhắc thận trọng đến lợi ích chung, nếu không có lợi cho tập thể cũng không nên làm; tuy nhiên nếu mình không được lợi nhưng lại có lợi cho số đông, thì nên cân nhắc thận trọng và dốc lòng hoàn thành.
Ý nghĩa của việc cân nhắc, là nhắc nhở chúng ta nên suy nghĩ chu toàn, để mọi mặt đều hoàn mỹ; đừng nói những lời làm mình phải ăn năn, đừng làm những việc khiến mình phải hối hận. Ví dụ như việc đọc sách, cần phải đọc vài ba lần, mới có thể hiểu hàm ý trong đó; nghe người khác nói, cũng phải suy ngẫm mới có thể hiểu ý họ. Đứng trước danh và lợi, ta nên cân nhắc; khi được mất thắng thua, càng nên cân nhắc. Nếu ta quá manh động, quá thẳng thắn, chưa có sự cân nhắc, thì sẽ gặp phải những cạm bẫy.
Ngày nay, dù làm việc gì cũng cần lên kế hoạch trước, thậm chí kể cả việc triệu tập một cuộc họp, cũng nên cân nhắc kỹ. Việc dự toán chi tiêu trong gia đình, hay việc phát triển sự nghiệp cũng cần lên kế hoạch năm năm, kế hoạch mười năm; nếu bạn không năm lần bảy lượt cân nhắc, thì sẽ rất dễ có thiếu sót hoặc khuyết điểm khó mà chu toàn được.
Cân nhắc là suy xét trước sau, vì thế giới này không chỉ có mình ta, lời đã thốt ra thì đều có liên quan đến người khác, việc khi đã làm ắt sẽ ảnh hưởng đến người khác. Nếu ta không thể dung hòa với mọi sự, mọi vật, nếu không biết cân nhắc thì sao có thể dung nhiếp lẫn nhau? Mỗi người cũng chỉ như một giọt nước trong biển cả, một giọt nước mà bạn còn không thể dung hòa, thì sao có thể sinh tồn trong biển lớn vô biên chứ?
Cho nên, các mối quan hệ trong đời người, quan hệ giữa bản thân với đất nước, với xã hội, với bạn bè, tình yêu, sự nghiệp, công việc, tư tưởng, v.v. đều cần có mối liên hệ mật thiết. Nếu chúng ta không “cân nhắc” kỹ, khiến cho các mối quan hệ ấy trở nên hòa hợp thì sao có thể sinh tồn?