Muốn biết thực lực của một quốc gia lớn đến đâu, trước tiên phải tìm hiểu họ có bao nhiêu vốn dự trữ? Dự toán tốt có thể tăng cường quốc phòng, củng cố giáo dục, tăng thêm phúc lợi xã hội, xây dựng hệ thống giao thông, đầu tư vào các công trình công ích, phục vụ nhân dân, thậm chí cải cách về nông nghiệp, công nghiệp, bảo vệ rừng, v.v. Nhờ dự toán mà quốc gia, xã hội ngày càng được xây dựng để trở nên tốt đẹp hơn.
Một doanh nghiệp có duy trì được hay không, cũng phải xem dự toán của nó là bao nhiêu? Nếu dự toán thu chi hàng năm có lãi, thì doanh nghiệp đó ắt có triển vọng, nếu năm nào cũng thất thu, thì e rằng doanh nghiệp đó đang ở mức báo động đỏ, tương lai chắc chắn rất khó khăn.
Dự toán bao nhiêu, có thể quyết định sự thành bại của mỗi quốc gia, mỗi cá nhân. Chúng ta cũng cần tự lên dự toán cho mình.
Dự toán về sự giàu có của mỗi cá nhân, không chỉ được đánh giá trên phương diện tiền bạc. Bạn thông minh trí tuệ đến đâu, nhân cách đạo đức của bạn tốt đẹp đến đâu, bạn có bao nhiêu bạn bè, danh dự của bạn như thế nào, v.v. tất cả những điều đó đều liên quan đến dự toán cuộc đời của bạn.
Nếu bạn thiếu thốn về tiền tài, vật chất thì những phương diện khác sẽ bổ sung cho bạn. Cho dù bạn có đầy đủ vật chất, nhưng không có bạn bè, không có đạo đức, danh dự, trí tuệ, về mặt dự toán thì thu chi sẽ mất cân bằng.
Trong một công ty, người phụ trách khi lên các dự toán đều phải chú ý đến sự cân bằng giữa thu và chi. Nếu bạn chỉ lên kế hoạch về thu nhập, ở đây mấy nghìn, ở kia mấy chục nghìn, nhưng thực tế lại không có vốn đầu tư thì liệu có thu nhập chăng? Giả như bạn chỉ mù quáng tính đến chi, ở đây cần chi bao nhiêu, ở kia cần chi bao nhiêu, hoặc bạn chỉ muốn thu mà không muốn chi, thì sao có thể đúng với nguyên tắc cân bằng thu chi được?
Khi lên dự toán, tăng thu giảm chi là biện pháp tốt nhất để tăng cường hiệu quả kinh tế. Trải qua một thời gian cống hiến, phục vụ cho cuộc đời, rốt cuộc ta cần thu hoạch bao nhiêu từ lợi ích công cộng thì mới có thể cân bằng chi tiêu của bản thân? Có người chú trọng đến thu nhập trước, sau đó mới cân nhắc việc chi tiêu; có người lại dốc sức gieo hạt trước, hy vọng có ngày thu hoạch thành quả tốt. Thu trước? Chi trước? Chi sau? Thu sau? Tất cả đều phải xem bản lĩnh lên kế hoạch, dự toán của bạn cao hay thấp!
Có câu rằng: “Người tính không bằng trời tính!” Đại sư Hám Sơn1 cũng nói rằng:
1 Hám Sơn (1546 - 1623): Là một đại sư Thiền tông và Tịnh độ tông. Ngài được mệnh danh là một trong bốn vị thánh tăng thời nhà Minh (Trung Hoa).
Tự khoe tính toán ta đây nhất,
Trời xanh vốn sẵn định chủ trương,
Nịnh nọt tham sân đọa địa ngục,
Công bằng chính trực tức thiên đường.
Dự toán của mỗi cá nhân không nên chỉ dựa trên lợi ích của bản thân, mà cần phải đặt trong mối tương quan với lợi ích của cộng đồng, của toàn xã hội. Ta phải lấy đó làm tiền đề để đặt ra dự toán cho cuộc đời mình. “Hãy sống tốt rồi trời xanh sẽ tự an bài”, đây chính là đạo lý nhân quả tất yếu.