"Hãy cho tôi lòng can đảm để thay đổi những điều tôi có thể thay đổi, lòng kiên nhẫn để chấp nhận những điều tôi không thể thay đổi, và sự thông thái để phân biệt những điều ấy."
Trong bản liệt kê danh sách dài những điều chúng ta không thể thay đổi, có cả sự phụ thuộc của chúng ta vào những quy luật tự nhiên. Vì vậy, nếu một người ngã từ độ cao mười lăm mét, anh ta sẽ rơi xuống đất với một vận tốc nào đó; và quy luật này cũng có hiệu lực tương tự với bất kỳ ai, kể cả một vị hoàng đế. Quy luật "suy vong" của sức khỏe cũng vậy. Trước khi đi vào tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tật cho con người và cách thức chữa trị, chúng ta hãy tìm hiểu về đường lối và xu hướng của Tạo hóa.
Những đường lối của Tạo hóa
Nếu có điều gì đó cuốn lấy sự chú ý của nhân loại qua bao thời đại, thì đó chính là sự vận hành thông suốt những quy luật của Tạo hóa trong Vũ trụ. Việc khám phá ra rằng đằng sau vẻ bề ngoài phức tạp của vật chất với muôn hình vạn trạng thì chúng lại được biểu hiện bởi một số quy luật hết sức đơn giản cũng đã làm thỏa lòng biết bao người. Trên thực tế, chúng ta nhận thấy những quy luật này luôn tồn tại và chi phối vạn vật, kể cả bản thân chúng ta. Bất cứ điều gì xảy ra trên thế giới đều tuân thủ theo khuôn khổ những quy luật này - một vài quy luật chúng ta đã biết, một số khác đang chờ chúng ta tìm hiểu.
Có những quy luật được trình bày trong Vật lý học, như định luật Vạn vật Hấp dẫn, định luật Nhiệt
- Động lực học v.v; các phản ứng trong Hóa học; và những quy luật về sự trao đổi chất, quá trình sinh lý trong cơ thể người… Theo đó, chúng ta có thể phân loại chủ quan tất cả những quy luật ấy và mối liên hệ giữa chúng theo 3 xu hướng chính:
1. Xu hướng sáng tạo (ví dụ: sự đồng hóa)
2. Xu hướng hủy diệt (ví dụ: sự dị hóa)
3. Xu hướng duy trì, bảo tồn hay ổn định
Chúng ta cũng có thể quan sát và nhận thấy xu hướng chiếm ưu thế là xu hướng duy trì, hoặc bảo tồn. Vì vậy, nếu ném một vật lên không trung, nó sẽ rơi xuống đất trở lại và đạt đến một trạng thái ổn định nào đó; nếu một người bị đứt tay, những quy luật sinh lý học sẽ tác động lên vết thương cho đến khi nó lành lặn trở lại. Điều này cho thấy xu hướng sáng tạo và hủy diệt có thể tự cân bằng với nhau để sự duy trì diễn ra. Ngoài ra còn có vô số ví dụ minh họa việc Trái đất và Thế giới đã và đang được duy trì bởi sự cân bằng các quy luật tự nhiên như thế nào. Nếu chúng ta quan sát những gì đang diễn ra xung quanh thì sẽ nhận thấy rằng vạn vật bao gồm cả đất đá, chim muông, cây cối và con người v.v. đã tồn tại hàng ngàn năm là nhờ vào xu hướng duy trì của Tạo hóa.
Từ những quan sát thu nhận được, chúng ta có thể đưa ra giả thuyết cơ bản về vai trò của Tạo hóa chính là duy trì, bảo tồn hay ổn định sự sống và thế giới vật chất. Luôn luôn tồn tại một trật tự ưu tiên và nếu được lựa chọn, nó sẽ ưu tiên chọn bảo tồn cái cao hơn là cái thấp. Ví dụ, ưu tiên bảo tồn giống loài hơn là bảo tồn cá thể, hoặc ưu tiên bảo tồn cơ thể hơn là bộ phận. (Những tế bào của cơ thể liên tục bị phân hủy và thay thế, nhằm mục tiêu cao hơn là duy trì sự sống của cơ thể). Căn cứ vào giả thuyết này, chúng ta suy ra rằng có những tình huống mà trong đó chúng ta chỉ nhìn thấy mặt hủy diệt, bởi vì chúng ta không hiểu được vai trò duy trì - mục tiêu cao hơn của nó - nằm ở đâu.
Cái giá của sự tự do ý chí
Chúng ta sẽ hết sức kinh ngạc khi biết những xu hướng tự nhiên này đang duy trì toàn bộ thế giới khoáng vật, thực vật và động vật như thế nào. Rễ hút nước; lá luôn vươn về phía mặt trời; ruột con người tiết ra đúng loại dịch tiêu hóa chuyên biệt cho loại thức ăn được đưa vào v.v. Trong đó, sự bảo tồn diễn ra một cách tự nhiên, không theo ý muốn chủ quan của ai.
Nhưng khi giới động vật có "ý muốn" riêng của chúng, thì một tình huống mới sẽ phát sinh. So với giới thực vật, động vật sở hữu khả năng đặc biệt là có khả năng quyết định và di chuyển. Nhưng cũng chính những khả năng này có thể khiến động vật vô tình tự gây hại cho nó. Ví dụ, nó có thể nhảy vào lửa và bị thiêu cháy cho đến chết, hay một người tự cắt vào tay mình làm cho máu chảy mà không nhận thức được điều đang diễn ra. Vì thế, trong tự nhiên, sự tự do ý chí được quân bình nhờ hiện tượng đau đớn và cách kết hợp này đảm bảo sự duy trì.
Do đó, cũng như loài vật, con người trải nghiệm sự đau đớn từ những điều có khả năng gây ra nguy hiểm. Cảm giác nóng rát do nhiệt độ cao hay tê cóng vì lạnh, đau đớn khi bị những vật sắc nhọn đâm phải, đau nhức do đứng ngồi sai tư thế, căng cơ bắp hay giãn dây chằng một cách bất thường v.v. Nếu ai đó giẫm phải đinh hay sắp sửa giẫm lên nó, cơn đau từ cây đinh nhọn sẽ gửi đi một lời cảnh báo, một thông điệp giúp anh ta tự bảo vệ bàn chân của mình. Cơn đau vẫn cứ dai dẳng hay tăng lên cho đến khi anh ta hiểu được thông điệp và chú ý đến mối hiểm nguy.
Vì vậy, đối với động vật cũng như con người, cảm giác đau đớn xuất hiện chỉ để phòng ngừa việc lạm dụng "tự do ý chí". Điều này được chứng minh rõ ràng trong khoa giải phẫu cơ thể người. Có những cơ quan cảm nhận sự đau đớn ở những vùng mà chúng ta có thể kiểm soát chủ động, nhưng có những vùng trên cơ thể không có sự kiểm soát chủ động, thì rõ ràng những thụ cảm thể nhận cảm giác đau ấy đã vắng mặt, ví dụ: ruột (Bác sĩ phẫu thuật có thể mổ và cắt đi một vài phân ruột bằng dao mổ mà không gây ra cho bệnh nhân bất kỳ đau đớn nào. Việc gây mê chỉ để thực hiện đường rạch trên da). Kinh nghiệm chung của chúng ta là, nếu chúng ta bỏ một vật gì quá nóng vào trong miệng và nuốt nó, thì cùng một độ nóng được cảm nhận trong miệng sẽ không được nhận biết trong thực quản hay ruột. Độ nóng và cảm giác đau đớn chỉ tồn tại đến cuống họng, đó cũng là giới hạn trong khả năng kiểm soát chủ động của chúng ta. Về thực chất, cảm giác đau đớn định hướng cho sự "tự do ý chí" của chúng ta và đưa ra một thông điệp quan trọng nhằm ngăn ngừa những tác động gây tổn thương.
Giải mã thông điệp
Nếu chúng ta đã nhận ra được sự thông thái của Tạo hóa, và hiểu được ý nghĩa của hiện tượng đau đớn, nó sẽ dẫn chúng ta đến một số kết luận quan trọng sau:
1. Mọi cơn đau mà chúng ta trải nghiệm đều truyền tải một thông điệp nào đó, vì thế chúng ta không nên kìm nén cơn đau khi chưa nhận ra thông điệp ẩn đằng sau nó.
2. Đối với những loại đau đớn phức tạp hơn (dưới hình thức bệnh tật), việc lý giải thông điệp có thể sẽ rất khó khăn. Vì thế, cần phải cố gắng nhiều hơn để hiểu những thông điệp này. Ví dụ, thật khó mà giải thích được mối liên hệ giữa cơn đau đớn ở các khớp xương và chế độ ăn uống không hợp lý hàng ngày, nhưng đó là ngôn ngữ của Tạo hóa.
3. Đằng sau nỗi đau cảm xúc và thương tổn tinh thần như buồn rầu, thất vọng v.v. cũng để lại cho chúng ta những thông điệp ý nghĩa. Giống như đau đớn thể xác biến mất khi chúng ta hiểu thông điệp và thực hiện những biện pháp trị liệu cần thiết, cảm xúc đau khổ dần trở nên nguôi ngoai nếu ta lắng nghe thông điệp một cách chính xác và thực hiện những biện pháp thích hợp, tích cực để loại bỏ nguyên nhân. Nói cách khác, việc không bị ảnh hưởng bởi những đau đớn (kể cả nỗi đau cảm xúc lẫn thể xác) chứng tỏ rằng chúng ta đang sống thuận với những quy luật của tự nhiên.
Thông điệp từ nỗi đau cảm xúc
Đau khổ không phải là một đức hạnh như sự nhẫn nhịn, đó là sự khó chịu tạm thời, nhưng cũng có khi là biểu hiện của một tình trạng suy nhược trầm trọng. Để loại bỏ cơn đau ấy, điều quan trọng là chúng ta phải hiểu được thông điệp đằng sau nó để đưa ra những thay đổi thích hợp.
Nếu chưa nhận biết được thông điệp nhắn gửi, cơn đau vẫn sẽ kéo dài hoặc sẽ tăng lên cho đến khi ta chú ý và thực hiện những thay đổi cần thiết.
Nỗi đau cảm xúc hay cách phản ứng đầy xúc cảm thường được biểu lộ rất khác nhau ở mỗi người dù cùng chịu tác động của hoàn cảnh bên ngoài như nhau. Chẳng hạn như nếu chúng ta mời hai người uống một ly nước ép trái cây chỉ đầy một nửa, người này tỏ vẻ hài lòng khi thấy cái ly đầy một nửa, còn người kia thì buồn rầu trước cái ly vơi một nửa. Năm 1988, khi Đài khí tượng dự báo sẽ có một cơn bão lớn đổ bộ vào bang Texas, nhiều người trải qua hai ngày thấp thỏm chờ đợi trong lo lắng, trong khi một số người dân tổ chức "tiệc bão" và chuẩn bị "rượu Punch đón bão"!
Qua đó cho thấy, những yếu tố gây ra cơn đau cảm xúc cho con người không hoàn toàn do yếu tố ngoại cảnh quyết định (cơn bão), mà phần lớn xuất phát từ bên trong chúng ta và nó liên quan đến tính cách mỗi người. Chúng ta gọi đây là yếu tố con người và sẽ khảo sát chi tiết hơn ở phần sau.
Yếu tố con người
Chúng ta thấy rằng, hai cá nhân có thể phản ứng rất khác nhau trước những hoàn cảnh, tình huống tương tự nhau. Ngay cả cách phản ứng của một người cũng sẽ khác đi nếu anh ta có thêm nhiều kiến thức hay thông tin hơn. Ví dụ, phản ứng của bạn trước cách cư xử khó mà tha thứ nổi của anh bạn đồng nghiệp có thể thay đổi hoàn toàn khi biết được anh ta bị tổn thương não từ hồi còn nhỏ. Điều này cho thấy chính sự hiểu biết đã tạo nên sự khác biệt. Mỗi chúng ta có một phạm vi kiến thức nhất định hình thành nền tảng cho hệ thống niềm tin cá nhân. Con người khác nhau chủ yếu là do vốn kiến thức, hiểu biết thu thập, tích lũy được, và kết quả là họ mang những niềm tin không giống nhau.
Kiến thức được lĩnh hội từ kinh nghiệm sống, sự tương giao với mọi người, từ phương tiện truyền thông đại chúng và một phần đến từ nền giáo dục chính quy. Một số kiến thức có thể bị quên lãng hay không được xem trọng, trong khi một số khác được chúng ta chấp nhận, tin tưởng. Yếu tố con người là toàn bộ những niềm tin được dựa trên kiến thức và sự hiểu biết đúng - sai. Vì vậy, nếu hai người có cách phản ứng khác nhau trước một cơn bão, đó là do mỗi người có hệ thống niềm tin khác nhau.
Chúng ta biết rằng về cơ bản, cơn đau cảnh báo chúng ta về sự lựa chọn sai lầm hay có hại nào đó là do cách ta sử dụng sự "tự do ý chí" của mình. Uy lực của sự "tự do ý chí" còn phụ thuộc vào kiến thức mà chúng ta tin tưởng và cảm xúc đau khổ là lời chỉ bảo tương ứng với kiến thức hay sự hiểu biết sai lầm về một số khía cạnh quan trọng nào đó trong cuộc sống. Tuy nhiên, mọi cơn đau cảm xúc không phải là bằng chứng để phán xét bản thân dở - hay, nó là một hiện tượng tất yếu, chỉ đơn thuần nhắc nhở rằng tất cả chúng ta có những kiến thức, sự hiểu biết và những niềm tin sai cần phải sửa đổi cho đúng.
Song, cũng đừng nên lấy làm ngạc nhiên hay hoang mang bối rối nếu không đủ kiến thức hoặc có những nhận định sai về chính mình. Bởi lẽ chưa từng có ai đặt ra những câu hỏi quan trọng cho bản thân: Nhân dạng thực sự của chúng ta là gì; mục đích sống của chúng ta; ý nghĩa tồn tại của chúng ta trên thế giới này; những mối quan hệ của chúng ta v.v. Những câu hỏi này chúng ta đã nhường lại cho các triết gia tranh luận. Dù có ý thức hay vô thức, từ các triết gia ở Athens đến thổ dân mù chữ của bộ lạc ở Amazon, thì tất cả đều có một phạm vi kiến thức, niềm tin riêng về những khía cạnh quan trọng của cuộc đời. Trong số đó bao gồm cả câu trả lời cho những câu hỏi: "Tôi là ai?", "Tôi từ đâu đến?", "Tại sao tôi ở đây?", v.v.
Sự bất lực của khoa học trong việc trả lời những câu hỏi này, hay sự thiếu vắng các bằng chứng thực tế trong lĩnh vực này không thể bào chữa cho việc chấp nhận một hệ thống niềm tin sai lạc chỉ dựa trên những thông tin rời rạc, không đầy đủ mà chúng ta nhận được.
Bước tiếp theo là chúng ta cùng nhau thảo luận và làm sáng tỏ những vấn đề quan trọng ấy, để nhận thấy rõ nguồn sức mạnh lớn lao mà nguồn kiến thức đúng đắn sẽ mang lại.