Thế giới hiện hữu
Trước khi chuyển sang thảo luận về đề tài "Tôi là ai?", chúng ta cần nhận ra một số hạn chế cơ bản trong hiểu biết của con người về thế giới hiện hữu.
Ở hình 1, toàn bộ thế giới hiện hữu được trình bày bằng một đường thẳng đứng từ A đến B.
Trong thế giới hiện hữu này, có những con sâu bướm chỉ có một cơ quan cảm giác là xúc giác. Chúng không có khứu giác, thính giác, thị giác; toàn bộ hiểu biết của chúng về thế giới xung quanh chỉ được dựa vào thông tin nhận được thông qua xúc giác. Đối với một sinh vật như thế, thế giới biểu hiện (manifest world) bị giới hạn bởi đoạn thẳng từ A đến C, và như vậy nó không thể biết đến mặt trăng và những vì sao. Có lẽ trong thế giới của chúng, những con được xem là "thông thái" có thể còn đang tranh cãi với nhau là có tồn tại mặt trăng hay không!
Tương tự như vậy, một số loài bò sát nào đó không có tai (không có khả năng thính giác) thì với chúng, cái gọi là âm nhạc hay tiếng động dường như không bao giờ tồn tại. Loài dơi không có thị giác nên những đám mây ở xa không hề tồn tại đối với chúng, do đó trải nghiệm của chúng bị hạn chế trong đoạn A - D. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng thế giới hiện hữu không hề bị giới hạn bởi số lượng giác quan mà con sâu bướm hay con dơi có.
Với con người, chúng ta có 5 giác quan: thị giác, khứu giác, thính giác, vị giác và xúc giác. Qua những giác quan này, chúng ta tiếp nhận thông tin từ thế giới xung quanh ở mọi góc độ. Nhưng giống như thế giới hiện hữu không bị giới hạn bởi những điều con dơi có thể cảm nhận, nên không có lý do gì để tin rằng thế giới hiện hữu bị hạn chế bởi những điều con người cảm nhận được… Thực ra, hơn một thế kỷ qua, chúng ta đã biết nhiều điều hơn về thế giới hiện hữu không biểu hiện đối với giác quan của con người. Ví dụ, mắt người không thể nhìn thấy tia X, tai chúng ta không thể nhận biết những âm thanh lớn có tần số trên 18.000 Hz, và chúng ta không thể nhận ra những dấu hiệu mà chim bồ câu đưa thư và chim di trú sử dụng để giúp chúng vượt hàng ngàn dặm đến đúng nơi chúng cần đến.
Tất cả những điều trên dẫn ta đến một kết luận quan trọng là: thế giới này còn có nhiều điều vượt ngoài khả năng nhận biết thông qua năm giác quan của con người. Phần của thế giới hiện hữu chưa được con người nhận biết được gọi là thế giới không biểu hiện (unmanifest world), trong khi phần được nhận biết được gọi là thế giới biểu hiện. Khoa học tự giới hạn mình trong thế giới biểu hiện vì nó cần chứng cứ khách quan, vốn chỉ được cung cấp từ các giác quan. Khoa học có thể khám phá nhiều hơn về thế giới không biểu hiện, vì có thể còn có nhiều bí ẩn khác tồn tại trong thế giới này mà chúng ta chưa từng biết đến. Các nhà khoa học lớn hầu như đều ý thức được về những hạn chế này.
Mặc dù còn những hạn chế nhất định, song khoa học đã giúp chúng ta hiểu biết nhiều hơn về cuộc sống. Tuy nhiên vẫn có những rắc rối nảy sinh do những người theo trường phái khoa học nền tảng, những người này thường có rất ít kiến thức về khoa học nhưng lại dựa hoàn toàn vào nó để đưa ra giải pháp cho tất cả mọi vấn đề của nhân loại. Giống như một người "yêu thợ mộc nền tảng", tuyệt đối tin tưởng vào kỹ năng chuyên nghiệp của thợ mộc và hy vọng được một ông thợ mộc chữa lành cho mình chứng đau nửa đầu bởi vì người này rất ngưỡng mộ tài khéo của ông thợ mộc đó.
Nếu chúng ta muốn hiểu sâu hơn về một vấn đề nào đó, tốt hơn là nên xem xét tất cả những nguồn thông tin tiềm năng đáng tin cậy, đáng tham khảo, chứ không chỉ dựa vào một nguồn thông tin nào đó. Với câu hỏi "Tôi là ai?", khoa học đã không đưa ra được câu trả lời thỏa đáng, vì thế chúng ta cần tìm tòi từ những nguồn khác. Đây thực sự là một việc làm cấp bách, bởi vì con người đang chịu đựng quá nhiều đau đớn, khổ sở và chiều hướng ngày càng trở nên tồi tệ hơn, như là kết quả của sự liên tục thiếu kiến thức về bản thân. Nếu bạn đói bụng, bạn sẽ không chờ đợi các nhà khoa học bảo bạn ăn! Ơn trời, tổ tiên chúng ta đã ăn! Họ đã không đợi các nhà khoa học chứng minh với họ rằng thực phẩm có chứa một lượng ca-lo-ri, vi-ta-min và đạm là những chất dinh dưỡng thích hợp và tốt cho cơ thể.
Hành trình đến với "sự hiểu biết về bản thân" là một quá trình khám phá mang tính cá nhân. Bởi vì chỉ có chính chúng ta mới có thể quan sát được tâm trí mình. Về cơ bản, đó là một cách tiếp cận tâm trí theo lối trải nghiệm, xem nó như là một nơi để thử nghiệm. Khi đi sâu hơn vào nội dung quyển sách này, chúng tôi hy vọng các bạn sẽ thử nghiệm những ý tưởng khác nhau, kiểm tra chúng bằng chính kinh nghiệm quá khứ của bạn, thử nghiệm chúng trong "phòng thí nghiệm tâm trí" và sàng lọc chúng qua cách lập luận riêng của bạn.
Tôi là ai?
Để tìm hiểu những hạn chế của năng lực tri giác, chúng ta hãy trở lại câu hỏi "Tôi là ai?". Chúng ta sẽ dùng cụm từ "bản thể thật sự" cho thực thể mà chúng ta đang tìm hiểu. Giống như những bộ phận và các hệ cơ quan của cơ thể có những chức năng khác nhau, thì một trong những đặc tính chuyên biệt của "bản thể thật sự" chính là sự trải nghiệm, cảm nghiệm. Khi tôi nói "Tôi ở trong căn phòng này", đó là do "bản thể thật sự" đang trải nghiệm về căn phòng này.
Chẳng hạn như, một cụ già 80 tuổi nói: HÔM NAY, TÔI TỒN TẠI.
Hình 2
Ông ấy cũng chia sẻ thêm: Ông nhớ thời thơ ấu của mình khi mới 5 tuổi. Ông nói mình cũng chính là người ấy, người đã sống cách nay hơn 75 năm… LÚC ĐÓ, TÔI ĐÃ TỒN TẠI.
Trước hết, chúng ta thử tìm hiểu xem "ông ấy" thuộc về thế giới biểu hiện hay thế giới không biểu hiện. Đầu tiên, chúng ta hãy xem xét những khả năng thuộc về thế giới biểu hiện. Cái cơ thể từng tồn tại 75 năm trước đây của ông đã không chỉ thay đổi về hình dáng và kích thước, mà chúng ta không thể đảm bảo một tế bào đơn lẻ đã từng hiện diện lúc đó còn tồn tại cho đến bây giờ. Tốc độ thay thế mô trong cơ thể diễn ra rất nhanh, một số tế bào được thay thế chỉ trong vòng vài ngày. Những loại tế bào khác, như tế bào da được thay thế trong vòng vài tuần, tế bào xương trong vòng vài năm, trong khi khối vi phân tử của não được thay thế trong vòng 3 ngày. Tế bào thần kinh (nơ-rôn) có thể vẫn còn như cũ, nhưng tất cả những phân tử của nó đã bị thay đổi. Mỗi phút, chúng ta hít vào và thở ra một lượng không khí, trong quá trình này những phân tử ô-xy và ni-trô-gien từ không khí được hấp thụ đồng thời những phân tử khác được loại thải ra ngoài. Và tiến trình này cứ tiếp tục diễn ra như thế. Vì thế, trong suốt 75 năm, những phân tử và tế bào v.v. nghĩa là vật chất - cơ thể biểu hiện - đã được thay thế nhiều lần. Bất cứ bộ phận, cơ quan nào trong cơ thể của ông được khám và quan sát dưới kính hiển vi hiện nay đều không còn thuộc về cơ thể ông 75 năm trước.
Nếu không có gì trong cơ thể biểu hiện của cậu bé 5 tuổi tiếp diễn trong cơ thể ông lão 80 tuổi, thì "bản thể thật sự" tiếp diễn trên 75 năm này không thể thuộc về cơ thể biểu hiện và thế giới biểu hiện. Điều này có nghĩa là nó phải thuộc về thế giới không biểu hiện. Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng một trong những đặc điểm của "bản thể thật sự" là không biểu hiện hay phi vật chất, tức là vượt ngoài khả năng nhận thức của năm giác quan con người.
Dù không thể diễn đạt bằng lời nhưng chúng ta chấp nhận tính tồn tại liên tục của người đó, bất kể lý thuyết sinh lý học về sự thay đổi của cơ thể vật chất. Ngay cả luật pháp cũng tin vào tính liên tục của "bản thể thật sự" phi vật chất. Giả dụ như một người bị phát hiện đã phạm một tội ác nghiêm trọng cách đây nhiều năm. Ngay cả nếu hắn chứng minh rằng, hắn đã cấy ghép gan, tim, thận, hay thậm chí toàn bộ cơ thể vật chất của hắn đã khác đi kể từ khi xảy ra tội ác, hắn vẫn bị xem là tội phạm. Người bị kết tội là "người trải nghiệm phi vật chất".
Những trải nghiệm về sự tồn tại bên ngoài cơ thể
Ắt hẳn rất nhiều người trong chúng ta đã trải qua những cơn đau đớn, nhức nhối về thể xác, và cũng có nhiều người từng trải nghiệm cảm giác tách rời bản thân ra khỏi đau đớn nếu cơn đau vượt quá sức chịu đựng. Càng tách rời, sự đau đớn sẽ giảm đi tương ứng. Trong một vài thập kỷ qua, những nhà nghiên cứu đã phát hiện rất nhiều trường hợp con người thật sự nhận thấy bản thân như bị tách ra ngoài cơ thể. Hiện tượng này được biết đến như là trải nghiệm ở bên ngoài cơ thể (OBE: Out of Body Experience).
Cô S. Mackay sống ở Cambridge nước Anh đã có những trải nghiệm này trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Sau đây là lời tường thuật của cô:
"Hồi còn nhỏ, tôi thường nhận thấy bản thân tách ra ngoài cơ thể. Như thể là ý thức của tôi ở bên ngoài và đang nhìn xuống chính cơ thể của mình. Khi tôi lớn lên, tôi nhận ra rằng những người khác không có những trải nghiệm giống như tôi, vì thế tôi không muốn nói về chúng. Khi bước vào độ tuổi thanh niên tôi vẫn nhận thấy điều đó, nhất là lúc tôi cảm thấy không thoải mái với tình huống trước mắt. Tôi nhớ, một hôm cha tôi mời những người bạn tâm giao của ông đến ăn cơm tối. Tôi nhận thấy sự giả tạo trong mối tương giao này và mọi người đang giả vờ quan tâm đến nhau. Chẳng bao lâu, tôi thấy bản thân tách rời ra, đi lên một vị trí cao nhìn xuống cảnh bên dưới. Tôi không thể tự ý có những trải nghiệm này. Gần đây, chúng ít xảy ra hơn. Khi tôi ở bên ngoài cơ thể, tôi thấy rằng những tình huống tôi cho là to tát, quan trọng trước đây trở nên không đáng kể. Tôi thoát khỏi những tình huống vặt vãnh vẫn thường làm khổ bản thân mình. Rồi mọi vấn đề không còn quan trọng nữa. Chúng vẫn tồn tại, nhưng thái độ của tôi đối với chúng thay đổi hẳn. Tôi vẫn bình tĩnh, tự do thoát khỏi những lo lắng và mâu thuẫn, xung đột".
Như vậy, trong trải nghiệm OBE, "bản thể thật sự" tách rời khỏi cơ thể vật chất và hoạt động một cách độc lập.
Trải nghiệm và Người trải nghiệm
Việc nhận biết "bản thể thật sự" khác với cơ thể đã gợi lên một câu hỏi then chốt là điều gì xảy ra cho "TÔI" khi cơ thể chết đi? Nhiều khả năng có thể xảy ra: thứ nhất là "bản thể thật sự" chết cùng với cơ thể và khả năng thứ hai là, bản thể này tiếp tục tồn tại mà không có cơ thể. Ngoài ra vẫn có thể tồn tại một khả năng khác nữa là "bản thể thật sự" bất tử. Từ "bất tử" được sử dụng khi thực thể sống ấy không có bắt đầu hay kết thúc. Khi một người nhận nhiệm vụ chứng minh một cái gì đó không tồn tại, thì chứng cớ tối đa mà người đó có thể đưa ra là không ai nhìn thấy nó. Ví dụ, để xác minh không có chiếc ghế nào ở trong phòng. Tất cả những gì người đó có thể làm là chỉ ra rằng không thấy ghế ở trong phòng chứ không tồn tại một thực thể được gọi là "không ghế" - làm bằng chứng cho sự không tồn tại của cái ghế. Theo cách tương tự, nếu một thực thể được xem là không có bắt đầu và kết thúc, bằng chứng tương ứng cho điều đó sẽ là chúng ta không thể thấy được sự bắt đầu hay kết thúc của thực thể này.
Hình 3
Như đã đề cập ở trên, một trong những chức năng chủ yếu của "bản thể thật sự" là trải nghiệm. Nói cách khác, "bản thể thật sự" là người trải nghiệm. Việc phân biệt rõ ràng giữa "trải nghiệm" và "người trải nghiệm" là khá quan trọng. Vì những đặc tính của người trải nghiệm khác với những đặc tính của trải nghiệm, giống như đặc tính của người nghe khác với đặc tính của bài hát. Bây giờ, chúng ta hãy xem xét cái được gọi là trải nghiệm. Theo định nghĩa, mỗi trải nghiệm đều có khởi đầu và kết thúc. Ví dụ, một người sờ vào cây viết; đó là thời điểm bắt đầu của một trải nghiệm và khoảnh khắc mà anh ta kết thúc việc sờ vào cây viết là lúc chấm dứt trải nghiệm. Một người đi vào căn phòng và sau một lúc lại bước trở ra; người quan sát chỉ có thể kết luận rằng có một sự bắt đầu và kết thúc đối với việc trải nghiệm về căn phòng của người đó, chứ không thể xác định được sự bắt đầu và kết thúc trải nghiệm của người được quan sát. Người quan sát không thể kết luận người kia đã ngưng tồn tại chỉ vì anh ta không còn ở trong căn phòng nữa. Vì vậy, việc có "một sự bắt đầu và kết thúc" chắc chắn là thuộc tính của trải nghiệm, nhưng nó không nói lên cho chúng ta biết về sự bắt đầu và kết thúc của người trải nghiệm.
Tất cả những gì chúng ta biết về sinh - tử: đó lần lượt là sự bắt đầu và kết thúc của một trải nghiệm rất dài. Theo đó, chúng ta không thể kết luận đây là sự kết thúc của người trải nghiệm - người đã rời khỏi căn phòng - ngay cả khi cơ thể anh ta chết đi, chúng ta cũng không thể kết luận "bản thể thật sự" đã chết. Khi xem xét kỹ những sự kiện này, chúng ta có thể kết luận "bản thể thật sự" là bất tử.
Nhiều quan sát y khoa và khoa học khác cũng ủng hộ cho lập luận này. Ví dụ, có đến hàng ngàn trường hợp được ghi chép lại trên khắp thế giới về những bệnh nhân được xác định là đã chết, hay "chết" trong vài phút hoặc vài giờ nhưng bất ngờ sống lại. Sau khi hồi sinh, họ đã kể lại những trải nghiệm ở ngoài cơ thể, thường được gọi là trải nghiệm chết hụt (NDE: Near Death Experience). Một số người thấy mình ở trong một đường hầm tối và một số khác nhìn thấy cơ thể họ từ bên ngoài, cũng có những người trải nghiệm những cảnh tượng ở bên ngoài. Người trải nghiệm thực sự còn sống và đang trải nghiệm những cảnh tượng khác nhau, do đó: "bản thể thật sự" đã không chết. Cho đến bây giờ, không có một chứng cứ thuyết phục nào của y học và khoa học hậu thuẫn cho quan điểm: khi cơ thể chết đi, người trải nghiệm ngưng tồn tại; nhưng chúng ta vẫn nhất quyết cho rằng bản thân mình đã chết mà không có căn cứ, lý do, tính hợp lý hay chứng cứ nào về sự trải nghiệm.
"Bản thể thật sự" và não bộ
Do không có sự hiểu biết rõ ràng về bản chất của "bản thể thật sự", cho nên con người đã sai lầm gán cho não bộ và hệ thần kinh nhiều chức năng của "bản thể thật sự", kể cả chức năng trải nghiệm.
Mỗi khi dùng từ "não" là chúng ta liên tưởng tới khối tế bào thần kinh và các đường dẫn truyền thần kinh được bao bọc bởi màng não: một thực thể hoàn toàn vật chất. Khoa học đã khám phá mọi đặc tính tồn tại của vật chất, nhưng cho đến nay, chưa ai đưa ra giả thuyết rằng vật chất có khả năng trải nghiệm. Từ kinh nghiệm của bản thân, chúng ta biết hoàn toàn không có khả năng đó, nếu không thì đôi giày và những cái ghế cũng đã thường xuyên kêu ca, phàn nàn rồi! Nếu vật chất không thể trải nghiệm, thì làm thế nào não có thể trải nghiệm được, não cũng được cấu thành từ vật chất đấy thôi.
Tuy nhiên, não bộ có thể thực hiện những chức năng thể lý khác nhau. Các tế bào thần kinh truyền thông tin giống như những tín hiệu điện, ghi chép và lưu trữ thông tin. Như một chiếc máy tính, não phối hợp với những hoạt động phức tạp của cơ thể. Nhưng dù thực hiện nhiều chức năng quan trọng đó nhưng nó vẫn chỉ là những hoạt động mang tính vật chất. Duy chỉ có "bản thể thật sự" phi vật chất mới giữ vai trò người trải nghiệm.
Những chức năng quan trọng khác diễn ra trong nội tâm - như là ra quyết định - được căn cứ hoàn toàn vào việc so sánh giữa những lựa chọn hiện thời với kinh nghiệm quá khứ, vì vậy, nó chỉ có thể thực hiện bởi người trải nghiệm. Do đó, khả năng đưa ra quyết định (phân biệt hay chọn lựa) cũng thuộc về "bản thể thật sự".
Một dàn máy tính hay chiếc xe hơi có thể thực hiện nhiều chức năng phức tạp nhưng cần phải có một người điều khiển - người quyết định. Tương tự như vậy, bộ não (cũng như cơ thể) được cấu thành từ vật chất là công cụ tuyệt vời được vận hành và kiểm soát bởi "bản thể thật sự". Mọi quyết định được thực thi qua phương tiện trung gian là suy nghĩ, vì thế, việc tư duy cũng diễn ra bên trong "bản thể thật sự" này.
Mỗi suy nghĩ dẫn đến cảm giác hay cảm xúc nào đó và do vậy chúng cũng xuất hiện từ "bản thể thật sự". Chúng ta có thể thấy rằng "bản thể thật sự" thực hiện nhiều chức năng quan trọng trong đó não là công cụ trực tiếp, nó giống như phòng điều khiển để thông qua đó "bản thể thật sự" vận hành toàn bộ "cỗ máy cơ thể". Nhiệm vụ của nhà sinh lý học thần kinh là nghiên cứu và tìm ra mức độ tương tác chính xác giữa "bản thể thật sự" (phi vật chất) với chất truyền dẫn thần kinh (vật chất) và xung động điện đi đến các tế bào thần kinh. "Bản thể thật sự" nhận thông tin từ thế giới vật chất thông qua các giác quan truyền lên não và sau đó lệnh cho não dùng cơ thể để thực hiện hành động.
"Bản thể thật sự" không biểu hiện và thực hiện nhiều chức năng tinh tế khác nhau. Nói một cách cụ thể hơn, vì chúng ta đã thấy "bản thể thật sự" thực hiện những chức năng "cao cấp" như quyết định, suy nghĩ, cảm nhận v.v., chúng ta có thể mô tả bản thể này giống như một thực thể năng lượng rất tinh tế hay một thực thể ánh sáng tinh tế. Và một cách để mô tả về thực thể không biểu hiện này đó là: một điểm vô cùng nhỏ (vô cùng là khái niệm mang tính giả thuyết, nghĩa là quá nhỏ đến mức không thể đo lường được). Vì vậy, "bản thể thật sự" không biểu hiện được xem là một điểm sáng tinh tế vô cùng nhỏ.
Nếu "bản thể thật sự" điều khiển cơ thể và sử dụng bộ não như căn phòng điều khiển, thì không có nơi nào tốt hơn não, đặc biệt là vùng dưới đồi (hypothalamus - vùng não điều khiển thân nhiệt, đói, khát…). Từ đó, nó có thể kiểm soát hiệu quả cả hai bán cầu não, tiểu não, tuyến yên, tuyến nội tiết và hệ thần kinh tự chủ - gần như là mọi tế bào trong cơ thể. Vùng dưới đồi nằm ngay sau trung tâm vầng trán, giữa hai chân mày. Vì vậy, nếu chúng ta cần tìm một vị trí cụ thể (như là điểm trọng tâm) của "bản thể thật sự", vị trí thích hợp nhất là điểm ở trước trán, giữa hai chân mày.
Ảo tưởng đầu tiên: "của tôi" và "cái của tôi"
Một trong những sai lầm sớm nhất trong hệ thống niềm tin của con người là niềm tin về quyền sở hữu. Ở hình dưới đây, "bản thể thật sự" xuất hiện trong thế giới vật chất từ sinh đến tử. So với sự tồn tại bất tử của "bản thể thật sự", một triệu năm cũng là vô nghĩa. Một đời người trọn vẹn, cứ cho là 100 năm ở trong cơ thể vật chất và trong thế giới vật chất, thì thậm chí còn vô nghĩa hơn. Chắc chắn là với sự "lộ diện" hữu hạn như thế, nó không thể nào sở hữu những đối tượng vật chất đó. Khi rời bỏ cơ thể, nó không thể mang theo mình dù chỉ là một nguyên tử từ thế giới này. Pháp luật và xã hội cũng chấp nhận rằng "bản thể thật sự" có quyền sở hữu tài sản, nhưng ngày hôm sau, nếu nó rời bỏ cơ thể (nghĩa là chết), nó không thể mang theo bất cứ thứ gì. Đây là một quan điểm rõ ràng về mối quan hệ giữa chúng ta với thế giới này. Nếu chúng ta đi vào phòng triển lãm trong năm phút, chắc chắn ta không thể nói mọi thứ trong đó nay đã thuộc về ta.
Tương tự như vậy, thái độ đúng đắn của chúng ta đối với cơ thể và thế giới này là chúng ta không sở hữu bất kỳ điều gì. Chúng ta là người trải nghiệm.
Hình 4
Mối quan hệ
Như đã đề cập ở trên, rất có thể cả thế giới đều tin vào điều gì đó hoàn toàn sai, và kết quả nhận được lại chỉ là đau khổ, bất hạnh. Chúng ta sống trong một xã hội toàn cầu, nơi mà những phong tục, tập quán, luật lệ v.v. được dựa trên niềm tin về quyền sở hữu. Mọi người tin rằng mình đang sở hữu cái gì đó. Họ "đốt cháy" mình trong công việc bằng niềm tin chắc chắn là họ có thể sở hữu nhiều hơn. Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng, chúng ta không tìm cách thoát ra khỏi thể xác của mình hay những vật thể vật chất xung quanh, do đó, việc duy trì thái độ là người được ủy quyền đối với những tài sản ấy thì không có gì sai. Chỉ khi nào chúng ta tin mình có quyền sở hữu tài sản vật chất thì chúng ta mới là người vi phạm những quy luật của Tạo hóa, và do vậy sẽ tự mình gây ra đau khổ cho bản thân.
Có nhiều lý do khác nhau ủng hộ cho ý tưởng chúng ta được toàn quyền sở hữu của cải vật chất, chẳng hạn như: "Tôi đang sử dụng nó", "Không ai khác sở hữu nó", "Tôi đã mua nó", "Tôi được người ta tặng", "Tôi đã trông thấy nó đầu tiên", v.v. Thật ngạc nhiên khi thấy ngay cả luật pháp các nước đều dựa trên cùng một cách lập luận này và giống như khi trẻ con cãi nhau, chúng thường dùng từ "của tôi", "của tao"; họ cũng tranh cãi nhau về những chuyện "của tôi" với những lý do nực cười tương tự.
Trong một nghiên cứu, một nhà tâm lý học người Mỹ đã ghi lại cuộc trò chuyện của nhiều người trong vòng 15 phút và khám phá ra rằng họ sử dụng những từ "tôi", "của tôi", "cái của tôi" rất thường xuyên. Có nhóm đã sử dụng những từ này đến hơn 118 lần. Và khi theo dõi những người này trong 10 năm kế tiếp, kết quả cho thấy tỷ lệ tử vong do chứng nhồi máu cơ tim của số người trong nhóm đó cao hơn những người khác rất nhiều. Như vậy, từ "của tôi" hoàn toàn có thể gây chết người!
Chúng ta hãy tìm hiểu xem trạng thái cảm xúc của con người bị ảnh hưởng như thế nào bởi niềm tin vào quyền sở hữu. Hãy xem xét ví dụ sau, ông X có 10 triệu bảng Anh, ông Y chỉ có
100 bảng. Cứ cho là cả hai đều đang ở trạng thái bình an. Bây giờ, giả sử ông X mất 9 triệu bảng trong một vụ giao dịch buôn bán, vì thế chỉ còn lại một triệu bảng. Trong khi đó, ông Y vẫn chỉ có 100 bảng, ông X vẫn giàu hơn ông Y 10.000 lần, nhưng trạng thái cảm xúc của ông ta sẽ như thế nào vào lúc này? Chắc chắn là chỉ số bình an của ông sụt giảm. Chỉ riêng nỗi sợ hãi về nguy cơ mất hàng triệu bảng đã đủ khiến ông ăn không ngon, ngủ không yên rồi. Trạng thái bình an của một con người không liên quan đến những gì anh ta sở hữu, nhưng chắc chắn nó có liên quan đến những gì anh ta đã mất hay có thể mất!
Trong xã hội chúng ta ngày nay, ngay từ lúc sinh ra, "bản thể thật sự" đã bị dẫn dắt lầm lạc vào mê cung "của tôi". Ông A đại diện cho con người trong xã hội hiện nay. Đầu tiên, ông cảm thấy mình đang sở hữu cơ thể "của ông", tài sản "của ông", những người thân "của ông", con cái "của ông". Rồi từ "của tôi" đầy ma lực này bắt đầu "di căn" sang những tổ chức, đồng nghiệp, ý kiến, quan điểm, tư tưởng, phẩm chất, hình ảnh, v.v. Ông trở thành một người trung thành với một đế chế "của tôi" rộng lớn. Thậm chí ông còn xác định nhân dạng của mình bằng những vật thể, đối tượng ấy.
Hình 5
Về phía ông B, một "bản thể thật sự" khác, ông cũng ở trong hoàn cảnh giống hệt ông A, nhưng ông xem mình là một thực thể sống bất tử, phi vật chất, người không sở hữu bất cứ điều gì, và được tùy ý sử dụng cơ thể cũng như những thứ vật chất khác một cách tạm thời trong vai trò một người được ủy quyền. Do đó, trong khi ông A cảm thấy "Tôi có thể mất mọi thứ" hay "Tôi đã mất cái gì đó", thì ông B ngược lại cảm thấy "Tôi không thể mất gì cả". Lối diễn đạt cùng với loại cảm giác này là chìa khóa then chốt mang lại trạng thái bình yên và an toàn nội tâm sâu sắc.
Hình 6
Trải nghiệm nguyên thủy
Đến đây, chúng ta đã làm sáng tỏ hai sự thật nền tảng: "bản thể thật sự" vốn không biểu hiện và có tính bất diệt. Vì những khái niệm về thế giới không biểu hiện và sự tồn tại vĩnh cửu không được tìm hiểu sâu trong đời sống hàng ngày, nên chúng ta sẽ không cảm thấy dễ dàng để hiểu những hàm ý ẩn chứa trong những khái niệm này ngay từ lúc đầu. Mục đích của bài tập trải nghiệm là khuyến khích ta cởi mở tâm trí đối với lối tư duy mới mẻ, những khả năng mới và chân trời mới, nơi chúng ta có thể rèn luyện trí tuệ mình. Trong những lĩnh vực này, mỗi cá nhân phải tự khám phá, tự đưa ra bằng chứng thông qua nhận thức của chính mình. Trải nghiệm này có thể được đẩy nhanh bằng cách chuẩn bị cho trí tuệ tập tành hiểu các khái niệm.
Một khi chúng ta nhận ra "con người đích thực" là thực thể phi vật chất, chúng ta sẽ không thể đánh mất bất cứ điều gì. Nhận thức này là nền tảng vững chắc cho sự an toàn và bình yên nội tâm sâu sắc. Đây không phải là điều cốt yếu cho trải nghiệm về sự an toàn nội tâm, nhưng giúp làm phong phú thêm trải nghiệm. Sự thật là: "Dù cho điều gì xảy ra, tôi vẫn tồn tại"; "Cái gì tôi thật sự có, không ai có thể lấy đi của tôi"; "Tôi khác với cơ thể này và ngay cả khi cơ thể chết đi, tôi vẫn tiếp tục tồn tại"; "Mọi người khác cũng bất tử và thật sự không ai chết"; "Tôi thế nào, tôi vẫn luôn như thế ấy"; "Tôi không sở hữu bất cứ cái gì, và vì thế tôi không mất bất cứ cái gì". Trải nghiệm về sự an toàn này giải thoát chúng ta khỏi nhiều ham muốn không cần thiết (những ham muốn nhỏ nhặt, ích kỷ) và theo đó chúng ta sẽ cảm nhận được cảm giác tự do, ung dung tự tại. Càng thoát khỏi những ham muốn, ta càng hài lòng hơn và tìm được bình yên từ trong sâu thẳm con người mình.
Rồi sự bình yên này dẫn dắt ta đến trải nghiệm về niềm vui và tình yêu thương. Trải nghiệm về sự bất tử, an toàn, cảm giác mãn nguyện, bình an, yêu thương, trắc ẩn, hạnh phúc và hoàn toàn thoát khỏi những ham muốn chính là "trải nghiệm nguyên thủy" của chúng ta. Trải nghiệm ấy chỉ đạt được khi chúng ta ở trong ý thức thực sự về bản thân - ý thức về "bản thể thật sự". Trải qua biết bao dâu bể cuộc đời, vì nhiều lý do khác nhau, chúng ta đánh mất hiểu biết thật sự về bản thân cùng những trải nghiệm nguyên thủy ấy. Nếu xem xét kỹ lưỡng, mọi nỗ lực của con người trong cuộc sống - dù là vua chúa hay người hành khất - đều hướng về trải nghiệm nguyên thủy đó. Giống như nước là môi trường sống tự nhiên của cá, cá sẽ không sống nổi khi bị vớt lên bờ. Tương tự vậy, trạng thái bình yên, vui vẻ, yêu thương, trắc ẩn, hài lòng là "môi trường sống" tự nhiên, nguyên thủy của chúng ta, những "bản thể thật sự". Chúng ta thoải mái ngụp lặn trong đó mà không phải lo toan, nghĩ suy gì. Còn khi ta tức giận, đau khổ, ghen tị, căng thẳng v.v. chứng tỏ rằng có gì đó thiếu tự nhiên, bức bối trong nội tâm và lương tâm đấu tranh để đưa ta quay về trạng thái bình yên ban đầu. Ai ai cũng mong muốn trải nghiệm niềm vui, tình yêu thương, sự bình an và an toàn; mỗi người nỗ lực tốt nhất theo cách thức của mình, nhưng trừ phi ta nỗ lực với hiểu biết rõ ràng, bằng không thì sẽ không đạt được kết quả như ý muốn.
"Chúng ta sẽ không ngừng tìm tòi, khám phá
Và điểm cuối của cuộc hành trình
Sẽ đưa ta về nơi ta từng bắt đầu
Nhìn lại nơi đầu tiên ta đã xuất phát."
- T. S. Elliot
Đã có thời chúng ta trải nghiệm những cảm xúc cao đẹp nhất là bình an liên tục, vui vẻ và thương yêu…, rồi ta mất đi trải nghiệm nguyên thủy ấy. Chuyến du hành khám phá tiếp theo giúp ta nghiệm lại những gì mình có thể đạt được, nhưng lại loay hoay tìm kiếm từ những vật chất sở hữu và sự thỏa mãn các giác quan. Giờ đây, khi đã mệt mỏi rã rời sau một thời gian dài kiếm tìm, đây là lúc ta cần quay trở về nơi ta đã bắt đầu - trạng thái nguyên thủy, trạng thái hiểu biết thấu đáo.