Thói quen chính là tập tính được tích lũy mà thành. Thích đọc sách, thích nghe nhạc là thói quen. Bố thí, làm việc thiện là thói quen. Ngủ trưa cũng là thói quen. Làm việc lề mề, ỷ lại chính là thói quen. Thích mua sắm cũng là thói quen. Khạc nhổ tùy tiện, thường xuyên đi muộn, thích chống nạnh, v.v. đều là thói quen.
Newton1 phát biểu định luật quán tính: “Vật tĩnh luôn tĩnh, vật động luôn động”. Tập tính thiện ác của con người cũng như vậy, nếu chúng ta không thường tự mình quán chiếu, không tự mình tinh tấn, thì những việc làm nhỏ, hành động nhỏ lâu dần sẽ biến thành thói quen.
1 Isaac Newton (1643 - 1727): Nhà vật lý, nhà thiên văn học, nhà triết học, nhà toán học, nhà thần học và nhà giả kim người Anh, được nhiều người xem là một trong những nhà khoa học vĩ đại và có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử.
Thói quen là thứ bản thân chúng ta rất khó tự nhận biết, giống như việc trái đất hàng ngày vẫn đang chuyển động với một tốc độ tương đối ổn định nhưng con người sống trên trái đất lại hoàn toàn không nhận ra. Hay những thói xấu như nhìn ngang liếc dọc, tiện tay cầm nhầm, nói giáo lý suông, cao ngạo tự đắc, hoa tay múa chân, lườm nguýt móc mỉa, nói lời to tiếng, nói lời không thật, nói lời thô lỗ, hà khắc với người, buông thả lười biếng, trêu hoa ghẹo nguyệt, ỷ lại người khác, cậy quyền cậy thế, cầu danh cầu lợi, gây chuyện thị phi, tâng bốc nịnh hót, hút thuốc uống rượu, v.v. đều do thói quen mà hình thành nên tập tính xấu, khiến con người hoàn toàn không ngờ được, tựa như câu nói “vào tiệm cá ướp, lâu dần không thấy tanh” vậy.
Ngoài những điều nêu trên ra thì những tính như nhẫn nhục chịu khó, không phàn nàn, bạn vứt tôi nhặt, tùy hỷ công đức, nói lời chân thật, siêng năng, cần cù, tiết kiệm, ham học hỏi, lấy việc giúp người làm vui, vui vẻ hài hước, thích nói thích cười, lạc quan sôi nổi, v.v. đều do duy trì thói quen tốt mà dần dần huân tập nên những tập tính tốt.
Trong kinh điển của Phật giáo, bộ Đại Ái Đạo Tỳ Kheo Ni kinh có nêu ra 84 tính nết hay nói cách khác chính là 84 thói quen xấu của phụ nữ. Luận Tỳ Bà Sa cũng có nhắc đến đệ tử Phật là Tất Lăng Già Bà Tha1, do ngài là Bà La Môn trong 500 kiếp liền cho nên tính tình kiêu mạn, đã quen miệng gọi phụ nữ là “tiểu tỳ”, thành ra mỗi lần qua sông Hằng, ngài đều gọi thần sông Hằng là “tiểu nô tỳ”. Chuyện đến tai Đức Phật, Đức Phật bảo ngài xin lỗi thần sông Hằng, ngài vẫn nói theo thói quen: “Này tiểu nô tỳ, đừng giận, ta sám hối với ngươi”. Như vậy có thể thấy, một việc khi đã lặp đi lặp lại và trở thành thói quen thì rất khó thay đổi.
1 Tất Lăng Già Bà Tha (tiếng Phạn là Pilinda-vatsa) còn gọi ngài là Dư Tập. Do ngài đã 500 đời làm Bà la môn nên còn tập khí kiêu mạn rất lớn.
Thơ Bạch Cư Dị có câu: “Đã quen nghe hát tại vườn lê; cờ giáo cung tên đều không biết”, hay như câu nói của Mạnh Tử: “Lo lắng thì sống, hưởng lạc thì chết” ý muốn nói nếu người dân đã quen với cuộc sống an nhàn thì đó chính là mối nguy đối với đất nước.
Ngoài thói quen cá nhân ra thì hoàn cảnh môi trường, chính sách doanh nghiệp cũng đều có thói quen. Không phải tất cả thói quen đều là không tốt, nhưng cho dù một thói quen được cho là tốt nếu không có sự điều chỉnh thích hợp cũng sẽ trở nên tách biệt khỏi trào lưu của xã hội, hơn nữa rất dễ dàng bị đào thải.
Cá nhân phải biết thay đổi thói quen cũ không tốt của bản thân mới có thể tiến bộ. Doanh nghiệp phải thay đổi đường lối kinh doanh cũ mới có thể mở ra một hướng đi mới. Quốc phòng phải thay đổi chiến lược cũ mới nhận thức được những mối nguy hiểm tiềm tàng. Cuộc sống cũng phải biết thay đổi nề nếp cũ thì mới muôn màu muôn vẻ được.
Sách Hậu Hán thư nói: “Không rèn luyện không trừ bỏ, cuối cùng sa đọa vào các tệ xấu”. Cho nên nếu biết bản thân có thói quen xấu thì nhất định phải quyết tâm sửa đổi để tránh thói quen xấu xui khiến chính mình lầm đường lạc lối.