Một dịp kia, ba thầy trò Khổng Tử, Nhan Hồi, Tử Lộ cùng ngồi lại với nhau. Khổng Tử nói: “Hai trò hãy nói xem chí hướng của mình là thế nào đi”. Tử Lộ nói: “Chí hướng của trò là sẵn sàng đem xe ngựa, quần áo của mình ra chia sẻ cho bạn bè, dù cho xe có hỏng, áo có rách thì học trò cũng không hối tiếc”. Nhan Hồi trả lời: “Chí hướng của học trò nguyện không khoe khoang những ưu điểm của mình và không nhắc tới công lao của mình”. Tử Lộ hỏi ngược lại chí hướng của Khổng Tử, đức Khổng Tử nói: “Ta mong cho người già có nhiều niềm an vui, mong cho bạn bè có được sự tin tưởng lẫn nhau, mong cho trẻ em nhận được sự yêu thương quan tâm”. Đó chính là những cách mà người xưa định hướng cho bản thân.
Nhờ sự hiểu biết, trí tuệ mà con người có lý tưởng, có hoài bão, có hy vọng, ví dụ như mong muốn tương lai có thể làm nhà khoa học, nhà văn, nhà sử học, ca sĩ, diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng, thậm chí là tổng thống, v.v. thế nhưng lại không có ai định hướng làm nông dân, công nhân, bởi vì nông dân và công nhân thường bị đánh giá sai lầm là ngành nghề của tầng lớp thấp. Kỳ thực, nếu như bạn sớm có định hướng, biết tự định vị cho bản thân thì cho dù bạn là nông dân thì cũng có thể trở thành nhà nông học, là công nhân thì cũng có thể trở thành chuyên gia trong nghề. Như Norman Borlaug, cha đẻ của cuộc Cách mạng xanh, đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1970 chính là nhờ vào việc nghiên cứu và phát minh ra giống lúa mì sản lượng cao.
Mặc dù định hướng của chúng ta thường thay đổi theo sự tăng lên của tuổi tác, của nhận thức, hiểu biết cùng những nhân duyên bên ngoài, tuy nhiên “tôi muốn làm một người tốt” luôn phải là định hướng xuyên suốt của chúng ta.
Ví dụ như, bởi muốn môi trường xã hội được xanh sạch đẹp, vì thế tôi xác định trở thành một người công nhân vệ sinh môi trường. Tuy rằng tôi học không giỏi nhưng tôi muốn làm một người có hiếu với cha mẹ, một người có đạo đức, sống biết ơn, thích bố thí, thích làm điều thiện, muốn làm người cứu giúp muôn loài. Cho dù chỉ là người ăn mày, tôi cũng muốn mở trường dạy học như Vũ Huấn1, hoặc có thể xây cầu làm đường, giúp ích cho cộng đồng. Một khi đã tự định vị được như vậy thì mỗi người chúng ta sẽ trở thành nhân tố có đóng góp to lớn cho thế gian, thay vì trở thành gánh nặng của đất nước.
1 Vũ Huấn (1838 - 1896): Một người ăn mày và nhà hoạt động giáo dục danh tiếng thời nhà Thanh. Với việc đi ăn xin trong hơn 30 năm để góp tiền thành lập trường học dành cho những người nghèo túng, ông được mọi người và sử sách thời cận đại ca tụng như một đại anh hùng.
Người xuất gia cũng cần phải tự mình định hướng cho cuộc đời xuất gia của mình, bất kể khó khăn gian khổ thế nào vẫn quyết không thay đổi ý chí. Như Tỳ kheo Đà Phiếu1 một đời giúp người gửi lệnh thắp đèn, Gia Cát Lượng một đời dốc trí tận trung phò tá A Đẩu. Hoàng Phố định vị cả đời làm liên trưởng. Nữ tướng Châu Mỹ Ngọc, quyết cả đời phụng hiến cho quê hương đất nước. Bác sĩ Mackay, nguyện cả đời truyền giáo. Họ đều là những người biết tự định vị bản thân trở thành những tấm gương yêu nước thương dân, không quản ngại trước khó khăn gian khổ.
1 Trong kinh A Hàm, Tỳ kheo Đà Phiếu tinh tấn tu học đắc đạo A la hán, năm ngón tay thường phát ra ánh sáng chuyên phân chia các đồ dùng cho chúng tăng.
Nữ sĩ Thu Cẩn hy sinh vì cách mạng, Kinh Kha quyết chí ra đi không hẹn ngày trở về, Lâm Giác Dân1 vì muốn lật đổ triều Mãn Thanh mà từ bỏ hạnh phúc gia đình, cho đến Quan Vũ vì nhà Thục Hán mà tận trung với nước, v.v. Họ đều là những nhân vật đã định vị bản thân sẽ trở thành một người tận trung báo quốc, sẵn sàng vì đất nước mà cam tâm tình nguyện dâng hiến cả mạng sống.
1 Lâm Giác Dân (1887 - 1911): Tự là Ý Đồng, người Phúc Kiến. Năm 14 tuổi thi đỗ vào Đại học đường Toàn Mẫn, ông bắt đầu tiếp nhận tư tưởng cách mạng dân chủ, theo đuổi học thuyết tự do bình đẳng. Năm 1911 ông từ Hồng Kông gửi lá thư tuyệt mệnh cho cha mẹ và vợ, trong thư viết rằng: “Hy sinh vì nước, có chết trăm lần cũng không thoái thác”.
Thế gian này có người định vị bản thân sao cho được lưu danh muôn đời, cũng có người định vị bản thân sẽ để lại tiếng xấu ngàn năm, có người xác định đời này vui vẻ hy sinh cống hiến, cũng có người xác định sống chỉ để mưu cầu những điều mình mong muốn. Thân người khó có được, tại sao chúng ta không định vị bản thân trở thành một người tốt chứ?