Quay về có nghĩa là trở về với những điều vốn có, trở về với điểm khởi đầu, trở về với bản chất vốn có như quay về tự nhiên, quay về với truyền thống, quay về thời xa xưa, quay về với bản hạnh, quay về với tổ quốc, v.v.
Lá rụng về cội là quay về. Uống nước nhớ nguồn là quay về. Nhận tổ quy tông là quay về. Biết sai sửa sai là quay về. Phát lồ1 sám hối cũng là quay về với bản tính thanh tịnh của chính mình.
1 Phát lồ còn gọi là phát lộ, nghĩa là trình bày rõ tội lỗi mình đã phạm, không che giấu.
Khi thành đạo dưới gốc cây Bồ đề, Đức Phật đã nói: “Lạ thay, lạ thay! Chúng sinh trên đời đều có đức tướng trí tuệ của Như Lai, chỉ vì chấp trước vọng tưởng mà không thể chứng đắc được”. Đó chính là nói chúng sinh chìm nổi trong vòng luân hồi sinh tử mà không thể quay về với Niết bàn vốn có.
Bạn xem, mỗi năm khi mùa thu đến, loài cá hồi lại ngược dòng về thượng nguồn đẻ trứng, đó là hành trình sinh tử quay về với cội nguồn. Hay loài cua lông1 hàng năm cứ đến mùa sinh sản, lại tập hợp thành đàn bò từ đồng bằng ra cửa biển, trở về biển để duy trì giống nòi, đó chính là sự quay về để kéo dài sinh mạng.
1 Cua lông hay cua găng tay có đặc điểm nổi bật là hai càng có lớp lông dày bông xù. Loài này chỉ sinh sản một lần trong đời. Cuối tháng 8 hàng năm, cua cái bò từ đồng bằng xuống vùng hạ lưu để kết đôi với cua đực. Sau đó cua cái tiếp tục ra biển ấp trứng, khi trứng nở sẽ tự trôi về các vùng nước lợ.
Thi nhân Cung Tự Trân1 cũng viết:
1 Cung Tự Trân (1792 - 1841), trí thức Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đến các phong trào hiện đại hóa cuối triều đại nhà Thanh.
Cánh hoa rụng xuống đâu vô nghĩa
Hóa thành bùn xuân ấp ủ cây.
Đây chính là nói tới việc cánh hoa rụng xuống hòa vào bùn đất, quay về làm chất dinh dưỡng bồi đắp cho cây.
Quay về là mong mỏi của những người con tha hương; quay về là mong muốn của những người lầm đường lạc lối; quay về là chờ mong của người mẹ ngóng trông con cái; quay về là niềm mong đợi của những anh hùng chiến đấu ngoài sa trường.
Thi tiên Lý Bạch cũng có thơ viết về những người lính ra đi không ngày trở về:
Từ xưa bao kẻ chinh phu
Đã ra đất chiến, về ru mấy người?1
1 Trích từ bài Quan san nguyệt, bản dịch của Tản Đà.
Thi nhân Tô Thức lại bộc bạch nỗi lòng:
Tôi muốn nương theo gió
Lướt về nơi cung trăng
Lại e sợ lầu trắng
Điện ngọc cao lạnh sầu.
Hay như Mạnh Giao cũng từng viết:
Mẹ hiền luồn se chỉ
Khâu áo con viễn hành
Đường kim mẹ may kỹ
Khắc khoải con về nhanh.
Hay như thời Tam Quốc, Quan Vũ “thân tại Tào, tâm tại Hán”, chính bởi mong muốn một lòng quay trở về ấy mà Quan Vũ luôn giữ tấm chân tình với chủ quân.
Thời nay, con người thường mê đắm với ngoại cảnh cõi trần mà làm mất đi chân tâm tự tính vốn có đủ đầy. Như thiền sư Triệu Châu dù đã tám mươi tuổi song vẫn thường đi tham học khắp nơi, đến khi quay về mới biết là đã lãng phí tiền dép cỏ. Đại sư Hám Sơn triều Minh cũng có bài thơ thiền rằng:
Hồng trần cuồn cuộn xưa dài lối
Không rõ việc chi tới quê người
Giờ ngoảnh đầu nhìn hướng mù khơi
Nắng chiều trong mắt nói lời cùng mây.
Con người mê muội luôn không ngừng truy cầu bên ngoài mà lưu lạc “tha hương”, sau khi trải qua thời gian lầm đường lạc lối mới biết được kho báu mà họ vất vả tìm kiếm kỳ thực ở ngay trong tâm chính mình.
Con người khi quay về cần mang trong mình cảm giác vui vẻ và hy vọng; cần phải thiết lập mục tiêu, quyết không được do dự, ngập ngừng; phải có dũng khí thừa nhận những sai lầm; phải có niềm tin và lòng khao khát; phải có nghị lực kiên cường quyết không thoái lui; phải có phương hướng xác định rõ ràng.
Để quay về tất nhiên ngoài việc phải dựa vào sự phản tỉnh của chính mình, còn phải nhờ đến nhân duyên bên ngoài và sự hướng dẫn của các bậc thiện tri thức. Có câu “quay đầu là bờ”, người kinh doanh nếu gặp lúc không thuận lợi thì quay về với nghề cũ, người tu hành nếu gặp phải khó khăn chướng ngại thì quay về cái tâm mới phát nguyện ban đầu, còn đối với người tha phương thì hãy mau mau quay về trong vòng tay của cha mẹ đi thôi.