Trong mối quan hệ giữa người với người, nếu tình cảm gắn bó sâu sắc thì được coi là hòa hợp như nước với sữa. Ngược lại, nếu quan hệ không hòa hợp, sẽ bị nói là kỵ nhau như nước với lửa. Kỵ nhau hay “không tương dung” là đặc trưng cho mối quan hệ giữa lửa và nước. Theo cách nói thông thường, lửa và nước là tương khắc, thế nhưng tại khu thắng cảnh Quan Tử Lĩnh, lại có động Nước Lửa, là nơi “nước lửa cùng nguồn”, đó không phải là lửa nước tương dung sao?
Trong băng lạnh vẫn có độ ấm, độ ấm đó chính là “lửa” của băng. Dưới mặt đất đóng băng lạnh giá cũng có dòng nước ấm ngầm chảy. Sức nóng trong ngọn lửa cũng bao hàm thành phần của nước; và khi đem nước đun sôi, nước không phải cũng có sự tồn tại của lửa hay sao? Nước có thể dập lửa, lửa cũng có thể làm bốc hơi nước. Những điều này chẳng phải đều cho thấy nước và lửa tuy tương khắc nhưng cũng có sự tương dung sao?
Một đất nước cần có văn nhân và cũng cần phải có võ tướng. Một xã hội cần phải có sĩ, nông, công, thương và cũng phải có những chuyên gia. Trong một công ty cần phải có người phụ trách kế hoạch chiến lược, cũng phải có người phụ trách hoạt động thực tiễn. Trong một gia đình, tính cách của anh chị em, có người hoạt bát, cũng có người trầm tĩnh, tuy khác nhau, nhưng mọi người sống có tôn ti, yêu quý lẫn nhau, phân công công việc theo sở trường của mỗi người, như vậy mới có thể tạo nên cuộc sống hòa hợp, muôn màu muôn vẻ. Ngược lại, nếu mỗi người đều tự cao tự đại, coi thường nhau, cản trở nhau như nước với lửa, thì gia đình, xã hội làm sao có thể êm ấm, hòa hợp?
Trong “Tứ đại giai không” của Phật giáo, đất nước gió lửa là tương dung, cùng tồn tại. Ví như, con người nhờ tứ đại hòa hợp nên mạnh khỏe không có bệnh tật. Trời đất có mưa thuận gió hòa, mùa màng mới bội thu. Cây cối thường xuyên được tưới nước và có độ ẩm cần thiết, thì có thể đơm hoa kết quả. Đó không phải đều đang chứng minh cho đạo lý tương dung của đất nước gió lửa hay sao?
Ngày nay, một số quốc gia không thể đồng thuận trong nhiều vấn đề, giữa các dân tộc cũng có sự mâu thuẫn, giữa người với người cũng có những bất đồng, giữa các tôn giáo không có sự tôn trọng lẫn nhau, giữa các chủng tộc có sự phân biệt kỳ thị, v.v. Đó đều bởi các quốc gia, cộng đồng hay cá nhân không thể bao dung cho nhau, như nước với lửa không tương dung. Những điều không tương dung như nước với lửa là trái quy luật của tự nhiên, nhất định là do không bao dung với người mà tự chuốc lấy tai họa diệt vong.
Thế giới này không chỉ là thế giới của nhân duyên hòa hợp, mà còn là thế giới của bao nhiêu nhân duyên phụ thuộc lẫn nhau, như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân cùng tồn tại mới có thể tạo thành một con người khỏe mạnh, thiếu đi một cái sẽ là khiếm khuyết, thiếu đi một cái cũng sẽ không thể toàn diện.
Gần đây, ngày càng có nhiều nhà khoa học đồng quan điểm rằng “nguồn năng lượng mới”, “năng lượng toàn cầu” của tương lai sẽ là băng cháy1, băng cháy bao gồm khí hydrocarbon (chủ yếu là methan) và nước, được hình thành trong điều kiện áp suất cao và nhiệt độ thấp. Độ lạnh của băng tạo ra nhiệt lượng, đó không phải là lửa nước tương dung sao? Đến lửa với nước còn có thể tương dung thì sao con người chúng ta với những sở thích, tính cách, văn hóa, chủng tộc và tôn giáo khác nhau lại không thể hòa hợp, bao dung với nhau được chứ?
1 Tên khoa học là Natural hydrate, hoặc Gas Hydrate. Khi hàm lượng methane vượt quá 75% thành phần của nó thì nó thường được gọi là methane hydrate.