Trong kinh Phật, có một câu chuyện kể rằng: Nhà vua nọ có hai vị đại thần hầu cận bên người. Nhưng đại thần A thì được vua yêu mến còn đại thần B lại thường xuyên bị nhà vua trách cứ. Đại thần B nghĩ mãi mà không hiểu lý do tại sao. Trải qua quan sát nhiều ngày, đại thần B mới biết hóa ra mỗi lần nhà vua ho ra đờm xong thì đại thần A lập tức giúp vua lau chùi sạch sẽ, cho nên mới khiến nhà vua vừa lòng.
Đại thần B muốn bắt chước theo, nhưng mỗi lần ông ta chuẩn bị lau đờm cho vua thì đều bị đại thần A giành trước. Đến một ngày kia, nhà vua lại ho “khụ khụ khụ” có vẻ sắp khạc đờm, đại thần B thấy vậy, tự nhủ lần này không thể bỏ lỡ thời cơ, liền mau chóng nhấc chân muốn đá bãi đờm ra xa, nào ngờ vung chân quá đà nên đã đá thẳng phải miệng nhà vua khiến cho răng của nhà vua rụng hết. Đây chính là do không nắm giữ được mức độ của động tác.
Cùng một câu nói, nhưng nói ở đâu, nói khi nào, đều phải có chừng mực. Làm một việc gì, cần nhanh chóng hoàn thành hay phải rà soát kỹ càng, cũng phải giữ vững chừng mực. Xã hội ngày nay, bất kể là ngành nghề gì thì khi vào nghề đều cần có cấp trên dẫn dắt. Cho nên bạn phải biết nắm chắc chừng mực trong quan hệ giữa cấp dưới với cấp trên, có như vậy thì bạn mới được người quản lý xem trọng và đánh giá cao. Hay như trong tình yêu, vì tình yêu là sự gắn bó giữa hai đối tượng, cho nên tất cả hành vi, cử chỉ, phong thái đều phải đúng chừng mực, khi ấy bạn mới nhận được sự khen ngợi và cảm tình từ đối phương.
Người biết nắm giữ chừng mực nghĩa là bất kể đó là việc nhỏ nhặt hay là vấn đề to lớn như chính trị, quân sự, kinh tế của quốc gia, tất cả đều được người đó xử lý một cách khéo léo và chính xác, như khi nào thì phải thực thi tự do dân chủ, khi nào thì phải nhanh chóng xây dựng kinh tế, khi nào thì phải tăng cường cải cách giáo dục, khi nào thì phải thể hiện sức mạnh của đất nước để sẵn sàng đối đầu với kẻ địch. Còn người chỉ biết dùng tiền bạc để lôi kéo quan hệ, chỉ biết làm một kẻ tiêu tán tiền tài, làm việc gì cũng chỉ mong đối phó để qua cửa, đều sẽ bị mọi người chê cười là không biết “nắm giữ chừng mực”.
Cha mẹ khi dạy dỗ con cái cũng cần phải có chừng mực, nếu phương pháp giáo dục của cha mẹ quá nghiêm khắc hoặc có những lời nói nặng nề sẽ làm tổn thương đến danh dự của con cái; giáo dục không đúng mực như vậy, hậu quả sẽ thật khó lường. Giáo viên khi dạy bảo học trò cũng cần phải cân nhắc nhiều điều rồi mới dạy, nếu không quan tâm đến tố chất thiên bẩm và trình độ tiếp nhận của học trò, chỉ biết gây thêm nhiều áp lực cho các em, đến khi các em đã kiệt sức rồi lại liên tục thúc giục chúng phải chăm chỉ học tập; giáo viên không chú ý đến phương pháp dạy, không biết chừng mực mà chỉ liên tục yêu cầu thì kết quả học tập của học sinh chắc chắn sẽ không tốt.
Khen ngợi người khác thì phải phù hợp với thực tế, phải có sự đắn đo cân nhắc. Bố thí làm thiện bao nhiêu mới là hợp lý cũng cần phải xem xét sao cho đúng mực, đừng cho rằng tiền là vạn năng, bằng không thì hành động tiêu tiền này sẽ bị người ta xem là lãng phí, thật không đáng vậy!
Làm việc cần đúng chuẩn mực, làm người cũng cần phải có chừng mực, thậm chí là một lời nói, một hành động, một động tác, chỉ cần chúng có tác động tới người khác thì đều phải có chừng mực!