Con người sống trên đời, đối nhân xử thế đều phải nhìn về phía trước, phải tiến về phía trước, không thể cứ mãi giẫm chân tại chỗ. Người chỉ biết giẫm chân tại chỗ làm sao mà có thành tựu được? Ngựa chiến mỗi ngày có thể đi vạn dặm, thế nhưng nếu ta chỉ coi chúng như là vật nuôi, hàng ngày chỉ dắt chúng quanh quẩn vài vòng trong sân thì chúng đã không còn là ngựa chiến tốt nữa rồi.
Nếu một người khi nói chuyện mà cứ nói đi nói lại một sự việc giống như bị bao vây trong cái vòng tròn luẩn quẩn, không gợi mở được ý tưởng mới, thì không đủ khả năng để thể hiện mình. Nếu một người làm việc mà không chịu nhìn trước ngó sau, không muốn mở rộng quan hệ, chỉ luôn giẫm chân tại chỗ, không có bất cứ sự tiến triển nào, thì làm việc gì cũng không xong. Ngôn ngữ không có ý tưởng mới, tư tưởng không được khai mở, suốt ngày do dự, vật lộn trong những mâu thuẫn thì không thể phá vỡ cái vòng tròn bế tắc của cuộc sống, chỉ đành chấp nhận cuộc sống tầm thường đến cuối đời.
Những người do dự không quyết đều là những người không có chí hướng. Ví dụ, một người sau khi lên đến vị trí trưởng khoa liền có ý thỏa mãn, không muốn nỗ lực để vươn lên, thì tất nhiên người đó sẽ không dễ dàng để thăng lên chức cục trưởng hay bộ trưởng; hoặc một người mới chỉ làm ăn nhỏ, thu nhập đủ để trang trải cuộc sống, liền không muốn phát triển hay mở rộng việc kinh doanh thì đương nhiên người đó chỉ có thể làm một ông chủ nhỏ chứ không thể trở thành một ông chủ lớn được.
Có một số người mơ mộng cao xa không thực tế, đứng ở núi này mà trông về núi nọ, khi đến được núi nọ rồi thì mới biết rằng trên núi đã không còn củi để đốt. Vì không có thực lực, không có đủ nhân duyên, nên con người ta chỉ có thể ở trong vòng luẩn quẩn với phạm vi bị giới hạn. Con người là như vậy, con vật cũng không ngoại lệ. Những loài thú trong rạp xiếc tuy được huấn luyện đầy đủ các kỹ năng biểu diễn nhưng cuộc sống của chúng cũng chỉ quanh quẩn mãi trong phạm vi nhỏ bé, cả ngày chỉ biết mua vui cho khán giả mà thôi. Con chó nhỏ không ngừng xoay vòng quanh để cắn lấy cái đuôi của chính mình, nhưng cắn qua cắn lại cũng chỉ uổng phí sức lực.
Người làm quan to rồi cũng bị cấp trên điều đi điều lại, đâu có gì ý nghĩa? Một người cho dù giàu có thì cũng chỉ chạy ngược chạy xuôi từ nhà đến ngân hàng, một người có được công việc tốt thì cũng chỉ biết quanh quẩn bên đống giấy tờ. Ngã chấp, pháp chấp, cũng giống như luân hồi trong sinh tử, lưu chuyển trong sáu đường mà không thể vượt thoát, như vậy thì đời sống đâu có gì ý nghĩa?
Nhà khoa học nhờ phát minh ra các vật dụng có thể lưu tiếng tốt muôn đời, nhà triết học nhờ một câu danh ngôn có thể thay đổi tư tưởng của nhân loại. Vì vậy cuộc sống không nên bị trói buộc vào trong những khuôn phép tục lệ. Sinh mạng rất quý giá, cho nên con người sống cần phải khai mở tư tưởng, mở rộng tấm lòng, thăng hoa nhân cách, tăng trưởng trí tuệ, đồng thời phải vượt lên khỏi hoàn cảnh khó khăn trong đời sống, phải phá bỏ giới hạn của bản thân, phải cùng hòa chung với nhịp đập của xã hội, cùng tồn tại với phiền não của hết thảy chúng sinh, như vậy đời sống mới có ý nghĩa.
Phạm Trọng Yêm1 có câu: “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”. Chúng ta không nên tự giam mình trong một vòng luẩn quẩn mà nên hòa nhập vào với tất cả, cùng chung hơi thở với vạn vật, cùng chung sống trên địa cầu. Sống vui vẻ như vậy cớ sao chúng ta lại không thích?
1 Phạm Trọng Yêm (989 - 1052): Tự Hy Văn, thụy Văn Chánh, là một nhà chính trị, nhà văn, nhà quân sự, nhà giáo dục thời Bắc Tống.