Chàng hải âu kỳ diệu1 là tiểu thuyết của nhà văn người Mỹ Richard Bach, tác phẩm miêu tả kỳ tích của chú chim hải âu bay ngược chiều gió, dốc sức hướng về mục tiêu, khiến cho người đọc cảm động sâu sắc. Có một bài hát viết về chim hải âu mà ca từ của nó thực sự khiến cho chúng ta sau khi nghe xong, không thể không học tập tinh thần phấn đấu vươn lên của chúng: “Hải âu, lượn bay trên biển xanh, không sợ sóng to gió lớn, sải rộng vững đôi cánh, mắt nhìn phương trời xa, chẳng bao giờ lạc mất phương hướng. Càng bay lên cao, tầm nhìn càng xa vút, chúng đang tìm lý tưởng của riêng mình. Tôi nguyện được giống như hải âu, có sự dũng cảm kiên cường như thế”.
1 Tên gốc Jonathan Livingston Seagull, kể về chú chim hải âu Jonathan Livingston say mê bay, xuất bản lần đầu tiên tại Mỹ năm 1970, đến nay hơn 60 triệu bản sách được bán trên toàn thế giới.
Hải âu là loài vật sống thành đàn, cư ngụ ở ven biển, thường bay là là mặt biển. Tuy chỉ có đôi cánh nhỏ, nhưng chúng vẫn dám ngược chiều gió mà bay về phía trước, điều này càng làm nổi bật sự dũng cảm và kiên cường của chúng.
Hải âu có đôi mắt rất sắc bén, khi bay lượn trên bầu trời thì chúng vẫn có thể quan sát được tất cả mọi thứ trên mặt đất. Chỉ cần bạn vứt ra một mẩu bánh mì là chúng có thể từ trên không trung sà xuống mổ lấy rồi nhanh chóng bay lên.
Hải âu rất thông minh và cũng rất biết nhớ ơn. Sau khi được bạn cho ăn, chúng sẽ thường chạy theo và vây quanh bạn, cũng có khi chúng sẽ bay lên bay xuống trước mặt bạn để tỏ lòng cảm kích.
Hải âu là loài chim cư trú và làm tổ ở ven biển. Khi tôi sống ở Wollongong1, nước Úc, sáng chiều đều có vô số chim hải âu đến đợi cho ăn, nhất là vào các ngày nghỉ, chim hải âu kéo đến càng nhiều, thiết nghĩ chuyện này bắt nguồn từ thói quen cho chim hải âu ăn của người Úc vào những ngày nghỉ. Vì vậy hải âu có thể thấu hiểu được tình cảm con người, sống hài hòa theo nhịp đập của xã hội.
1 Wollongong: Một thành phố duyên hải thuộc bang New South Wales, nước Úc.
Người Úc thích ánh nắng, nước biển, bãi cát trắng, cây cối và động vật, giống như tập tính sống theo đàn của chim hải âu, họ sống hòa bình với tất cả mọi người. Người Úc bản tính lương thiện, chỉ có họ mới dung nạp được nhiều loại động thực vật để chúng cùng chung sống hài hòa với loài người. Cho nên tôi không có gì kinh ngạc khi thấy những con chim “hải âu” ở Wollongong nay biến thành “sơn âu” (chim sống trên núi).
Có những lúc chúng ta không chỉ khâm phục tinh thần dám đương đầu với gió bão của hải âu, mà điều càng khiến chúng ta ngưỡng mộ hơn nữa đó là sự tự do và dáng vẻ bay lượn của chúng ở giữa bầu trời. Chim hải âu chưa bao giờ để con người thuần hóa, nhưng chúng lại rất khéo làm bạn với con người. Hòa nhập chứ không hòa tan, đó chính là phẩm chất cao quý và thánh thiện của chim hải âu.
Thông thường, mọi người hay nói đến vẻ đẹp của thiên nhiên, như núi thì cao sừng sững, biển thì rộng mênh mông; bên núi có bầu trời xanh trong, trên biển có một vài cánh hải âu đang bay lượn nhàn nhã thong dong, thật là khiến cho vẻ đẹp của nhân gian được tô điểm rực rỡ. Cho nên, nhân loại cần gì phải đắm chìm mãi trong cảnh tranh quyền đoạt lợi, suy tính thiệt hơn? Cuộc sống này sẽ đẹp biết bao nếu tất cả chúng ta đều có thể lạc quan phóng khoáng, tự do tự tại bay giữa trời đất như những cánh chim hải âu vậy.