Thi nhân Vu Khiêm thời Minh có bài thơ rằng:
Trăm ngàn búa luyện chốn thâm sơn
Lửa đốt thiêu thân tâm không sờn
Thịt nát xương tan cũng chẳng oán
Lưu danh thanh bạch chốn nhân gian.
Bài thơ này giống như một câu đố, và đáp án ở đây chính là vôi.
Đá lấy từ trên núi, đưa vào lò và nung ở nhiệt độ cao sẽ thành vôi. Vôi hòa với nước rồi đem quét lên tường để có bức tường trắng đó chính là lưu lại một nét “trong sạch” ở nhân gian. Nhưng có người cho rằng, đời người không thể để lại “trắng”, ý nói chúng ta không thể sống một đời mà không đạt được thành tựu gì.
Đời người nếu có thể để lại thành tựu đương nhiên là rất tốt, nhưng nếu như nói để lại “trắng” là không tốt, thì lẽ nào để lại “đen” mới là tốt hay sao? Tác phẩm nghệ thuật thời nay, ví như tranh sơn thủy của Trung Quốc đều chú ý đến “khoảng trắng”. Một bức ảnh cũng cần để lại một khoảng không gian trống, cũng chính là để lại “khoảng trắng” vậy. Hay như việc in ấn thư tịch, thiết kế mỹ thuật hiện nay cũng đều chú trọng việc để lại “khoảng trắng” cả.
Một chữ “trắng” này có thể để hình dung không gian, có thể dùng để miêu tả sự thanh khiết, hoặc có thể dùng làm điểm nhấn trong hội họa. Nhìn chung, ngoài một cuộc sống muôn màu nghìn sắc ra thì điều quan trọng nhất là sống cuộc đời thanh bạch. Như Văn Thiên Tường có câu thơ:
Đời người ai chẳng chết, trước sau
Lưu giữ lòng son, không bạc màu.
Đây chính là ông muốn lưu lại thế gian tấm lòng thanh bạch của một trung thần ái quốc. Hay như Gia Cát Lượng cúc cung tận tụy đến chết mới thôi, đó cũng vì muốn để lại danh tiếng một đời thanh bạch vậy.
Thuở xưa, bá quan văn võ nhận bổng lộc vua ban, sau khi đã dốc lòng dốc sức cống hiến cho đất nước, thì thứ duy nhất còn có thể lưu lại đời sau đó chính là sự thanh bạch. Giới doanh nhân ngày nay, phần đông đều là ngày ngày bận rộn lôi kéo quan hệ làm ăn, cho nên không dễ để giữ được sự thanh bạch. Tuy nhiên trong đó vẫn có những doanh nhân làm ăn chân chính, coi trọng đạo đức lương tâm, không buôn gian bán lận, đó đều là đã giữ được sự thanh bạch của mình.
Trịnh Thành Công1 giương cao ngọn cờ khởi nghĩa chống nhà Thanh, tuy không thành công nhưng đến nay Diên Bình Quận Vương vẫn nhận được sự tôn sùng và kính trọng của toàn thể nhân dân. Hay như hai vị tướng quân Trần Khánh và Lương Thiên Giới đã từng nhận được huân chương “thanh thiên bạch nhật”, họ là những người duy nhất nhận được giải thưởng đặc biệt này kể từ khi hải quân được thành lập tới nay, đó là vinh dự cao quý nhất của quân nhân và cũng chính là minh chứng cho nhân cách thanh bạch của hai vị.
1 Trịnh Thành Công (1624 - 1662): Ông là danh tướng kiệt xuất thời kỳ cuối nhà Minh đầu nhà Thanh, là anh hùng dân tộc Trung Quốc, đã dùng 16 năm cuối đời mình để kháng chiến chống lại nhà Thanh. Năm 1655, ông được hoàng đế Vĩnh Lịch nhà Minh phong cho tước Diên Bình Quận Vương.
Các bậc vĩ nhân sống thanh bạch làm gương cho thế gian đó là lẽ tất nhiên. Nhưng cho dù chỉ là một người hết sức bình thường như chúng ta, miễn có thể ngẩng lên không thẹn với trời, cúi xuống không thẹn với người, thì đó cũng chính là đã sống thanh bạch vậy.
Ngược lại, những quan chức dựa vào tham nhũng mà giàu có, những chính khách dựa vào quyền thế mà ức hiếp người dân, thì dù cho có oai phong lẫm liệt cũng khó khiến mọi người khâm phục, bởi vì họ thiếu đi sự thanh bạch. Như Nhan Hồi1 nhà nghèo ở trong ngõ hẹp, Kiềm Lâu2 chết không đủ vải che thân, nhưng vì họ đều để lại nhân cách thanh bạch, nên đến nay vẫn nhận được sự kính trọng của người đời. Do đó ta thấy, người nổi tiếng cũng tốt mà người bình thường cũng không sao, bất kể là sĩ nông công thương hay là công hầu khanh tướng, cuối cùng dẫu cho thân xác này có bị hủy hoại đi chăng nữa thì điều quan trọng là sự thanh bạch của ta vẫn có thể trường tồn với thời gian.
1 Nhan Hồi (521 TCN - 481 TCN): Người nước Lỗ, họ Nhan, tên Hồi, tự Tử Uyên, là đồ đệ của Khổng Tử và là một trong những nhân vật được tôn kính nhất trong Nho giáo.
2 Kiềm Lâu người nước Lỗ thời Chiến Quốc, là vị ẩn sĩ nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, từng được Lỗ Cung Công mời về làm tướng nhưng ông không nhận lời. Cả đời ông sống trong cảnh thiếu thốn, đến chết không đủ vải che thân.