Xã hội hiện nay, trong khắp các ngành nghề, hàng ngày đều có biết bao nhiêu người lên chức và cũng có biết bao người xuống chức. Khi lên chức, có người mang tâm trạng vui mừng, vinh dự, song cũng có người gắng gượng miễn cưỡng lên chức, bởi đó là việc bất đắc dĩ. Đến khi xuống chức, có người như đánh mất tất cả, hết sức chán nản, nhưng cũng có người như trút được gánh nặng, cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái không gì bằng.
Quan lại ngày xưa cho tới giới chức lãnh đạo của ngày nay, tất cả đều phải trải qua việc lên chức xuống chức này. Người xưa sau khi từ quan về quê thì sống một cuộc đời thong dong thảnh thơi, còn người ngày nay từ chức rồi thì đa phần đều mang cảm giác thất bại, lo lắng không biết ngày tháng sau phải sống như thế nào? Lên chức và xuống chức, khoảnh khắc này luôn là “người cười kẻ khóc”.
Kỳ thực cuộc đời con người cũng giống như những diễn viên trong một vở kịch, không ngừng lên xuống sân khấu; cũng như một người giáo viên dạy học, phải liên tục lên xuống bục giảng. Khi con cái đều đã trưởng thành, mỗi người con đều tìm đến một phương trời để phát triển sự nghiệp tương lai của bản thân, để lại cha mẹ cùng mái nhà trống không với bao mong đợi, lúc này các bậc sinh thành biết rằng đã đến lúc mình phải thôi giữ chức vụ nuôi dạy con cái rồi.
Một nhân viên bình thường khi đến độ tuổi nhất định thì đều phải nghỉ hưu, đây có thể coi là “xuống chức”. Việc một chủ tịch trao lại quyền tiếp quản công ty cho thế hệ sau hay chuyển giao chúng cho người khác cũng đều có thể hiểu theo nghĩa “xuống chức”. Vậy xuống chức rốt cuộc là việc tốt hay là việc không tốt? Là việc nên vui hay là việc đáng buồn phiền? Điều này thật khó mà phân định. Trên đời này, biết bao nhiêu người từng lên lên xuống xuống trong đường chính trị, bao nhiêu doanh nghiệp liên tục chìm nổi trên thương trường, đây cũng đều là “lên chức xuống chức” cả. Có người rất dễ dàng được thăng chức, song cũng có người rất dễ dàng bị giáng chức, người dễ dàng được thăng chức không những được người khác ngưỡng mộ đối với vận may của anh ta mà cũng phần nào cho thấy nhân duyên tốt đẹp của anh ta.
Khi một người được lên chức, bên cạnh những người vui vẻ chúc mừng cho họ cũng có không ít người âm thầm nguyền rủa. Còn người bị xuống chức thì sẽ có người thương tiếc cho họ, đồng thời cũng có người cười thầm hả hê. Vì vậy, việc lên chức hay xuống chức của một người, không chỉ liên quan tới tiền đồ của chính người đó mà còn khiến nhiều người khác sinh ra cảm xúc vui buồn lẫn lộn.
Một người làm quan, cả họ được nhờ; ngược lại, một người mất chức thì cả họ mất chỗ cậy nương. Người có năng lực, nhân duyên đầy đủ thì “xuống” ở nơi này lại “lên” ở nơi kia. Người năng lực kém, nhân duyên không tốt thì sau khi xuống chức lại là tương lai mờ mịt, thật không khỏi khiến người khác phải thấy ái ngại thay.
Về cơ bản, một người nhanh chóng thăng tiến thì cũng có thể dễ dàng nhanh chóng xuống dốc, người nhanh chóng xuống dốc thì nhất định sẽ còn có nhiều cơ hội để thăng tiến. Điều đáng sợ là lúc được lên chức thì ra vẻ ngại ngùng, đến khi xuống chức thì lại muôn phần lưu luyến. Những người này trong con mắt của bậc lãnh đạo, dù có được thêm cơ hội để thăng tiến trong tương lai thì sợ rằng cũng chẳng có giá trị gì.
Đời người cũng giống như sân khấu, mọi người đều được phân cho một vai diễn khác nhau và phải cố gắng làm sao để thể hiện phù hợp với vai diễn ấy. Nếu như đã đến lúc buộc phải xuống sân khấu thì cũng không cần quá lo lắng, người xưa có câu: “Không sợ không có chức vị, chỉ sợ bản thân không có khả năng để đảm nhiệm chức vị ấy”, thế nên chỉ cần chúng ta có năng lực, duyên phận và các điều kiện tốt, thì còn sợ gì việc lên hay xuống?