Kinh Phật nói rằng, thời mạt pháp là thời kỳ đấu tranh rất gay gắt. Kỳ thực, từ thuở khai thiên lập địa đến nay vũ trụ này vẫn không ngừng xảy ra đấu tranh: Người tranh đấu với người, người tranh đấu với động vật, người tranh đấu với đất đai, người tranh đấu với đại dương, người tranh đấu với khí hậu, người tranh đấu với thiên nhiên.
Tranh đấu dường như là tập tính bẩm sinh của một con người, và tập tính đó vẫn luôn tiếp tục cho đến ngày nay. Cho dù không xảy ra chiến tranh thì trong một đất nước, một xã hội, hay một gia đình, một cá nhân cũng chẳng có chuyện không xảy ra tranh đấu.
Khi còn nhỏ, đứa trẻ lấy tiếng khóc để tranh lấy sự quan tâm yêu chiều từ cha mẹ; lớn lên một chút thì chúng dần tách biệt khỏi đời sống gia đình, bắt đầu hướng ra bên ngoài để tranh lấy “địa bàn” của mình; khi học tập thì cũng muốn tranh cho mình một ngôi trường tốt, một giáo viên tốt; rồi sau khi trưởng thành thì muốn tranh lấy một đối tượng tốt để yêu; khi lập nghiệp lại muốn tranh lấy một công việc tốt.
Ai cũng muốn tranh những gì tốt đẹp nhất, tiện nghi nhất về cho mình, thế nên có thể xem việc đấu tranh trở thành bản năng sinh tồn tất yếu của mỗi người trên đời. Nhất là hiện nay, không có nhiều chính trị gia chủ động mưu cầu lợi ích cho nhân dân, mà phần lớn họ chỉ dựa vào nhân dân để tranh giành quyền lực cho mình. Do đó mà ở một số nước xảy ra tình trạng công nhân, nông dân hay ngư dân, giáo viên, v.v. xuống đường biểu tình hoặc đình công để đòi phúc lợi xã hội. Khi tiếng nói của một cá nhân là không đủ thì mọi người lại tiếp tục tập hợp sức mạnh của đoàn thể để cùng nhau tranh đấu.
Ngày nay, mọi người ở khắp nơi trong xã hội đều chỉ đang chú ý xem ai có tiếng nói, ai có quyền lực, ai có quan hệ, ai có bản lĩnh. Như Darwin1 từng nói: “Qua quá trình chọn lọc của tự nhiên, chỉ có kẻ biết thích ứng mới có thể tồn tại”, đó chính là quy luật phát triển tự nhiên của con người.
1 Charles Robert Darwin (1809 - 1882): Một nhà nghiên cứu người Anh nổi tiếng trong lĩnh vực tự nhiên học. Ông là người đã phát hiện và chứng minh rằng mọi loài đều tiến hóa theo thời gian từ những tổ tiên chung qua quá trình chọn lọc tự nhiên.
Tranh đấu cũng không phải là không tốt, chỉ cần mọi người biết tranh đấu vì quần chúng, vì lịch sử, vì chính nghĩa, vì kẻ yếu, hay vì những người sống ở nơi xa xôi hẻo lánh thì đều được xem là bậc quân tử nhân nghĩa. Nhưng mà có một số người cả đời chỉ biết tranh đấu vì lợi ích cá nhân mà gây tổn hại đến người khác, hành động tranh đấu này thật vô cùng sai trái.
Tất cả mọi người nên nỗ lực tranh đấu vì hình tượng cao đẹp, vì sự phát triển của trí tuệ, vì mục đích gây dựng nhân cách đạo đức cho bản thân, vì mục đích phục vụ xã hội, làm lợi ích cho quần chúng, thúc đẩy hòa bình thế giới, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, bởi đó mới là những sự nghiệp chân chính cần chúng ta phải ra sức đấu tranh.