Con người thể hiện cảm xúc của mình thông qua ngôn ngữ, có người cao giọng bình luận không hề kiêng dè, có người thẳng thắn đưa ra quan điểm của mình, có người hay phóng đại sự thật để gây sốc cho người nghe, có người lại hài hước dí dỏm, v.v. đây đều là phong cách sử dụng ngôn từ của mỗi cá nhân. Bên cạnh đó lại có người nói lời sai trái để rồi gặp phải tai họa, nguyên do là bởi họ không biết cách sử dụng ngôn ngữ một cách thích đáng.
Trong các hình thức biểu đạt ngôn ngữ thì “câu bỏ lửng”1 là một loại ngôn ngữ đặc thù mang ý vị sâu sắc, vốn đã được lưu truyền rộng rãi từ xưa trong xã hội Trung Quốc, loại ngôn ngữ này mang đầy đủ hơi thở đời sống dân gian và đậm đà bản sắc dân tộc.
1 Câu bỏ lửng âm Hán Việt đọc là “yết hậu ngữ”, là một phép tu từ trong tiếng Hán. Một câu bỏ lửng sẽ có hai bộ phận, vế trước là hình tượng ví von như vế đố, vế sau là giải thích giải nghĩa như vế lời giải. Trong ngữ cảnh cụ thể người ta chỉ nói ra vế trước cho nên mới gọi nó là câu bỏ lửng.
Đặc điểm của “câu bỏ lửng” là ý tại ngôn ngoại, bởi vì phần lớn “câu bỏ lửng” đều không nói thẳng ra mà dùng lối nói ví von để người nghe tự liên tưởng.
“Câu bỏ lửng” không hẳn là những lời lẽ sâu xa, cũng không nhất thiết phải trích dẫn kinh điển, nhưng nếu biết vận dụng nó vào biểu đạt suy nghĩ của bản thân thì chúng có thể khiến nội dung muốn trình bày trở nên hấp dẫn và sinh động hơn. Từ xưa đến nay, dân gian vẫn lưu truyền rất nhiều “câu bỏ lửng”, ví dụ như “Lưu Bị quăng A Đẩu”, dùng để chỉ việc thu phục nhân tâm; “vải bó chân của Vương nhị nương”, chỉ quan điểm vừa cũ kỹ vừa dài dòng; “nhìn người qua khe cửa”, ý là xem thường người khác; “chó cắn Lã Động Tân”, ý chỉ không biết lòng tốt của người khác; “chim non vừa mới tập bay”, ý chỉ người không biết cao thấp; “khỉ mặc quần áo”, chỉ việc giả dạng người tốt; “xem người khuân vác”, chỉ việc không biết nặng nhẹ; “quan trên ra cáo thị”, dân chúng gặp tai ương; “ngựa mới mua về”, không hòa hợp với đoàn thể; “được voi đòi tiên”, đã có được thứ này rồi còn đòi hỏi thứ khác; “ngọn đèn trước gió”, ý chỉ một sự vật không bền vững, có thể biến mất bất cứ lúc nào; “chó cắn nhím gai”, chỉ cảnh bất lực, không thể tìm ra cách giải quyết; “thả hổ về rừng”, chỉ cảnh hiểm họa khôn lường; “biển khổ vô biên, quay đầu là bờ”, tức chỉ cần kịp thời tỉnh ngộ, dừng những việc làm sai trái lập tức sẽ có lối thoát.
“Câu bỏ lửng” luôn mang sắc thái dí dỏm, hài hước, nếu được sử dụng khéo léo thì có thể làm người nghe mỉm cười tâm đắc, nhưng chỉ cần có chút bất cẩn thì sẽ trở nên lố bịch. Qua việc nhắc tới lối vận dụng “câu bỏ lửng” vào trong ăn nói này, hy vọng chúng ta có thể biết cách nói chuyện sao cho thật hàm súc, để lại cho người nghe không gian để tư duy và chiêm nghiệm, đó chính là nghệ thuật giao tiếp mà mọi người cần phải học được.