Trong cuộc đời mình, bạn đã phải đôi mặt với “nguy cơ” bao giờ chưa? Khi phải đối mặt với nguy cơ, bạn có thể cơ trí vượt qua nó không?
Khi còn nhỏ, giả sử trên đường bị kẻ xấu bám theo, bạn sẽ làm thế nào? Khi đi học, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống, không có thời gian để ôn bài nhưng thầy giáo lại cứ cho bài kiểm tra liên tục, đứng trước nguy cơ phải nghỉ học, bạn định làm thế nào để thoát khỏi tình thế khó khăn này?
Sau khi kết hôn, giả sử công việc của bạn không tốt, kinh tế thiếu thốn, khiến đối phương không còn muốn chung sống với bạn, lúc này bạn nên làm thế nào? Đến khi về già, con cháu đều có một thế giới riêng, chúng chỉ lo phát triển vùng trời riêng của chúng, thì thân già một mình biết làm sao để sống?
Cuộc đời con người thường sẽ gặp phải một số nguy cơ có thể hoặc không thể dự đoán trước. Như bỗng nhiên mất điện lúc trời tối, trong nhà lại không chuẩn bị đèn pin và nến, vậy phải làm thế nào đây? Hoặc khi chèo thuyền ra khơi bỗng nhiên gặp phải sóng to gió lớn, nguy hiểm muôn phần, bạn phải làm thế nào? Hay như đang đi trên đường thì bị cảnh sát bắt lầm, bạn sẽ làm gì để biện giải cho mình?
Khi gặp các tình cảnh như mưa bão đêm khuya, động đất, chiến tranh, trộm cướp đột nhập, tai nạn giao thông, mất việc làm, cho đến việc đang ở độ tuổi trẻ trung sung mãn thì đột nhiên bác sĩ thông báo bản thân mắc phải bệnh nan y hoặc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, không còn sống được bao lâu, những lúc như vậy bạn phải làm thế nào?
Khi gặp phải nguy cơ, thay vì hoảng hốt, bạn nên bình tĩnh đối diện với chúng. Cho dù là nguy cơ gì, trước tiên bạn cần biết nguyên nhân của chúng, không nên phức tạp hóa vấn đề lên, chỉ đơn giản là mau chóng tìm ra biện pháp giải quyết. Do đó, khi đứng trước nguy cơ, chỉ có bình tĩnh, linh hoạt mới xử lý được vấn đề. Hoảng loạn hay căng thẳng không những không giúp ích gì mà chỉ khiến mọi chuyện càng thêm rắc rối.
Trong chuyên mục đố vui có thưởng của một tờ báo nước Mỹ, đề ra hôm ấy như sau: “Một khinh khí cầu chuẩn bị chở ba người, một nhà khoa học, một chuyên gia bảo vệ môi trường và một chuyên gia lương thực. Không ngờ khinh khí cầu bỗng nhiên bị xì hơi, không thể mang nặng, cho nên để giảm tải trọng, họ quyết định chọn ra một trong ba người không được lên khinh khí cầu. Ba vị chuyên gia tuy có những thế mạnh khác nhau nhưng mỗi vị đều đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình bay. Vậy cuối cùng phải bỏ lại vị nào đây?” Sau khi câu hỏi được đưa ra đã có hàng vạn người tham gia trả lời, mỗi người lại có đáp án và cách giải thích của riêng mình. Cuối cùng, người giành được giải thưởng là một bé trai và đáp án của cậu đó là bỏ lại người béo nhất.
Để giải quyết nguy cơ, đầu tiên chính là phải có kiến thức về vấn đề đó, thứ hai phải có năng lực ứng biến, thứ ba phải có sự tu dưỡng để luôn bình tĩnh và thứ tư là phải có các nhân duyên lành. Có được bốn điều trên thì việc giải quyết nguy cơ không còn là vấn đề nữa!