Trong một trận chiến, binh lính bị kẻ địch bao vây, khi đó muốn đột phá vòng vây để thoát ra là việc rất khó khăn, hay như trong một ván cờ vây, nếu kỹ năng chơi cờ của mình không giỏi mà bị đối phương bao vây, có muốn thoát ra khỏi vòng vây cũng không phải là một việc dễ dàng.
Một người suy nghĩ không thông, bị chính suy nghĩ của mình vây khốn mà không thể thoát ra, đó là tự mình tìm phiền não. Có người bị đồng tiền trói buộc mà không thể thoát ra. Có người rơi trong lưới tình mà không thể thoát ra. Có người bị áp đặt bởi hủ tục mà không thể thoát ra. Tóm lại, những ngày tháng bị vây khốn, không thể vượt ra ngoài chính là những ngày tháng mất tự do, không dễ chịu đựng mà lại không thể giải thoát.
Có vị học tăng hỏi Tam tổ Tăng Xán1 rằng: “Làm sao để giải thoát?” Tam tổ hỏi lại: “Ai trói buộc ngươi?” Sau một hồi suy nghĩ, người kia liền nói: “Không có ai trói buộc con cả!” Tam tổ nói tiếp: “Ta vừa cởi trói cho ngươi rồi đó!”
1 Tam tổ Tăng Xán (529 - 613): Thiền sư Trung Quốc, tổ thứ ba của Thiền tông, nối pháp Nhị tổ Huệ Khả và là thầy của Tứ tổ Đạo Tín.
Cái gọi là bị “trói buộc”, thực chất thường đến từ chính bản thân chúng ta, nếu như không thể tự mình thoát ra khỏi sự trói buộc của bản thân thì đó chính là thất bại lớn nhất. Chúng ta tham đắm danh tiếng thì sẽ bị danh lợi địa vị trói buộc, chúng ta tham đắm uy quyền thì sẽ bị quyền thế trói buộc. Người tham sân, háo sắc thì bị tham sân tài sắc bủa vây, người vô minh và ham muốn thì bị sự vô minh và ham muốn bủa vây. Cho nên ta thấy, bởi có cái tôi nên con người không thể đột phá, cho nên suốt đời suốt kiếp bị “chấp ngã” giam cầm, xem ra nếu ai muốn thoát ra khỏi sự giam cầm ấy thì thật sự phải cần đến một phen khổ tâm, nỗ lực hết sức vậy.
Các nhà khoa học không biết đã phải thực hiện bao nhiêu nghiên cứu, suy luận, thí nghiệm, để cuối cùng mới phát hiện ra những điều kỳ diệu của vật lý, vì vậy muốn thành công, việc mà các nhà khoa học cần làm chính là phải đột phá khỏi các quy luật vật lý ấy. Những vị thiền sư tham thiền học đạo để tìm kiếm “bản lai diện mục” của mình, trải qua bao năm tháng ròng rã, bỗng đến một ngày cũng được khai ngộ, cho nên nói muốn ngộ đạo buộc chúng ta phải vượt ra khỏi sự kiềm tỏa của cái tâm mê chấp.
A Đẩu được cứu sống trong trận Trường Bản1 chính nhờ sự anh dũng của Triệu Tử Long. Quan Vân Trường2 vượt năm ải, chém sáu tướng cũng là nhờ lòng tận trung mà có thể thoát nạn. Chu Mãi Thần3 gia cảnh nghèo khó, không những bị bạn bè coi thường mà ngay cả vợ cũng bỏ đi, nhưng nhờ lòng ham học, cuối cùng ông cũng thoát ra khỏi cảnh bần cùng để trở thành danh thần của triều Tây Hán. Tổ Địch4 thời Đông Tấn, ban đêm nghe tiếng gà kêu thì lập tức bật dậy, luyện tập võ nghệ để thân thể khỏe mạnh, dốc chí cứu nước, nhờ sự nỗ lực vươn lên mà ông trở thành một danh tướng vĩ đại của triều Tấn.
1 Trận Trường Bản là trận đánh diễn ra năm 208 thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc, giữa hai thế lực quân phiệt Lưu Bị và Tào Tháo. Trận đánh cũng được đề cập trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung.
2 Quan Vân Trường (162 - 220): Tức Quan Vũ, tự Vân Trường, là một vị tướng nổi tiếng thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời Tam Quốc ở Trung Quốc. Ông là người đã góp công lớn vào việc thành lập nhà Thục Hán.
3 Chu Mãi Thần: Hay Châu Mãi Thần, người đất Cối Kê, thời nhà Hán.
4 Tổ Địch (266 - 321): Tự Sĩ Trĩ, là đại tướng nhà Đông Tấn trong lịch sử Trung Quốc, người huyện Tù.
Thông thường, con người ta luôn bị “tám ngọn gió”1 trên thế gian giam cầm, bởi vậy đừng bao giờ tự tìm đến phiền não mà trói buộc bản thân. Sống trên đời, bạn cần phải biết thoát ra khỏi sự ràng buộc, sự vây khốn mà hoàn cảnh xung quanh đem lại, có thoát ra khỏi vòng vây rồi thì bạn mới có được tương lai, mới có được thành tựu.
1 Tức bát phong, gồm: được, mất, khen, chê, danh dự, tiếng xấu, hạnh phúc, đau khổ.