Hậu quả để lại là tác động tiêu cực sinh ra do hành động thiếu tính toán và chưa thỏa đáng.
Hậu quả của việc ngồi quá lâu trước máy tính chính là mỏi mắt, mỏi cổ. Hậu quả của việc kinh tế suy thoái là doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự và các vấn nạn xã hội khác. Hậu quả của lũ lụt là đất đá sạt lở, nước lũ dâng cao, giao thông đình trệ, nông nghiệp thiệt hại, sau khi nước rút để lại rác rưởi, bùn đất, muỗi mòng sinh sôi, dẫn đến bệnh truyền nhiễm lan tràn. Hậu quả của lối truyền thông giật gân câu view là việc nhiều người học theo thói xấu. Hậu quả của việc giảm béo quá đà là hội chứng chán ăn. Hậu quả của việc bắt chước thần tượng thiếu chọn lọc là làm ra những việc trái thuần phong mỹ tục. Hậu quả của việc gian lận trong bầu cử là thói tham ô nhũng nhiễu về sau.
Khổng Tử nói: “Người không biết lo xa tất có nỗi buồn gần”. Mọi người thường chỉ biết hưởng cái vui trước mắt mà không suy xét đến hậu quả, để rồi phải hối tiếc cả đời.
Nếu chúng ta bất cẩn gây ra hỏa hoạn thì sẽ dẫn đến hậu quả là làm tổn hại đến tính mạng, sức khỏe và tài sản; không chú trọng giữ gìn vệ sinh dẫn đến hậu quả viêm đường hô hấp, đường tiêu hóa; vận động không đúng cách sẽ dẫn đến hậu quả là bị giãn cơ, trật khớp; ăn uống quá độ thì dẫn đến hậu quả mắc các bệnh liên quan đến béo phì và đường ruột. Doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến hậu quả là nhiều nhà máy phải đóng cửa, đồng thời làm phát sinh các vấn đề kinh tế xã hội. Mọi người tranh nhau mua hàng dẫn đến hậu quả xảy ra tình trạng lạm phát, giá cả hàng hóa leo thang. Hậu quả của việc sử dụng ma túy là gây tổn hại đến sức khỏe cũng như tài sản. Hậu quả của việc đánh bạc là tán gia bại sản, người thân và bạn bè xa lánh. Hậu quả của việc không vệ sinh khoang miệng là bị sâu răng.
Luận ngữ nói: “Một lời có thể làm đất nước hưng thịnh, một lời cũng có thể làm đất nước suy vong”. Tục ngữ cũng nói: “Cơm có thể ăn nhiều nhưng lời không thể nói nhiều”. Khi nói chuyện, mọi người thường vì sự vui vẻ nhất thời mà nói những lời sai trái, hư dối, hại người, để rồi sau này phải hối tiếc. Trong nhà Thiền, có câu chuyện về một vị tăng, vị này vì nói bản thân sẽ “không rơi vào nhân quả” mà bị đọa làm chồn suốt năm trăm kiếp. Đó chính là minh chứng cho việc nói sai gây ra hậu quả vậy.
Ngoài ra, chính sách quốc gia sai lầm cũng dẫn đến hậu quả là nền kinh tế, chính trị, giáo dục và vị thế trên trường quốc tế của đất nước đó bị giảm sút. Các chính sách tôn giáo không hoàn thiện, ví như lạm dụng việc truyền giới, lạm dụng việc thu nhận đệ tử, lạm dụng việc tự xưng mình là Phật sống cũng sẽ dẫn đến hậu quả là làm Phật giáo suy vong.
Người xưa từng nói: “Người bề trên có sở thích gì thì kẻ dưới chắc chắn sẽ càng ưa thích hơn vậy”. Những sở thích sai trái của vua tất sẽ mang đến hậu quả khiến dân chúng bị khổ nạn. Như Lý Hậu Chủ1, chỉ vì thích ngắm các cung nữ bó chân nhảy múa khiến tục bó chân thành trào lưu, làm bao phụ nữ thời xưa phải chịu đau đớn suốt đời vì tội bó chân. Sở Linh Vương2 thích phụ nữ có vòng eo thật là nhỏ, làm bao nhiêu cung nữ đua nhau thắt eo, giảm ăn mong có vòng eo con kiến, dẫn đến bi kịch chết đói vì nhịn ăn.
1 Lý Hậu Chủ (937 - 978): Tên thật là Lý Dục, là vị vua cuối cùng của nước Nam Đường thời Ngũ Đại Thập Quốc.
2 Sở Linh Vương (? - 529 TCN) là vị vua thứ 29 của nước Sở - chư hầu nhà Chu. Ông là người ham mê sắc dục, năm 536 TCN đã xây Chương Hoa cung (còn gọi là Tế Yêu cung) để vui chơi hoan lạc.
Sách Trung dung1 viết: “Làm việc có chuẩn bị sẽ thành công, không có chuẩn bị sẽ thất bại”. Câu nói trên cảnh tỉnh chúng ta rằng, khi làm bất cứ việc gì cần lấy thái độ thận trọng, lường trước thành bại, được mất; trước khi vào việc cần có kế hoạch chu toàn, tránh làm bừa làm ẩu dẫn tới hậu quả không thể cứu vãn.
1 Trung dung: Cuốn sách do Tử Tư thời Chiến Quốc soạn, là một trong Tứ thư của Nho giáo. Trong sách, Tử Tư dẫn lại lời của Khổng Tử nói về đạo trung dung, tức là nói về cách giữ cho ý nghĩ và việc làm luôn luôn ở mức trung hòa, không thái quá, không bất cập và tuân theo nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cho thành người quân tử.