Cuộc sống đời thường cần tới rất nhiều loại báo cáo. Vậy bạn có giỏi “báo cáo” trong mọi chuyện không?
Báo cáo là phương thức giao tiếp, là sự truyền đạt thông tin, là sự gánh vác trách nhiệm. Người lính phải báo cáo với chỉ huy, con cái phải báo cáo với cha mẹ, học sinh phải báo cáo với giáo viên, nhân viên phải báo cáo với lãnh đạo.
Thời gian báo cáo phải kịp thời; nội dung báo cáo phải xác thật, có tính xây dựng; bố cục bài báo cáo phải rõ ràng, mạch lạc. Báo cáo có thể là dạng nói hay dạng viết, có thể ủy thác cho người khác báo cáo thay nhưng trực tiếp báo cáo sẽ hiệu quả hơn.
Ngày nay đang nở rộ một loại hình báo cáo mới, gọi là “báo cáo ngắn gọn”. Khi nhậm chức ở cơ quan mới, đầu tiên bạn cần phải làm một bản báo cáo ngắn gọn về kế hoạch công việc sắp tới để thuận tiện cho việc tiếp nhận chỉ đạo của cấp trên. Nhân viên kinh doanh phải báo cáo ngắn gọn cho khách hàng hiểu được công dụng chính của sản phẩm, để dễ cho việc bán hàng. Quản lý các cấp phải báo cáo ngắn gọn với cổ đông và hội đồng quản trị để mọi người nắm rõ tình hình kinh doanh của công ty. Bác sĩ thông báo ngắn gọn về bệnh tình cho bệnh nhân nhằm trấn an người bệnh, khiến họ tích cực phối hợp điều trị. Trạm khí tượng phải báo cáo ngắn gọn thông tin dự báo thời tiết để mọi người kịp thời ứng phó với các hiện tượng thời tiết xấu giúp giảm bớt thiệt hại về người và của.
Thậm chí tổng giám đốc cho dù là chủ doanh nghiệp cũng cần cấp dưới báo cáo vấn đề lỗ lãi trong kinh doanh của công ty. Người sống xa quê thường viết thư báo cáo tình hình với cha mẹ để người nhà an tâm. Nhân viên đại sứ đóng tại nước ngoài thường xuyên theo dõi biến động chính trị ở nước sở tại để báo cáo thông tin ngoại giao về nước. Thậm chí, người đứng đầu mỗi nước cũng phải báo cáo tình hình thực thi chính sách với nhân dân, giúp nhân dân hiểu về chính sách và mục tiêu của đất nước trong tương lai. Ngay cả những trung thần dám hy sinh tính mạng để can gián bậc quân vương, đó không phải là một loại báo cáo hay sao?
Lãnh đạo quản việc tầng cao, nếu không có cấp dưới báo cáo tình hình cơ sở thì khó mà đưa ra được chỉ đạo chính xác. Tướng lĩnh mang quân đánh trận, nếu không có thông tin tình báo thì không thể đưa ra được phương hướng tác chiến hiệu quả. Làm việc trong đoàn thể, nếu không báo cáo tình hình với đại chúng thì làm sao được đại chúng đồng tình ủng hộ? Do vậy báo cáo hết sức quan trọng. Tuy vậy đồng nghiệp thường trách nhau vì tội bị đối phương “báo cáo” sếp, kỳ thực chỉ cần chúng ta hành động ngay thẳng, làm việc chính trực thì cớ gì phải sợ người khác “báo cáo” về mình. Người sợ bị người khác “báo cáo” phần lớn là vì có tật giật mình.
Những việc đem lại lợi ích cho mọi người, góp phần vào sự phát triển đoàn thể thì chúng ta đều nên mạnh dạn báo cáo. Vì biết mà không báo cáo cũng tính là nói dối. Có khi, cấp dưới vì báo cáo công việc sơ sài mà bị cấp trên khiển trách, thậm chí đánh mất thiện cảm và sự trọng dụng của cấp trên với bản thân, cho nên những bạn trẻ mới bước ra xã hội trước tiên cần phải học cách báo cáo.
Ngày nay, các nước vô cùng coi trọng tin tình báo liên quan đến chính trị, tài chính, quân sự v.v. của nước khác, nhân viên tình báo biết được càng nhiều tin tức cơ mật, nội dung báo cáo tình báo càng chi tiết, thì càng được biểu dương. Do vậy, báo cáo chính là nấc thang thăng tiến trong sự nghiệp. Giỏi báo cáo công việc sẽ khiến người khác khen ngợi và coi trọng bạn. Báo cáo cũng là gánh vác một phần trách nhiệm trong công việc.
Cho nên, dù công tác trong ngành nghề nào thì chúng ta cũng đều phải học cách báo cáo để kết nối quan hệ với mọi người, để hiểu rõ tầm quan trọng của công việc từ đó có sự chủ động, như vậy chúng ta làm việc sẽ chu đáo, hoàn thiện hơn.