Chúng ta thường cho rằng công việc của bác sĩ khoa Nhi rất đơn giản, rất dễ làm. Kỳ thực là ngược lại, bởi với bệnh nhân là người lớn, bác sĩ có thể dễ dàng hỏi triệu chứng bệnh khi thăm khám, còn với trẻ nhỏ chưa biết nói bác sĩ chỉ có thể dựa vào kinh nghiệm và chuyên môn để bắt bệnh, kê đơn.
Trong các bệnh viện, nơi khám chữa bệnh cho người lớn được chia ra các chuyên khoa như khoa Mắt, khoa Phụ sản, khoa Thần kinh, khoa Nội lồng ngực, khoa Tiết niệu, khoa Nội tiết, khoa Tim, v.v. trong khi hầu hết các bệnh của trẻ nhỏ lại chỉ được khám chữa tại khoa Nhi, vì vậy bác sĩ khoa Nhi cần phải có kiến thức toàn diện.
Nếu không có bác sĩ khoa Nhi thì thế hệ mầm non của đất nước làm sao phát triển mạnh khỏe được, do vậy chúng ta không thể không xem trọng bác sĩ khoa Nhi.
Ngày nay, trong xã hội có người dùng từ “khoa Nhi” làm tiếng lóng để chỉ những người ăn ở “tủn mủn” với hàm ý chê bai.
Kỳ thực, tiết kiệm là một đức tính tốt đẹp, nhất là với người nghèo, vốn dĩ đã thật khó để chi tiêu rộng rãi. Cho nên chúng ta sao có thể thiển cận mà chê bai họ là “khoa Nhi” được?
Vậy người như thế nào mới là “khoa Nhi” thực sự? Đó là những người keo kiệt, không bao giờ chịu bỏ ra một xu, những người tự tư tự lợi, những người không có tinh thần chính nghĩa, không nhận thức được đúng sai, v.v.
Chúng ta làm thế nào mới có thể không bị châm biếm là “khoa Nhi”? Trước hết chúng ta cần phải có tính cách khí khái chính trực; có lòng nhiệt tình, trong sáng mà cởi mở; có sự rộng lượng không so đo, không tính toán. Chúng ta còn cần có tinh thần phụng sự và tâm cống hiến không hối hận; có sự quyết tâm tinh tấn học tập, nâng cao hiểu biết của bản thân; phát tâm phụng sự, giúp đỡ người gặp hoạn nạn; tu dưỡng các tính cách như khoan dung độ lượng, tùy duyên hành thiện, dốc lòng dốc sức, đồng cam cộng khổ, không câu nệ tiểu tiết, ân oán phân minh, thật thà cần mẫn và vui vẻ hài hước.
Trang Tử nói: “Nước nếu không sâu thì không thể chở nổi thuyền lớn”. Cho nên chúng ta phải luôn học tập, rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ, tu dưỡng nội tâm, càng phải biết học thêm nhiều kiến thức văn hóa các nước, thường kết duyên lành với mọi người, kết giao nhiều bạn bè thân hữu, hơn nữa cần thường xuyên chia sẻ những điều thấy, nghe với mọi người, từ đó có thể bồi đắp, tích lũy và mở rộng kiến thức của bản thân.
Nhà thư pháp Đổng Kỳ Xương thời Minh nói: “Đọc vạn quyển sách, đi vạn dặm đường mới biết được việc của thiên hạ”. Ngoài chuyện biết được việc của thiên hạ còn phải biết nghĩ cho người khác, có thể tiếp nhận mọi quan điểm, hòa hợp với mọi kiểu người khác nhau, như vậy còn là “khoa Nhi” nữa hay sao? Nếu bạn có chí hướng “dốc hết trí dũng một đời, mở ra tâm lượng của ngàn xưa” như Trần Lượng thời Tống, thì như vậy còn sợ bị gọi là “khoa Nhi” nữa hay sao?