Sống trên đời, ai cũng đều cần có trong tay một nghề nào đó để mưu sinh. Nghề nghiệp lại phân ra nghề “hot” và nghề không “hot”. Ví như trở thành tổng thống là việc mà nhiều người ước ao, nhưng theo một cuộc khảo sát được thực hiện tại Mỹ, thì độ “hot” của “nghề tổng thống” hóa ra lại xếp sau 150 nghề khác. Còn tại Nhật Bản, phụ nữ thích lấy chồng là bác sĩ, tu sĩ và giáo sư nhất, từ đó có thể thấy ba nghề này đang rất “hot” ở Nhật Bản.
Mỗi khi kinh tế suy thoái, số người thất nghiệp lại tăng lên. Khi ấy, người muốn tìm việc quá nhiều, công việc cần người lại quá ít, cho nên muốn tìm được việc thật không dễ gì. Như tôi thấy có công ty chỉ đăng tuyển mấy nhân viên tạp vụ mà cũng có thể nhận được cả hàng nghìn hồ sơ ứng tuyển.
Xin việc cũng là một môn nghệ thuật, người xin việc ngoài việc khoe ra năng lực của bản thân còn cần phải cho thấy điểm cộng trong hành xử. Và nếu người đi xin việc không có năng lực gì đặc biệt, hoặc tài nghệ chỉ ở mức tầm tầm thì sẽ không dễ để tìm được công việc lý tưởng.
Sinh viên thời nay thường rơi vào cảnh tốt nghiệp là thất nghiệp là do xã hội đã đến giai đoạn thừa thầy thiếu thợ, cho nên ngày càng nhiều người trẻ lựa chọn học xong phổ thông là xin đi làm luôn.
Khi cần tìm việc, chúng ta không thể chỉ biết ngồi chờ người khác xin hộ cho, vì như vậy sẽ tạo gánh nặng cho họ, thay vào đó chúng ta nên tự thân vận động, tự tìm kiếm thông tin tuyển dụng, tự nộp hồ sơ ứng tuyển, tự tham gia phỏng vấn, tự đi thử việc, đã có thể tích cực chủ động săn việc như vậy thì tất sẽ có cơ hội dành cho chúng ta.
Trước khi xin việc, chúng ta cần phải chuẩn bị tốt tinh thần. Xin việc khó tránh khỏi phải đi phỏng vấn. Nếu chẳng may không vượt qua được vòng phỏng vấn, thì chúng ta cũng phải dũng cảm đối mặt và đừng vội thoái chí nản lòng. Phỏng vấn trượt cũng giống như thi trượt, nó chỉ là “thất bại tạm thời”, nên chỉ cần chúng ta biết vực dậy tinh thần, tiếp tục trau dồi thực lực, tiếp tục ứng tuyển, thì chắc chắn sẽ có ngày chúng ta trúng tuyển.
Hiện nay, lác đác có tình trạng người tìm việc bị các trung tâm môi giới ma lừa tiền khi đăng kí tìm việc. Cho nên khi tìm việc, chúng ta không những phải cẩn thận tìm hiểu kĩ thông tin liên quan mà còn phải tham khảo ý kiến của mọi người, nhất là lắng nghe ý kiến của những người đi trước.
Người đi xin việc ngoài có năng lực chuyên môn ra còn cần biết ứng xử khéo léo. Khi phỏng vấn, cần phải biết ứng đối linh hoạt mới có thể chinh phục được nhà tuyển dụng. Có câu chuyện thế này: Anh chàng kia vừa rời ghế nhà trường bước ra xã hội, khi anh ta tiếp cận công ty nọ, đưa ra danh thiếp, muốn xin việc, liền bị người phụ trách tuyển dụng của công ty đó từ chối thẳng thừng. Nhưng anh ta vẫn bình tĩnh như không, nói: “Không sao! Lần sau tôi lại đến! Giờ xin gửi anh danh thiếp của tôi”. Không ngờ tới, người phụ trách tuyển dụng kia nhận xong liền xé luôn tấm danh thiếp làm đôi, đồng thời móc từ trong túi ra đồng một xu đưa cho anh chàng kia và nói: “Đây, tôi đền cho cậu, thế này đủ rồi chứ?”
Bất ngờ thay, anh chàng kia vui vẻ nhận lấy đồng tiền xu và nói: “Một xu này đủ in mấy tấm danh thiếp, tôi đã nợ sếp rồi”, nói xong anh ta liền đưa thêm một tấm danh thiếp khác. Chính nhờ sự khiêm tốn và chân thành này mà cuối cùng anh chàng kia cũng đã làm cho người phụ trách tuyển dụng của công ty kia phải đổi ý. Cho nên người đi xin việc nếu có được tinh thần không nhụt chí cùng với khả năng tùy cơ ứng biến thì rất dễ được tuyển dụng.
Khi đi xin việc, cần chuẩn bị một bản sơ yếu lý lịch thật sáng rõ thông tin, như vậy sẽ giúp người phỏng vấn nhanh chóng nhìn ra ưu điểm của chúng ta. Một khi được nhận vào làm rồi, chúng ta cần dốc tâm dốc sức làm việc, cống hiến cho công ty và tạo nên sự nghiệp cho chính mình.