Bạn đã bao giờ “hủy kèo” chưa? Đây là việc làm bất đắc dĩ, đồng thời cũng là hành vi vô trách nhiệm.
“Hủy kèo” với ngân hàng, đây là biểu hiện của làm ăn thất bát. “Hủy kèo” trong tình yêu, đây là biểu hiện của tình cảm rạn nứt, hôn nhân tan vỡ. “Hủy kèo” trong học tập, chính là thôi học, là biểu hiện của sự tụt hậu trong giáo dục. “Hủy kèo” trong công việc, chính là bỏ việc, khiến cho bản thân và xã hội cùng phải chịu tổn thất. Thậm chí, nhiều vụ tự sát xảy ra hiện nay, chính là do không biết quý trọng tính mạng nên “hủy kèo” với cuộc đời quá sớm.
Hội họp, liên hoan hai bên đã hẹn chắc rồi, bỗng nhiên đổi ý “hủy kèo” phút cuối, “hủy kèo” kiểu này sẽ làm ảnh hưởng tới tình cảm đôi bên. Đặt vé tàu xe xong rồi nổi hứng lên lại “hủy kèo”, tất sẽ khiến nhân viên nhà vé phải giúp xử lý thêm chuyện hủy vé. Cho nên “hủy kèo” kiểu này chỉ tổ phiền mình phiền người, là hành vi khiến đôi bên mất nhiều hơn được. Lại như việc đào ngũ trong quân đội, đó cũng là “hủy kèo”. Tăng chúng xuất gia, vì chưa kịp thích ứng với đời sống tu hành mà vội vã hoàn tục, đó cũng là “hủy kèo”. Nhân viên tình báo đào tẩu, cũng chính là “hủy kèo”. “Hủy kèo” cho dù trong chính trị, tín ngưỡng, xã giao, giao dịch v.v. đều là hành động thiếu khôn ngoan.
Trong cuộc sống, chúng ta cần phải bồi dưỡng cho mình tính cách không tùy tiện “hủy kèo”. Bạn xem, Vương Bảo Xuyến1 ròng rã mười tám năm một mực chờ chồng, cũng không “hủy kèo” với chồng. Chu Công2 phò trợ Chu Thành Vương3 , Gia Cát Lượng4 phò tá A Đẩu hết lòng dốc sức vì tân đế, không hề “hủy kèo” với tiên đế. Mahātmā Gāndhī5 lãnh đạo nhân dân Ấn Độ đứng lên chống đế quốc Anh, giành lại độc lập, dù nhiều lần bị bắt vào tù ông cũng quyết không “hủy kèo”. Aung San Suu Kyi6 dù bị quản thúc tại nhà nhưng vẫn kiên trì đấu tranh cho nền dân chủ ở Myanmar, quyết không “hủy kèo”. Mandela7 dành mấy chục năm đấu tranh chống lại chế độ phân biệt chủng tộc, đòi quyền bình đẳng cho người da đen, chính nhờ quyết tâm không “hủy kèo” nên cuối cùng đã trở thành Tổng thống đầu tiên của Nam Phi. Lee Sung-man8 và Kim Dae-jung9 đều từng có thời gian phải sống lưu vong tại nước ngoài, sau đó về lại Hàn Quốc và giữ chức Tổng thống của nước này. Tất cả những nhân vật kể trên đều là những tấm gương vì lý tưởng, vì nước, vì dân quyết không “hủy kèo” trong chính trị. Sống trên đời, chúng ta cần phải luôn hướng về phía trước, cho dù tương lai có gian khó đến đâu cũng phải kiên định ý chí, quyết không lùi bước. Nếu bạn vô cớ rút lui khỏi một trận chiến cần thiết, việc này sẽ có thể khiến bạn càng thất bại ê chề hơn. Bạn khước từ một công việc tốt thì con đường thành công sẽ không có phần của bạn. Cho nên, chúng ta cần chú ý, khi đối nhân xử thế không nên dễ dàng “hủy kèo”, khi hứa hẹn với người không được vô cớ “hủy kèo”, khi cần trung dũng không thể “hủy kèo” và trong hoạn nạn càng không được đơn phương “hủy kèo”.
1 Vương Bảo Xuyến: Tương truyền nàng là tiểu thư con quan vì yêu mến chàng thư sinh Tiết Bình Quý mà xin cha được ném tú cầu chọn rể. Nhưng hai người lấy nhau chưa được bao lâu thì Tiết Bình Quý bị gọi tòng quân. Suốt 18 năm sau đó, mặc dù không nhận được bất cứ tin tức nào của chồng, song Bảo Xuyến vẫn một mực tảo tần chăm sóc mẹ già, chờ đợi ngày chồng trở về.
2 Chu Công: Tên thật là Cơ Đán, ông có công giúp Chu Vũ Vương diệt nhà Thương, lập ra nhà Chu. Sau khi Chu Vũ Vương băng hà, Chu Công lại giúp Chu Thành Vương xây dựng nhà Chu càng thêm hùng mạnh. Do đó ông được coi là công thần khai quốc của nhà Chu.
3 Chu Thành Vương (1065 TCN - 1020 TCN): Vị vua thứ hai của nhà Chu. Ông trị vì khoảng 21 năm, từ năm 1042 TCN đến năm 1021 TCN.
4 Gia Cát Lượng (181 - 234), tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long, là thừa tướng, công thần khai quốc của nhà Thục Hán thời Tam Quốc.
5 Mahātmā Gāndhī (1869 - 1948): Tên đầy đủ là Mohandas Karamchand Gandhi, là anh hùng dân tộc của Ấn Độ, người chỉ huy cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của đế quốc Anh, giành độc lập cho Ấn Độ.
6 Aung San Suu Kyi: Bà sinh ngày 19 tháng 6 năm 1945, là một chính trị gia người Myanmar, Chủ tịch Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Myanmar. Bà bị chính quyền quân sự quản thúc tại gia gần 15 năm trong tổng số 21 năm quản chế cho đến khi được thả vào tháng 11 năm 2010, qua đó trở thành một trong những tù nhân chính trị được biết đến nhiều nhất trên thế giới.
7 Nelson Rolihlahla Mandela (1918 - 2013): Tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi từ năm 1994 đến năm 1999 và là Tổng thống Nam Phi đầu tiên thắng cử trong tổng tuyển cử.
8 Lee Sung-man, còn được phiên là Rhee Syng Man, Yi Sung-man, hay Lee Seung-man (1875 - 1965): Tổng thống đầu tiên của Chính phủ lâm thời Đại Hàn Dân Quốc, cũng như sau này là Tổng thống đầu tiên của Đại Hàn Dân Quốc.
9 Kim Dae-jung (1924 – 2009), Tổng thống thứ 8 của Hàn Quốc từ năm 1998 đến năm 2003, chủ nhân của giải Nobel Hòa bình năm 2000.
Bạn là người như thế nào? Nhìn vào những lần bạn “hủy kèo” là có thể biết. Thường xuyên “hủy kèo” chứng tỏ nhân cách của bạn có vấn đề.
Ngược lại, nếu bạn có thể “lui bước” (dùng với nghĩa “hủy kèo”) trước danh lợi và địa vị, đây cũng có thể xem như một loại tu dưỡng của bạn, bởi “lui bước” trước quyền lực và tiền tài mới thực là đang “tiến bước”.