Xếp hàng là biểu hiện của nếp sống văn minh, là biểu hiện của tính nhẫn nại, là biểu hiện của tinh thần của sự nhường nhịn, là biểu hiện của ý thức tuân thủ phép tắc, là sự tôn trọng người khác và là phép lịch sự nơi công cộng.
Trong xã hội văn minh, mọi người làm gì cũng đều giữ nếp xếp hàng, bao gồm xếp hàng khi lên xuống tàu xe, xếp hàng khi đi làm các loại thủ tục, xếp hàng khi đi ăn, xếp hàng khi đi khám bệnh, xếp hàng khi vào cửa khu vui chơi giải trí v.v. Thậm chí, khi lái xe trên đường, mọi người cũng không thể tùy tiện vượt xe khác hay vượt đèn đỏ, mà phải lái xe di chuyển theo hàng, như vậy mới không khiến cho dòng xe trên đường trở nên hỗn loạn, gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Xếp hàng là tuân thủ trật tự, là khuôn phép của lễ nghi. Tuân Tử1 nói: “Người không thủ lễ, không cách nào sinh tồn; làm việc không có lễ, không thể thành công; quốc gia không có lễ thì không thể yên nội bình ngoại”2. Nếu mỗi người trong xã hội đều biết nhường nhịn lẫn nhau thì xã hội tự nhiên sẽ trật tự, nhân dân tự nhiên sẽ hòa hợp và an lạc.
1 Tuân Tử (316 TCN - 237 TCN), ông được xếp là một trong “Bát Tử” thời Bách Gia Tranh Minh, cùng với Mạnh Tử, ông được coi là người kế thừa và phát triển học thuyết Nho gia của Khổng Tử.
2 Trích thiên Tu thân, sách Tuân Tử, âm Hán Việt: “Nhân vô lễ tắc bất sinh, sự vô lễ tắc bất thành, quốc gia vô lễ tắc bất ninh”.
Xếp hàng là một thói quen tốt đẹp, cũng là sự tuân thủ kỷ luật. Và có khi xếp hàng còn có thể giúp cứu được mạng người. Như trong sự kiện nước Mỹ bị tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, trong lúc tai họa xảy ra bởi những nhân viên làm việc trong tòa tháp đôi đó biết xếp hàng nối nhau đi xuống tầng cho nên đã tránh được thảm kịch giẫm đạp lên nhau để thoát thân. Ngược lại, đã có không ít thảm kịch xảy ra bởi mọi người không có ý thức xếp hàng, như có nhóm học sinh chen lấn chạy xuống tầng khiến mấy nạn nhân thương vong. Còn cả vụ việc một cô gái trẻ vì chen hàng khi lên tàu điện ngầm mà bị ngã xuống đường ray dẫn tới thiệt mạng. Cho nên, xếp hàng là quy tắc quan trọng của con người trong cuộc sống, tuyệt đối không nên vì tiếc mấy phút đứng xếp hàng mà chen lấn trong hàng khiến cho tính mạng của bản thân và người khác bị đẩy vào chỗ nguy hiểm.
Phải xếp hàng quá lâu, phải xếp hàng trong khi bản thân đang có việc gấp, thường làm cho nhiều người cảm thấy khó chịu, mệt mỏi và cả bức xúc. Thế nhưng, cũng có những người chỉ nhờ đôi lời hỏi han nhau trong lúc xếp hàng mà kết thêm được bạn mới.
Khi xếp hàng, nếu bỗng có người vô cớ chen ngang thì sẽ rất dễ gây ra cãi cọ, tranh chấp, thậm chí là ẩu đả. Người chen hàng chính là người hành xử vô lối, không biết nghĩ cho người khác. Họ không hiểu rằng nôn nóng, khó chịu hay bức xúc cũng chẳng thể giúp việc xếp hàng trở nên nhanh hơn. Lúc này, với tư cách là một người văn minh, chúng ta hãy dựa vào công phu nhẫn nại của mình để có thể bình tĩnh xếp hàng. Cho nên xếp hàng cũng chính là cơ hội tôi luyện tính nhẫn nại cho chúng ta.
Kỳ thực thì khi xếp hàng, nếu chúng ta tranh thủ nghe nhạc, đọc sách, thưởng ngoạn phong cảnh, chiêm nghiệm cuộc sống, thậm chí sắp xếp công việc, hoặc là niệm Phật thì sẽ không còn cảm thấy thời gian xếp hàng vừa lâu vừa vô vị nữa.
Xếp hàng là hành vi tự giác, nếu mỗi người đều nghiêm chỉnh xếp hàng, đều quyết không chen hàng, đều có ý thức xếp hàng làm gương cho người khác thì việc xếp hàng sẽ trở thành một nếp văn minh và mở rộng thành văn hóa xếp hàng.