Trong kinh tế học, để làm giàu thành công có một bí quyết bất di bất dịch, đó là “tăng thu nhập và giảm chi tiêu”. Trong kế hoạch cho cuộc đời của một con người, không thể thiếu việc “tăng thu nhập và giảm chi tiêu”. Để sáng lập ra một hướng đi mới trong kinh doanh, điều trước tiên phải làm là tính toán được rằng mình có thể tăng thu giảm chi đối với hoạt động kinh doanh này không? Ngay cả ngân sách thu chi hàng năm lên tới hàng nghìn tỷ của chính phủ quốc gia, cũng không thể chỉ tồn tại dưới dạng những con số trên mặt giấy, mà cần phải có người nắm rõ tình hình thực tế, ví dụ như Bộ Tài chính, cần phải có các phương pháp thiết thực để “tăng thu giảm chi”, thì các bộ ngành khác của chính phủ mới có thể làm việc thuận lợi.
Thực ra, có rất nhiều cách để tăng thu nhập và giảm chi tiêu. Có người trồng một vài loại rau ngay trong sân vườn nhà mình, thỉnh thoảng có thể hái ăn mà không phải bỏ tiền ra mua. Có người thì thay vì dùng nước máy, họ có thể dẫn nguồn nước từ sườn núi về đến tận nhà, nhờ vậy mà một năm có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền.
Hiện nay, hầu như nhà nào cũng có điều hòa nhiệt độ, vậy thì biết cách điều chỉnh nhiệt độ của điều hòa giữ ở mức hợp lý, không bật tắt thường xuyên, cũng chính là một cách để tiết kiệm điện. Trong một khu tập thể hay chung cư với đông người sinh sống thì lượng rác thải ra hàng ngày sẽ nhiều, nếu như có thể phân loại được chúng thì không chỉ giảm chi phí vận chuyển mà còn có thể tái chế rác thải, giúp mọi người có thêm một khoản thu nhập.
Việc tăng thu giảm chi không nhất thiết chỉ giới hạn ở phương diện nguồn lực kinh tế, mà còn ở trên phương diện xã hội như kết giao nhiều bạn bè, phát tâm làm nhiều việc thiện nguyện và nuôi dưỡng các duyên lành để tạo dựng mối quan hệ thân thiết với mọi người, v.v.
Mua đồ trả góp theo định kỳ chính là để tăng thu giảm chi; hạn chế mua những đồ dùng ít khi sử dụng đến, không chất đống đồ vật để không gian trong nhà thêm thoáng đãng, đây cũng là thói quen tốt giúp tăng thu giảm chi. Hay đến chính bản thân cũng nên rèn cho mình một thói quen đó là, không nhìn những gì không nên nhìn để tránh mỏi mắt; không nghe những lời không nên nghe để tránh thị phi phiền não; không làm những việc không nên làm để tránh tạo nghiệp; không suy nghĩ những điều không nên nghĩ để tránh tâm phiền ý loạn, v.v. những điều này đều là vì để “tiết kiệm” cho bản thân.
Ngoài ra, thân thể cũng có thể “thu thêm” nguồn năng lượng. Khi nhìn người thì không chỉ đơn thuần là nhìn không, mà còn phải chào hỏi và biểu thị thành ý. Khi nghe thì không chỉ dừng ở việc nghe rõ ràng mà còn cần hiểu được thâm ý trong lời của người khác. Khi suy nghĩ, không những cần phải suy nghĩ về mối quan hệ nhân quả ở xung quanh chúng ta, hơn nữa còn phải đem vạn vật trong vũ trụ và nhân sinh trên thế giới, xuyên suốt tất cả không gian và thời gian, đặt vào trong tâm. Tất cả những suy nghĩ, tư tưởng mỗi ngày đều là đạo, là đức hạnh, là sự học hỏi, là sự rộng khắp. Những việc trên đều là để khai phá nguồn năng lượng của chính bản thân.
Trên thực tế, việc tăng thu nhập và giảm chi tiêu chắc chắn liên quan đến các yếu tố bên ngoài như nguồn vốn và năng lượng. Ví dụ, không có núi thì làm thế nào để khai thác vàng bạc và các loại khoáng sản? Nếu như không có sa mạc và đại dương làm sao có thể khai thác dầu thô? Song cũng có nhiều người tu đạo, họ không quan tâm những ồn ào của thế giới bên ngoài mà chỉ tập trung nhìn vào nội tâm, không rong ruổi chạy theo những thứ khác mà chỉ nghĩ đến bản tính của mình. Nằm trên chiếc giường với một cuốn sách trên tay, chúng ta có thể ngao du khắp thế giới; vậy ngồi trên chiếc bồ đoàn, chẳng lẽ không thể mở ra thế giới trong tâm của chúng ta hay sao?
Khi nói đến việc tăng thu và giảm chi, cả trời đất bên ngoài và thế giới nội tâm đều có thể làm được điều này. Chỉ là “người thợ muốn làm được tốt công việc, thì trước hết phải mài giũa công cụ”. Điều kiện giúp bạn có thể hấp thu thêm nguồn năng lượng chính là trí tuệ, niềm tin, nghị lực, sức mạnh, sự hiểu biết về các nhân duyên, sự hiểu biết về các mối quan hệ. Cái gọi là “tăng thu giảm chi” quả thực có tác động không nhỏ đối với sự đóng góp và cống hiến của chúng ta dành cho xã hội vậy.