Khi chúng ta bước vào trong trung tâm thương mại, nhìn thấy một loạt hàng hiệu, chúng ta thường thở dài rằng mình “mua không nổi”; rồi khi đi qua các con phố, nhìn thấy những tòa nhà cao chọc trời hay những căn biệt thự xa hoa lộng lẫy, trong lòng chúng ta ai cũng dấy lên biết bao ao ước nhưng hầu hết mọi người cũng “ở không nổi”.
Tại các chợ bán thực phẩm, rất nhiều loại hoa quả, rau tươi được chào mời, trong lòng mặc dù rất muốn mua nhưng vì nhiều quá “ăn không nổi”. Các cửa hàng trang sức quần áo đều bày bán các sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng, tuy thích hợp với dáng vóc của mình nhưng mà cũng “mua không nổi”. Lúc bình thường, chúng ta phải biết tự bảo vệ sức khỏe để có một thân thể khỏe mạnh, bởi với mức viện phí đắt đỏ như hiện nay, một khi mắc bệnh rồi thì thật “chữa không nổi”. Nhìn thấy người khác nuôi dưỡng thú cưng, chó con mèo con thật đáng yêu nhưng nghĩ đến chi phí mỗi ngày phải bỏ ra, chúng ta cũng chỉ đành bỏ cuộc bởi vì “nuôi không nổi”.
Khi đi du học nước ngoài, biết rõ đó là ngôi trường nổi danh thế giới, song chỉ có điều bản thân mình “học không nổi”. Khi khởi nghiệp, gặp người tài cao nhưng vì “thuê không nổi” nên không thể làm gì khác. Nhìn thấy người ta có đôi có lứa, nghĩ đến bản thân mình vẫn một mình lẻ bóng bởi vì “cưới không nổi”. Nhìn thấy kẻ xấu làm điều sai trái, bản thân cũng chỉ biết tránh đi bởi vì biết “dây không nổi”.
Người tài giỏi thì họ “nhìn không nổi” ta, người có khiếm khuyết thì ta “nhìn không nổi” họ. Khi xảy ra tranh chấp thì thỉnh thoảng ta cũng giành phần thắng lợi nhưng trong lòng ta lại cảm thấy hổ thẹn, cảm thấy “thắng không nổi”, có khi thất bại rồi trong lòng vô cùng ấm ức, đây là bởi ta “thua không nổi”. Bản thân chỉ có một thói quen tương đối tốt là khi giao lưu mọi người được mọi người tiếp đãi nồng hậu thì lại có cảm giác “trả không nổi”.
Từ xưa tới nay, cuộc sống vốn có rất nhiều chuyện khiến chúng ta “kham không nổi”, “gánh không nổi”, “nhận không nổi” và “nhịn không nổi”, ngoài ra lại còn có chuyện gọi là “chết không nổi”. Người xưa rất coi trọng lễ nghi, nên khi trong nhà có người mất, vì phải chi ra một số tiền rất lớn để lo liệu cho tang lễ nên nhiều khi gia quyến “trả không nổi”, người nhà phải chạy vạy vay mượn khắp nơi thậm chí là bán thân làm người hầu cho người khác để có tiền lo đám tang người nhà.
Có thể nói, đối với những người giàu sang phú quý, đối mặt cái chết đã là điều khó khăn, huống hồ là với những người nghèo khổ. Cảm giác “chết không nổi” chẳng những khiến người sắp lâm chung cảm thấy sợ hãi trước cái chết, mà còn làm cho người đang sống, vì phải lo liệu tang sự, cũng phải cảm thấy “gánh không nổi”.
Ngày nay, xã hội ngày càng tiến bộ, khoa học kỹ thuật cũng phát triển hơn, phúc lợi các chính phủ dành cho người dân cũng trở nên dồi dào hơn. Ngoài tiền trợ cấp khi sinh con, còn có các loại học bổng hoặc các hình thức hỗ trợ cho vay đối với học sinh sinh viên, các chính sách hỗ trợ người trẻ tuổi khởi nghiệp, cho tới dịch vụ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh khi ốm đau, v.v. Riêng vấn đề tang ma, nếu chẳng may không có món tiền dành sẵn, thì sẽ có người thật sự là “chết không nổi”.
Khi một người ốm đau, ngoài tiền nằm viện và tiền thuốc men, nếu không may chết đi, thì cần phải lo một khoản chi phí khổng lồ để mua quan tài, lo việc tang lễ, khâm liệm, làm phúc, cho đến tụng kinh cầu siêu, xây mộ làm tháp chôn cất. Những khoản chi phí này không phải là chuyện mà một gia đình bình thường có thể gánh vác dễ dàng. Cũng may là thời nay, tư tưởng của con người đã cởi mở hơn xưa, ngoài hình thức chôn cất “Thổ táng” truyền thống còn có các hình thức đơn giản như Hỏa táng (thiêu), Hải táng (rải tro cốt ra biển), Thụ táng (đem tro cốt rải xuống đất rồi trồng cây lên trên), Hoa táng (đem tro cốt rải xuống đất rồi trồng hoa lên trên). Con người khi còn sống thì tham danh cầu lợi, ra sức vơ vét tiền tài, nhưng sau khi chết rồi cùng lắm cũng chỉ chiếm được cho mình một khoảnh đất nhỏ bé, như vậy thì ra sức tham cầu còn có ý nghĩa gì đây? Vì vậy, bây giờ một số người đã mở ra một ngành dịch vụ mới gọi là “Hợp đồng trước khi chết”, hay còn được gọi là “Đặt chỗ cho tương lai”, có nghĩa là họ sẽ sắp xếp việc tổ chức lễ tang và nơi chôn cất sau khi chết cho họ ngay khi còn đang sống.
Cái chết là một việc buồn, mong rằng những người đang làm việc trong ngành dịch vụ tang lễ có thể quan tâm nhiều hơn đến những gia đình nghèo khó. Đừng nên bắt chẹt họ để mong kiếm được nhiều tiền hơn, nếu không sẽ càng gây thêm đau khổ cho gia quyến, khiến cho họ không thể vượt qua thời khắc đau khổ này!