Trừ phi bị mất trí hoặc thù mấy đời, thường phong cách hành sự của những kẻ lưu bạt trên giang hồ cho dù có căm hận nhau đến đâu, cũng ít nhiều giữ lấy đạo nghĩa giang hồ. Đến tầm như chú Đức, càng không bao giờ làm việc thiển cận, thiếu thận trọng, nếu để bị đồn ra ngoài thì thật tổn hại đến thanh danh.
Hai từ đạo nghĩa này không quy định, mà phải tự mình hiểu lấy.
Ví dụ như kẻ gây ra chuyện vẫn còn sống, bình thường sẽ không động chạm tới người thân vô tội của kẻ ấy, trừ phi những họ hàng bạn bè thân thích kia không biết điều chủ động gây sự, lo chuyện bao đồng. Điều này một là vì câu nói “họa không lan tới hai nhà”, hai là vì không đi tìm kẻ đầu sỏ chủ mưu mà tính sổ, lại bắt nạt mấy người vô tội không liên can, nếu người khác biết được chỉ càng thêm khinh bỉ.
Khương Thượng Nghiêu không ngờ Nhiếp Nhị lại phớt lờ hai chữ đạo nghĩa mà làm tới mức này. Đột nhiên nhớ tới Nhạn Lam, lòng anh đau nhói, rồi lại nghĩ đến cảnh nếu tối nay Khánh Đệ một thân một mình ở trong phòng… huyết dịch trong người anh như muốn chảy ngược.
“Hắn dám động vào vợ tôi, coi như hắn không cần con trai mình nữa rồi.”
Con trai lớn của Nhiếp Nhị đang học cấp ba trong một trường quý tộc ở Nguyên Châu, giống hệt thằng cha, cũng cùng một giuộc hung hăng hiếu chiến và háo sắc.
Mồng Tám Tết, nó và một đám bạn học đến quán karaoke cao cấp bao phòng hát xong, nửa tỉnh nửa say kéo tiếp viên của quán ra về, sau đó thì không thấy tung tích nữa. Hai tên vệ sĩ được Nhiếp Nhị cử đến chuyên phục vụ đại thiếu gia đỗ xe trước cửa quán khổ sở đợi cả đêm, đi khắp Nguyên Châu tìm suốt một ngày, bất đắc dĩ đành quay về hồi báo.
Tin tức truyền tới, bàn tay Nhiếp Nhị đột nhiên siết chặt, nhân viên massage bị hắn ta bóp mạnh khẽ rên lên kêu đau, cúi đầu nhìn vết bầm tím ở ngực, nhất thời không kìm nước mắt.
Nhiếp Nhị giơ chân đạp nữ nhân viên massage xuống khỏi giường, chửi rủa: “Cút mẹ mày đi, cút đi mà khóc bố mày ấy!”, sau đó ngồi dậy, hỏi người đưa tin trong điện thoại: “Bắt được con bé tiếp rượu kia chưa?”.
Ngụy Hoài Nguyên đang nằm ở giường bên cạnh chau mày, hất tay ý bảo mấy nhân viên massage ra ngoài hết, nghe Nhiếp Nhị gầm lên một tiếng: “Chúng mày ăn phân chó à, sao mà ngu thế? Loại con gái phục vụ ở nhiều nơi như thế mà cũng dám cho vào hầu hạ con tao?”. Ngụy Hoài Nguyên nhíu mày càng chặt hơn.
Ngụy Hoài Nguyên thầm ngưỡng mộ, trải qua bao nhiêu sóng gió như thế, Nhiếp Nhị vẫn được coi là đại nhân vật. Việc liên quan tới con cái ruột thịt, mà cũng chỉ mất bình tĩnh mấy giây mà thôi. “Còn có thể là ai? Ngoài tên họ Khương kia. Nghĩ xem gần đây anh đã làm những việc gì? Muốn hại nó thì phục ở cửa nhà nó, hay ở khu mỏ, chỗ nào mà chẳng được. Anh lại động vào em gái tôi để làm gì?” Anh ta hoàn toàn không thương xót gì cô em gái ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng kia, nhưng có điều vẫn cảm thấy Nhiếp Nhị đánh chó không nể mặt chủ chút nào. Sự bất cẩn và coi thường của Nhiếp Nhị khiến Ngụy Hoài Nguyên nghĩ tới vẫn cảm thấy có chút tức giận. “Sớm đã dặn anh rồi, tạm thời đừng gây hấn với hắn ta. Đợi danh sách cải tổ đó đưa xuống thì chúng ta có kịch vui để xem. Giờ những lời tôi nói, Nhị Ca chẳng coi ra gì nữa, đúng không?”
Nhiếp Nhị thực ra cũng có vài phần vô tội, buổi tối hôm mồng Bốn Nhiếp Nhị còn đang ở với tình nhân mới hưởng lạc, làm sao biết được cơ sở làm ăn của mình xảy ra chuyện gì? Đám thuộc hạ không dám kinh động tới tâm trạng của hắn, tự ý quyết định cho người đến Dã Nam, không ngờ bạn gái của tên họ Khương kia ngoài việc nuôi một con chó to đen sì ra, còn giống như lãnh tụ thôn, chó vừa sủa thì cả nửa thôn ùa ra.
Sau khi sự việc xảy ra hắn thấy cũng chẳng phải việc gì to tát, con chó đó đâu phải hổ quý, động vào nó lẽ nào không được? Không ngờ sự việc xảy ra ngay sau đó khiến hắn kinh hãi.
“Bắt con trai tao, lẽ nào nó muốn tao tìm đến tận cửa nhận tội.” Nhiếp Nhị nhướng mày rít lên, những thớ thịt trên mặt khẽ rung rung. “Ngụy Tử, chú có cách gì không?”
Ngụy Hoài Nguyên thầm nghĩ Nhiếp Nhị bị vố này cũng đáng, ngoài mặt tỏ ra khổ sở, nhưng miệng lại đẩy thuyền theo nước: “Anh cho anh em đi tìm khắp nơi xem sao. Yên tâm, hắn muốn đưa ra điều kiện, sẽ không làm gì con trai anh đâu. Tôi về Nguyên Châu sẽ tác động từ bên trong cho anh, đây sẽ là án bắt cóc lớn nhất. Nếu nhân việc này mà sờ được gáy nó, thì tôi cũng tiết kiệm được không ít công sức”.
Nói chờ đợi cũng phải hơn một tuần sau, con trai lớn của Nhiếp Nhị như biến thành làn khói bốc hơi khỏi thế giới này vậy, không hề có chút tin tức nào. Theo kết quả điều tra từ phía Ngụy Hoài Nguyên, lợi dụng mọi mối quan hệ mà anh ta có, cũng không tìm ra có người nào như thế. Nỗi sợ hãi trong lòng Nhiếp Nhị càng lúc càng lớn, đoán được việc đối phương kín kẽ không để lộ sơ hở như thế, chắc chắn không có ý định thỏa hiệp. Một mặt hắn bị lửa hận thù thiêu đốt đứng ngồi không yên, mặt khác vẫn còn tự thấy may mắn vì vẫn còn đứa con trai nhỏ, một mặt lại chửi rủa tên họ Khương ra tay độc ác thâm hiểm, không chịu lép vế hắn nửa phân.
Sự kiên nhẫn của Nhiếp Nhị đã cạn, bắt đầu tính mưu kế. Hắn giấu Ngụy Hoài Nguyên, âm thầm điều người, một nhóm phục ở cổng khu tập thể đường sắt, một nhóm chuẩn bị đi Dã Nam. Tết Nguyên Tiêu vừa xong, trong giới giang hồ Vấn Sơn lại xảy ra náo loạn như thế, là cuộc náo loạn lớn nhất trong vòng mười năm trở lại đây, thu hút sự chú ý của rất nhiều người biết rõ nội tình, thậm chí bọn chúng còn đặt cửa vào hai bên.
Sự biến mất đột ngột của Khương Thượng Nghiêu càng khiến tình hình khó đoán được bên nào thắng bại. Người của Nhiếp Nhị sau khi tìm khắp nơi không thấy, đám côn đồ mai phục ở cổng khu tập thể nhận được chỉ thị: “Bắt người nhà hắn trước, không tin tên chó đó không ra mặt”.
Đang là Tết, nằm phục ở cổng khu tập thể mấy ngày, bọn chúng mệt tới mức không mở mắt nổi. Tên cầm đầu hò hét: “Tinh thần lên một tí!”, rồi đá cho mỗi thằng một cái cho tỉnh ngủ, vừa chui vào trong xe, lôi hai con dao dưới sàn xe ra, Hắc Tử mang theo một nhóm người xông tới từ góc tường bên cạnh.
Bên này Nhiếp Nhị nhận được tin toàn bộ đám đàn em mai phục ở cổng khu tập thể vi phạm trật tự trị an bị bắt vào sở cảnh sát, những thớ thịt trên mặt co giật, bấm điện thoại buột miệng chửi: “Lão Uông, mẹ kiếp làm người sao không giữ chữ nghĩa, vừa mới nhận của tao bao nhiêu thứ, ăn no rồi không chịu làm việc, dung túng cho thuộc hạ châm kim vào mắt tao à?”.
Người ở đầu dây bên kia cũng không nổi giận, chỉ cười ha hả, sau đó đợi hắn hết giận mới từ tốn nói: “Nhị Ca, anh nói thì cũng phải nói một câu công bằng, bình thường anh gây chuyện lần nào tôi chẳng mắt nhắm mắt mở để mặc anh, có điều không được làm gì quá đáng! Trong cục đâu phải chỉ có mình tôi, còn mấy thằng phó dưới quyền ngày nào chẳng chống mắt chờ tôi có sơ hở, nhăm nhe nhắm cái ghế dưới đít tôi. Tên họ Âu kia làm việc cẩn trọng, luôn tuân theo mọi luật lệ quy tắc đàng hoàng, nếu tôi cứ ra mặt giúp anh, thì chẳng phải tôi đang nói với người khác tôi là cái ô của anh à. Nhị Ca, như thế thật làm khó cho tôi quá! Nếu là mười mấy năm trước…”.
“Cút mẹ mày đi! Ông mày còn cần mày dạy nữa?” Nhiếp Nhị dập máy.
Tên đại đồ đệ đứng bên cạnh liếc nhìn sắc mặt của đại ca, lo lắng hỏi: “Anh hai, khu mỏ bên thôn Châu…”.
“Nhị Ca, hay là anh học xem lão Đức đường sắt làm thế nào? Biết bợ đỡ cả hai phe, người ta vừa kiếm được tiền lại chẳng đắc tội với ai. Thế mới gọi là người làm ăn đàng hoàng. Mấy trò ngày xưa của anh không còn nhiều tác dụng nữa, nếu anh vẫn còn ghi thù nhớ hận… thì đừng trách anh em không giúp anh, thật sự là không giúp được.”
Những lời của Ngụy Hoài Nguyên vẫn quẩn quanh trong đầu khiến Nhiếp Nhị đột nhiên thấy do dự. Hắn chầm chậm thở hắt ra, nghĩ đến đứa con trai lớn lòng lại căm hận vô cùng. “Tên họ Khương nhất định nhốt con trai tao ở khu mỏ… Sống phải thấy người chết phải thấy xác.”
Đại đồ đệ của hắn lẳng lặng gật đầu, quay người chuẩn bị đi, thì nghe thấy chuông điện thoại reo, thuận tay bắt máy. Trong điện thoại giọng một người phụ nữ khóc lóc ầm ĩ, nghe chẳng được câu nào, không nhận ra là ai, tên đó đưa điện thoại cho Nhiếp Nhị, thận trọng nói: “Nghe như giọng của chị dâu”.
Nhiếp Nhị chửi bậy một câu: “Lúc này còn định gọi tới làm loạn thêm à?”, rồi cầm máy nghe điện, trong điện thoại vợ hắn khóc nấc không thành tiếng: “Con cả về rồi, đang ở nhà”.
Khu biệt thự mà hắn ở được canh phòng nghiêm ngặt, được biết tất cả các thiết bị giám sát đều đã cắt hết, người đến không biết thả đứa con cả từ bao giờ, biển số xe là bao nhiêu… không để lại một chút dấu vết nào, khiến Nhiếp Nhị nổi giận lôi đình.
Con trai lớn của hắn sau khi khóc lóc hồi lâu, nói: “Tên đó nói có họ hàng với nhà ta, nhân dịp Tết đón con tới chơi vài ngày. Ngày nào cũng cho con dùng thuốc, rất hưng phấn, khi dùng thuốc còn có bọn con gái đứng hầu. Sau thấy chúng mãi không thả con ra…”.
Nhiếp Nhị túm lấy đầu thằng con giờ đã nhuộm vàng rộm, khiến thằng con phải ngửa mặt lên nhìn hắn, nghiến răng hỏi: “Có thấy hình dạng của tên đó không?”.
Đại thiếu gia nhà họ Nhiếp bị hủy hoại tới mức sắc mặt trắng bệch, lắc đầu nói: “Thứ thuốc đó dùng xong đầu óc lơ mơ, nhìn thấy cái gì cũng ham muốn. Bố…”.
Nhiếp Nhị giáng một cái tát xuống, căm hận nói: “Đồ bỏ đi”.
Bà vợ vội lao tới giữ chặt tay chồng, khóc lóc gào thét tóc tai rối bời: “Con cũng đã chịu đủ ấm ức rồi, ông là bố mà lại nói nó như thế, ông có còn là người không hả? Tự ông ra ngoài gây thù chuốc oán, để bọn chúng tìm tới người nhà trả thù. Nhiếp Nhị, tôi theo ông mấy chục năm nay, giờ mới biết ông cũng chỉ là tên vô dụng!”.
Khi nhà họ Nhiếp đang rối loạn cả lên, thì khu nhà vườn nằm bên bờ sông Tích Sa sắc xuân tràn ngập. Đám hoa thủy tiên nở rộ khoe sắc lung linh, trên bàn trong thư phòng một điếu thuốc được đặt ngang trên bức tượng bằng sứ mô phỏng một người đang câu cá.
Quang Diệu vui vẻ tường thuật lại một lượt, khi nghe tới đoạn con trai nhà Nhiếp Nhị bị nhốt dưới tầng hầm của chính căn biệt thự nhà mình, khuôn mặt vẫn luôn bình thản với vẻ ung dung vốn có của chú Đức như thoáng cười: “Làm việc được lắm”, rồi lại như suy nghĩ: “Thạch Đầu rốt cuộc vẫn còn tính thiện, không chịu để tay nhúng chàm”.
Quang Diệu đáp “vâng”, rồi bổ sung thêm: “Xem ra Thạch Đầu cũng có vẻ sợ kẻ đứng sau chống lưng cho Nhiếp Nhị. Cậu ta cũng nói lần này chỉ muốn cảnh cáo hắn thôi, để đối phương sau này trước khi làm việc gì cũng phải kiêng dè một chút. Giờ chưa đủ khả năng để đứng ra đối phó với hắn, Nhiếp Nhị canh chừng hai đứa con như canh báu vật, xuống tay quá mạnh, sợ sẽ ép Nhiếp Nhị vào đường cùng quẫn lên cắn loạn. Những việc khác, sau này từ từ tính”.
Nghe xong những lời này, chú Đức nói khẽ: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Tên tiểu tử này cuối cùng cũng rèn luyện được khả năng ấy”. Chú Đức xoa con dấu trong tay, sau đó từ từ thở dài: “Thời thế giờ khác rồi, những trò trước kia của Nhiếp Nhị giờ cũng chẳng có tác dụng nữa rồi”.
Quang Diệu cười: “Bắt nạt những kẻ thật thà thì vẫn được”.
Chú Đức lẳng lặng gật đầu. Lấy độc trị độc là nguyên tắc đầu tiên trong giới giang hồ, nhưng từ mấy năm trước, ông ta đã rửa tay gác kiếm, cố gắng đưa việc làm ăn vào con đường chân chính, vì vậy có phần nhân nhượng với tên Nhiếp Nhị đầu bò đầu bướu này.
Một mặt mà nói thì sự rút lui của chú Đức khiến ngôi vị của Nhiếp Nhị được củng cố, mặt khác thì kiểu quan hệ cân bằng thế này chẳng phải có thể ngồi trên đầu người khác để xem vui sao?
“Chỉ có điều cứ thế này, sang năm danh sách chỉnh đốn đưa xuống, Thạch Đầu gặp rắc rối to.”
Quang Diệu bình thản hỏi: “ Chú Đức, chúng ta có thể giúp cậu ấy không?”.
Ánh mắt chú Đức chăm chú nhìn vào chiếc hộp bọc nhung hồi lâu, lắc đầu: “Cục trưởng Mạnh không tham gia vào việc ngoài, Phó Khả Vi không phải người dễ tiếp cận. Để Thạch Đầu tự tìm cách giải quyết đi, tuổi trẻ cũng cần phải thử thách. Nếu thật sự không được, thì sau này công ty vận chuyển cũng có khối việc để làm”, rồi lại hỏi: “Cô gái sống cùng nó, cậu gặp chưa?”.
Quang Diệu gật đầu đáp: “Rồi ạ, một cô gái tốt. Là giáo viên dạy văn của trường tiểu học làng Vọng Nam. Nghe Hắc Tử kể, cô gái đó đã gặp mẹ và bà của Thạch Đầu rồi, định giữa năm kết hôn”.
“Bác trai cô ta là Ngụy Kiệt?”
Quang Diệu nghe thấy vậy sững lại, dưới ánh mắt chăm chú của chú Đức, anh ta không thể lẩn tránh. Hậu quả của việc cố ý che giấu là gì, đi theo chú Đức nhiều năm như vậy, anh ta rõ hơn ai hết. Quang Diệu cố gắng trấn tĩnh, trả lời: “Chú Đức, nghe Hắc Tử nói gia đình hai nhà đó không thường xuyên qua lại. Cháu đã nghĩ cho dù như vậy, nhưng một cô gái nhỏ cũng chẳng có tác dụng gì nhiều, nên không báo cho chú biết”.
“Với tính cách của Thạch Đầu, ta biết nó sẽ không vì cuộc hôn nhân này mà nghiêng về nhà họ Ngụy. Nhưng làm việc phải biết bên nào nặng nhẹ, tình cảm anh em có thân thiết tới đâu, chuyện không nên giấu thì không nên giấu.”
Mặc dù giọng chú Đức rất bình thản, nhưng nghe thấy câu “tình cảm tốt”, lưng Quang Diệu rịn mồ hôi. “Chú Đức, sau này cháu không dám nữa.” Anh ta cung kính nói.
Sau khi Quang Diệu ra khỏi thư phòng, không khí yên tĩnh trở lại, chú Đức cất con dấu bằng ngọc đi, khẽ thở dài: “Rốt cuộc vẫn không phải là của mình, vẫn cách một lớp da”, rồi buồn bã nhớ lại chuyện cũ, lẩm bẩm: “Phượng Anh, nếu năm đó chúng ta có một đứa con, giờ có lẽ cũng sắp được ăn kẹo cưới rồi”.