Nhật ký phi thường và Sinh năm 1980 đều không có lời nói đầu và lời cuối, có lẽ phải xem đó như một việc không mấy lịch sự. Nhất là cần phải có lời cuối để cảm ơn những người bạn đã dành cho tôi sự giúp đỡ trong suốt quá trình xuất bản cuốn sách. Nhưng vì thấy rằng mình chỉ là một người chưa có tên tuổi, hơn nữa lúc đó việc viết lời tựa và lời cuối thường bị xem là một hành động mình hát mình khen hay nên tôi đã không viết. Mấy năm sau nghĩ lại thì thấy đây là một việc thật đáng tiếc. Sự trưởng thành của một con người không thể tách rời sự giúp đỡ của rất nhiều thầy cô và bè bạn, cần phải có lời cảm ơn, nếu không có thì đó là do mình đã quá ngạo mạn, cô độc và đương nhiên là không xứng với tình cảm của họ.
Tình yêu phi thường là một tiểu thuyết dài mà tôi vừa hoàn thành mùa đông năm ngoái, đã qua sáu lần chỉnh sửa với rất nhiều công sức và thời gian. Lúc đó Lan Châu đang vào mùa đông, trời lạnh tới mức người ta chỉ có thể ôm lấy đống chăn để xem ti vi. Biên tập viên Cao Dục Hồng của nhà xuất bản Thanh niên là chỗ bạn bè cũ của tôi, đồng thời cũng là người biên tập và cho xuất bản cuốn Cuộc đối thoại phi thường gọi điện đến cho tôi, bảo tôi phải chỉnh sửa lại thêm, lý do: một là vì quá dài, hai là vì nhà xuất bản rất chú trọng đến việc dùng dấu câu, mong rằng tôi có thể tôn trọng truyền thống này của họ. Nhà xuất bản Thanh niên đã từng cho ra đời rất nhiều cuốn sách hay, vì vậy tôi rất quan tâm đến việc xuất bản cuốn sách này ở đó. Để kịp cho việc tham gia Hội nghị đặt mua sách báo, tôi đã phải gấp rút chỉnh chữa. Ai ngờ, sau khi chỉnh sửa không những không rút ngắn lại mà còn dài hơn tới năm mươi ba vạn chữ. Cao Dục Hồng nói, dài cũng không sao, chỉ cần chất lượng tốt là được. Thời gian sửa lần này mất một tuần, sau khi chuyển bản thảo đi, lưng tôi mỏi nhừ, tới mức nằm cũng còn khó khăn, tôi đã phải nghỉ việc tới ba tháng, đến bây giờ vẫn không thể ngồi lâu được, nếu không thì lại đau.
Lần ấy đã không kịp cho Hội nghị đặt mua sách báo, nên phải hoãn tới lần sau đó. Có lần Cao Dục Hồng gọi điện đến cho tôi nói, nội dung quá dài, sách quá dày, giá thành chắc chắn sẽ rất cao và khó bán, đồng thời hỏi tôi liệu có sửa cho ngắn bớt đi được không. Đây cũng chính là điều mà tôi đang cân nhắc. Thời đại đã khác trước, bây giờ rất ít người đọc những cuốn tiểu thuyết quá dày, huống chi tôi không phải là người có danh tiếng lắm. Vì thế tôi đã đồng ý và lập tức bắt tay vào chỉnh sửa và đã cắt bớt mất một nửa. Nói thật lòng, khi làm như vậy tôi cũng rất xót. Rất nhiều lần bạn bè nói với tôi rằng, không nên gửi bản thảo tới nhà xuất bản Thanh niên nữa mà hãy tới chỗ khác. Nói thật, cũng có một số nhà xuất bản khác luôn liên hệ với tôi, nhưng tôi không muốn thay đổi nơi xuất bản của cuốn sách. Sau khi tôi chuyển lại bản thảo cho Cao Dục Hồng, cô ấy đọc xong liền nói, không ổn, phải sửa lại lần nữa. Nghe đến đó tôi giật thót mình, cô ấy nói rằng, phần trước tuy có cái để đọc nhưng lại chỉnh sửa quá qua loa, khiến cho tính cách của nhân vật không được khắc họa đầy đủ. Tôi thực sự khâm phục thái độ nghiêm túc của cô ấy trước công việc. Thế là tôi lại bắt tay vào công việc chỉnh sửa một lần nữa, nhưng lần này trên tinh thần tự nguyện. Sau đó tôi gọi điện cho Cao Dục Hồng mấy lần, nhưng không thấy cô ấy nhắc tới việc chỉnh sửa lại nữa, mà chỉ nói rằng nhất định tháng Bảy sẽ hoàn tất việc xuất bản. Nghe vậy, tôi rất yên tâm.
Tôi cũng không rõ việc cắt bớt ấy có thích hợp không và có làm ảnh hưởng tới cốt truyện không, bởi tôi luôn cảm thấy những chỗ tâm đắc đã bị cắt đi rất nhiều, phần lý tính cũng giảm đi mất một nửa. Tôi đã nghĩ, chờ đến khi có cơ hội tái bản lại, nhất định tôi sẽ phải cho in toàn bộ đúng như bản thảo lúc đầu. Tất nhiên là tôi vẫn hy vọng được Cao Dục Hồng biên tập và do nhà xuất bản Thanh niên xuất bản. Không biết liệu tôi có được cái phúc ấy không?
Cũng giống như cuốn Nhật ký phi thường, sau khi viết xong bản thảo, tôi đã đưa cho một số bạn bè và sinh viên xem, đồng thời tiếp thu hầu hết ý kiến của họ. Một số bạn bè nghiên cứu ở trường Đại học Sư phạm Tây Bắc và Đại học Lan Châu còn viết lời bình cho cuốn sách. Sau đó bản thảo còn được chuyển đến các tiến sĩ ở trường Đại học Phúc Đán, họ cũng đã khích lệ cho tôi rất nhiều. Nhân đây, tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành tới tất cả mọi người.
Tôi vốn là người nói năng gay gắt. Có lẽ là do bản tính quá nhiệt thành, ý thức về đạo đức và chính nghĩa quá mạnh, lại còn đang ở tuổi trẻ, nên chắc chắn lời lẽ sẽ làm tổn thương tới người khác, mặc dù đó không phải là ý muốn của tôi. Trước đó, tôi cũng đã suy nghĩ cân nhắc dùng những lời lẽ uyển chuyển hơn, nhưng chỉ tới nửa chừng, sau đó thì chứng nào tật ấy, lại quên hết những quy tắc và tiếp tục viết ra những suy nghĩ rất thật trong lòng. Nhưng tôi không thích làm một người lôi thôi lắm chuyện, chưa bao giờ giải thích về những việc mình đã làm. Tôi cảm thấy làm một người mắt nhắm mắt mở quả thực rất khó!
Lúc đầu làm thơ, tôi tự biết là tài và tình không đủ, nhưng bởi vốn là người thuần phác đôn hậu lại cũng có những theo đuổi nhất định, nên tôi đã liều viết một số bài thơ chất phác. Sau đó thì trào lưu thơ thịnh hành không chấp nhận tôi nữa, tôi đành quay sang viết truyện. Lúc ấy vì quá nhiệt thành và có phần kiêu ngạo, nên có lần tôi đã từng cùng một số bạn bè ở Tây Bắc thực hiện một số cuộc vận động cải cách văn học, định cứu sống nền văn học đang khô héo thiếu sức sống, định đưa văn học từ vũng lầy của vật chất trở lại với cao nguyên của tinh thần. Giữa những năm 90 của thế kỷ XX, tôi bị mọi người cho là điên khùng, rồ dại, “một người không ăn cơm của nhân gian” và đắc tội với rất nhiều người, trong số họ có những người cho đến tận bây giờ vẫn chưa tha thứ cho tôi. Ông Tạ Miện cũng gọi đùa tôi là Don Quijote của Miguel de Cervantes Saavedra29. Những năm cuối thập niên 90, ngoài việc xuất bản tập thơ dài Hỡi con sóng của biển cả cổ xưa, hầu như không có được tác phẩm có ảnh hưởng nào. Có lẽ đó là vì bản thân chưa đủ tài, những sinh viên bên mình mỗi ngày một ít, cuối cùng chỉ còn lại một mình tôi. Cảm giác cô đơn và buồn chán bất đắc chí bao trùm lấy cuộc sống của tôi. Tôi nghĩ, nếu mình đã chẳng thể làm nên trò trống gì trong văn học thì tốt nhất hãy cất nghiên bút, rút lui khỏi văn đàn. Lúc ấy, tôi thực sự muốn làm một ẩn sĩ, không quan tâm ngó ngàng gì đến thế sự nữa.
29 Nhà văn, biên kịch, nhà thơ người Tây Ban Nha thời kỳ Phục hưng. Ông là người đã xây dựng nên nhân vật Don Quijote (Đôn Kihôtê hay Đông Ki Sốt) nổi tiếng.
Ngay từ hồi học đại học tôi đã rất say mê hứng thú với những vấn đề về nguồn gốc của vũ trụ và tất cả các vấn đề triết học. Có một thời gian, tôi luôn nghĩ tự tử có lẽ mới có thể được coi là tốt đẹp và có giá trị. Việc tự tử của Hải Tử đã thức tỉnh tôi. Tôi đã từng dùng một bút danh của Hải Tử, nhưng kể từ sau khi biết tin Hải Tử tự tử thì không bao giờ làm thế nữa. Tôi luôn cho rằng, việc tự tử của một nhà thơ là bi kịch của một thời đại. Vậy thì, đó là bi kịch gì vậy? Mười mấy năm nay, tôi luôn trăn trở suy nghĩ và thể nghiệm. Tình yêu phi thường chính là kết quả của việc trăn trở suy nghĩ và thể nghiệm ấy. Tất nhiên, tôi biết, cũng cần phải nói cho những người yêu mến Hải Tử biết, Hải Tử mà tôi viết trong cuốn sách này không phải là Hải Tử cụ thể, mà là một Hải Tử hư cấu.
Đồng thời, tôi cũng ra sức vượt qua Hải Tử, vượt qua cái chết. Đó mới chính là mục đích cuối cùng của tôi khi viết cuốn sách này.
Tôi vốn là một người nhạy cảm, nhưng lại luôn đi tìm hiểu những vấn đề to lớn. Suốt những năm 90 của thế kỷ XX, tuy không thực sự thành công trong việc nào, nhưng tôi đã tìm hiểu về một vùng biển chết mà rất ít người muốn đặt chân đến. Con người ta sống vì cái gì? Sau khi con người chết thì sẽ thế nào? Nếu con người không có linh hồn, không có kiếp sau, thì con người nên sống như thế nào trong cuộc đời hiện tại? Con người có đúng là phát triển từ loài vượn lên không? Vũ trụ là gì, và vì sao lại có vũ trụ? Vũ trụ và trái đất cùng con người liệu có bị diệt vong không? Vân vân và vân vân. Tôi cứ trăn trở mãi với những câu hỏi ấy, đó cũng là để tìm lời giải đáp cho những câu hỏi hồi còn thơ bé của tôi: Trứng có trước hay là gà có trước? Có ông Tiên trong núi không? Trên đời có ma quỷ không? Giải quyết những hiện tượng thần bí đó như thế nào? Những câu hỏi này theo suy nghĩ của tôi là những vấn đề lớn hơn bất cứ vấn đề nào khác.
Trong số tất cả những người bạn làm nghề sáng tác như tôi, dường như không có ai luôn đắm chìm vào những vấn đề này giống như tôi, vì vậy tôi chỉ còn biết làm bạn với các học giả. Diệp Như Thu là một trong những người bạn thân nhất lúc đó của tôi. Cả hai chúng tôi đều rất hứng thú với những vấn đề này. Tôi tin rằng, chúng tôi đã có những ảnh hưởng sâu sắc tới nhau. Nhưng kể từ khi tôi không còn sáng tác thì chúng tôi cũng không qua lại với nhau nữa. Từ sau đó hầu như tôi không kết bạn với bất cứ ai.
Kể từ sau khi tạm ngừng sáng tác, tôi mới được cảm nhận mùi vị của sự nhẹ nhõm mà trước đó chưa hề biết tới, tôi không còn bị lòng ham hư vinh quấy rầy, không còn cảm thấy cần thiết phải quan tâm tới thế sự. Tôi chính là tôi, là một con người bình thường cũng nhuốm bụi trần như tất cả những người khác. Thực ra, con người nên sống như vậy. Bỗng nhiên tôi phát hiện ra mình đã trở lại với chính mình, đây quả là một chuyện khiến người ta cảm thấy vô cùng vui sướng.
Kể từ ngày đó, tôi luôn muốn mỗi một ngày với tôi đều là một ngày vui vẻ, và quả thực là tôi đã rất vui vẻ. Tôi lấy vợ và sinh con, sống một cuộc sống tạm coi là dư dả. Nhưng thật không may, đúng vào lúc vợ tôi sinh con gái, do rỗi rãi, tôi đã viết Nhật ký phi thường mà không hiểu tại sao. Tôi vốn nghĩ đó chỉ là một tác phẩm vô vị, không ngờ khi xuất bản thì nó lại được truyền tụng khắp nơi, còn gây ra tranh cãi và trở thành đối tượng để phê bình. Để vượt qua muôn nghìn rào cản nhằm xuất bản cuốn sách, tôi cũng buộc phải sửa lại phần kết thúc để cho sáng sủa hơn. Chính cuốn sách ấy đã đẩy tôi trở lại với văn đàn. Rất nhiều người đã phê bình tôi, nói rằng đó không phải là văn học. Một số vị giáo sư đại học còn phẫn nộ chỉ trích, nói rằng tôi đã viết ra toàn thứ rác rưởi. Có lúc tôi cũng đã rất kích động và định luận chiến với họ, nhưng thường thì tôi chỉ mỉm cười cho qua chuyện. Vốn đã chẳng phải là sáng tác gì lớn, mà chỉ là những vấn đề gặp hằng ngày mà người ta không muốn nói đến, thì có lẽ cũng chẳng cần thiết phải như vậy.
Những việc xảy ra sau đó thì tôi không cần nói, các bạn cũng có thể biết. Tôi chỉ có thể tiếp tục viết và tiếp tục xuất bản cuốn Sinh năm 1980. Cuốn sách này tôi đã viết rất dễ dàng, một mạch trong mười lăm ngày, không kể thời gian chỉnh sửa. Đây cũng là một cuốn tiểu thuyết có vấn đề. Tôi chỉ mong mọi người quan tâm nhiều hơn tới một số vấn đề và có thể quên đi cuốn sách của tôi.
Tình yêu phi thường thực ra cũng vẫn là một tiểu thuyết nêu vấn đề, trong đó nói về tín ngưỡng của thanh niên. Tôi hy vọng những thanh niên đã từng có suy nghĩ tự tử đọc nó, chỉ cần ngăn được việc họ tự tử là tôi đã thấy thỏa mãn rồi. Mong ước làm việc thiện ấy của tôi không rõ có đạt tới được không?
Văn học đối với tôi không còn là sự thiêng liêng bất khả xâm phạm nữa, mà chỉ còn là phương diện để chuyển tải tinh thần. Không có sự cao quý của tinh thần thì văn học cũng không còn là thứ cao quý nữa.
Tuy nhiên, tôi vẫn cần phải nói rằng, điều này đối với tôi vẫn là một nỗi bất hạnh. Tôi vẫn luôn muốn rời xa văn đàn, xa hơn chút nữa, nhưng số phận lại càng khiến tôi tới gần nó. Tôi cũng không muốn hỏi han đến thế sự nữa, nhưng mỗi cuốn sách của tôi đều là một sự quan tâm tới nhiều vấn đề. Thậm chí, tôi còn cảm thấy chán ghét cả những suy nghĩ của mình, chính sự suy nghĩ mới thực sự làm cho trái tim của nhân loại chia năm xẻ bảy, tôi luôn vứt bỏ những suy nghĩ của mình, nhưng mỗi lần sáng tác tôi lại chìm vào trong đó sâu hơn.
Tôi biết, so với thời gian thì tất cả mọi con chữ đều dễ bị phai mờ, huống chi là những con chữ thô thiển nông cạn ấy của tôi. Mong rằng chúng sẽ chạy nhanh hơn thời gian, để khi mà thời gian chưa kịp trôi tới thì chúng đã mờ đi. Xét theo khía cạnh này, thì hạnh phúc và bất hạnh chẳng còn ý nghĩa gì nữa mà chỉ còn sự tồn tại của bản thân số phận. Vì thế, tôi chỉ còn biết trung thành với số phận.
Tôi cũng biết rằng, tất cả mọi công danh và thù hận trong đời đều nên quên và nên trở về với niềm vui của cuộc sống. Vì thế chúng ta thực sự nên cảm ơn tất cả những người đã làm cho cuộc sống của chúng ta vui vẻ, thế nhưng những người này lại thường bị chúng ta lãng quên, hoặc bị chúng ta coi thường. Nhưng đó dường như mới là bóng dáng của chân lý. Có thể nhìn thoáng thấy chân lý quả là một điều khó. Cũng có lẽ tiến thêm về trước một bước nữa, tức là khi hoàn toàn coi thường chính mình, thì sẽ nhìn thấy chân lý rõ ràng hơn.
Cuối cùng, tôi muốn nói thêm một điểm, cuốn sách này đã gây nhiều tranh cãi trong quá trình biên tập, từng qua mấy lần đọc duyệt, qua mấy lần trắc trở, nhờ có sự kiên trì và nhiệt huyết của Cao Dục Hồng, nó mới được xuất bản, hy vọng rằng nó có thể vượt qua được sự đánh giá của xã hội.