Trường đại học nơi Trương Duy đến công tác là một trường có tên tuổi bên bờ sông Hoàng Hà. Hiệu trưởng nhà trường họ Lý, là một người từng tu nghiệp ở nước ngoài. Ông là một người có hoài bão nhưng đáng tiếc lại không thể biến nó thành hiện thực. Nhà trường dành cho Trương Duy sự ưu ái đặc biệt, phân cho anh một căn phòng rất rộng cùng với ba mươi nghìn tệ để ổn định nơi ăn ở, lại còn cấp cho anh mười nghìn tệ chi phí dùng cho nghiên cứu khoa học. Trương Duy rất cảm động.
Chỗ ở của Trương Duy là phòng số sáu trên tầng bốn của một khu nhà thuộc loại tốt nhất ở đó. Giữa các tòa nhà có một khoảng không rất rộng với rất nhiều cây xanh, hai bên đầu hồi là những cây ngô đồng và cây dương. Buổi tối, Trương Duy tắt hết đèn, mở toang cửa sổ, ngồi ở ban công lắng nghe tiếng gió thu lùa qua cành lá xào xạc cho tới tận đêm khuya. Trong những đêm mất ngủ và đau khổ vì mắc chứng hoang tưởng, anh chỉ nghe thấy toàn những tiếng người ngáy và tiếng ô tô đi qua ầm ầm, còn có cả tiếng còi hú của xe cảnh sát, lúc ấy anh chỉ ước sao được trở lại tuổi ấu thơ, trở lại những tháng ngày kỳ diệu mà luôn có sự xen lẫn giữa niềm vui và sự yên tĩnh. Bây giờ, anh đã thực sự được trở về rồi.
Trương Duy tới nơi này vào tháng Tám, đúng lúc bắt đầu mùa thu, thời tiết không còn quá nóng nữa. Anh mua một bộ sô pha, một chiếc bàn làm việc, một chiếc giường đôi và một chiếc ti vi 25 inch, anh cũng dọn dẹp khu nhà bếp, treo tấm rèm cửa lên và cuối cùng là mua một tấm lót sàn đơn giản. Anh còn mua một chiếc trường kỷ, để có thể nằm đọc sách ở ban công và nghe tiếng gió thổi trên cây. Buổi tối hôm ấy, anh đã ngồi trên ghế và nhìn căn nhà mới của mình, trong lòng dâng lên một nỗi xúc động. Một năm trước, thậm chí là ba tháng trước chẳng bao giờ anh dám nghĩ tới chuyện mình có một căn nhà tốt với nhiều đồ dùng như vậy. Nếu ở Bắc Kinh chắc anh không thể có được sự đãi ngộ và tôn trọng như thế này. Lần đầu tiên trong đời anh phát hiện ra rằng, từ trong sâu thẳm anh cũng luôn có sự ngưỡng mộ đối với vật chất.
Phát hiện ấy khiến anh hoang mang và ngạc nhiên, chẳng phải anh luôn buộc tội cho ham muốn sao?
Từ đây, anh phát hiện ra nhiều điều khác trong lòng mình. Anh cảm thấy trước đây mình đã quá cố chấp và phiến diện trước tất cả, thậm chí còn trói buộc chính mình.
Lúc mới đến, ngoài tiếng gió, tiếng lá cây và ánh trăng, tất cả với Trương Duy đều rất xa lạ. Hiệu trưởng Lý biết bệnh tình của Trương Duy chưa khỏi hẳn nên đã dặn dò chủ nhiệm khoa không sắp xếp giờ giảng cho anh ngay, mà chỉ cho anh làm chủ nhiệm lớp và tiếp xúc với các sinh viên. Chính vì thế, học kỳ một Trương Duy rất nhàn rỗi, ngoài việc cách một ngày tới khoa xem các loại tạp chí về văn học và thư tín, còn lại toàn bộ thời gian anh ở nhà.
Những khi ở nhà Trương Duy thường giở đọc những tập thơ cổ. Buổi sáng anh dậy rất muộn, thường thì phải tới mười giờ. Sau khi đánh răng rửa mặt xong, anh nằm lên chiếc đi văng đọc sách và phơi nắng. Bác sĩ Trương nói, thời gian tiếp xúc với ánh mặt trời của anh quá ít, bây giờ phải tích cực bổ sung. Buổi trưa, anh mặc quần áo chải chuốt gọn gàng rồi thong dong tản bộ đến cửa hàng ăn phía ngoài trường. Thường thì anh tới đó vào trước mười một giờ hoặc sau một giờ chiều, vì người tới ăn ở đó không nhiều, quán rất yên tĩnh. Ăn cơm xong anh đi quanh trường một vòng cho tiêu cơm. Mùa thu ở miền Bắc quả là rất đẹp. Một mình trên con đường vắng, có lúc Trương Duy quên cả việc quay về, anh cứ đi đi lại lại mãi, vừa đi vừa ngẫm nghĩ. Trong một lần như vậy, tự nhiên cảm hứng thi ca xuất hiện trong đầu, anh bất chợt buột miệng đọc:
Lá phong miền Bắc đỏ rực, tâm hồn tôi trống trải
Lá cây miền Bắc rụng đầy, cõi lòng tôi hoang vắng
Cao xanh ơi, bàn tay sáng tạo của người đơn giản, tâm tư tôi mơ hồ
Đất mẹ ơi, xin mở rộng cõi lòng cho tình yêu nông cạn của tôi.
Phần lớn thời gian của Trương Duy là trên chiếc đi văng. Giữa thu, chỉ khoảng năm giờ chiều là anh đã ngồi trên chiếc đi văng đọc sách hoặc viết lách gì đó. Lúc ấy ánh nắng vẫn còn rất nồng, nhưng cũng không hề nóng, dưới ánh nắng ấy, anh thấy lòng tràn đầy một cảm giác ấm áp rất khó tả. Chiếc cát xét trong nhà đang phát một bản nhạc rất êm dịu, âm thanh của bản nhạc rất dễ khiến cho cho con người chìm vào một không khí cổ xưa, có tiếng đàn dây, có tiếng sáo, có tiếng khèn, có tiếng thở của biển cả, và có cả tiếng của bầy chim. Trương Duy thường ngây người ngắm mãi cảnh mặt trời lặn xuống, vầng mặt trời đang lặn ấy giống hệt như hòn than đỏ rực được đốt lên vào mùa đông khi anh còn nhỏ, đỏ tới mức khiến người ta phải sững sờ. Anh đang hồi tưởng lại, không phải những chuyện vừa mới đây mà vẫn là những cảm giác ở quê nhà thời thơ ấu.
Đã có biết bao lần anh muốn đem những cảm xúc ấy viết thành thơ mà không sao viết nổi. Anh bỗng cảm thấy cái giới hạn của thiên tài. Những điều có thể nói được, có thể miêu tả được chỉ là có hạn, sự hiểu biết có hạn ấy đem so sánh với những điều chưa biết quả là quá nhỏ nhoi! Người có thể nhận ra cái giới hạn ấy sẽ là người hạnh phúc. Trương Duy ngẩng đầu nhìn lên bầu trời sâu thẳm, lần đầu tiên anh cảm thấy mình và không gian thăm thẳm kia có một mối liên hệ rất chặt chẽ, như hòa làm một. Lần đầu tiên anh nhìn lên nơi sáng nhất trong bóng đen kia bằng đôi mắt chứa đầy vẻ sùng kính, chân thành và nói với bản thân rằng: Có lẽ ở nơi ấy thực sự có một kiếp người khác, thực sự có sự ngự trị của các bậc thánh thần, cũng có một Trương Duy khác cũng đang chăm chú nhìn một Trương Duy trên mặt đất giống như vậy.
Bây giờ người mà anh nhớ nhất chỉ có thầy Dị Mẫn Chi. Dường như anh đã hiểu ra, vì sao sau năm mươi tuổi thầy đã không viết chữ nào, hiểu lý do vì sao thầy coi những dòng chữ ấy là rác rưởi, đồng thời anh cũng đã hiểu được vì sao thầy luôn muốn sống ẩn dật. Anh rất nhớ cảm giác yên tĩnh xa xăm khi cùng chơi cờ với thầy. Chỉ có lúc ấy, anh mới nếm trải được cảm giác đạt đới đỉnh của sự bình thản, hòa bình và vô ngã. Để đạt tới đỉnh cao ấy không phải là chuyện dễ dàng, trước đây anh đã quá kích động, những thứ mà anh cần khi ấy là danh tiếng, là chiến tranh, là đổ máu và hy sinh, là xác lập bản ngã. Nhưng bây giờ thì anh đã hiểu, những thứ ấy đối với anh đã trở thành quá khứ, bây giờ anh đã vượt qua và chiến thắng tất cả. Anh cảm thấy cuối cùng mình đã trở thành một người bình thường, trở thành một anh hùng chân chính.
Anh không biết nên nói với ai những cảm xúc này, nếu thầy Dị Mẫn Chi vẫn còn sống nhất định anh sẽ tìm tới thầy, để nói với thầy tất cả, nhưng bây giờ anh chỉ có thể nói với chính mình, nói với gió và trăng mà thôi.
Nửa năm như vậy đã lặng lẽ trôi qua, dường như những cơn gió đã thổi nguội từng tí từng chút một sự nóng gắt của khoảng thời gian học ở trường Đại học Phương Bắc, thổi bay dần nỗi buồn chất chứa lâu ngày trong trái tim anh. Dường như đó là những cơn mưa đã tưới đẫm cho cánh đồng hoang vắng, cằn khô, đánh thức thân cây đã khô héo trong lòng anh.
Anh thường đi loanh quanh trong vườn trường, có lúc thì tới thăm sinh viên. Họ đều rất sùng bái anh. Trước đây anh rất cần sự sùng bái ấy, nhưng bây giờ thì không cần nữa. Anh mong muốn biết bao được giống như những sinh viên ấy, có những ham muốn giản đơn, phải, con người cần phải có những ham muốn vật chất thích đáng, trước đây anh chưa từng nghĩ rằng sẽ có một ngày ngay cả anh cũng phải thừa nhận như vậy.
Mùa xuân lại đến. Bản thảo về cuốn sách của thầy Dị Mẫn Chi vẫn đặt trên bàn, có một số chương anh đã đọc thuộc. Sau khi rời xa Bắc Kinh, anh cũng đã có thể nhìn nhận thầy Dị Mẫn Chi một cách khách quan hơn. Có lần, anh đã viết như sau trong nhật ký: Thầy Dị Mẫn Chi là một ngọn núi lớn mà tôi phải vượt qua, bây giờ cuối cùng thì tôi đã vượt qua rồi, còn ngọn núi cuối cùng mà tôi phải vượt qua chính là bản thân mình.
Anh không viết bài về cuộc đối thoại giữa anh với thầy Dị Mẫn Chi nữa mà chỉ thỉnh thoảng lật những trang sách của thầy. Thậm chí anh không còn tâm trí để đọc sách hay viết lách nữa. Anh ao ước được ở ẩn, sống một cuộc đời tiêu diêu tự tại. Đó là điều trước đây anh từng phê phán, thế mà nay bỗng trở thành một lý tưởng anh mong chờ được biến thành hiện thực.
Anh thường nhớ đến Lô Tiểu Nguyệt, nhớ đến bài thơ mà cô đã đọc cho anh nghe:
…
Tôi không màng bất cứ thứ gì trong thế gian trần tục
Tôi biết không có ai đáng để mình ghen tỵ.
…
Thể xác tôi không một nỗi đau.
Đứng thẳng dậy, tôi nhìn thấy mặt biển xanh lơ và cánh buồm trắng toát.
- - - Hết - - -