Mọi người đều cảm thấy sau thời gian nằm viện, Trương Duy đã thay đổi rất nhiều. Ánh mắt của anh không còn chứa vẻ thù hận và u buồn như trước nữa, thay vào đó là vẻ ấm áp. Anh không tranh luận với ai, cho dù có nói vài câu thì sau đó anh cũng sẽ thêm câu: “Dù sao thì những điều tôi nói chưa hẳn đã đúng”. Những khi nghe người khác bàn tán về mình, nhất là những người không quen biết, họ nói rằng anh đã rất dũng cảm khi trị cho những kẻ có học xấu xa một cách rất xứng đáng, anh bình thản nói: “Có lẽ đối với họ như thế quả là rất thảm, nhưng tôi cũng chẳng dũng cảm gì đâu, đó có lẽ là do tính cách xui khiến mà thôi”. Tóm lại những thay đổi của anh khiến cho những người quen biết anh đều không khỏi ngỡ ngàng và rất khó chấp nhận. Họ nghĩ, có lẽ anh đã tới tu ở một ngôi chùa chứ không phải vào nằm điều trị trong bệnh viện.
Có người đã nói sau lưng anh: “Chữa khỏi bệnh điên thì giờ lại thành con mọt sách”. Nhiều người cũng cho rằng đầu óc anh có lẽ có vấn đề.
Nhưng từ sâu thẳm trong lòng, Trương Duy muốn cứ ngốc nghếch như thế. Bây giờ anh cảm thấy những rủi ro gặp phải đều là những ân huệ của số phận, bởi chính chúng đã thử thách tính thiện và lòng chính nghĩa, bồi dưỡng tâm hồn đa cảm của anh. Anh thầm cảm ơn những người con gái mà anh đã từng yêu và làm anh oán hận, chính những người con gái ấy đã dùng tấm tình dịu dàng, dùng những giọt nước mắt long lanh như thủy tinh, dùng tình yêu tàn nhẫn của mình hun đúc nên trái tim thanh xuân của anh. Chính họ đã giúp anh nhìn thấy bản chất của cuộc sống, nhìn thấy bóng dáng của chân lý, và cũng chính họ đã cho anh nếm mùi đau khổ của cuộc đời rồi đưa anh tới bến bờ của số phận.
Anh còn phải cảm ơn cả những kẻ thù của anh nữa, chính họ đã làm cho trái tim anh hùng của anh càng được mài sáng hơn.
Sau đó, anh thấy mình cần phải đứng dậy, tiếp tục bước trên con đường đi tìm ánh sáng, phá bỏ cái ác, dương cao cái thiện. Bây giờ anh ước mong sao mình là một nhà sư, tay cầm một chiếc bát sứt mẻ đi cứu giúp người đời. Anh không còn ham muốn công danh lợi lộc nữa, chỉ một lòng muốn theo chữ Thiện.
Trương Duy đã nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của các sinh viên khi trở lại trường Đại học Phương Bắc. Họ cũng giống như anh trước kia, nghĩ rằng thiên tài phải như anh, không sợ cường bạo; thiên tài phải điên khùng như anh, phải điên khùng một cách thực sự; thiên tài là phải khác với người thường, phải có một số phận trắc trở. Trương Duy đã hoàn thành lý tưởng trong lòng họ và tuyên truyền lý tưởng ấy đến đỉnh cao. Chuyện Trương Duy mắc chứng hoang tưởng và vào nằm viện đã được đồn thổi, thêu dệt trong suốt mấy tháng anh không có mặt ở trường. Không còn ai nghi ngờ về tài năng thiên bẩm của Trương Duy, không còn ai dám tranh đấu với anh nữa. Vì thế, ngay ngày hôm sau khi anh hoàn thành việc bảo vệ luận văn, và trước yêu cầu tha thiết của Hội Văn học trường Đại học Phương Bắc, anh đã bước lên bục diễn thuyết của phòng Báo cáo Học thuật. Khi Trương Duy bước lên bục diễn thuyết, phía dưới dậy lên những tràng vỗ tay giòn giã. Anh đọc cho mọi người nghe một bài thơ có nhan đề Ni cô của Tagore:
Lúc ấy, nạn mất mùa xảy ra khắp thành
Đâu đâu cũng vang lên tiếng nạn dân kêu khóc
Phật hỏi khắp đồ đệ của mình
“Các ngươi, ai bằng lòng mang trách nhiệm cứu giúp nạn dân?”
Người buôn ngọc trai chắp hai tay bái lạy
Trầm ngâm một hồi lâu sau khẽ nói:
“Cả thành kia đang trong cơn đói rét
Thưa đấng tối cao, một mình con làm sao cứu nổi?”
Võ sĩ chiến binh - những người luôn chiến thắng tiếp lời:
“Để thực hiện mệnh lệnh của Người, con bằng lòng vào nơi nước sôi lửa bỏng.
Và dù cho phải xé toang lồng ngực, cũng nguyện hiến dâng dòng máu nóng.
Nhưng trong nhà con, một hạt gạo cũng không còn”.
Pháp hộ là một đại địa chủ
Bèn lên tiếng thở than với Phật tổ rằng:
“Gặp phải năm hạn hán mất mùa
Cánh đồng vàng của con cũng biến thành cánh đồng xơ xác
Con trở thành kẻ bần cùng, không nộp nổi thuế hoàng gia”.
Và cứ thế, người này nhìn người kia
Các đồ đệ của Phật lặng im không nói.
Trong cung của Thích Ca Mâu Ni yên tĩnh đến vô cùng
Và phía trước là tòa thành đang trong cơn hoạn nạn
Phật bỗng mở to đôi mắt sáng lòa, như ánh nắng của hoàng hôn.
Người con gái của vị trưởng lão cô độc cúi đầu, đỏ mặt
Quỳ sụp dưới chân Thích Ca, mắt rưng rưng những giọt lệ đau buồn
Cung kính tỏ bày tâm nguyện bằng vẻ cương quyết của mình:
“Đấng tối cao đã thương yêu bần ni
Tình thương ấy đủ để trải khắp nhân gian tăm tối.
Những nạn dân đang thảm thiết kêu gào
Là con của bần ni tất thảy
Kể từ hôm nay, việc cứu giúp tế bần, con nguyện đảm trách”.
Lời nói ấy, khiến tất thảy sững sờ
“Ngươi, đứa con gái của một ni cô sao mà ngạo mạn,
chẳng biết lượng sức mình!
Dám gánh trên vai một trọng trách
Vậy xin hỏi, ngươi lấy đâu lương thực?”
Ni cô bé nhỏ chắp tay lễ độ trả lời:
“Tôi chỉ có chiếc bát gỗ xin ăn.
Và chỉ là một đứa con gái nghèo hèn
Một ni cô kém cỏi hơn tất thảy
Để hoàn thành sứ mệnh của Thế tôn
Phải nhờ vào lòng từ bi của tất cả
Kho thóc đầy của tôi đặt ở chính nhà của mỗi người
Sự hào phóng của các quý ngài sẽ đong đầy chiếc bát ăn xin của tôi mãi mãi
Những hạt lương xin được ở mọi nhà
Sẽ nuôi sống cả đám đông thiếu đói”.
Sau khi Trương Duy đọc hết bài thơ này, anh không nói thêm câu gì mà lặng lẽ rời khỏi bục và bước ra khỏi phòng Báo cáo Học thuật. Một sinh viên phụ trách Hội Văn học vội đuổi theo và hỏi: “Có phải là anh tức giận không?”.
“Đâu có, tôi rất vui mừng.”
“Thế thì sao anh lại bỏ đi?”
“Tất cả những lời mà tôi muốn nói đều chứa đựng trong bài thơ ấy. Cậu hãy thay tôi cảm ơn tất cả những người đã nghe tôi đọc.” Nói xong câu này Trương Duy mỉm cười và bước đi.
Trương Duy cảm thấy mình cần phải đi tới nơi trời đất mênh mông, tới chỗ bóng đêm rất sâu và thiêng liêng. Khi nghĩ như vậy, anh bất giác lại mỉm cười. Anh nghĩ, từ trước tới nay chưa bao giờ mình có một báo cáo đặc sắc đến thế.
Nhờ có sự giúp đỡ của Giáo sư Phương, Trương Duy đã thuê được một căn hộ trong trường. Nói đúng ra không phải thuê, căn hộ ấy là của một vị phó giáo sư, vợ của ông đang học ở nước ngoài, còn ông thì phải tới Vân Nam, con cái đều đã gửi ở nhà mẹ vợ, nhà để không nên muốn tìm ai đó trông coi giúp khi họ đi vắng, Giáo sư Phương đã biết chuyện, thế là Trương Duy chỉ phải trả tiền điện nước hằng tháng là xong.
Ngày hôm sau, chuyện về Trương Duy đã lan ra khắp trường và được thêm mắm muối nên càng ly kỳ hơn. Lúc đầu thì tất cả các sinh viên đều ngớ người ra, cho rằng Trương Duy đã tức giận nên mới làm vậy. Họ ra về, đem chuyện xảy ra kể lại cho những người khác, mọi người hỏi, Trương Duy đã đọc bài thơ gì, người kia bèn kể lại, người được nghe đã đoán ra phần nào nên nói: “Chẳng phải người ta nói xong rồi còn gì, hơn nữa cái hay của phần diễn thuyết ấy chính là ở chỗ nó rất bất ngờ, để lại phần sau cho mọi người suy nghĩ và bàn luận”. Các sinh viên thì thấy, bây giờ không nhìn thấy những biểu hiện điên khùng rõ ràng của Trương Duy, nhưng thực ra anh còn điên hơn trước kia rất nhiều.
Trương Duy đã hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh trong sự xôn xao bàn tán. Anh bắt đầu tới xin việc ở tất cả các trường đại học và phòng nghiên cứu ở trường Đại học Phương Bắc nhưng chẳng nơi nào muốn nhận anh.
Đúng lúc ấy thì có một người bạn của Giáo sư Phương là hiệu trưởng của một trường đại học ở Tây Bắc đến họp ở Bắc Kinh và tới thăm ông ta. Giáo sư Phương bèn kể về chuyện của Trương Duy. Người bạn ấy liền hỏi: “Liệu cậu ấy có muốn tới trường của tôi không?”. Giáo sư Phương gọi Trương Duy tới và hỏi ý kiến anh. Trương Duy nghĩ, nếu Bắc Kinh không dung nạp anh thì nó cũng không còn là nơi anh phải buồn lòng và lưu luyến nữa, tới Tây Bắc vậy.