Nguyên tắc cống hiến
Các nhà quản lý muốn đi đường tắt nên nhớ lời răn của Khổng Tử rằng nhà cầm quyền giỏi cần có vũ khí, lương thực và niềm tin. Nếu không cùng lúc có được ba điều này, họ nên hạ vũ khí trước, sau đó đến lương thực, còn niềm tin thì phải giữ đến cùng, vì "không có niềm tin, chúng ta không tồn tại".
- Trích Xã luận trên Financial Times
Vào cuối tháng tư năm 1992, phiên tòa xét xử Rodney King, một người Mỹ gốc Phi, đã châm ngòi cho các cuộc bạo loạn dẫn đến đốt phá và cướp bóc diễn ra trong tất cả các khu phố tại Los Angeles, bang California. Cuộc tàn phá thật khủng khiếp, gây tổn thất hàng tỷ đô la cho các công ty.
Điều đáng ngạc nhiên là tất cả các hiệu ăn của McDonald’s nằm trong khu vực bị tàn phá vẫn còn nguyên vẹn. Chúng đứng sừng sững vô sự như những ngọn hải đăng giữa quang cảnh đổ nát trong đêm.
Hiển nhiên một câu hỏi đã được đặt ra: Vì sao những tòa nhà của McDonald’s được bình yên vô sự trong khi hầu như các công trình quanh đó đều bị phá hủy? Câu trả lời của dân cư địa phương đều giống nhau: "McDonald’s quan tâm đến cộng đồng của chúng tôi. Họ ủng hộ chúng tôi trong các phong trào nâng cao học vấn và các chương trình thể thao. Giới trẻ biết chắc lúc nào họ cũng tìm được việc làm tại các cửa hiệu McDonald’s. Không ai muốn phá hủy những nơi đem lại quá nhiều điều tốt đẹp cho mọi người".
Ý thức trách nhiệm xã hội của McDonald’s đã tạo ra niềm tin đối với xã hội, và niềm tin đó đã đem đến những kết quả hiển nhiên và cụ thể.
Tất cả những mối quan hệ hợp tác hòa bình giữa con người trước hết dựa trên cơ sở niềm tin lẫn nhau và sau đó mới cần sự can thiệp của các cơ quan công quyền như cảnh sát và tòa án.
- ALBERT EINSTEIN
Cuối cùng cá mới nhận ra nước
Có lẽ bạn đã từng nghe câu tục ngữ của Pháp "Cuối cùng cá mới nhận ra tầm quan trọng của nước(*)". Nhưng có bao giờ bạn thực sự suy nghĩ về ý nghĩa của câu này chưa?
(*) Nguyên văn: "Fish discover water last".
Đối với cá, nước đơn giản chỉ là nước. Nước là môi trường sống. Nước bao bọc chúng. Nước trở nên quá quen thuộc nên loài cá không nhận ra sự hiện diện của nó cho đến khi nguồn nước bị ô nhiễm hoặc cạn kiệt. Thế rồi, hậu quả tức thời và nghiêm trọng đó khiến loài cá nhanh chóng nhận ra nước sạch tuyệt đối cần thiết cho sự sống còn của chúng. Không có nước sạch, cá chết.
Tương tự, con người chúng ta cuối cùng mới nhận ra sự quan trọng của niềm tin. Chúng ta sống dựa trên niềm tin và xem nó như điều đương nhiên, cho đến khi nó bị lạm dụng hay bị hủy hoại, chúng ta mới chợt nhận ra niềm tin có ý nghĩa quyết định đối với cuộc sống của chúng ta như nước đối với cá vậy. Không có niềm tin, mọi hoạt động xã hội sẽ bị tê liệt và xã hội cuối cùng tự sụp đổ.
Hoạt động thương mại sẽ suy yếu dần và chết hẳn khi con người không còn niềm tin lẫn nhau.
- HENRY WARD BEECHER, MỘT TÁC GIẢ NGƯỜI MỸ Ở THẾ KỶ 19
Chính tính chất phổ quát của niềm tin khiến nó có thể làm thay đổi mọi thứ như tôi đã nói từ phần đầu cuốn sách.
Chúng ta hãy xét một ví dụ nhỏ. Khi lái xe, chúng ta tin rằng những người lái xe khác trên đường cũng biết lái xe và tuân thủ luật giao thông, và như vậy chúng ta cảm thấy yên tâm rằng họ sẽ không gây ảnh hưởng nguy hại gì đến chúng ta. Nhưng mọi việc sẽ thế nào nếu bạn sống trong một xã hội mà mỗi khi ngồi vào xe, bạn luôn nơm nớp lo sợ không biết xe mình có bị gài bom không, hay liệu những chiếc xe khác trên đường có thể phát nổ hay những người lái xe khác cố ý đâm vào xe bạn không? Hay như một vụ án mạng xảy ra gần đây tại thủ đô Washington, bạn sẽ luôn phải thận trọng với từng hành động nhỏ như mỗi khi bước ra khỏi xe tại trạm xăng vì không biết mình có thể nằm trong tầm ngắm của một tên bắn tỉa nào đó hay không?
Thật khó có thể tưởng tượng ra một thế giới không có niềm tin. Như Thomas Friedman lập luận trong cuốn Thế giới Phẳng, niềm tin là điều thiết yếu trong một xã hội phẳng và có quan hệ rộng mở. Mục tiêu chính của bọn khủng bố là phá hoại niềm tin đó. Chúng muốn chúng ta phải lo sợ trong những hoạt động hàng ngày. Trong khi nền kinh tế toàn cầu phẳng, với quy mô rộng mở khuyến khích những hành vi như nói thẳng, hành động minh bạch, sửa chữa sai lầm, thực thi trách nhiệm, giữ lời hứa, đặt niềm tin vào người khác, thì cái xã hội khủng bố, khép kín lại khuyến khích những hành vi giả tạo và trái ngược như lừa dối, âm mưu đen tối, biện minh cho những sai lầm, không trân trọng lời hứa, đổ lỗi cho người khác, và không tin bất cứ ai trừ những người trong giới quyền lực. Ngay cả trong trường hợp đó, niềm tin cũng rất dễ thay đổi và tùy thuộc vào sự tùy hứng của kẻ cầm đầu.
Để chống lại mối đe dọa của xu thế cởi mở, bọn khủng bố đã quyết tâm tấn công vào chính yếu tố giúp cho xã hội mở không bị đóng lại, luôn đổi mới, và luôn phẳng, và đó chính là niềm tin.
- THOMAS FRIEDMAN, TÁC GIẢ CUỐN THẾ GIỚI PHẲNG
Chúng ta hãy suy nghĩ về những khoản thuế phát sinh trong một xã hội khép kín, thiếu niềm tin. Kế đến, chúng ta hãy nghĩ về những cổ tức niềm tin như sự chia sẻ kiến thức, những thành tựu đột phá về y học, những tiến bộ công nghệ, sự hợp tác kinh tế và trao đổi văn hóa, vốn không hề tồn tại trong một xã hội khép kín.
Một xã hội có độ tin cậy cao sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho mọi người. Chúng ta có nhiều sự chọn lựa và nhiều cơ hội hơn. Chúng ta ít va chạm hơn trong giao tiếp, nhờ đó công việc tiến triển nhanh chóng hơn và ít tốn kém hơn. Đó là lý do việc xây dựng một xã hội có độ tin cậy cao rất có ý nghĩa đối với chúng ta. Ngoài niềm tin, không có hành động nào có thể gây ra tác động đáng kể như vậy đến không chỉ tốc độ và chi phí, mà còn đến chất lượng cuộc sống của mọi người trên hành tinh này.
Nguyên tắc của sự cống hiến
Nguyên tắc chủ đạo của niềm tin đối với xã hội là sự cống hiến. Nó thể hiện ý định tạo ra giá trị thay vì hủy hoại nó, đem lại cho xã hội thay vì nhận về cho riêng bản thân mình. Càng lúc mọi người càng nhận thức được tầm quan trọng của sự cống hiến và những tác động của nó – đối với một xã hội lành mạnh.
Chỉ cần xem xét mọi việc đang diễn ra, từ những cá nhân đang tìm cách thay đổi phạm vi ảnh hưởng của mình, cho đến các công ty chấp nhận trách nhiệm phục vụ toàn bộ các cộng sự chứ không chỉ riêng các cổ đông, cho đến các tổ chức kinh doanh mà mục đích cơ bản là phục vụ các mục tiêu của xã hội.
Ví dụ, năm 2005, Bill Gates và Melinda - vợ ông, cùng Bono - ca sĩ chính của ban nhạc U2, đã được tạp chí Times công nhận là "Nhân vật của Năm", không phải vì tài năng, kỹ năng chuyên môn, sức sáng tạo, năng suất lao động, hay tài sản kếch sù của họ, mà vì những khoản đầu tư đáng kể của họ cả về thời gian và tiền bạc để cải thiện điều kiện sức khỏe, giáo dục và phúc lợi cho những người kém may mắn trên khắp thế giới. Gia đình Gates đã lập ra Tổ chức Bill và Melinda Gates nhằm mục đích này, và đến tháng 6 năm 2006, Bill Gates tuyên bố quyết định tổ chức lại phạm vi ưu tiên cho các hoạt động của ông sắp tới để ông có thể chuyển trọng tâm từ việc tham gia điều hành hàng ngày tại Microsoft sang công việc của tổ chức này. Hai tuần sau đó, Warren Buffett tuyên bố ông sẽ hiến tặng Tổ chức này 37 tỷ đô la (84% tài sản của ông) để làm từ thiện, trong đó 30,7 tỷ đô la sẽ đóng góp cho Tổ chức của gia đình Gates.
Năm 1998, Oprah Winfrey thành lập "Mạng lưới Thiên thần" của bà nhằm khuyến khích các cá nhân tạo cơ hội giúp đỡ những người không gặp may tiến thân bằng chính khả năng của mình. Kể từ đó, mạng lưới đã hỗ trợ rất nhiều dự án nhân đạo, trong đó có việc xây dựng trường học ở nông thôn tại 11 nước trên khắp thế giới, quyên góp được 50 triệu đô la cho sáng kiến Nô-en hảo tâm tại Nam Phi, quyên góp 10 triệu đô la để giúp các nạn nhân trong cơn bão Katrina và hỗ trợ "các nhóm giúp đỡ phụ nữ tại các khu vực bị tàn phá sau chiến tranh có khả năng kiếm sống và khôi phục lại địa vị của họ".
Một nhân vật có cống hiến lớn cho xã hội đã gây ấn tượng sâu sắc cho cá nhân tôi là Buckminster Fuller, nhà sáng chế và kiến trúc sư các công trình mái vòm làm bằng vật liệu nhẹ. Một trong những học trò của ông là Marshall Thurber kể lại với tôi rằng lẽ ra khi Fuller nhận được các tờ séc trả tiền bản quyền (trong đó có một séc trị giá 1,2 triệu đô la), ông ấy có thể trích ra trả hết các chi phí của công ty mình và cho đi số tiền còn lại. Nhưng thực tế, Fuller thường chi hết số tiền có trong séc của mình. Fuller vẫn tin rằng: "Nếu bạn dành thời gian và sự quan tâm của mình cho lợi ích cao nhất của người khác, thì cả vũ trụ sẽ luôn hỗ trợ lại cho bạn, nhất là vào những lúc nguy nan nhất".
Mặc dù đây chỉ là ví dụ về những cá nhân nổi tiếng, nhưng toàn bộ cống hiến vĩ đại cho toàn xã hội là kết quả đóng góp của rất nhiều cá nhân từ nhiều cộng đồng trên khắp thế giới. Hàng ngàn bác sĩ và y tá cống hiến thời gian và phương tiện của mình thực hiện các ca mổ chữa trị những dị dạng cho trẻ em và người lớn tại các nước đang phát triển. Nhiều người đóng góp để giúp đỡ các nạn nhân trong các vụ thiên tai, như nạn sóng thần mới đây ở Ấn Độ Dương, cơn bão Katrina, các vụ động đất, sụt lở đất và nhiều thảm họa khác trên thế giới. Trong các cộng đồng địa phương, người ta tình nguyện cống hiến thời gian và sức lực để phục vụ cho các phong trào xóa nạn mù chữ, chăm sóc sức khỏe, gíao dục và phúc lợi xã hội, kể cả giúp đỡ những người vô gia cư và nạn nhân các vụ bạo hành trong gia đình.
Hãy thử nghĩ xem xã hội của chúng ta sẽ chật vật như thế nào nếu không có những cống hiến như vậy, và những cống hiến đó đã tác động thế nào đến niềm tin trong xã hội?
Mục đích của tôi trong chương này không phải để mô tả một thế giới quan phi thực tế, không tưởng hay mang tính chất chính trị, mà chính là những lợi ích thiết thực và niềm tin xuất phát từ các nguyên tắc cống hiến và trách nhiệm ở mức độ xã hội.
Nguyên tắc cống hiến trong kinh doanh
Ngày nay, càng lúc càng có nhiều doanh nghiệp cũng như cá nhân nhận ra giá trị của sự cống hiến. Nhiều công ty được thiết lập nhằm mục đích cống hiến thường xuyên cho xã hội, như công ty Sản phẩm của Newman (do diễn viên điện ảnh Paul Newman thành lập), đã tạo ra lợi nhuận vượt trên 200 triệu đô la, tất cả được dùng đóng góp cho các hoạt động từ thiện. Tạp chí Business Ethics hàng năm đều công bố danh sách "100 Công ty thực hiện nghĩa vụ công dân tốt nhất" để tôn vinh những công ty phục vụ cộng đồng xuất sắc và chính trực. Năm 2006, những công ty khổng lồ như Intel, Wells Fargo, Texas Instrument và General Mills đều nằm trong 20 vị trí đầu bảng. Tạp chí Fast Company và Monitor Group đã lập ra giải thưởng "Social Capitalist", trao giải hàng năm cho 25 công ty có tinh thần trách nhiệm cao nhất đối với xã hội. Một nhà tư bản xã hội như vậy, PATH, là đối tác với nhiều tổng công ty, cơ quan chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận khác để đem những công nghệ mới về y học phục vụ cho các cộng đồng không đủ khả năng tài chính để tự trang bị cho mình.
Trong khi nhiều cống hiến đầy ý nghĩa vẫn xuất phát từ khái niệm bác ái của thời đại công nghiệp, kiếm lợi nhuận và cống hiến cho những hoạt động xứng đáng, thì xu thế ngày nay là chuyển sang mô thức công dân toàn cầu của thời đại công nhân tri thức toàn diện hơn (còn gọi là ý thức xã hội, vai trò công dân của doanh nghiệp, và gần đây nhất còn có "trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp"). Quan điểm này bao gồm tinh thần bác ái truyền thống, nhưng còn gắn thêm trách nhiệm xã hội và đạo đức vào trong cấu trúc kinh doanh. Làm điều tốt không còn được xem là hoạt động phụ của việc kinh doanh, mà nó đã trở thành một phần của hoạt động kinh doanh.
Đã xuất hiện một xu hướng trong giới kinh doanh gây nhầm lẫn giữa ý thức công dân với lòng bác ái. Hai điều này không phải là một. Công ty Enron là một nhà từ thiện lớn, nhưng rõ ràng họ không phải là một công ty có ý thức công dân tốt. Tâm điểm của công dân toàn cầu là đạo đức và hành vi, bắt đầu bằng nhận thức của công ty về vai trò của nó trên thế giới. Phải chăng sự tồn tại của nó chỉ để làm ra càng nhiều tiền càng tốt?
- DEBORAH DUNN, PHÓ CHỦ TỊCH, HEWLETT–PACKARD
Đã có nhiều diễn biến báo hiệu xu hướng chuyển sang mô thức trách nhiệm của công dân toàn cầu.
Một ví dụ cho xu hướng này là sự ra đời của hoạt động tài chính vi mô được Muhammad Yunus, người sáng lập Ngân hàng Grameen tại Bangladesh áp dụng thành công. Ngân hàng này được thành lập để cho vay những khoản tiền nhỏ (thường từ 50 - 200 đô la) dành cho những người túng quẫn, mà 96% số người này là phụ nữ, để giúp họ tự lập và sử dụng kỹ năng của mình để kiếm sống. Yunus bắt đầu hoạt động này vào những năm 1970, và những cố gắng của ông cũng như của nhiều người khác đã đem lại thành công lớn khiến Liên Hợp Quốc tuyên bố năm 2005 là Năm Quốc tế Tín dụng vi mô. Theo người sáng lập eBay là Pierre Omidyar, tài chính vi mô có thể tạo ra tác động xã hội chẳng khác gì eBay qua sự kiện hàng trăm triệu người hiểu ra rằng họ có thể tin cậy những người hoàn toàn xa lạ.
Xu thế tài chính vi mô hiện đang bắt đầu lan truyền sang lĩnh vực nhượng quyền kinh doanh vi mô, trong đó các doanh nhân có ý thức xã hội tổ chức đào tạo và hỗ trợ tài chính để giúp những người khác tạo lập cơ sở kinh doanh vừa sức để họ tận dụng được khả năng của mình, thuê mướn người khác và tạo ra lợi nhuận đáng kể.
"Đạo đức có chủ ý" và "Chủ nghĩa tư bản có ý thức"
Trong khi chúng ta hoan nghênh nhiệt tình những nỗ lực tuyệt vời mới xuất hiện này, chúng ta cũng nên biết rằng ý tưởng về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không phải hoàn toàn mới. Thực ra, ngay từ đầu nó đã là khuôn khổ nhận thức đằng sau toàn bộ ý tưởng của hệ thống tự do kinh doanh. Adam Smith, cha đẻ của tư tưởng tự do kinh doanh và tác giả của cuốn Lý thuyết về tình cảm đạo đức và Sự giàu có của các quốc gia(*), nói rằng "đạo đức có chủ ý" là nền tảng cho một nền kinh tế phồn vinh, và rằng khi số đông người cạnh tranh cho lợi ích tốt nhất của riêng họ trong khuôn khổ của đạo đức có chủ ý, thì dường như có một "bàn tay vô hình" sẽ định hướng các hoạt động trong xã hội để tạo sự phồn vinh và giàu có cho tất cả mọi người.
(*) Nguyên văn: The Theory of Moral Sentiments and The Wealth of Nations.
Tuy nhiên trong những năm cuối của thế kỷ 20, khái niệm "đạo đức có chủ ý" phần nào ít được quan tâm, và người ta hiểu về nó mơ hồ một cách tai hại rằng: "Nếu bạn chỉ đơn thuần cạnh tranh trên thị trường, thì một ‘bàn tay vô hình’ sẽ dẫn dắt bạn tạo ra của cải". Nhận thức lệch lạc này đã bác bỏ sự cần thiết của 4 Yếu tố cốt lõi và 13 Hành vi, cổ vũ cho lòng tham, chủ nghĩa vật chất, lừa đảo, giả dối, và làm tăng vọt những khoản thuế do thiếu niềm tin.
Giả dối và gian lận hủy hoại nghiêm trọng chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, và rộng hơn, làm chao đảo cả xã hội của chúng ta… Hệ thống thị trường của chúng ta phụ thuộc chủ yếu vào niềm tin – tin vào lời nói của đồng nghiệp và tin vào lời nói của những cộng sự của chúng ta.
- ALAN GREENSPAN, CỰU CHỦ TỊCH CỤC DỰ TRỮ LIÊN BANG MỸ
Ngày nay, nói chung nhìn đâu chúng ta cũng chỉ thấy một niềm tin yếu ớt. Nhưng đây lại là một nghịch lý thú vị: Giữa lúc hiện tượng thiếu niềm tin phổ biến khắp nơi, thì một trào lưu mới đang cố gắng phục hồi niềm tin trên toàn cầu. Càng lúc mọi người càng nhận thấy cái giá phải trả cho sự thiếu niềm tin và đang nỗ lực xây dựng và khôi phục niềm tin. Đây chính là hiện tượng "cuối cùng cá mới nhận ra tầm quan trọng của nước"; khi niềm tin sắp mất đi, chúng ta mới nhận ra sự cần thiết của nó đối với sự tồn vong của loài người.
Một số người thậm chí còn cố gắng thay thế chủ nghĩa vật chất cơ bản bằng chủ nghĩa cống hiến có tính bền vững hơn. Ví dụ, Viện Acton đã thông qua phương tiện truyền thông chống lại lối kinh doanh chỉ biết kiếm tiền mà không có trách nhiệm đối với xã hội, và tìm cách làm tăng sự tin cậy lẫn nhau giữa các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo tôn giáo bằng cách giúp họ kết hợp các giá trị và nguồn lực nhằm xây dựng xã hội. Paul Dolan, CEO của Fetzer Vineyards, kêu gọi tất cả các doanh nghiệp cam kết về "ba yếu tố đánh giá kết quả kinh doanh", một phương pháp đánh giá sự thành công của một công ty không chỉ trên kết quả tài chính mà còn tính đến tác động xã hội và môi trường của công ty đó.
Công dân Toàn cầu: Nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế
James Surowiecki của tạp chí Forbes nói:
Chủ nghĩa tư bản đang tiến hóa theo hướng niềm tin và ngày càng minh bạch hơn với hành vi tư lợi ít hơn; không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi sự tiến hóa này đã mang đến năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế cao hơn. Sự tiến hóa đó, xảy ra, tất nhiên không phải vì bản chất các nhà tư bản là những người tốt, mà vì các lợi ích đáng kể của niềm tin, đó là sự được tin cậy và bản chất đáng tin cậy – và vì sự thành công của hệ thống thị trường khiến mọi người nhận ra những lợi ích đó.
Qua cuốn Các Đại Xu thế từ năm 2010 (Megatrends 2010), Patricia Aburdene ghi nhận sự ra đời của "chủ nghĩa tư bản có ý thức" và mối liên quan trực tiếp của nó với lợi nhuận. Bà chỉ ra rằng trong khoảng thời gian từ năm 1984 đến 1999, những công ty nổi bật trong quan hệ tốt với tất cả đối tác (đối lập với khuynh hướng chỉ quan tâm đến các cổ đông) bao gồm các nhà đầu tư, khách hàng, nhân viên, nhà cung cấp và các hội đoàn được mệnh danh "siêu sao của các cộng sự" hoạt động hiệu quả hơn 126% so với các công ty trong danh sách S&P 500 (Chỉ số phức hợp Standard & Poor về 500 loại chứng khoán). Đáng chú ý là, sáu trong số bảy xu thế lớn mà Aburdene khái quát trong cuốn sách của bà đều có liên quan đến các nguyên tắc về sự cống hiến, giá trị, ý nghĩa, mục đích và trách nhiệm là những điều gắn liền với Làn sóng thứ năm liên quan đến niềm tin đối với xã hội – đối với cả cá nhân lẫn tổ chức.
Công trình nghiên cứu năm 2002 của Đại học DePaul cho thấy kết quả tổng thể về tài chính của "100 Công ty có ý thức công dân tốt nhất" đăng trên tạp chí Business Ethics cũng "tốt hơn đáng kể" so với S&P 500. Trên thực tế, hiện nay kết quả tài chính là một trong những tiêu chí để xem xét ý thức trách nhiệm công dân của các công ty. Điều này đang trở thành một chứng minh tốt, trên phương diện xã hội, về sự lãnh đạo "thành công bằng cách xây dựng niềm tin" với các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Mọi người nói đến việc thể hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp như nói đến một điều mới mẻ mà chúng ta cần ưu tiên thực hiện. Nhưng trách nhiệm xã hội chính là tính chất cơ bản trong kinh doanh. Chủ trương của tôi là "chúng tôi không điều hành công ty chỉ để kiếm lợi nhuận, mà chúng tôi kiếm lợi nhuận cho công ty hoạt động". Các công ty của chúng tôi cần xác định ý nghĩa và mục đích xem có thích hợp với thế giới không, nếu không thì chúng tồn tại để làm gì?
- TACHI KIUCHI, CỰU CEO, MITSUBISHI ELECTRONICS
Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Mercer của Anh đưa ra nhận xét rằng lúc đầu có thể các công ty muốn tham gia vào vai trò công dân toàn cầu chủ yếu vì họ muốn tránh các hậu quả - các tổn thất tài chính do bị coi là thiếu trách nhiệm xã hội. Orin Smith, Chủ tịch kiêm CEO của Starbucks nói: "Chỉ có một tỷ lệ nhỏ các khách hàng quyết định mua sản phẩm của công ty vì công ty có trách nhiệm xã hội. Nhưng nếu một lúc nào đó họ nghĩ rằng công ty của bạn không có trách nhiệm xã hội, thì một tỷ lệ khách hàng lớn hơn sẽ có phản ứng tiêu cực ngay tức khắc."
Khách hàng có ấn tượng về sản phẩm từ hàng trăm nguồn thông tin khác nhau, nhưng khi họ tin rằng công ty sản xuất ra sản phẩm đó có ý thức công dân tốt, họ sẽ cảm nhận tích cực về thương hiệu đó.
- SHELLEY LAZARUS, CHỦ TỊCH KIÊM CEO, OGILVY & MATHER
Mặc dù nỗi lo sợ thất bại là động lực ban đầu thúc đẩy công ty trở thành công dân toàn cầu, tôi tin rằng theo thời gian, những cổ tức niềm tin và sự phồn thịnh do sự cống hiến tạo ra sẽ trở thành động lực chủ yếu cho các cá nhân cũng như tổ chức.
Bản thân tôi cũng tin rằng cuối cùng thì tư cách công dân toàn cầu sẽ trở thành một yêu cầu giống như khả năng kinh doanh giỏi. Theo thời gian, nó sẽ trở thành tiêu chuẩn để bước vào thị trường. Ngay cả hiện nay, ngày càng có nhiều người tiêu dùng bỏ phiếu bằng túi tiền của mình để ủng hộ các công ty đã thể hiện tính Chính trực và Ý định tốt, cũng như Năng lực và Thành tích. Tôi tin chắc rằng xu thế mạnh mẽ này cuối cùng sẽ trở thành một nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế.
Trong những ngày đầu hoạt động của Trung tâm Đào tạo Kỹ năng Lãnh đạo Covey, chúng tôi đã xây dựng cái gọi là "Tuyên ngôn sứ mệnh phổ quát" vì nó có thể áp dụng cho mọi cá nhân và tổ chức, đơn giản vì tất cả đều là một bộ phận của xã hội. Tuyên ngôn đó chỉ ngắn gọn như sau: Phát triển nền kinh tế vững mạnh và chất lượng cuộc sống cho mọi đối tác.
Tôi thích ý nghĩa của bản tuyên ngôn này ít nhất trên hai khía cạnh: Thứ nhất, công nhận tầm quan trọng của tất cả cộng sự (chứ không chỉ là các sở hữu chủ); và thứ hai, hiểu rõ tầm quan trọng của chất lượng cuộc sống (chứ không chỉ là lợi nhuận). Niềm tin luôn luôn là đồng tiền chung của thế giới, là chất xúc tác mạnh nhất làm cơ sở cho tuyên bố sứ mệnh phổ quát.
Công dân toàn cầu: Sự lựa chọn của cá nhân
Ý thức công dân toàn cầu của tổ chức chủ yếu được hình thành từ ý thức công dân toàn cầu cá nhân trong chính tổ chức đó, vì chính bạn và tôi là người quyết định một cách có ý thức về việc đánh giá và đầu tư vào phúc lợi của người khác. Cũng chính bạn và tôi thực hiện quyết định đó ở mỗi khía cạnh của cuộc sống.
Như Gandhi nói: "Con người không thể hành động đúng ở một phương diện của cuộc sống nhưng lại đang hành động sai trái ở một phương diện khác, vì cuộc sống vốn là một tổng thể thống nhất". Do đó chúng ta đừng nên ép buộc nhân viên của mình chỉ phục vụ hết lòng những khách hàng có tiền đang làm lợi cho chúng ta rồi ném chút ít tiền của công ty ra làm từ thiện, và làm ngơ trước những người láng giềng đang gặp cảnh khó khăn. Với hành động như vậy, chúng ta đang cô lập cuộc sống của chính mình và khiến các nhân viên và các thành viên trong gia đình nghĩ rằng sự cống hiến chỉ có mục đích trao đổi hay phô diễn và đến lúc nào họ không còn những thứ chúng ta muốn hay chúng ta cần thì họ cũng sẽ bị đối xử giống như những người láng giềng nọ, họ chẳng còn đáng để chúng ta quan tâm. Hơn nữa, cách xử sự không nhất quán của chúng ta có thể tạo ra những khoản thuế niềm tin đáng kể.
Thay vì vậy, chúng ta nên tập trung vào phát triển ý thức công dân toàn cầu thực sự trong mọi khía cạnh của cuộc sống xuất phát từ bên trong bản thân mình trước. Chúng ta quay trở lại 4 Yếu tố cốt lõi, và bắt đầu từ bản thân: Liệu bản thân tôi có phải là người đáng tin cậy không? Tôi có ý định muốn làm điều tốt, cống hiến và đền đáp không? Liệu tôi có phải là mẫu người mà xã hội có thể tin cậy?
Kế đến chúng ta chuyển sang quan hệ gia đình. Hãy tự hỏi xem chúng ta có thực hiện vai trò lãnh đạo của mình trong gia đình để khuyến khích và giúp các thành viên trong gia đình trở thành những công dân toàn cầu gương mẫu? Chúng ta có làm gương tốt cho mọi người không? Chúng ta có phải là một công dân gương mẫu của gia đình cũng như của thế giới không? Chúng ta có thiết lập cơ cấu và hệ thống trong gia đình theo hướng xây dựng ý thức công dân trong gia đình và trên thế giới? Cá nhân chúng ta có tin rằng xây dựng mô hình công dân trong gia đình và dạy dỗ con cái trở thành công dân toàn cầu tốt là một trong những cơ hội tốt nhất để xây dựng niềm tin đối với xã hội không?
Tiếp đến chúng ta xét đến tổ chức. Hãy tự hỏi: Tổ chức của chúng ta có đáng tin cậy không? Chúng ta có sự chính trực và có thể hiện tính cách đó trong hành vi của mình? Chúng ta có thể hiện Ý định làm điều tốt, cống hiến và đền đáp không? Chúng ta có đủ Năng lực chuyên môn để tạo ra sự khác biệt không? Chúng ta có mang lại Kết quả, không phải chỉ cho các cổ đông, mà cho tất cả các bên có liên quan? Chúng ta có phải là một tổ chức mà xã hội có thể tin cậy? Và cũng nên tự hỏi: Liệu rằng chúng ta có lãnh đạo mọi người trong tổ chức say mê trở thành các công dân toàn cầu gương mẫu? Chúng ta có thiết lập cơ cấu và hệ thống trong tổ chức, hay trong tổ nhóm theo hướng xây dựng ý thức công dân trong tổ chức và trên thế giới?
Thành công lớn trong kinh doanh và sự phồn vinh của thế giới chưa bao giờ gắn chặt với nhau như bây giờ. Hoạt động kinh doanh không thể tách khỏi các vấn đề toàn cầu, vì nó chỉ có một thế giới để hoạt động mà thôi. Các doanh nghiệp không thể thành công trong một xã hội thất bại.
- JORMA OLLILA, CHỦ TỊCH KIÊM CEO, NOKIA
Chúng ta hãy nhớ lại 13 Hành vi và tự hỏi: Tôi (hay tổ chức, gia đình của tôi) có:
• Nói thẳng?
• Tôn trọng người khác?
• Hành động minh bạch?
• Sửa chữa sai lầm?
• Thể hiện sự trung thành?
• Tạo ra kết quả?
• Luôn cầu tiến?
• Đối mặt với thực tế?
• Làm rõ những điều kỳ vọng?
• Thực thi trách nhiệm?
• Biết lắng nghe?
• Giữ cam kết?
• Biết tin tưởng người khác?
Nếu xem xét kỹ, chúng ta sẽ nhận thấy rằng trên phương diện xã hội, nhà tâm lý học Carl Rogers rất có lý khi nói: "Những vấn đề thuộc về cá nhân nhất lại mang tính đại chúng nhất". Chúng ta thấy rằng niềm tin ở Làn sóng thứ năm là kết quả trực tiếp của sự đáng tin cậy bắt đầu từ Làn sóng thứ nhất và lan truyền ra các mối quan hệ của chúng ta, các tổ chức, đến thị trường và lan tỏa khắp xã hội nói chung.
Thực vậy, công dân toàn cầu là sự lựa chọn của cá nhân cho cả đời người. Khi quyết định sự lựa chọn đó cho cuộc đời mình, chúng ta sẽ ảnh hưởng đến những người cùng làm việc và cùng sống với chúng ta khiến họ cũng có sự lựa chọn tích cực tương tự cho bản thân họ. Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng những tổ chức và gia đình có khả năng góp sức tạo nên một thế giới tốt đẹp.
Nền hòa bình thịnh trị của các quốc gia không nằm ở sự cân bằng sức mạnh vũ trang, mà ở niềm tin lẫn nhau.
- GIÁO HOÀNG JOHN XXIII
Tóm tắt
Sau khi đã đọc xong phần nói về niềm tin đối với các bên có liên quan, tôi xin tổng kết lại những nội dung cơ bản sau:
1. 4 Yếu tố cốt lõi và 13 Hành vi là những công cụ để thiết lập hay khôi phục niềm tin trong bất cứ hoàn cảnh nào – từ tổ chức (trong đó có gia đình), trên thị trường và trong xã hội nói chung.
2. Nguyên tắc chính của việc xây dựng niềm tin trong tổ chức là tổ chức các cơ cấu và hệ thống bên trong cho phù hợp với các nhân tố cơ bản và hành vi. Đây là cách xây dựng niềm tin với các cộng sự trong nội bộ.
3. Nguyên tắc chính để xây dựng niềm tin đối với thị trường là xây dựng danh tiếng hay thương hiệu. Đó là việc áp dụng các nhân tố cơ bản và cách ứng xử để tạo sự tín nhiệm và hành vi có khả năng tạo ra niềm tin đối với những người có liên quan bên ngoài tổ chức khiến họ mua hàng, đầu tư, giới thiệu sản phẩm hay dịch vụ của bạn với người khác.
4. Nguyên tắc chính để xây dựng niềm tin đối với xã hội là sự cống hiến. Nó thể hiện ý định đền đáp, trở thành công dân toàn cầu có trách nhiệm, và trở thành một nhu cầu thiết yếu của xã hội và kinh tế trong thời đại lao động tri thức.
Nói thế vì tôi muốn lưu ý rằng nếu bạn chưa thực sự đối mặt với tình huống phải áp dụng đến những nhân tố cơ bản và hành vi trong bối cảnh tổ chức của bạn, thị trường, hay xã hội nói chung, bạn sẽ không thấy hết tác động của chúng đến tốc độ, chi phí và niềm tin.
Vì lý do đó, trong các lớp hội thảo chuyên đề chúng tôi thường tổ chức trò chơi mô phỏng. Chúng tôi phát cho mỗi người trong bàn một bộ bài tây gồm những lá bài 4 Yếu tố cốt lõi và 13 Hành vi. Sau đó chúng tôi yêu cầu họ tạo thêm các lá bài bổ sung nêu ra những tình huống khác có thể xảy ra. Ví dụ, nếu bạn tham gia vào trò chơi, bạn có thể tạo thêm một lá bài có nội dung như sau:
Bạn đang làm việc trong môi trường văn hóa đặc trưng của một công ty. Bạn được yêu cầu phải tuân thủ một loạt những quy định của công ty, nhưng những quy định đó lại làm sai lạc sự thật và gây mất niềm tin. Vậy bạn sẽ làm gì?
Có thể bạn sẽ luôn chơi trước tiên với một hay nhiều hơn 4 lá bài Yếu tố cốt lõi (đó là những lá bài "bắt đầu từ bản thân"). Bạn có thể nói rằng: "Nếu tôi được nói chuyện trực diện với sếp, trước hết tôi cần phải hỏi: Tôi có điểm nào đáng tín nhiệm? Nếu tôi không đáng tin cậy, sếp tôi sẽ ít quan tâm đến điều tôi nói. Sếp sẽ không coi ý kiến của tôi là góp ý xây dựng, mà sẽ coi đó là lời phàn nàn. Nhưng nếu tôi tạo ra thành quả, nếu tôi đạt được chỉ tiêu đề ra, có thể sếp sẽ sẵn sàng lắng nghe tôi hơn". Do đó bạn sẽ chơi lá bài "Điều cốt lõi thứ tư: Kết quả".
Thế rồi người ngồi bên cạnh bạn có thể chơi lá bài Hành vi, có thể là "Đối diện với thực tế" hay "Nói thẳng" chẳng hạn. Có thể thấy rõ rằng các lá bài Hành vi sẽ phát huy kết quả tốt khi bạn chơi một hay nhiều lá bài 4 Yếu tố cốt lõi trước.
Mục đích trò chơi này không phải để tìm ra câu trả lời đúng hay sai, mà là nâng cao nhận thức và lựa chọn cách giải quyết vấn đề một cách tốt nhất trong các tình huống đặt ra. Để đạt được mục đích này, trò chơi không những chỉ kích thích, thúc đẩy những cuộc tranh luận nảy sinh ý tưởng, nó còn làm cho mọi người tỉnh ngộ khi nhận ra rằng hiểu một vấn đề trên khái niệm và hiểu qua kinh nghiệm thực tế - khi bạn thực sự đối mặt với thực tế để quyết định và chấp nhận hậu quả của quyết định – là hai điều hoàn toàn khác nhau. Nhờ tham gia trò chơi này, các học viên hiểu sâu hơn nội dung và có sự chuẩn bị tốt hơn cho việc áp dụng vào thực tế cuộc sống.
Thế nên tôi khuyên bạn đọc nên đi sâu vào nội dung cuốn sách ở mức độ thực nghiệm càng nhanh càng tốt. Hãy áp dụng nó ngay lập tức. Tận dụng mọi cơ hội để hướng dẫn lại cho người khác. Làm như vậy, tôi tin rằng bạn sẽ rất ngạc nhiên trước kết quả thu được. Bạn sẽ không chỉ hiểu rõ hơn sức mạnh của những điều cốt lõi và các hành vi, mà bạn sẽ rất ngạc nhiên với những kết quả đạt được một cách nhanh chóng từ tất cả những đối tượng có liên quan khi bạn hoạt động với tốc độ của niềm tin.