Buổi lễ đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ. “Mình phải làm gì để xứng đáng với sự quan tâm chăm sóc đặc biệt của Bác?”. Trước đây tôi chỉ nghĩ mình phải học thế nào để khỏi hổ thẹn với các bạn, để các bạn khỏi khinh mình. Nhưng giờ phút này tôi mới thấy Bác thưởng huy hiệu cho tôi tức là Bác đang an ủi động viên khích lệ tôi. Nếu học tập tu dưỡng tốt, tôi hoàn toàn có quyền mơ đến một ngày mai với tương lai tươi sáng bằng chính con tim, khối óc và đôi bàn chân còn lại của mình.
Bước vào lớp Bảy tôi được thầy Trần Ngọc Châu dạy toán và làm chủ nhiệm. Thầy có thói quen cứ đến giờ sinh hoạt lớp lại kể hoặc đọc cho chúng tôi nghe tiểu sử các nhà toán học thế giới. Tôi vô cùng ấn tượng khi thầy kể về ông Pôn-tơ-ra-i-ghin dù mù hai mắt chỉ tự học thôi đã trở thành nhà toán học hiện đại nổi tiếng xứ Bạch Dương (Nga). Tự dưng trong tôi bỗng bừng sáng ước mơ sẽ học giỏi môn toán theo gương ông.
Những năm học cấp một tôi học toán rất dở. Một thầy giáo nói: “Thầy không hiểu sao các môn khác Ký học tốt mà riêng môn toán thì lại thường thế”. Chính tôi cũng khó trả lời được câu hỏi đó. Nếu bảo tôi vì không chăm mà dốt thì có lẽ không đúng. Hơn hẳn các môn học khác, tôi đã mất thời gian khá nhiều để học toán.
Mọi công thức, quy tắc tôi đều học thuộc lòng như cháo. Thế mà đì đẹt mãi tôi vẫn không thể nào ngoi lên được. Mãi đến lớp Bốn, những con tính nhân chia hai ba con số tôi vẫn ít khi làm đúng. Có những bài toán, cách giải đúng, nhưng đáp số lại sai. Lần thi tốt nghiệp hết cấp một tôi suýt trượt cũng chỉ vì cái tính hay nhầm lẫn ấy.
Tôi đã nhận ra mình làm toán hay sai chính vì viết con số không được rõ ràng. Con số 6 có khi viết thành số 0, số 5 có khi viết thành số 3. Khi làm những phép tính nhân chia phức tạp ba bốn con số, tôi thường vì thế mà lầm lẫn.
Chiến dịch tấn công đầu tiên của tôi là tập viết lại cho thật rõ ràng tất cả những con số từ 0 đến 9. Sau đó tôi tập làm rất nhiều các phép tính nhân chia cộng trừ thật lớn, có thử đi thử lại kỹ lưỡng. Sau một thời gian tập luyện, tôi đã tiến đến học tương đối khá môn toán và hy vọng có thể vươn lên hơn nữa.
Không ngờ khi học lên lớp Sáu rồi lớp Bảy một loạt khó khăn mới lại đến với tôi. Môn toán không đơn thuần chỉ là số học nữa. Nó đã thêm bộ môn hình học và đại số. Đáng ngại nhất là hình học. Song chính hình học lại là môn tôi thích thú nhất.
Nói đến hình học là phải nói đến hình vẽ. Vẽ hình có tốt thì bài giải mới tốt được. Với đôi chân, chỉ cần cặp chiếc thước, kẻ một đường thẳng cũng khó, huống hồ phải kẻ những đường ngang dọc lắt léo đòi hỏi thật chính xác.
Công việc của tôi là phải tập giữ thước thế nào cho chắc khi đặt xuống giấy. Các bạn có thể dang rộng hai ngón tay đè thước dễ dàng. Còn tôi chỉ dùng được ngón cái chân trái để giữ, nên khi đưa bút kẻ, thước thường bị chệch. Thế là bỗng chốc đường thẳng hóa thành đường gấp khúc. Nhiều lần chiếc hình cứ gần vẽ xong lại phải bỏ đi vẽ lại. Có hình vẽ tới năm bảy lần vẫn chưa được. Thấy mất thời gian lại tốn giấy hao công, tôi nghĩ ra cách vẽ hình không cần thước. Lúc đầu vẽ bằng bút mực, nét hình run run nhiều khi mất chính xác.
Về sau tôi bỏ bút mực dùng bút chì. Khi vẽ có bị hỏng tôi tẩy đi vẽ lại. Cách vẽ này giúp tôi vẽ được những hình tương đối chính xác, khi giải bài tập khỏi phải nhờ các bạn vẽ hộ. Nhưng chưa thể thỏa mãn với kết quả đó được. Tôi suy nghĩ phải tìm cách vẽ bằng được những hình đẹp như các bạn. Nghĩa là tôi phải tập để có thể dùng thước và bút mực khi vẽ.
Tôi chuyển sang tập giữ thước kẻ bằng gót chân trái. Khi vẽ, thước không bị xê xích như trước nữa.
Nhưng một khó khăn mới lại xảy ra: Chiếc thước quá nhỏ bản nên gót chân thường che khuất cả hình. Thành ra tôi toàn phải kẻ phóng vì không nhìn rõ gì cả. Kết quả có những đoạn thẳng cần ngắn thì lại kẻ dài, có những đoạn cần dài lại kẻ quá ngắn. Thậm chí có khi muốn vẽ đường thẳng lại ngoặc luôn cả hình gót chân vào bài thành hình vòng cung.
Khắc phục bằng cách nào đây?
Thao thức mãi tôi mới nghĩ ra cách làm một cái thước thật rộng bản, có chuôi cắm bên trên. Bây giờ tôi không tì thước bằng gót chân nữa. Tôi dùng ngay ngón chân trỏ và ngón cái cặp lấy chuôi ấn thật chắc xuống giấy. Với sáng kiến này, tôi đã vẽ được những hình khá chuẩn xác.
Một phần bài kiểm tra toán đạt điểm 5 (điểm tối đa) của Nguyễn Ngọc Ký thời học cấp hai.
Tôi tưởng thế là mọi chuyện đã ổn, tôi không lo về việc vẽ hình nữa. Nhưng không.
Một hôm vừa về đến nhà, tôi đã vứt chiếc túi sách xuống phản lên giường đi nằm.
- Sao thế hở con? Đã lại say nắng rồi chứ gì! - Mẹ tôi bước đến cúi xuống nhẹ nhàng đặt bàn tay lên trán tôi. - Trời! Đầu nóng hầm hập thế này. Thế mà lúc sáng mẹ bảo mang mũ đi mày cứ không chịu. Thôi nằm đấy mẹ đi tìm ít rau má về pha nước đường uống cho đỡ mệt.
- Không, con không sao đâu mẹ ạ! – Tôi quay nhìn mẹ nói khẽ.
- Không sao mà người lại nóng như hòn than thế này! - Mẹ tôi nhổm người lấy chiếc quạt giấy trên đình màn, vừa quạt cho tôi vừa hỏi tiếp, giọng đầy lo âu:
- Còn mặt mày sao trông cứ đỏ như gấc thế kia?
- Dạ, có lẽ vì...
- Vì sao, hay bị ngã rồi đấy?
- Không phải đâu.
- Thế vì sao thì nói đi chứ con, cho mẹ còn biết cách chạy chữa chứ. - Mẹ tôi nghiêng người xuống gần sát mặt tôi chờ câu trả lời.
- Vì... vì con vừa làm bài kiểm tra toán không xong mẹ ạ! - Tôi ấp úng đáp.
- Trời, có thế mà cũng phát sốt phát nóng, làm tao hết cả hồn vía... Nhưng làm sao lại thế hở con?
- Vì bài kiểm tra toán có bài dựng hình rắc rối quá mà con lại chưa biết quay com-pa.
- Sao con không nhờ Tam, Phụ làm hộ cho?
- Con không muốn phiền các bạn, mẹ ạ!
Để an ủi tôi, mẹ hạ thấp giọng nói:
- Thôi đừng lo lắng làm gì nữa. Dậy mẹ pha nước chanh đường cho mà uống.
Tôi ngước nhìn mẹ và nói, vẻ làm nũng:
- Mai đi chợ mẹ nhớ mua cho con chiếc com-pa mới nhé!
Cặp mãi chiếc com-pa trong chân mà tôi vẫn loay hoay không biết quay thế nào. Quay phải cũng vướng, quay trái cũng vướng. Ngón chân tôi cứ cứng đờ, không tài nào xoay com-pa đi được. Luống cuống mãi, mũi com-pa đã xé toạc cả mấy trang vở mà tôi vẫn chưa vẽ được một vòng tròn nào.
Kể từ hôm được mẹ mua cho com-pa, ngày nào tôi cũng tập quay như vậy. Không kể trưa, tối, hễ lúc nào rỗi tôi lại tập. Tập cả lúc chờ bữa ăn. Nếu mẹ không giục đi ngủ thì có lẽ nhiều đêm tôi thức trắng để tập. Thế mà đã hơn một tuần liền vẫn chưa có kết quả gì. Nhiều lần, Phụ nói:
- Để tớ quay giúp cho.
- Không, nhất định tớ phải tập quay cho được.
Tôi không quay com-pa bằng một chân nữa, đổi sang tập quay bằng hai chân. Tôi dùng chân phải giữ chuôi và đưa chân trái cặp vào càng có gắn bút chì để quay. Nhưng rồi tôi vẫn không vẽ được. Cố gắng gò bàn chân, tôi cũng chỉ vạch được nửa vòng tròn là hết cỡ, mà nửa vòng tròn đó cũng chệch choạc đứt quãng rất nhiều. Tôi chợt nảy ra cách quay hai lần. Sau khi quay được nửa vòng, tôi nhấc com-pa lên xoay tờ giấy lại quay tiếp nửa kia. Giá có chiếc com-pa tốt không thay đổi khẩu độ thì có lẽ tôi đã thành công rồi. Biết làm sao bây giờ?