Tôi gặp Jason và Jennifer Kirkendoll lần đầu tiên là sau một sự kiện của The Minimalist. Họ kể rằng khi kết hôn vào năm 24 tuổi, họ tràn trề hy vọng về tương lai. Họ sống trong Giấc mơ Mỹ với bốn đứa trẻ, hai con chó, một con mèo, và một ngôi nhà gần Minneapolis. Jason làm việc cho một công ty bảo hiểm lớn, Jennifer ở nhà nội trợ.
Tuy nhiên theo thời gian, giấc mơ của họ dần biến thành một cơn ác mộng.
Ngôi nhà từng là niềm ao ước của họ giờ không còn vừa với lối sống ngày càng bành trướng. Vì thế họ phải tìm một ngôi nhà lớn hơn ở vùng ngoại ô xa xôi, gánh trên vai một khoản vay thế chấp hơn 30 năm và chấp nhận đoạn đường đi làm xa hơn.
Sự bành trướng không dừng lại ở ngôi nhà. Để giữ thể diện cho bản thân, vài năm họ lại mua xe mới một lần và lấp đầy tủ quần áo với những bộ đồ hàng hiệu. Để giải tỏa sự lo lắng, họ đi mua sắm vào cuối tuần. Họ ăn rất nhiều đồ ăn nhanh, xem các chương trình giải trí vô thưởng vô phạt và làm bản thân xao nhãng với vô số thứ rác rưởi trên mạng, đánh đổi một cuộc sống ý nghĩa cho những điều phù phiếm.
Bấy nhiêu vẫn chưa đủ.
Chưa đến 35 tuổi mà Jason và Jennifer đã ngập chìm trong nhiều vấn đề, nghiêm trọng nhất là những rắc rối về tiền bạc. Ngay cả khi được trả lương làm thêm ngoài giờ, thu nhập của Jason cũng không đủ trang trải cho gia đình, dẫn đến việc Jennifer phải đi làm việc bán thời gian để giúp chồng chi trả các hóa đơn, nợ thẻ tín dụng, tiền mua xe hơi, khoản nợ học đại học, học phí trường tư cho các con và tiền mua nhà.
Nhưng vấn đề tiền bạc cũng chỉ là bề nổi, che phủ bên dưới những vấn đề sâu sắc hơn.
Đời sống tình dục của họ không còn viên mãn.
Sự nghiệp không thành công.
Họ giấu nhẹm việc mua sắm với nhau.
Họ nói dối về việc chi tiêu.
Họ lờ đi những khát khao sáng tạo.
Họ coi sự có mặt của người kia là lẽ đương nhiên.
Họ trở nên nhỏ nhen và bất mãn.
Họ xấu hổ về con người họ hiện tại.
Mười năm kể từ khi kết hôn, họ sống trong lo lắng, ngột ngạt và căng thẳng bởi đã mất đi lý tưởng. Họ phung phí những nguồn lực quý giá nhất của mình – thời gian, năng lượng và sự chú tâm – vào những thứ không có kết quả. Hai con người trẻ tuổi ở độ đôi mươi tràn đầy hy vọng và hào hứng, từng trao cho nhau lời thề nguyện, đến nay đã hoàn toàn xa rời những mục tiêu của mình.
Và cách duy nhất để che giấu những bất mãn là quăng mình vào vòng xoáy khoái lạc – vay mượn tiền để mua những thứ mà họ không cần chỉ để gây ấn tượng với những người mà họ không thích. Họ tôn thờ chủ nghĩa tiêu dùng, và đồ đạc trở thành đấng tối cao mới của họ.
Sau đó, vào buổi sáng lễ Giáng sinh năm 2016, họ khám phá ra một viễn cảnh mới. Dưới cây thông Noel là một tấm thảm còn chưa được mở ra, Jennifer chuyển kênh trên Netflix như mọi lần, và tình cờ xem một bộ phim Minimalism: A Documentary About the Important Things (Chủ nghĩa tối giản: Một bộ phim tài liệu về những điều quan trọng). Jennifer nhìn thấy trên màn hình câu chuyện cuộc sống đơn giản của tôi và Ryan, tương phản với hình ảnh phòng khách nhà cô với hàng đống giấy gói quà, những chiếc hộp rỗng lẫn các món quà còn chưa mở nằm rải rác trên sàn. Và chỉ chưa đầy bốn giờ đồng hồ, lũ trẻ đã phát chán với số đồ chơi mới mua. Còn món quà mà Jason “bắt buộc” phải mua cho cô bằng thẻ tín dụng đã được đặt lại vô hộp và cất vào tủ, không hứng thú và không sử dụng, giống như mọi món đồ họ sở hữu.
Jennifer nghĩ về thời học đại học. Cuộc sống của cô khi đó thật giản dị. Từ khi nào mọi thứ đã trở nên phức tạp như vậy?
Từ complex – phức tạp bắt nguồn từ chữ complect trong tiếng Latin, nghĩa là “đan xen hai hoặc nhiều thành phần lại với nhau”. Jason và Jennifer đã để các món đồ không cần thiết, sự xao nhãng và những nghĩa vụ xen lẫn vào cuộc sống thường ngày, đến nỗi họ không còn phân biệt được đâu là rác rưởi và đâu là những điều cần thiết.
Ngược lại, từ simple – đơn giản bắt nguồn từ chữ simplex trong tiếng Latin, nghĩa là “chỉ có một thành phần”. Vì thế khi nói về đơn giản, chúng ta thực sự nói đến việc không làm cuộc sống trở nên phức tạp, bởi cái gì quá phức tạp cũng trở nên rối ren.
Jennifer biết rằng gia đình mình sẽ hạnh phúc như xưa nếu họ kết nối lại với những điều quan trọng – một sự thay đổi quan trọng. Họ phải đơn giản hóa cuộc sống, nhưng cô ấy không biết bắt đầu từ đâu, và cô đã tìm kiếm trên mạng.
Cô tìm được rất nhiều câu chuyện về những người đã đơn giản hóa cuộc sống của họ theo chủ nghĩa tối giản. Colin Wright, một doanh nhân khởi nghiệp hai mươi tuổi đến từ Missouri, đã bỏ lại phía sau 100 giờ làm việc hằng tuần để đi du lịch khắp thế giới với vỏn vẹn 52 món đồ trong ba lô. Courtnet Carver, một phụ nữ ở thành phố Salt Lake, đã bỏ đi 80% đồ đạc vật chất và tập trung vào điều trị bệnh đa xơ cứng của mình. Joshua và Kim Becker, cặp vợ chồng ở ngoại ô Phoenix, đã quyên tặng hầu hết tiền bạc của mình và thành lập một tổ chức phi lợi nhuận xây dựng các trại trẻ mồ côi ở biên giới Mỹ-Mexico. Leo Babauta, một người chồng và người cha của sáu đứa con tại Guam, đã bỏ thuốc lá, giảm 36 kg, chuyển cả gia đình đến California, và sau cùng là theo đuổi ước mơ trở thành một người viết lách toàn thời gian.
Jennifer đã tìm thấy hàng chục câu chuyện truyền cảm hứng tương tự trên mạng. Mặc dù mỗi người có hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau – cặp vợ chồng, người độc thân, đàn ông và phụ nữ, người già và thanh niên, người giàu và người nghèo – nhưng cô nhận ra tất cả họ đều có ít nhất hai điểm chung. Đầu tiên, họ sống cuộc đời chú tâm và có ý nghĩa, họ đam mê và có mục đích, họ dường như giàu có hơn nhiều người được cho là “giàu có” mà cô từng biết. Thứ hai, tất cả họ đều cho rằng cuộc đời họ trở nên ý nghĩa nhờ chủ nghĩa tối giản.
Và sau đó, tất nhiên là câu chuyện của The Minimalists mà Jennifer đã xem trong bộ phim tài liệu của chúng tôi. Vào thời điểm đó, Ryan và tôi là hai người đàn ông 35 tuổi bình thường (như Jason và Jennifer) đến từ vùng Trung Tây, những người đã đạt được Giấc mơ Mỹ và sau đó rời bỏ lối sống ham mê thái quá để theo đuổi một cuộc sống ý nghĩa.
Sau khi xao nhãng đời sống đã quá lâu, Jennifer hào hứng dọn dẹp đống lộn xộn. Bên cạnh cô, Jason tỏ ra nghi ngờ, dù anh biết rõ ràng là mọi thứ đang ngột ngạt và sâu trong thâm tâm anh biết họ phải làm gì đó để trở về đúng hướng.
Trong cơn phấn khích lẫn nỗi lo lắng đối với việc buông bỏ, họ thuê một chiếc thùng rác di động và đặt cạnh ngôi nhà đang ngập trong đồ đạc. Vào cuối tuần của năm mới, họ bắt đầu dọn dẹp mọi thứ không sử dụng trong năm ngoái: quần áo, mỹ phẩm, đồ chơi, sách vở, băng đĩa, đồ điện tử, chén dĩa, ly tách, phụ kiện cho thú cưng, dụng cụ thể dục và đồ nội thất, thậm chí cả bàn đánh bóng bàn. Tất cả những gì không sử dụng đều được vứt đi.
Họ hăng hái thanh lọc đồ đạc. Trong vòng một tuần, ngôi nhà đã khác hẳn.
Đồ đạc để bừa bãi đã giảm đi. Cảnh tượng lộn xộn đã không còn.
Âm thanh mới vang vọng trong nhà. Đó có phải âm thanh của sự đơn giản?
Hết tháng 1 năm 2017, Jason và Jennifer gần như hoàn thành việc trang hoàng lại ngôi nhà của họ. Trong vòng một tuần tiếp theo, họ sẽ chuyển thùng rác đi, và những năm tích trữ bừa bãi sẽ mãi mãi biến mất khỏi cuộc sống của họ.
Họ đã tiến bộ đáng kể. Tủ quần áo, tầng hầm và nhà để xe được sắp xếp gọn gàng. Đồ đạc còn lại trong nhà đều có chức năng sử dụng. Mọi thứ đã vào nề nếp. Họ có thể hít thở thư thái, cười nhiều hơn và dễ chịu hơn. Mọi thứ họ sở hữu đều phục vụ cho một mục đích nhất định. Mái nhà một lần nữa trở thành mái ấm. Cuộc sống của họ chỉ còn lại sự yên tĩnh, khiến họ nhận ra những ưu tiên của mình cuối cùng đã được đặt lên hàng đầu.
Nhưng, một điều không mong đợi lại xảy đến.
Chiếc thùng rác bốc cháy, ngay một ngày trước khi được chuyển đi. Không ai biết chính xác chuyện gì đã xảy ra, nhưng trong khi hai vợ chồng đang đi làm, có thứ gì đó đã phát cháy bên trong chiếc thùng rác ngập đồ. Lúc họ tan làm về nhà thì cả căn nhà đã cháy rụi.
Cũng may mắn là trong lúc xảy ra hỏa hoạn thì bọn trẻ đang ở trường, và cả ba con thú cưng đều chạy thoát qua cánh cửa dành cho chó phía sau nhà. Còn mọi thứ đều đã tan thành khói.
Nước mắt lưng tròng, hai vợ chồng ôm con thẫn thờ nhìn đống đổ nát còn cháy âm ỉ. Sao điều này có thể xảy ra chứ? Bao nhiêu năm làm việc chăm chỉ, thu thập và tích trữ, họ không còn lại gì, không còn bất cứ thứ gì.
Thật kinh hoàng, thật chán nản, cũng thật là... tự do? Một tháng vừa qua là bài tập về sự buông bỏ, và ngay giây phút đó, họ nhận ra mình có thể buông bỏ bất cứ điều gì.
Bọn trẻ vẫn an toàn, gia đình vẫn còn nguyên vẹn, và mối quan hệ của họ đã cải thiện đáng kể so với một tháng trước. Tương lai là tất cả những gì họ muốn tạo dựng ngay lúc này. Lần đầu tiên trong đời, họ không còn bị ràng buộc bởi lối sống, đồ đạc cũng như bất cứ kỳ vọng nào vốn đã từng kìm hãm bản thân họ. Khi sự phức tạp tan thành mây khói – theo nghĩa đen – họ bị “đẩy” vào cuộc sống giản đơn bằng một vụ hỏa hoạn.
Nếu là một tháng trước, cả hai sẽ sụp đổ. Nhưng với góc nhìn mới về cuộc sống, họ không coi đó là một bước lùi mà là sự thúc đẩy họ tiến về phía trước, dù có phần bất tiện. Giờ đây, họ chỉ còn một câu hỏi: “Chúng ta sẽ làm gì với sự tự do vừa tìm thấy?”.
Khát khao tự do mãnh liệt
Thật ngạc nhiên khi có rất nhiều người giống như Jason và Jennifer ngoài kia – dĩ nhiên là trừ vụ cháy. Hầu hết người phương Tây theo đuổi hạnh phúc thông qua việc mua sắm bốc đồng, thú vui phù phiếm, và những danh hiệu thành công bề nổi. Thực sự, tất cả những quyết định tồi tệ của chúng ta – và trớ trêu thay, cả sự bất mãn của chúng ta – đều có thể bắt nguồn từ nỗi khát khao hạnh phúc, bởi lẽ chúng ta thường đồng nhất hạnh phúc với sự hài lòng tức thời.
Hạnh phúc có nhiều định nghĩa, mỗi người sẽ hiểu một cách khác nhau khi sử dụng từ này. Với vài người, hạnh phúc nghĩa là niềm vui, người khác thì là sự trọn vẹn. Một số người xem hạnh phúc là cảm giác hài lòng, mãn nguyện. Một vài nhà tư tưởng uyên bác còn cho rằng đó là sự viên mãn.
Nhưng tôi khẳng định rằng mọi người không tìm kiếm hạnh phúc, họ đang tìm kiếm tự do. Và hạnh phúc thực sự có nghĩa là sự viên mãn bền vững – một kết quả có được từ sự tự do.
Tự do, bản thân từ này đã gợi lên vô số hình ảnh: một lá cờ phấp phới trong gió, một anh hùng thắng trận trở về nhà, một con đại bàng bay cao trên hẻm núi. Nhưng tự do thật sự vượt ra ngoài những hình ảnh này và liên quan đến những điều trừu tượng hơn.
Khi nghĩ về tự do, chúng ta thường nghĩ điều đó nghĩa là làm bất cứ điều gì mình muốn vào bất cứ khi nào – bất cứ điều gì, bất cứ khi nào.
Tuy nhiên, hãy tìm hiểu sâu hơn, và bạn sẽ nhanh chóng nhận ra đó chẳng phải tự do thật sự – đó chỉ là bản thân bị thao túng.
Nếu được quyền tự quyết định, cô con gái 6 tuổi Ella của tôi sẽ vui vẻ làm “bất cứ điều gì nó thích”: ném đồ chơi khắp phòng, xem Youtube liên hồi, ngấu nghiến bánh sô-cô-la, không chịu đánh răng và phá phách khắp nơi.
Những quyết định như thế này cho ta cảm giác dễ chịu trong khoảnh khắc, nhưng nếu đi kèm thêm vài quyết định tồi tệ, chúng ta sẽ hái quả đắng từ những hành động thiếu thận trọng của mình. Theo thời gian, những quyết định tệ hại dẫn đến thói quen xấu làm tổn thương các mối quan hệ, và đến cuối cùng, chúng ta rời xa điều mà chúng ta tìm kiếm – sự tự do.
Thỉnh thoảng, chúng ta dùng những từ ngữ khác để nói tránh đi về sự thiếu tự do của mình: trói buộc, ràng buộc, cột chặt, mắc bẫy, mắc kẹt.
Ý của tôi là, chúng ta đã mất kiểm soát và không có kỷ luật để thoát khỏi những thứ kìm hãm bản thân: Chúng ta bị trói buộc vào quá khứ, cột chặt vào sự nghiệp, ràng buộc bởi các mối quan hệ, mắc bẫy nợ nần và mắc kẹt trong thế giới ảo.
Tệ hơn nữa, một vài của cải hay thành tựu có vẻ như mang dáng dấp của tự do – những chiếc xe hơi thể thao hào nhoáng, những biệt thự lộng lẫy vùng ngoại ô, những lần thăng tiến trong công việc. Chúng chỉ lấp đầy bề mặt của sự tự do – sự tự do giả tạo. Ví như một người Mỹ đứng trong khu vườn được cắt tỉa gọn gàng và bị giam cầm bởi hàng rào xung quanh mang tên Giấc mơ Mỹ.
Sự ví von quả là có chút thái quá, nhưng nó giúp giải thích một điều quan trọng rằng: Tự do thật sự là điều vượt ra ngoài những gì đang vun đắp và trang trí cho tự do giả tạo. Và để đến được tự do thực sự, chúng ta phải bước ra ngoài những hàng rào đẹp đẽ mà mình đã dựng lên.
Như ta thấy, tự do thật sự bao hàm nhiều hơn của cải vật chất, sự giàu có và thành công. Tự do thật sự không thể nhìn thấy được – nó là một điều trừu tượng. Chúng ta không có đơn vị đo lường sự tự do, cho nên khái niệm này lại càng khó nắm bắt. Thế rồi chúng ta quyết định đo lường tự do bằng những gì có thể đong đếm được như: tiền bạc, trang sức, tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội – nhưng tất cả chúng đều thiếu ý nghĩa, không chính xác và chẳng đáng giá so với tự do thực thụ.
Và càng theo đuổi tự do giả tạo, chúng ta càng đi xa khỏi tự do thật sự. Khi điều này xảy ra, chúng ta cảm thấy bị đe dọa trước sự tự do của người khác, dẫn đến việc chúng ta hối hả tích trữ và nghi ngờ bất cứ ai sống cuộc đời khác với mình. Chúng ta níu lấy cuộc sống hiện tại bởi vì sợ cuộc sống không theo lề lối là một sự sỉ nhục. Vì thế, người khác thì được tự do, còn chúng ta thì không thể.
Nhưng chúng ta quên rằng, tự do không phải trò chơi kẻ thắng người thua. Con sóng tự do – tự do thật sự – nâng tất cả con thuyền lên, dù lớn hay nhỏ, trong khi tự do giả tạo chỉ cuốn trôi tất cả đi.
Tự do giả tạo rõ ràng mang đến cảm giác thoải mái, giống như tấm chăn giữ ấm cho đứa bé, nhưng nó không giữ cho đứa trẻ được an toàn. Trạng thái an toàn nằm ở khả năng chúng ta có thể bước đi, đi khỏi điều đang kìm hãm và tiến đến những điều đáng giá.
Chủ nghĩa tiêu dùng trêu ngươi
Thay đổi mối quan hệ với đồ đạc không hề dễ dàng. Ngay với tôi, một người theo chủ nghĩa tối giản, vẫn bị giằng xé trước lời mời gọi của bài ca tiêu dùng. Tôi ước rằng có thể nói tôi và Ryan đã buông bỏ vật chất, đơn giản hóa cuộc sống, và không bao giờ cảm thấy muốn mua bất cứ món đồ nào trong tương lai.
Vâng, tôi ước như thế.
Nhưng, chiếc áo khoác trên bảng quảng cáo đó trông quá đẹp. Còn đôi giày trong email tiếp thị kia cũng thật hấp dẫn.
Nếu chú ý, bạn nhìn sẽ thấy chúng ở khắp nơi.
Chiếc quần jean trên bảng quảng cáo ven đường cao tốc.
Chai dầu gội trong quảng cáo trên tivi.
Đồ trang điểm trên tờ quảng cáo dán ở cửa kính hiệu mỹ phẩm.
Thuốc giảm cân thần kỳ trong mẩu quảng cáo trên đài phát thanh.
Tấm nệm trong chương trình podcast yêu thích của bạn.
Chiếc tivi màn hình lớn trong tờ quảng cáo trên báo.
Đồ dùng nhà bếp giới thiệu qua email.
Căn hộ nghỉ dưỡng được giới thiệu trong chương trình truyền hình thực tế.
Chiếc Mercedes-Benz bạn nhìn thấy khi lướt Instagram.
Và chiếc đồng hồ Rolex trên bìa sau cuốn tạp chí.
Tất nhiên, đồng hồ Rolex sẽ không giúp bạn có thêm thời gian, chiếc Mercedes sẽ không đưa bạn đi nhanh hơn, và căn hộ nghỉ dưỡng không giúp bạn kéo dài kỳ nghỉ. Điều nghịch lý này đúng trong mọi trường hợp. Chúng ta đang cố gắng mua một thứ vô giá: thời gian. Bạn có thể phải làm việc hàng trăm giờ để mua một chiếc đồng hồ đắt tiền, miệt mài hàng năm để mua một chiếc xe sang trọng, và vất vả cả cuộc đời để mua được một căn hộ nghỉ dưỡng. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẵn sàng từ bỏ thời gian để mua ảo tưởng về thời gian.
Đừng hiểu lầm ý tôi – tôi xin khẳng định Rolex và Mercedes sản xuất các sản phẩm tinh xảo và có chất lượng cao, và bản thân những món đồ này cũng chẳng có gì sai. Vấn đề thực sự nằm ở cái cảm giác rằng những món vật chất này sẽ khiến cuộc sống của bạn tốt hơn, ý nghĩa hơn và trọn vẹn hơn. Nhưng vật chất sẽ không giúp cuộc sống của bạn hoàn thiện. Theo hướng tích cực, vật chất mà chúng ta mang vào cuộc sống phải là công cụ để giúp chúng ta thoải mái hoặc làm việc hiệu quả hơn. Chúng hỗ trợ cho một cuộc sống ý nghĩa, chứ không mang ý nghĩa đến cho cuộc sống.
Tóm lược về ngành quảng cáo hiện đại
Ngành công nghiệp quảng cáo nói với chúng ta rằng nếu bạn có được những thứ phù hợp – chiếc xe, quần áo và mỹ phẩm hoàn hảo – bạn sẽ hạnh phúc. Và họ lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Theo tạp chí Forbes, người Mỹ tiếp xúc khoảng 4.000 đến 10.000 mẩu quảng cáo mỗi ngày. Thực sự, tôi vừa gặp phải hàng chục tin quảng cáo trực tuyến khi tìm hiểu thông tin này.
Điều này không có nghĩa là mọi quảng cáo đều xấu xa hay tệ hại, bởi vì không phải tất cả quảng cáo đều được tạo ra như nhau. Chúng đi từ việc cung cấp thông tin đơn thuần đến hủy hoại hoàn toàn cuộc sống của chúng ta.
Trong tiếng Latin, từ advertere – quảng cáo có nghĩa là “hướng về phía trước”, và đó chính xác là mục đích của quảng cáo: Các công ty tốn hàng đống tiền để hướng sự chú ý của bạn đến sản phẩm và dịch vụ. Và nếu nhu cầu sử dụng sản phẩm không cao bằng nguồn cung, không vấn đề gì! Quảng cáo có thể giúp tạo ra nhu cầu giả nếu nguồn ngân sách quảng cáo đủ cao.
Trong những năm gần đây, chi tiêu cho quảng cáo trên toàn thế giới đã lên đến nửa nghìn tỷ đô-la mỗi năm. Nhưng số tiền này dùng để thông báo cho mọi người về những thứ hữu ích thôi mà? Điều đó đâu quá tệ?
Vâng, đại khái là thế.
Trước thế kỷ 20, phần lớn quảng cáo là để kết nối nhà sản xuất hàng hóa với người tiêu dùng thực sự cần món hàng đó. Nhưng sau đó, như Stuart Ewen miêu tả trong quyển sách Captains of Consciousness (tạm dịch: Người dẫn đầu của ý thức) của ông: “Quảng cáo tăng trưởng mạnh mẽ ở Mỹ khi việc công nghiệp hóa đã làm tăng nguồn cung sản phẩm. Để thu được lợi nhuận từ tốc độ sản xuất nhanh hơn, ngành công nghiệp cần dụ dỗ công nhân trở thành người tiêu thụ các sản phẩm của nhà máy. Điều đó đã diễn ra như thế với việc phát minh ra quảng cáo để tác động đến hành vi kinh tế của người dân trên quy mô lớn hơn”.
Đến thập niên 1920, nhờ Edward Bernays, người được xem là cha đẻ của ngành quảng cáo hiện đại và quan hệ công chúng, các nhà quảng cáo ở Mỹ đã áp dụng học thuyết rằng có thể “nhắm mục tiêu và khai thác” bản năng của con người. Bernays, vốn là một người cháu của nhà phân tâm học Sigmund Freud, nhận ra rằng phương pháp thu hút suy nghĩ lý trí của khách hàng mà các nhà quảng cáo từng sử dụng để bán sản phẩm đã trở nên kém hiệu quả hơn nhiều so với việc bán sản phẩm dựa trên những mong muốn vô thức của con người – điều mà ông cảm thấy là “động cơ thực sự của hành động con người”. Kể từ đó, chúng ta bắt đầu chứng kiến các công ty quảng cáo tiếp cận, và tiếp cận quá mức, vào sâu trong tâm lý con người.
Các nhà quảng cáo đã lão luyện đến mức họ thậm chí bán được cho chúng ta những thứ rác rưởi và nói rằng chúng tốt cho ta, theo nghĩa đen. Một trong những bằng chứng chính là sự phổ biến của các món ăn vặt không tốt cho sức khỏe.
Giải quyết những vấn đề không tồn tại
Tua nhanh đến hiện tại, trong những năm gần đây, một trong những ví dụ rõ ràng nhất cho thấy sự lão luyện của các nhà quảng cáo là việc đem thuốc điều trị tăng huyết áp Sildenafil tiếp cận người tiêu dùng. Khi các thử nghiệm lâm sàng cho thấy loại thuốc này không hiệu quả, lẽ ra vòng đời của nó đã chấm dứt. Nhưng, các nhà quảng cáo đã vào cuộc.
Khi phát hiện một số nam giới bị cương cứng kéo dài trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, nhà sản xuất thuốc Sildenafil đã có một giải pháp. Họ thuê một công ty quảng cáo, chính công ty này đã đặt ra thuật ngữ rối loạn cương dương (erectile dysfunction) và thuốc Viagra ra đời. Chiến dịch này đã tạo ra viên thuốc màu xanh mang lại doanh thu 3 tỷ đô-la mỗi năm.
Năm 1976, Herry Gadsden, khi đó là CEO của dược phẩm Merck & Co., nói với tạp chí Fortune rằng ông ta muốn bán thuốc cho những người khỏe mạnh vì họ có nhiều tiền nhất. Kể từ đó, chúng ta đã được bán “nhiều phương thuốc chữa trị mới”.
Dù vậy, xin đừng nhầm lẫn điều này nghĩa là phản đối Viagra. Theo nghiên cứu, Viagra có vẻ là một loại thuốc tương đối lành tính. Do đó, bản thân loại thuốc này cũng không có gì tệ cũng không gây nguy hại. Chỉ có việc quảng cáo mới là vấn đề rắc rối.
Nhiều công ty quảng cáo thuê các cây viết, các nhà nhân khẩu học, các nhà thống kê, các chuyên gia phân tích, và thậm chí là nhà tâm lý học để nỗ lực moi tiền từ túi của chúng ta. Dưới bàn tay của công ty quảng cáo chuyên nghiệp, ngay cả lời tuyên bố “miễn trừ trách nhiệm” cũng biến thành một phần của chiêu trò bán hàng: “Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu quá trình cương cứng của bạn kéo dài hơn bốn giờ”. Tôi không biết bạn thì sao, nhưng tôi thà hỏi ý kiến của vợ.
Viagra không phải sản phẩm duy nhất vượt ra khỏi ý định ban đầu của nó. Bạn có biết nước súc miệng Listerine từng là một chất tẩy rửa sàn nhà, Coca-Cola được phát minh để thay thế thuốc giảm đau morphine, và bánh quy Graham Cracker được sáng tạo để giảm bớt ham muốn tình dục ở các chàng trai trẻ?
Bán sự khan hiếm
Vì sao các quảng cáo dường như luôn có tính khẩn cấp, thúc giục?
Hành động ngay!
Thời gian có hạn!
Đợt bán hàng cuối cùng!
Các giới hạn nhân tạo do nhà quảng cáo tạo ra chỉ là tưởng tượng. Nếu hôm nay bạn “bỏ lỡ” cái gọi là giảm giá, bạn sẽ ổn thôi vì các công ty luôn tìm kiếm cơ hội mới để bán cho bạn thứ gì khác vào hôm sau.
Như Bernays đã nhận ra từ cách đây một thế kỷ, chiến thuật đưa yếu tố khẩn cấp vào quảng cáo này lợi dụng bản chất nguyên thủy của con người: Chúng ta đưa ra quyết định nhanh chóng – thường là hấp tấp – trong lúc cho rằng có sự khan hiếm diễn ra.
Một thế giới ít quảng cáo
Cách đây vài năm, khi lái xe từ Burlington, Vermont đến Boston, Massachusetts, tôi cảm thấy có gì đó khác lạ. Cảnh vật xanh mướt trải dài sống động chứ không giống như một màn hình vô cảm, và tôi cảm thấy một sự bình yên khó tả khi đi qua từng cột mốc trên đường.
Sau đó, tôi băng qua ranh giới của Massachusetts, và đã hiểu ra: Cảm giác bình yên trong chuyến đi phần lớn là do tôi ít thấy biển quảng cáo ngoài trời, bởi việc này là bất hợp pháp ở bang Vermont. Hiện tại, bốn tiểu bang Alaska, Hawaii, Maine, và Vermont đều có luật cấm dựng biển quảng cáo ngoài trời. Trên thế giới, có hơn 1.500 thành phố và thị trấn cũng có luật tương tự, kể cả Sao Paulo, Brazil – một trong những thành phố lớn nhất hành tinh.
Khi Sao Paulo ban hành “Luật thành phố sạch” vào năm 2007, hơn 15.000 biển quảng cáo ngoài trời đã bị gỡ bỏ. Chính quyền thành phố tiếp tục ra tay mạnh hơn nữa và 300.000 hình ảnh gây nhiễu như áp phích, quảng cáo trên xe buýt và taxi cũng được dọn sạch.
Kết quả thú vị nhất của việc loại bỏ các biển quảng cáo là phần lớn người dân của thành phố cho biết họ thích sự thay đổi này. Quả là một ý tưởng mới lạ: Hãy hỏi mọi người thích gì thay vì để lợi nhuận quyết định cảnh quan của thành phố.
Tiếc thay, chúng ta đã chấp nhận quảng cáo như một phần của cuộc sống hằng ngày; chúng ta đã quen xem chúng là một phần bình thường của việc “phân phối nội dung”. Rốt cuộc, quảng cáo là cách chúng ta được xem miễn phí các chương trình tivi, chương trình phát thanh, các bài báo trực tuyến và podcast, có phải không?
Không có bữa ăn nào là miễn phí. Mỗi giờ trên truyền hình có gần 20 phút dành cho quảng cáo, và điều tương tự xảy ra ở hầu hết các kênh thông tin khác. Nhiều người cho rằng điều này đắt hơn cái giá “miễn phí”, bởi vì chúng ta đang lãng phí hai tài nguyên quý giá của mình – thời gian và sự chú ý – để đổi lấy sản phẩm.
Nếu chúng ta không muốn quảng cáo xâm chiếm tầm chú ý của mình (hoặc con cái mình), thì chúng ta phải sẵn sàng trả tiền cho những gì được gắn với “miễn phí”.
Netflix, Apple Music và các dịch vụ tương tự có thể vượt qua mô hình quảng cáo truyền thống nhờ cung cấp các dịch vụ được đánh giá cao. Các doanh nghiệp và cá nhân khác như Wikipedia và kênh podcast của Bret Easton Ellis đi theo mô hình không có quảng cáo – thường được gọi là freemium – theo đó, nội dung được cung cấp miễn phí và một bộ phận khán giả sẽ góp tiền để ủng hộ. (Kênh podcast của chúng tôi cũng không có quảng cáo và hoạt động nhờ mô hình freemium này).
Bất kể bạn cảm thấy ra sao về Netflix, Apple Music, Wikipedia, Bret Easton Ellis hay các công ty và cá nhân tương tự, hướng tiếp cận này chắc chắn cải thiện công việc sáng tạo của họ vì nội dung không bị gián đoạn để phát quảng cáo. Và điều này giúp nâng cao sự tin tưởng nơi khán giả vì khán giả biết rằng nội dung của nhà sáng tạo không chịu sự tác động từ công ty quảng cáo và nhà sáng tạo có thể truyền tải trực tiếp nội dung theo cách củng cố mối quan hệ giữa họ với khán giả của mình – vì khách hàng là người kiểm soát, chứ không phải người mua các quảng cáo.
Hơn nữa, với tư cách là người tiêu dùng, việc sẵn lòng đổi tiền để lấy nội dung sáng tạo buộc chúng ta phải cân nhắc nhiều hơn những gì chúng ta tiêu thụ. Nếu phải trả tiền cho bất kỳ cái gì, chúng ta luôn muốn số tiền mình bỏ ra phải có giá trị. Thật khó hiểu tại sao chúng ta không làm điều tương tự với các chương trình được gọi là “miễn phí”, bởi thay vì trả bằng tiền, chúng ta sẽ trả bằng thời gian và sự chú ý của mình, nhưng thời gian và sự chú ý của ta hiếm khi được đáp trả xứng đáng.
Cho dù thời gian của bạn đáng giá 10 đô-la, 100 đô-la, hay 1.000 đô-la một giờ, bạn có thể tốn hàng chục nghìn đô- la mỗi năm để tiếp thu thông điệp của các nhà quảng cáo. Nói một cách thẳng thắn, bạn đang “trả tiền” để “được xem” quảng cáo, và không được nhận tiền bồi thường cho sự chú ý bị phí phạm.
Tôi chuyển đến Los Angeles năm 2017 để thành lập một studio phim và podcast cho The Minimalists. Khi đến thành phố, tôi thấy mình bị thu hút với những gì mọi người ở đấy đang sở hữu: mặt bàn đá hoa cương, xe hơi Tesla, những đôi giày Air Jordan phiên bản giới hạn. Có lẽ nhà nghệ thuật người Mỹ Jenny Holzer đã nghĩ ra điều gì đó khi bà viết dòng chữ “Điều không thể vươn tới thì luôn hấp dẫn” lên cánh cửa chiếc xe BMW tại bảo tàng của hãng Porsche ở Đức. Ngay cả khi là một người theo chủ nghĩa tối giản, sức hút quá lớn của chủ nghĩa tiêu dùng cũng khiến tôi thấy khó khăn khi tự nhủ “mình không cần những gì mình đang thấy”. May mắn là tôi đã vô tình chuẩn bị mọi thứ để đến vùng đất của những chiếc Lamborghinis, thiên đường mua sắm Melrose, và các trung tâm mua sắm ba tầng lầu này từ gần mười năm trước.
Nếu có một thông điệp cốt lõi trong chủ nghĩa tối giản, thì đó là: Có thể bạn không cần món đồ đó đâu. Tuy nhiên, thực chất chúng ta tự đánh lừa bản thân để tin rằng chúng ta cần cái ghế bành đó, bộ dụng cụ nấu ăn đó, cây bút kẻ mắt đó và chiếc váy đó. Có lẽ nguyên nhân là vì chúng ta đã tiến hóa để lừa bịp chính mình. Nhà triết Bernardo Kastrup đã nói: “Mệnh lệnh chính yếu của tâm trí là phải tự đánh lừa chính nó. Cái thực tế của chúng ta được tạo ra bởi một quá trình tự lừa dối cực kỳ tinh vi”.
Khi bạn mở rộng nhận định của Kastrups sang thế giới vật chất, nó có vẻ rõ ràng và dễ hiểu hơn. Nếu trung bình một hộ gia đình sở hữu đến hàng trăm hàng nghìn món đồ và hầu hết chúng đều cản trở hoặc không làm tăng niềm hạnh phúc của chúng ta, vậy tại sao chúng ta lại giữ tất cả những thứ rác rưởi đó? Câu trả lời rất đơn giản: Ấy là do những câu chuyện chúng ta tự kể cho chính mình. Bạn kể câu chuyện bạn bị phụ thuộc vào đồ đạc của mình như thế nào? Và bạn có thể kể câu chuyện nào để truyền sức mạnh tạo nên những thay đổi?
Tôi thường nghe các nhân vật trong giới truyền thông nói rằng Giấc mơ Mỹ đang nằm ngoài tầm với. Điều này không đúng! Bởi việc đạt được Giấc mơ Mỹ đang trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Vấn đề là chúng ta đang tiếp cận theo cách sai lầm.
Ngày xưa, Giấc mơ Mỹ rất khiêm tốn: Nếu bạn làm việc chăm chỉ trong một công việc vừa sức, bạn có khả năng xây một ngôi nhà vừa phải trên một mảnh đất vừa đủ ở và sống một cuộc đời cân bằng. Bạn sẽ có đủ. Nhưng ngày nay, chúng ta muốn có tất cả và muốn có ngay bây giờ: một ngôi nhà lớn hơn, một chiếc xe rộng hơn và một cuộc sống tiện nghi hơn, mua sắm thoải mái, thưởng thức những bữa tối xa hoa và tận hưởng những khoảnh khắc đáng nhớ trên Instagram. Bởi vì chúng ta đã nghiện liều thuốc dopamine cơ thể tiết ra mỗi khi mua sắm món hàng mới, có đủ thì không bao giờ đủ.
Vậy, bao nhiêu là đủ?
Nếu không đặt ra câu hỏi này, chúng ta mù quáng chạy theo sự thừa mứa.
Chúng ta bị đồng hóa để cuốn vào ngọn lửa của chủ nghĩa tiêu thụ.
Mua sắm, tiêu thụ, thưởng thức, nhiều và nhiều hơn nữa.
Bao nhiêu là đủ?
Nếu không có câu trả lời, chúng ta không biết phải tiếp tục như thế nào.
Bởi vì chúng ta không biết đâu là điểm dừng. Những khao khát mù quáng nắm thóp ta.
Đương nhiên, có đủ với mỗi người là khác nhau.
Có đủ sẽ thay đổi khi nhu cầu và hoàn cảnh của chúng ta thay đổi.
Với bạn, đủ có thể bao gồm một chiếc sofa, một bàn cà phê và một chiếc ti-vi.
Một bàn ăn có sáu chỗ ngồi.
Một ngôi nhà có ba phòng ngủ.
Một nhà để xe chứa hai chiếc ô-tô.
Một tấm bạt nhún lò xo ở sân sau.
Hoặc có thể như vậy là quá nhiều.
Có đủ sẽ thay đổi theo thời gian.
Có đủ của hôm qua có thể trở thành quá nhiều so với hôm nay.
Bao nhiêu thì đủ?
Không đủ nghĩa là thiếu thốn.
Quá đủ nghĩa là thừa mứa.
Đủ là điểm ngọt ngào ở giữa, nơi mà sự hữu ích giao thoa với sự hài lòng, nơi mà dục vọng không cản trở việc tạo ra những điều ý nghĩa.
Đủ là khi bạn quyết định vậy là đủ rồi.
6 câu hỏi cần trả lời trước khi mua sắm
Mỗi khi bạn bỏ ra 1 đô-la nghĩa là bạn bỏ ra một phần sự tự do của mình. Nếu bạn kiếm được 20 đô-la một giờ, thì cốc cà phê 4 đô-la chỉ tốn của bạn mười hai phút, chiếc máy tính bảng 800 đô-la khiến bạn tiêu tốn một tuần, và chiếc xe hơi trị giá 40.000 đô-la khiến bạn mất đi một năm tự do.
Đến đoạn cuối cuộc đời, bạn nghĩ mình khi ấy sẽ muốn một chiếc ô-tô hay có thêm một năm tự do? Điều này không có nghĩa chúng ta phải tránh cà phê, đồ điện tử hay xe hơi. Bản thân tôi có cả ba. Vấn đề ở đây là chúng ta không bao giờ đặt câu hỏi như vậy về những gì chúng ta mang vào cuộc sống của mình. Và vì không tự hỏi mình nên chúng ta mất kiểm soát.
Trước khi bạn quyết định mua một món hàng mới, trước khi đưa thêm một vật dụng nữa vào đời mình – bạn nên tự trả lời 6 câu hỏi sau đây để đề phòng việc tiêu tốn toàn bộ số tiền phải vất vả mới kiếm được.
1. Tôi mua món đồ này cho ai?
Những gì chúng ta sở hữu không nói lên chúng ta là ai, mà chúng thường cho biết chúng ta muốn trở thành ai. Khi điều này xảy ra, chúng ta để cho đồ đạc định hình danh tính của mình. Chúng ta nỗ lực một cách vô ích để thể hiện cá tính qua việc phô bày các thương hiệu đeo trên mình: Mọi người có thấy món đồ mới cáu này không? Tôi là vậy đó! Các thương hiệu làm chúng ta thấy mình trở nên độc đáo, nhưng là cái “độc đáo” giống như nhiều người khác.
Tuy nhiên, vấn đề không phải nằm ở các thương hiệu. Chúng ta đều cần một vài món đồ. Chúng ta nhờ vào các công ty để họ tạo ra những cái mình cần. Vấn đề chỉ nảy sinh khi chúng ta cảm thấy áp lực từ bên ngoài để có được món đồ đó, như thể món trang sức kia mới là con đường dẫn đến một cuộc sống trọn vẹn hơn.
Áp lực bên ngoài đó không phải một dấu hiệu để ta tiếp tục mua sắm, mà đó là dấu hiệu để ta tạm dừng và hỏi: Mình mua cái này cho ai? Món đồ mới này có phải dành cho bạn không? Hay bạn mua nó để gây ấn tượng với người khác? Nếu nó thực sự dành cho bạn – và việc mua sắm này là hợp lý – thì cứ mua nó đi. Đừng loại bỏ những gì có thể giúp cải thiện cuộc sống của bạn. Nhưng nếu bạn mua nó như một dấu hiệu của việc thỏa mãn hành vi tiêu dùng, bạn chỉ đang cản trở sự tự do mà mình đang theo đuổi mà thôi.
2. Món đồ này có mang thêm giá trị vào cuộc sống của tôi không?
Tôi không sở hữu nhiều thứ, nhưng mọi thứ tôi có đều tăng thêm giá trị cho cuộc sống của tôi. Cụ thể là mỗi món đồ – từ chiếc xe, quần áo, đến các dụng cụ và đồ điện tử – đều có chức năng như một công cụ hoặc làm tăng giá trị thẩm mỹ tích cực cho cuộc sống của tôi. Nói cách khác, bạn phải tự hỏi món đồ này có phục vụ một chức năng nào đó hay có nhân rộng niềm vui cho bạn một cách có ý nghĩa hay không. Nếu không, nó không đáng mua.
3. Tôi có mua nổi không?
Nếu bạn phải mua món đồ mới bằng thẻ tín dụng, nghĩa là bạn không có tiền để mua nó. Nếu bạn phải mượn tiền để mua, nghĩa là bạn không đủ tiền để trả. Và nếu bạn đang mắc nợ, nghĩa là bạn không mua nổi món đồ đó. Chỉ vì bạn có thể mua thứ gì đó hôm nay, không có nghĩa là bạn thực sự có khả năng chi trả cho nó. Và nếu bạn không thể, tốt hơn hết là đừng mua.
Nhưng mua nhà hay học đại học thì sao – chắc chắn đó là trường hợp ngoại lệ, phải không? Mặc dù chúng có thể là một kiểu nợ khác – và xem ra tốt hơn là kiểu nợ thẻ tín dụng – nhưng chúng vẫn là nợ. Từ cổ chí kim người ta vẫn nói rằng kẻ đi mượn là nô lệ của người cho vay, và vì thế mục tiêu của chúng ta là phải trả hết số nợ càng nhanh càng tốt. Tôi biết quan điểm này là không bình thường, nhưng “bình thường” đang là thứ đẩy chúng ta vào mớ hỗn độn trị giá 14 nghìn tỷ đô-la trong hiện tại. Chúng ta sẽ giải quyết nhiều quan niệm sai lầm về nợ trong chương về mối quan hệ với tiền bạc.
4. Đâu là cách tốt nhất để sử dụng số tiền này?
Nói cách khác, bạn có thể xài số tiền này bằng cách nào nữa? Lựa chọn thay thế là gì? Bạn của tôi, nhạc sĩ Andy Davis, có sáng tác bài Good Life với một đoạn mô tả cô đọng việc “biển thủ tài chính” trong văn hóa của chúng ta như thế này: “Chúng ta phải vật lộn để trả tiền thuê nhà chỉ tại chiếc quần jean đắt tiền”. Chắc chắn bạn có đủ tiền để mua chiếc quần jean đắt đỏ ấy, nhưng liệu số tiền này có thể phục vụ bạn theo cách nào khác tốt hơn chăng? Ví dụ mở tài khoản tiết kiệm, có một kỳ nghỉ cùng với gia đình, hay trả tiền thuê nhà chẳng hạn? Nếu được, hãy tránh mua sắm và chọn phân bổ đồng tiền vào nơi hiệu quả nhất.
5. Chi phí thực sự là bao nhiêu?
Như chúng ta đã đề cập ở phần mở đầu của quyển sách này, chi phí thực sự là thứ vượt xa giá bán của món đồ. Trong kinh doanh, họ gọi đây là chi phí toàn bộ. Nhưng hãy gọi ra chính xác đây là những chi phí thực tế để sở hữu tất cả những thứ mà chúng ta nghĩ mình cần.
Khi nói đến các món đồ mình sở hữu, chúng ta phải xem xét cả chi phí lưu trữ, chi phí bảo trì, và chi phí tâm lý cho chúng. Cộng lại tất cả, chúng ta có thể hiểu cái giá thật sự của món đồ và thường nhận ra rằng ta không thể mua nổi nó, ngay cả khi ta có đủ tiền để mua nó về trước đã.
6. Phiên-bản-tốt-nhất của tôi có mua nó không?
Vài năm trước, cô bạn Leslie của tôi đứng trong quầy thanh toán của cửa hàng tạp hóa, chuẩn bị trả tiền cho một món đồ. Nhưng sau đó, quầy thanh toán bị tạm ngưng và cô ấy có thêm thời gian để nghĩ về món hàng đang cầm trên tay. Cô cân nhắc kỹ lưỡng về món đồ và tự hỏi: Anh bạn Joshua của mình sẽ làm gì? Nếu mình là anh ấy, mình có mua món đồ này không? Thế là cô nghĩ lại và trả món hàng về trên kệ.
Khi Leslie kể cho tôi về kinh nghiệm của mình, cô nói đùa rằng có lẽ cô ấy nên mua một chiếc vòng có ghi dòng chữ “Joshua sẽ làm gì” để giúp cô tránh xa những khoản chi tiêu có tính cưỡng bách trong tương lai. Tôi bật cười và nhận ra tôi cũng có thể tự hỏi mình câu này nhiều hơn – và những người khác cũng vậy.
Nói cho rõ, tôi không muốn bạn tự hỏi mình “Joshua sẽ làm gì”. Đừng làm thế. Mà đúng hơn, chúng ta nên tự hỏi bản thân: Phiên-bản-tốt-nhất của mình sẽ làm gì trong tình huống này? Phiên-bản-tốt-nhất của bạn sẽ làm gì? Nếu anh ấy hay cô ấy không mua món đồ ấy thì bạn cũng không nên mua.
Tạm dừng để cân nhắc mỗi quyết định mua hàng với 6 câu hỏi này, thoạt đầu, nghe có vẻ rắc rối. Nhưng theo thời gian, đó là một thói quen tốt cho bạn – và cho gia đình bạn – căn nhà của bạn không còn bừa bộn và bạn thì có nhiều tiền hơn cho những điều quan trọng. Cuối cùng, cách đơn giản nhất để hạn chế đồ đạc là tránh mang nó về nhà ngay từ đầu.
Các quy tắc sống tối giản
Thông thường khi chúng ta cố gắng đơn giản hóa cuộc sống của mình, chúng ta sẽ gặp khó khăn lúc ban đầu. Khi đối mặt với đống đồ đạc tích trữ suốt bao nhiêu năm – vài thứ hữu ích, vài thứ thì không – quả thật rất khó để xác định cái gì mang thêm giá trị vào cuộc sống của ta và cái gì làm điều ngược lại. Vì thế, chúng ta cần một bộ quy tắc để giúp ta đi đúng hướng.
Giá mà tôi có thể đưa cho bạn danh sách 100 món đồ bạn phải sở hữu, nhưng chủ nghĩa tối giản không phải như vậy. Những điều mang giá trị vào cuộc sống của tôi có thể làm xáo trộn cuộc sống của bạn. Hơn nữa, những gì từng có giá trị trước kia có thể không còn mang đến giá trị vào thời điểm này nữa, vì thế chúng ta phải liên tục đặt câu hỏi không chỉ về những món đồ ta muốn mua, mà còn cả những món đồ ta đang có.
Bởi vì chủ nghĩa tối giản không phải là liều thuốc giải độc cho sự ham muốn, và bởi vì tôi và Ryan, cũng giống nhiều người, vẫn hành động theo cảm tính, nên chúng tôi đã tạo ra một bộ quy tắc sống tối giản để kháng cự lại chủ nghĩa tiêu dùng và sống có tổ chức hơn.
Cần lưu ý rằng các quy tắc phù hợp với chúng tôi có thể không hợp với bạn. Đây là công thức của chúng tôi cho cuộc sống đơn giản, và cũng giống như mọi công thức khác, bạn cần phải điều chỉnh để hợp với lối sống của bạn. Nếu quy tắc 30/30 quá khắt khe, hoặc 20/20 quá linh hoạt, 90/90 quá hạn chế, thì hãy xem xét để tự thiết lập các thông số của riêng bạn dựa trên mức độ thoải mái trong hiện tại.
Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải cảm thấy hơi khó chịu một chút, vì một chút khó chịu sẽ xây dựng nền tảng để cho bạn học cách buông bỏ. Sau một thời gian, khi nền tảng trở nên vững chắc hơn, bạn có thể tiếp tục điều chỉnh những quy tắc để thách thức bản thân. Bạn có thể trở thành một người tối giản hơn cả The Minimalists. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp như thế.
Trò chơi 30 ngày tối giản
Cách dễ nhất để sắp xếp đồ đạc của bạn là loại bỏ chúng. Nếu một bữa tiệc dọn nhà quá cực đoan với bạn, thì hãy cân nhắc trò chơi 30 ngày tối giản – trò chơi đã giúp hàng chục nghìn người thanh lọc nhà cửa, xe hơi và văn phòng. Trò chơi này sẽ làm cho việc phân loại đồ đạc trở nên thú vị qua một cuộc thi đua thân thiện. Sau đây là quy tắc của trò chơi.
Khi sắp bước vào đầu tháng mới, hãy tìm một người bạn, một thành viên trong gia đình hay một đồng nghiệp, bất cứ ai sẵn sàng giảm thiểu đồ đạc cùng bạn trong tháng mới sắp tới. Mỗi người sẽ bỏ đi một món đồ trong ngày đầu tiên của tháng, hai món đồ trong ngày thứ hai, ba món đồ trong ngày thứ ba, và cứ tiếp tục như thế.
Các bạn có thể bỏ bất cứ cái cũng được: đồ sưu tập, đồ trang trí, dụng cụ nhà bếp, đồ điện tử, đồ nội thất, dụng cụ sửa chữa, quần áo, khăn tắm, mũ nón,... Bạn cứ liệt kê ra.
Dù bạn quyên góp, bán đi hay tái chế đồ đạc dư thừa của mình thì mỗi món đồ phải ra khỏi nhà bạn, đi khỏi cuộc sống của bạn, trước mỗi nửa đêm.
Lúc đầu thì dễ. Ai cũng có thể cho đi vài món đồ phải không? Nhưng nó trở nên thách thức hơn vào tuần thứ hai khi bạn buộc phải loại bỏ hàng chục món đồ mỗi ngày. Và tiếp tục khó khăn hơn khi một tháng sắp trôi qua.
Ai tiếp tục làm được lâu hơn sẽ là người thắng cuộc. Cả hai bạn sẽ thắng nếu cùng thực hiện đến hết tháng. Thêm điểm thưởng nếu bạn chơi với hơn hai người trở lên.
Hãy theo dõi sự tiến bộ của bạn. Bạn có thể ghé trang minimalists.com/game để tải về miễn phí bộ lịch trò chơi tối giản này.
Trò chơi quét hình ảnh
Cũng giống nhiều người, bạn có lẽ đã bỏ quên các bức ảnh chụp nhiều năm qua, và giờ đây, những chiếc hộp đựng đầy hình hoặc các album ảnh đang bám đầy bụi trong tầng hầm hay tủ của bạn. Đã đến lúc tham gia trò chơi quét hình ảnh.
Đầu tiên, để chơi vui hơn (và bớt cô đơn), hãy mời một vài người bạn đến chơi, đặt một ít đồ ăn, và ngồi bên nhau để bắt đầu. Bạn hãy ngắm lại tất cả những bức ảnh, kể lại những kỷ niệm đáng nhớ và đặt sang một bên những bức ảnh bạn yêu thích.
Tiếp theo, sử dụng một máy scan chất lượng tốt để lưu tất cả bức ảnh yêu thích vào thẻ nhớ.
Sau đó, tải các file ảnh lên phần mềm lưu trữ. Bằng cách này, nếu có điều gì xảy ra – lũ lụt, hỏa hoạn, trộm cắp – tất cả ảnh đều an toàn và được bảo mật trực tuyến. Nếu can đảm hơn, bạn có thể cắt bỏ ảnh sau khi đã quét và lưu trữ chúng.
Cuối cùng, thay vì giấu các bức ảnh trên gác hoặc trong kho, hãy trưng bày chúng trong nhà bằng các khung ảnh kỹ thuật số có độ phân giải cao.
Quy tắc không rác
Mọi món đồ bạn sở hữu có thể chia thành ba loại.
Thiết yếu: Một vài món đồ sẽ ở trong loại này. Đó là những nhu cầu thiết yếu mà bạn không thể thiếu như thức ăn, chỗ ở, quần áo. Chi tiết cụ thể sẽ thay đổi với mỗi người, nhưng các nhu cầu này đều là mẫu số chung.
Không thiết yếu: Trong điều kiện lý tưởng, phần lớn đồ đạc sẽ rơi vào loại này. Đó là những món đồ bạn muốn có bởi vì chúng làm tăng giá trị cuộc sống của bạn. Nghiêm túc mà nói, bạn không cần một chiếc ghế nệm, một cây đèn ngủ hay một cái bàn ăn, nhưng chúng đáng để có nếu giúp nâng cao và mở rộng cho những trải nghiệm trong cuộc sống của bạn.
Rác rưởi: Đáng buồn là hầu hết những gì bạn sở hữu đang ở trong nhóm này. Đây là những món đồ bạn thích – hay chính xác hơn, là bạn nghĩ bạn thích. Mặc dù đống rác này thường được giả vờ như là những món đồ không thể thiếu, nhưng chúng gây cản trở cho bạn đi đến một cuộc sống giá trị. Điều cốt yếu là phải loại bỏ thứ này để có chỗ cho những điều khác.
Quy tắc theo mùa
Nhìn vào số đồ đạc của bạn, chọn ra một thứ và hỏi xem bạn có dùng nó trong 90 ngày vừa qua hay không? Nếu chưa, bạn sẽ dùng nó trong 90 ngày kế tiếp chứ? Nếu vẫn không, bạn có thể bỏ nó đi. Đó là lý do vài người gọi đây là Quy tắc 90/90.
Điều hữu ích của quy tắc này là bạn có thể áp dụng cho mọi mùa trong năm. Giả sử bây giờ là tháng 3 và bạn đang sẵn sàng dọn dẹp, hãy chọn một món đồ bạn thấy trong tủ quần áo, tầng hầm hay nhà kho, có thể là một chiếc áo len cũ chẳng hạn, và tự hỏi rằng bạn có đang sử dụng chúng ngay bây giờ không (vào mùa xuân)? Bạn đã sử dụng nó trong 90 ngày qua (vào mùa đông)? Liệu bạn sẽ sử dụng nó trong 90 ngày tiếp theo (vào mùa hè)? Nếu có, hãy giữ lại; nếu không, hãy cho nó ra đi.
Quy tắc vào 1 - ra 10
Sống tối giản không có nghĩa là bạn chẳng bao giờ mua sắm gì, mà nghĩa là bạn sẽ mua có mục đích, và cũng buông bỏ có chủ ý, hoặc bạn có thể làm đồng thời cả hai việc này.
Khi bắt đầu thanh lọc, bạn sẽ dễ bị choáng ngợp với số lượng đồ muốn loại bỏ. Cảm xúc của bạn lẫn lộn vì vẫn dự cảm một tương lai mua sắm mới. Để đối mặt với chuyện mua sắm tùy tiện và hỗ trợ nỗ lực tối giản của bạn, chúng tôi tạo ra quy tắc vào 1 – ra 10.
Quy tắc này giúp kiểm soát những món đồ bạn mới mua và giữ lại, bởi vì với mỗi món đồ mới mua, bạn phải bỏ đi 10 món đồ bạn đang có.
Muốn có cái áo mới đó không? Hãy xếp 10 món quần áo vào thùng quyên góp.
Muốn có cái ghế mới đó không? Hãy rao bán 10 món đồ nội thất lên trang thương mại điện tử.
Muốn mua cái máy xay sinh tố mới đó? Hãy bỏ đi 10 món đồ trong nhà bếp.
Vận dụng quy tắc này thường xuyên sẽ định hình lại thói quen tiêu dùng mỗi ngày của bạn.
Quy tắc phòng hờ
Hết lần này đến lần khác, bạn thường giữ lại những thứ “để phòng hờ”. Khi đi du lịch, bạn nhồi nhét hành lý với rất nhiều những món đồ phòng khi sẽ sử dụng đến trong chuyến đi. Ở nhà, bạn tích trữ những chiếc hộp, cáp sạc, các bộ nguồn để phòng khi bạn cần trong tương lai xa xôi.
Nhưng sự thật là bạn không cần phải giữ lại những món đồ dự phòng đó. Bạn hiếm khi sử dụng chúng và chúng chỉ chiếm thêm không gian, gây cản trở và tạo gánh nặng cho bạn.
Do đó, đây là quy tắc phòng hờ, còn gọi là 20/20. Bất kể thứ gì loại bỏ mà bạn lại cần đến chúng, thì trong vòng tối đa 20 phút bạn có thể mua cái khác với giá tối đa là 20 đô-la. Cho đến nay, quy tắc đã đúng 100% với chúng tôi và cũng hiệu quả với hàng nghìn người khác.
Thoạt đầu, điều này nghe có vẻ khó thực hiện. Ai lại chịu trả 20 đô-la mỗi lần họ mua thứ gì đó thay thế? Điều này có khiến bạn mất hàng nghìn đô-la mỗi năm không? Trên thực tế là không. Bạn hiếm khi phải mua cái khác để thay thế cho món đồ bạn đã cho đi, bởi vì một khi đã đem cho thì nghĩa là món đồ ấy không hữu ích gì với bạn.
Chúng tôi chỉ mua lại 5 món đồ trong vòng 10 năm qua – một cái kéo, một quyển sách, một con dao bào, một bộ kéo cắt móng tay và một chiếc quần tập thể dục – và chúng tôi chưa bao giờ phải trả hơn 20 đô-la hoặc mất hơn 20 phút để mua món đồ thay thế ấy. Quan trọng nhất, số tiền để mua 5 món đồ thay thế này đã giúp tôi loại bỏ hàng nghìn món đồ vô dụng khác đã chiếm dụng không gian nhà tôi và chiếm dụng tâm trí của tôi.
Chúng tôi chắc rằng có những trường hợp ngoại lệ. Nhưng quy tắc phòng hờ này đã hiệu quả đến 99% với những món đồ cũng như với mọi người – và tôi tin với bạn cũng thế. Hãy suy nghĩ về điều đó. Bạn đang tích trữ đồ đạc chỉ đề phòng hờ? Bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi để chúng ra đi.
Quy tắc đồ khẩn cấp
Có một số món đồ dự phòng bạn nên giữ lại, tất cả chúng sẽ thuộc danh mục “đồ dùng khẩn cấp”.
Những đồ dùng khẩn cấp bao gồm bộ dụng cụ sơ cấp cứu, bộ dây cáp, và nước uống đóng bình. Nếu bạn sống ở vùng khí hậu lạnh, một số vật dụng như dây xích của lốp xe hơi, chăn mền giữ nhiệt có thể hữu ích cho bạn. Dù hy vọng là sẽ không cần đến chúng, nhưng việc trang bị cơ bản cho tình huống khẩn cấp giúp bạn yên tâm hơn.
Bạn thực sự cần gì trong tình huống khẩn cấp? Hãy cân nhắc khi trả lời câu hỏi này. Thật dễ khi biện hộ mọi thứ là “món đồ khẩn cấp”. Tuy nhiên như dự đoán, khi xảy ra trường hợp khẩn cấp thì không phải món đồ nào cũng đều cần đến. Bên cạnh đó, dù có chuẩn bị kỹ bao nhiêu đi nữa, chúng ta cũng không thể chuẩn bị tất cả mọi thứ.
Quy tắc xác định thời điểm
Đến giờ, chúng ta đã xác định bạn cần bỏ đi những món đồ chỉ để phòng hờ, và giữ lại những món đồ cho tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, có vài món bạn biết chắc chắn sẽ sử dụng trong tương lai: Đó là món đồ có thời điểm sử dụng. Chúng thường là những mặt hàng tiêu dùng, và mặc dù nghe có vẻ giống nhưng chúng lại khác biệt rõ rệt với những thứ phòng hờ. Cụ thể, bạn chắc chắn sẽ cần đến chúng.
Chẳng ai mỗi lần chỉ mua đúng một gói giấy vệ sinh, một miếng xà phòng hay một tuýp kem đánh răng. Bạn mua một số lượng nhỏ các sản phẩm này để dùng trong một thời điểm.
Do đó, chìa khóa để buông bỏ là thành thật và xác định rõ những thứ lặt vặt bạn giữ để phòng hờ và những hàng hóa bạn mua để dùng trong thời điểm xác định.
Quy tắc chờ đợi
Sự ra đời của mua sắm trực tuyến và thanh toán chỉ bằng một cú nhấp chuột khiến việc tích trữ của bạn dễ dàng hơn trước. Để kìm chế việc mua sắm thiếu suy nghĩ, chúng tôi có một cách gọi là quy tắc chờ đợi, hay 30/30
Nếu bạn mua món gì đó có giá hơn 30 đô-la, tự hỏi bản thân xem bạn có thể sống mà không có nó trong 30 giờ sắp tới. (Nếu là 100 đô-la, hãy đợi 30 ngày).
Có thêm thời gian sẽ giúp bạn đánh giá món đồ mới này có thật sự mang thêm giá trị vào cuộc sống của bạn hay không. Thường thì sau khi cân nhắc, bạn sẽ thấy mình có thể sống tốt hơn mà không cần có thêm tiện ích mới, và thế là bạn có thể từ bỏ việc mua thêm.
Và dù bạn quyết định vẫn mua món hàng, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi bạn mang chúng vào cuộc sống của mình với mục đích rõ ràng, chứ không phải mua chỉ vì phút giây bốc đồng.
Quy tắc không nâng cấp
Khi nói đến hàng tiêu dùng điện tử – điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính bảng – bạn thường được giới thiệu các phiên bản mới nhất, tuyệt vời nhất mới ra mắt. Sản phẩm X chỉ có giá X đô-la, và có tất cả những tính năng thú vị mà bạn mong muốn. Hành động ngay bây giờ và sản phẩm X sẽ thay đổi cuộc đời bạn!
Bạn biết bạn không cần sản phẩm X để sống ý nghĩa (mặc dù bạn thật sự muốn nó). Bạn không mua chiếc iPhone đời mới khi điện thoại cũ vẫn dùng tốt. Bạn không cần chiếc xe mới chỉ vì chiếc cũ không còn sáng bóng. Và bạn không cần phiên bản mới nhất của phần mềm, máy tính bảng, ti-vi, máy tính bàn hay thiết bị để thấy hạnh phúc.
Mặc cho các nhà quảng cáo chi hàng triệu đô-la để tạo cảm giác cấp bách làm bạn thèm muốn sản phẩm của họ, bạn vẫn có thể từ chối. Bạn có thể tập trung vào những gì bạn đang có thay vì những thứ bạn không sở hữu. Rất có thể, bạn đã có sẵn cái mình cần rồi.
Đương nhiên, thỉnh thoảng các món đồ cũng bị hư hỏng hoặc hao mòn, trong tình huống đó bạn có 3 lựa chọn sau đây:
Không mua nữa: Lựa chọn này gần như là điều cấm kỵ trong nền văn hóa của chúng ta. Một câu hỏi nghe có vẻ nhân văn: Tại sao lại không mua khi bạn có thể mua một cái mới? Nhưng đôi khi đây là lựa chọn tốt nhất. Khi bạn không mua nữa, bạn buộc phải hỏi xem bạn có cần nó nữa hay không – và đôi lúc bạn khám phá ra cuộc sống sẽ thực sự tốt hơn mà không có món đồ đó.
Sửa chữa: Thay vì mua mới, bạn có thể cố gắng sửa nó trước. Bạn sẽ không mua một chiếc xe hơi mới chỉ vì cần thay phanh, đúng không? Các món đồ gia dụng cũng tương tự vậy.
Thay thế: Phương án cuối cùng là bạn có thể thay thế chúng. Nhưng ngay cả khi làm vậy, bạn có thể làm với tinh thần trách nhiệm. Bạn có thể mua đồ đã qua sử dụng, có thể mua sản phẩm của các doanh nghiệp địa phương, hoặc bạn có thể hạ tiêu chuẩn và vẫn có những gì cần thiết để sống cuộc sống trọn vẹn. Cách tiếp cận này không chỉ tốt cho môi trường mà còn tốt hơn cho bạn.
Quy tắc 10 món đồ đắt tiền nhất
Hãy dành một chút thời gian để viết ra 10 lần mua sắm đắt tiền nhất của bạn trong 10 năm qua. Những thứ như xe hơi, ngôi nhà, đồ trang sức, đồ nội thất hoặc bất cứ thứ gì bạn đã mua trong 10 năm qua, miễn là chúng mắc tiền.
Bên cạnh đó, hãy lập một danh sách khác gồm 10 điều mang thêm giá trị vào cuộc sống của bạn nhiều nhất. Danh sách có thể bao gồm những trải nghiệm như đón hoàng hôn với một người yêu thương, ngắm con mình chơi đùa, thời điểm mặn nồng với bạn đời, bữa tối với bố mẹ, và nhiều thứ khác.
Hãy trung thực với bản thân khi bạn lập các danh sách này. Có vẻ như chúng có ít điểm chung và không trùng lắp lẫn nhau.
Quy tắc thời hạn cuối để bán
Bạn đã bao giờ cố gắng bán thứ gì đó nhưng lại không bán được? Có thể bạn đã đăng bán lên trang eBay, Craigslist hay Facebook nhưng không gặp may mắn; có lẽ bạn không chụp ảnh, không viết mô tả và không đặt ra thời hạn bán hàng, nhưng nhiều khả năng là bạn định giá món đồ của mình quá cao bởi vì đổ lỗi cho chi phí chìm.
Bạn có thể nói mình đã trả X đô-la cho mấy chiếc ghế và khung giường đó, và bây giờ thật khó chấp nhận rằng chúng không còn đáng với số tiền bạn bỏ ra. Thành thật mà nói, chúng chỉ đáng giá khi người khác sẵn sàng trả tiền để mua về, có thể chỉ bằng một phần nhỏ giá gốc mà bạn mua ban đầu, thậm chí chẳng đáng đồng nào.
Chúng tôi đã đề ra quy tắc thời hạn cuối để bán như một giải pháp tốt nhất giúp bạn vượt qua sự ngụy biện về chi phí chìm. Quy tắc này vận hành như chiếc đồng hồ cát để loại bỏ những món đồ không còn phục vụ cho bạn. Khi cố gắng bán một món đồ, hãy cho bản thân 30 ngày để làm những gì có thể như đăng đấu giá trực tuyến, bày bán bên ngoài, ký gửi ở cửa hàng,... Trong 30 ngày đó, hãy giảm giá dần dần nếu mặt hàng chưa bán được; nếu vẫn không bán được sau một tháng, hãy tặng món đồ cho bạn bè hoặc tổ chức từ thiện uy tín.
Quy tắc giải phóng tức thời
Đồ đạc của bạn gây ra nhiều căng thẳng hơn bạn nghĩ. Khi bạn càng ngày càng thấy đồ đạc như một gánh nặng, sự bất mãn sẽ âm ỉ trong lòng bạn đến khi bùng nổ. Nhưng bạn không cần đợi đến lúc đó mới bắt tay vào hành động.
Đây là lý do chúng tôi tạo ra quy tắc giải phóng tức thời, bắt đầu bằng một câu hỏi đơn giản: Nếu món đồ này được giải phóng ngay lập tức, bạn có cảm thấy nhẹ nhõm hơn không? Nếu có, hãy cho phép bản thân từ bỏ chúng.
Thú vị hơn là quy tắc này có thể áp dụng cho mọi điều từ đồ đạc vật chất hoặc kỹ thuật số, cho đến các mối quan hệ và cả sự nghiệp của bạn. Đây là một câu hỏi đáng được đặt ra trong tất cả các phương diện đời sống của bạn, bởi vì nó giúp bạn thật sự hiểu hơn về những gì bạn nên xem trọng và những gì bạn nên bỏ đi.
Quy tắc sẵn lòng rời bỏ
Chắc hẳn bạn đã quen với giả thuyết là nếu một ngày ngôi nhà bạn bị cháy và chỉ được mang theo những thứ quan trọng thì bạn sẽ đem theo cái gì. Dĩ nhiên, bạn sẽ không lao vào lửa để lấy đồ đạc – bạn sẽ đảm bảo an toàn cho những người thân yêu trước tiên. Sau khi họ đã an toàn, bạn mới tiếp tục cứu những thứ không thể thay thế: những bức ảnh, ổ cứng, đồ gia truyền. Mọi thứ khác sẽ bị mất trong đám cháy.
Có một cảnh trong bộ phim Heat (tạm dịch: Kỳ phùng địch thủ), nhân vật Neil McCauley do Robert De Niro thủ vai nói rằng: “Không cho phép điều gì níu bước chân ta quá 30 giây”. Mặc dù bạn không muốn trở thành nhân vật phản diện McCauley trong phim, nhưng câu nói này có thể áp dụng vào cuộc sống.
Cảm giác tự do sẽ như thế nào nếu bạn có khả năng bước ra khỏi mọi thứ – tài sản, những ý tưởng, thói quen và các mối quan hệ độc hại – trong một thời điểm nào đó? Chúng tôi gọi đó là quy tắc sẵn lòng rời bỏ. Nghe thì có vẻ khó hiểu, nhưng việc chuẩn bị sẵn sàng để rời bỏ là một biểu hiện của sự quan tâm dành cho bản thân.
Nếu bạn mua một món đồ mới, bạn không gán cho nó quá nhiều ý nghĩa. Sẵn lòng rời bỏ nó nghĩa là bạn không quá bám chấp vào đồ vật, thứ sẽ khiến cuộc sống bạn thêm rối rắm.
Nếu bạn có một ý tưởng hay thói quen mới, hãy làm vì nó mang lại lợi ích đáng kể. Những ý tưởng và thói quen mới định hình tương lai của bạn. Theo thời gian, ý tưởng sẽ thay đổi, cải tiến và mở rộng, và thói quen hiện tại của bạn sẽ được thay thế với những điều mới hơn giúp bạn phát triển. Việc bạn sẵn sàng bỏ đi những thói quen hay ý tưởng cũ có nghĩa là bạn sẵn lòng theo đuổi một tương lai tốt đẹp hơn.
Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng nếu bạn sẵn sàng rời xa một người, bạn sẽ củng cố được mối quan hệ với người khác. Nếu bạn mang một mối quan hệ mới vào cuộc sống, bạn phải gắng sức để có được tình yêu, lòng tôn trọng và sự thấu hiểu của họ. Bạn mong đợi họ cũng đáp trả điều tương tự. Nếu không, một trong hai người có thể rời đi bởi không ai muốn phát triển một mối quan hệ giả tạo.
Có những ngoại lệ rõ ràng với quy tắc này, những điều mà chúng ta không dễ dàng từ bỏ: một cuộc hôn nhân, một quan hệ đối tác làm ăn, một sự nghiệp, một đam mê. Điều quan trọng là phải càng có ít ngoại lệ càng tốt, và thật ra, cả những ngoại lệ cũng không phải là ngoại lệ. Cuộc hôn nhân kết thúc cũng giống doanh nghiệp giải thể vậy. Mọi người bị sa thải, niềm đam mê thay đổi theo thời gian. Dù bạn không thể rũ bỏ trong phút chốc, cuối cùng bạn vẫn có thể giải quyết khi vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến sự bình an của bạn.
Năm mươi năm trước, nhà văn C.S. Lewis đã nói: “Đừng để hạnh phúc của bạn phụ thuộc vào những điều bạn có thể đánh mất”. Trong một thế giới mà con người đang bám chặt vào vật chất một cách đầy sợ hãi như ngày nay, câu nói của ông càng trở nên phù hợp.
Quy tắc tặng quà tối giản
Tặng quà là một trong những ngôn ngữ tình yêu. Và kết quả là chúng ta trở thành người tiêu thụ của tình yêu.
Quanh năm, chúng ta luôn có một dịp lễ nào đó: Lễ Tình nhân, Ngày của Mẹ, Ngày Ngọt ngào, sinh nhật, Giáng sinh. Chúng ta tự lập trình bản thân phải tặng quà và nhận quà trong những ngày này để thể hiện tình yêu của mình.
Vì tặng quà quá thường xuyên nên giờ đây việc tặng quà lại mang ý nghĩa vật chất thay vì tình yêu. Tình yêu của chúng ta không phải là những món đồ được giao dịch. Tình yêu là siêu việt, nó vượt lên trên mọi ngôn ngữ và vật chất, nó chỉ có thể biểu hiện qua những suy nghĩ, hành động và ý định của chúng ta.
Tặng quà không phải là một ngôn ngữ tình yêu, mà ý của nó là “góp phần vào ngôn ngữ của tình yêu”. Chúng ta đều muốn thể hiện sự quan tâm với người thân yêu, và đôi khi liên quan đến việc mua một món quà cho họ – không phải vì nghĩa vụ, mà vì mong muốn tăng thêm giá trị cho tình yêu của mình.
Trong nhiều trường hợp, một món quà chỉ là con đường tắt sai lầm, nó không có tác dụng như một hành động yêu thương thực sự. Các quảng cáo cho chúng ta biết “kim cương là vĩnh cửu”, nhưng chúng ta đều biết một viên đá lấp lánh không minh chứng cho một sự chân thành dài lâu.
Điều này không có nghĩa rằng mua quà tặng người khác là sai, mà là bạn đừng tự đánh lừa bản thân khi liên hệ món quà với tình yêu – tình yêu không diễn ra như vậy. Thay vào đó, hãy liên kết món quà với sự dâng tặng. Và nếu món quà là một cách tốt nhất để dâng tặng thì đừng để chủ nghĩa tối giản cản trở bạn. Với quy tắc tặng quà tối giản, bạn có thể tránh những món quà vật chất mà vẫn có thể tặng được quà cho người khác.
Sự hiện diện chính là món quà quý giá nhất. Điều gì sẽ xảy ra nếu các dịp lễ năm nay bạn chỉ tặng người thân yêu những trải nghiệm đáng nhớ? Cân nhắc những trải nghiệm như: xem hòa nhạc, xem kịch, một bữa ăn tự nấu ở nhà, bữa sáng trên giường, đi đến một nơi nào đó không định sẵn kế hoạch, dành một buổi chiều tâm tình không phiền não, thư giãn dưới tán cây, tham gia một lễ hội, ngắm bình minh, trượt tuyết, khiêu vũ, đưa con đến sở thú, chơi trò người tuyết, cùng ủ một mẻ rượu táo, cùng nhau đi nghỉ mát và ngắm hoàng hôn.
Bạn có thể mang đến những trải nghiệm nào nữa không? Bạn có nghĩ rằng những trải nghiệm này có giá trị hơn món quà vật chất không? Bạn có nghĩ rằng người thân yêu của mình cũng sẽ cảm nhận được nhiều giá trị hơn không?
Và nếu bạn phải trình bày trải nghiệm theo phương diện vật chất, hãy in nó ra trên một tờ giấy dày nhiều màu sắc, rồi gói lại trong chiếc hộp trang trí cùng nơ và ruy-băng để tặng. Hoặc nếu bạn cảm thấy cần thiết phải tặng một món quà vật chất, một món hàng tiêu dùng thì hãy cân nhắc một chai rượu vang, một thanh sô-cô-la đen, một túi cà phê rang xay thay vì một món quà không được mong đợi.
Quy tắc nhận quà tối giản
Khi bạn đã tìm ra cách tốt nhất để tặng quà nhờ quy tắc món quà tối giản, bạn cũng cần hiểu cách nhận quà với quy tắc nhận quà tối giản.
Nền tảng của quy tắc này có thể gây ngạc nhiên: Nếu bạn muốn một món quà vừa ý, hãy đề nghị được tặng món quà đó.
Điều này không có nghĩa là bạn nên yêu cầu những món quà mắc tiền hoặc là không được đòi hỏi các món quà vật chất. Những người yêu thương bạn muốn tặng quà cho bạn, và điều đó không sao cả – bạn cứ đón nhận. Nhưng bạn nên nói ra món quà bạn muốn để họ có thể tặng bạn một cách chân thành. Thay vì nói “không” với quà tặng, hãy nói “có” với món quà phù hợp.
Và cho phép những người thân yêu tặng bạn những món quà phi vật chất. Nói với bạn bè về những trải nghiệm bạn muốn tận hưởng cùng họ, nói với đồng nghiệp về quán cà phê hoặc tiệm bánh yêu thích của bạn, nói với các thành viên trong nhà về quỹ từ thiện mà bạn tin tưởng và cách họ có thể quyên góp dưới danh nghĩa của bạn. Những lựa chọn thay thế này chẳng phải tốt hơn một hộp đồ lót, hay những đồ trang sức mà bạn không thích đeo hay sao?
Mở ra cuộc sống mới
Gần mười năm sau khi Ryan tối giản cuộc sống của anh ấy, chúng tôi quyết định đem mô hình tiệc dọn nhà nhân rộng để xem nó có tác dụng như thế nào với cuộc sống của nhiều người khác.
Sau mười năm đi nói chuyện về lối sống tối giản với hàng trăm nghìn người ở hàng trăm thành phố, chúng tôi đã thu thập được vô số câu chuyện về sự buông bỏ. Chúng tôi biết câu chuyện của Ryan và tôi chẳng phải là độc nhất, và chủ nghĩa tiêu dùng đang ảnh hưởng sâu sắc như thế nào đến cuộc sống của nhiều người trên toàn cầu.
Mọi người trực tiếp kể cho chúng tôi biết cách họ đã đơn giản hóa cuộc sống theo phương pháp trên trang web của chúng tôi, và một vài độc giả còn chỉnh sửa tiệc dọn nhà của Ryan thành nhiều phiên bản khác. Mặc dù mỗi câu chuyện đều khẳng định niềm tin rằng mọi người có thể sống cuộc đời ý nghĩa với ít đồ đạc hơn, nhưng chúng tôi cần nhiều dữ liệu nếu muốn viết về mô hình tiệc dọn nhà một cách bài bản.
Vào tháng 3 năm 2019, The Minimalists đã tìm được 47 người dành gần cả tháng 4 để giải quyết số đồ đạc của họ theo mô hình tiệc dọn nhà. Bởi vì dọn dẹp toàn bộ căn nhà sẽ không phù hợp cho tất cả mọi người nên chúng tôi đưa cho họ 3 lựa chọn:
Lựa chọn 1: Dọn toàn bộ ngôi nhà giống như Ryan đã làm, đóng gói mọi thứ như sắp phải chuyển đi. Sau đó, bạn sẽ lấy ra những món đồ thực sự cần thiết, mang thêm giá trị vào cuộc sống trong vòng ba tuần tiếp theo.
Lựa chọn 2: Dọn một căn phòng. Bạn không cần quyết liệt như Ryan ngay từ đầu. Thông thường một bữa tiệc dọn dẹp kéo dài 21 ngày chỉ trong một căn phòng là cách hiệu quả để bắt đầu quá trình thanh lọc.
Lựa chọn 3: Dọn nhiều căn phòng. Có thể bạn không muốn đóng gói tất cả đồ đạc trong nhà nhưng bạn muốn một bữa tiệc dọn dẹp ở văn phòng, nhà để xe và phòng tắm, hay nhà bếp, phòng ngủ và phòng khách, tùy bạn quyết định.
Một bữa tiệc chỉ đúng là tiệc khi mọi người tham gia cùng nhau, vì thế chúng tôi yêu cầu 47 người tham gia cùng một lúc: tháng 4 năm 2019. Vào ngày 30 và 31 tháng 3, mọi người đã mua đủ hộp các-tông để đóng gói đồ đạc, giả vờ như sắp chuyển nhà. Sau đó, trong cả ngày 1 tháng 4, họ bắt đầu lấy ra bất cứ thứ gì thật sự cần sử dụng hoặc mang lại niềm vui. Mọi người cũng trao đổi với nhau thông qua một cộng đồng riêng để chia sẻ kinh nghiệm, những khó khăn, các bức ảnh của nhau.
Trong suốt quá trình, chúng tôi quan sát tiến bộ của họ. Sau ngày đầu tiên, tôi đề nghị mọi người mô tả về quá trình của họ. Chúng tôi đã ngạc nhiên khi thấy cách thực hiện của họ rất đa dạng, khác biệt đáng kể so với cách làm của Ryan.
Natalie Pedersen – chọn dọn dẹp cả căn nhà tại Deerfield, Wisconsin – viết: “Chúng tôi bắt đầu với nhà bếp, và sau đó đến các phòng còn lại của ngôi nhà theo cách của chúng tôi. Mất nhiều thời gian hơn tôi dự đoán nhưng thật hài lòng khi mọi thứ đã được đóng gói”.
Abigail Dawson – ở Fairfax, Virginia, tham gia dọn vài khu vực trong nhà – chia sẻ: “Tôi ở căn hộ một phòng ngủ với chồng – anh ấy không phải người theo chủ nghĩa tối giản – và chúng tôi đã thu dọn mọi thứ cùng nhau trong nhà bếp, phòng ngủ, ngoại trừ quần áo của anh ấy”.
Ellie Dobson – dọn cả căn nhà ở Roswell, Georgia – nói: “Tôi đã theo chủ nghĩa tối giản trong vài năm nay, việc này chỉ mất một hoặc hai giờ. Sau khi mọi thứ đóng gói xong, tôi cảm thấy như ‘Xong rồi, giờ thì sao nữa?’”.
Giờ thì sao nữa? Một câu hỏi thú vị.
Khi tất cả đồ đạc được đóng gói vào thùng, mọi người đã liệt kê những món đồ họ lấy ra để sử dụng trong ngày đầu tiên. Bởi vì chúng là những món đầu tiên được lấy ra, nên có phải đây là những thứ cấp thiết, mang thêm nhiều giá trị nhất cho cuộc sống?
Nhiều người nhận ra những thứ giá trị nhất là các đồ dùng tiện ích hằng ngày.
Holly Auch – dọn nhiều căn phòng ở Brunswick, Maryland – đã lấy ra những món cần thiết như bàn chải đánh răng, kem đánh răng, lược chải tóc, quần áo cho gia đình, tã em bé, khăn lau; đồ nhà bếp như dĩa, tô, nĩa, muỗng, dao, túi zip, đồ khui, muỗng định lượng; các đồ dùng nhà tắm như dầu gội, khăn tắm, và lịch bàn, bút, thước, ly rượu vang, đồ sạc điện thoại, gối, mền, máy pha cà phê, vitamin, giấy vệ sinh.
Ian Carter – dọn nhiều căn phòng ở Hampshire, Anh – đã lấy ra những món như: máy tính, một vài báo cáo tài chính, bút, máy scan và một cây đàn ghita. Anh ấy có khách đến nhà ăn tối nên đã mở thùng lấy thêm vài cái dĩa, ấm đun nước, trà, cà phê, ly thủy tinh và bộ đồ ăn (dao, muỗng, nĩa). Ian và bạn bè đã thảo luận cả buổi tối về cuộc thử nghiệm này.
Những người khác cũng chỉ lấy ra một vài món đồ trong ngày đầu tiên: Autumn Duffy – dọn một căn phòng ở Virginia – chỉ lấy một cái áo đầm, một cái áo khoác và đồ dùng mỹ phẩm hằng ngày. Trong khi Ellie Dobson thì “chỉ cần tất cả các đồ dùng trong ba-lô vì tôi sắp đi cắm trại. Khi lấy tất cả ra, tôi nhận ra tôi cũng không cần hết số đồ đó”.
Khi bữa tiệc kết thúc, người tham gia sẽ xác định bước tiếp theo cho đồ dùng của họ: bán, quyên góp, tái chế hoặc giữ lại. Nhiều người chọn cho đi, một số thứ được giữ lại cho tương lai. Chúng ta sẽ tiếp tục khám phá câu chuyện của họ trong quyển sách này.
ĐOẠN KẾT VỀ ĐỒ ĐẠC
Chào bạn, tôi là Ryan Nicodemus. Tôi sẽ giúp bạn suy ngẫm về những gì bạn đã đọc và cân nhắc cách ứng dụng những bài học được rút ra trong mỗi chương vào cuộc sống.
Để tận dụng tối đa phần này, tôi khuyên bạn nên làm những việc sau:
1 . Mua một cuốn sổ để làm các bài tập thực hành trong sách, cũng như ghi chú những điều bạn muốn lưu ý và xem lại. Hãy ghi lại ngày bạn thực hành để có thể định kỳ rà soát lại tiến trình của mình.
2 . Tìm một hoặc vài người bạn cùng tham gia trong hành trình này. Các bạn có thể làm bài thực hành với nhau, gặp gỡ mỗi tuần tại quán cà phê, gọi điện thoại hay nhắn tin để thảo luận về những câu trả lời và những suy ngẫm được ghi lại trong quyển sổ của từng bạn.
Sổ tay và bạn đồng hành sẽ giúp bạn có cam kết hơn với phần kết, và càng thực hành, bạn càng phát triển và nhận được kết quả tốt.
Joshua đã trình bày toàn bộ mối quan hệ của chúng ta với đồ đạc đã ảnh hưởng đến cuộc sống như thế nào, giờ đây tôi muốn bạn dành thời gian để xem xét mối quan hệ đó ảnh hưởng đến cá nhân bạn ra sao. Tôi có một vài câu hỏi và bài thực hành muốn chia sẻ cùng bạn.
Câu hỏi về Đồ đạc
Đầu tiên, hãy trả lời những câu hỏi sau một cách trung thực, có cân nhắc và nghiêm khắc với bản thân. Tương lai của bạn sẽ ghi nhận công sức, sự suy ngẫm và nhiệt tình này của bạn.
1 . Bao nhiêu là đủ đối với bạn và gia đình của bạn? Hãy cụ thể: số lượng phòng ngủ trong nhà, số tivi, số áo khoác trong tủ,... Suy nghĩ kỹ về những điều thực sự mang giá trị vào cuộc sống của bạn.
2 . Bạn sợ gì khi phải buông bỏ và tại sao?
3 . Sự tự do của bạn đáng giá ra sao? Những gì bạn sẵn lòng từ bỏ để được tự do?
4 . Chi phí thực sự của những món đồ bạn đang sở hữu là bao nhiêu?
5 . Làm thế nào để loại bỏ những ngổn ngang để dành chỗ cho một cuộc sống ý nghĩa và thú vị hơn? Hãy cụ thể. Càng rõ ràng, bạn càng có động lực thanh lọc đồ đạc.
Những điều nên làm với Đồ đạc
Bạn đã học được điều gì từ mối quan hệ với đồ đạc trong chương này? Bạn còn vướng mắc ở đâu? Bài học nào sẽ thúc đẩy bạn buông bỏ đồ đạc và sống có chủ đích hơn? Sau đây là 5 hành động bạn có thể làm ngay trong hôm nay:
• Nhận biết được lợi ích: Lập một danh sách những điều có lợi khi bạn sống với ít đồ đạc hơn.
• Thiết lập những quy tắc: Dựa trên những quy tắc sống tối giản trong chương này, bạn hãy xác định quy tắc bạn sẽ áp dụng trong hôm nay. Nếu một quy tắc nào đó không phù hợp với hoàn cảnh của bạn, hãy thoải mái điều chỉnh hoặc tạo ra quy tắc của riêng bạn.
• Lập “ngân sách chi tiêu” với những bước sau:
° Chọn căn phòng bạn phải thanh lọc đồ đạc.
° Mở quyển sổ, ghi ra 3 cột: Thiết yếu, Không thiết yếu, Rác. (Quy tắc không rác).
° Liệt kê và phân loại mọi vật dụng trong phòng vào 3 nhóm này.
° Tự hỏi bản thân xem mọi món đồ trong cột Thiết yếu có thật sự cần thiết không. Nếu không, hãy viết lại nó qua cột Không thiết yếu, hoặc thậm chí là Rác.
• Từ bỏ đồ đạc của bạn: Lúc này, bạn sẽ còn sót lại vài món đồ cần tái chế hoặc quyên góp. Bạn sẽ dễ bị cuốn vào sợi dây tình cảm với chúng. Vì thế, nếu cảm thấy gắn bó với món đồ nào đó mà bạn biết là phải cho đi, hãy nghĩ xem bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu nó đột ngột bốc cháy, hoặc tưởng tượng nó sẽ mang thêm giá trị vào cuộc sống của người khác như thế nào. Nếu bạn sợ một ngày nào đó sẽ quên mất kỷ niệm về món đồ, hãy chụp một bức ảnh để bạn có thể nhớ về nó trong tương lai.
• Tìm sự hỗ trợ của bạn bè: Hôm nay, hãy tìm ít nhất một người sẽ hỗ trợ bạn trong hành trình thanh lọc đồ đạc: một người bạn, một thành viên trong gia đình, hàng xóm, đồng nghiệp. Hoặc bạn có thể tìm các cộng đồng trực tuyến, nơi có những người cởi mở sẵn lòng giúp đỡ bạn (Minimalist.org là một trong những nơi như vậy).
Những điều không nên làm với Đồ đạc
Cuối cùng, hãy nhìn lại những trở ngại của tài sản vật chất. Dưới đây là 5 điều bạn cần tránh từ hôm nay, nếu bạn không muốn cuộc sống hỗn độn quay trở lại:
• Đừng mong loại bỏ tất cả đồ đạc ngay trong một thời điểm. Bạn đã mất thời gian để có được chúng và giờ cũng sẽ mất thời gian để buông bỏ.
• Đừng để kỳ vọng của người khác định hướng cho các quyết định của bạn về đồ đạc. Sự kỳ vọng phải đến từ chính bạn.
• Đừng cho rằng bạn sẽ khổ sở nếu không có một món đồ nào đó. Sự thật là nếu bạn không cảm thấy hạnh phúc với bản thân, thì chẳng điều gì có thể khiến bạn hạnh phúc.
• Đừng cố giữ đồ đạc để đề phòng cho những lúc bạn có thể cần chúng trong một tương lai không tồn tại nào đó.
• Đừng chỉ sắp xếp đồ đạc của bạn – hãy giảm bớt đồ đạc! Sắp xếp đồ đạc thường biến thành sự tích trữ có tổ chức.