Của cải vật chất bên ngoài là biểu hiện cho cuộc sống bên trong của ta. Lo lắng, đau khổ, bồn chồn, tất cả đều hiện rõ trong ngôi nhà chúng ta. Trung bình một hộ gia đình Mỹ có hơn 300.000 vật dụng. Với tất cả số đồ đạc này, chúng ta nghĩ mình sẽ có được niềm vui. Nhưng hết nghiên cứu này đến nghiên cứu khác đã chỉ ra điều ngược lại: Càng có nhiều đồ đạc, chúng ta càng lo lắng, ngột ngạt và khổ sở. Đáng buồn hơn, chúng ta lại tự xoa dịu bản thân bằng cách tích trữ thêm nhiều hơn mà lờ đi chi phí tiêu dùng thực tế.
Nhãn giá trên mỗi sản phẩm chỉ nói lên một phần câu chuyện. Chi phí thật sự của một món đồ còn hơn cao hơn giá bán của nó, bởi chúng ta còn phải trả thêm chi phí để lưu trữ, bảo trì, vệ sinh, sạc pin, châm nhiên liệu, thay dầu, thay pin, sơn sửa, bảo dưỡng,... Và dĩ nhiên, điều quan trọng nhất là bạn sẽ thay thế món đồ đó bằng một món khác – và chúng ta sẽ có thêm chi phí về cảm xúc và tâm lý, vốn rất khó định lượng. Khi cộng vào tất cả, cái giá thực sự mà bạn phải trả cho một món đồ là không thể cân đo đong đếm. Vì thế, tốt hơn hết chúng ta nên lựa chọn cẩn thận những đồ vật ta mang vào cuộc sống của mình, bởi chính xác thì chúng ta không thể chi trả được cho mọi thứ.
Nói nghiêm túc, chúng ta không đủ khả năng chi trả – về cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nhưng thay vì trì hoãn sự thỏa mãn và tạm thời không mua sắm, chúng ta lại mượn nợ. Trung bình một người Mỹ có khoảng bốn chiếc thẻ tín dụng trong ví. Cứ mười người thì có một người sở hữu hơn mười thẻ tín dụng đang hoạt động, và khoản nợ tín dụng trung bình là hơn 16.000 đô-la.
Tình hình mỗi lúc một tệ hơn. Ngay trước đại dịch Covid-19 năm 2020, hơn 80% người Mỹ đang mắc nợ với tổng số nợ tiêu dùng hơn 14 nghìn tỷ đô-la. Đáng tiếc phải thừa nhận là hiện nay chúng ta chi tiêu vào giày dép, trang sức và đồng hồ nhiều hơn so với giáo dục bậc cao. Những ngôi nhà ngày càng rộng, có diện tích tăng gấp đôi trong vòng 50 năm qua, và chứa nhiều tivi hơn cả con người. Trung bình mỗi năm một người Mỹ bỏ đi 36 kg quần áo, mặc dù 95% số quần áo đó có thể tái chế hoặc tái sử dụng. Còn khu vực chúng ta sinh sống thì có nhiều trung tâm mua sắm hơn trường học.
Nhân nói đến trường học, bạn có biết 93% thanh thiếu niên xem mua sắm như một thú tiêu khiển? Mua sắm có phải là một thú tiêu khiển? Có vẻ đúng, vì chúng ta đã chi 1,2 nghìn tỷ đô-la mỗi năm cho những món đồ không cần thiết. Nói rõ hơn, điều này có nghĩa là chúng ta chi hơn 1 nghìn tỷ đô-la cho những thứ ta không cần đến.
Bạn có biết mất bao lâu để tiêu hết 1 nghìn tỷ đô-la không? Nếu mỗi giây bạn tiêu 1 đô-la thì bạn sẽ mất hơn 31.000 năm để tiêu hết 1 nghìn tỷ đô-la. Nói cách khác, nếu mỗi ngày bạn tiêu 1 triệu đô-la, thì từ thế kỷ thứ I đến nay bạn vẫn chưa tiêu hết 1 nghìn tỷ đô-la.
Với cách chi tiêu này, đâu có gì ngạc nhiên khi khoảng một nửa số hộ gia đình ở Mỹ không có tiền tiết kiệm? Chuyện cũng chẳng lạ khi hơn 50% người Mỹ không có đủ tiền trang trải phí sinh hoạt trong một tháng nếu bị mất thu nhập, 62% không có nổi 1.000 đô-la tiền tiết kiệm và gần một nửa không thể xoay xở 400 đô-la trong cơn cấp bách. Đây không phải là vấn đề thu nhập, mà là cách chi tiêu đã ảnh hưởng đến những người thu nhập thấp cũng như người kiếm được đến sáu con số: “Gần 25% hộ gia đình có thu nhập từ 100.000-150.000 đô-la/năm thừa nhận rằng họ thấy khó khăn trong việc tiết kiệm được 2.000 đô-la trong một tháng”. Mọi khoản nợ thật đáng lo vì 60% các gia đình sẽ trải qua một “cú sốc tài chính” trong vòng 12 tháng tới. Điều này thậm chí đã đúng từ trước khi xảy ra cuộc suy thoái kinh tế năm 2020 – và khi xảy ra thì cơn khủng hoảng đã chứng minh cho chúng ta thấy bản thân mình thực sự cạn kiệt như thế nào.
Dẫu vậy, chúng ta vẫn tiếp tục chi tiêu. Giờ đây, một ngôi nhà có diện tích trung bình gần 278 mét vuông, nhưng không gian này vẫn chưa đủ nên chúng ta còn có thêm hơn 52.000 kho trữ đồ trên khắp cả nước – nhiều gấp sáu lần số cửa hàng Starbucks!
Nhà thì rộng hơn, các kho trữ chứa đầy, thế mà chúng ta vẫn không thể đậu xe trong ga-ra bởi ở đây cũng tràn ngập đồ đạc: dụng cụ thể thao không sử dụng, đồ cắm trại, tạp chí cũ, băng đĩa cũ, quần áo cũ, thiết bị điện tử và đồ nội thất cũ. Những chiếc hộp và thùng chứa hổ lốn các thứ giấy tờ chất chồng từ sàn lên đến trần.
Còn về đồ chơi trẻ con, trẻ em Mỹ chỉ chiếm hơn 3% số trẻ em trên toàn cầu nhưng lại tiêu thụ đến 40% lượng đồ chơi trên thế giới. Bạn có biết trung bình một đứa trẻ có đến hơn 200 món đồ chơi nhưng mỗi ngày chỉ chơi 12 món? Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra điều mà các bậc cha mẹ cũng biết: Trẻ em có quá nhiều đồ chơi sẽ dễ mất tập trung và thời gian chơi cũng không chất lượng.
Người lớn chúng ta cũng có đồ chơi giải trí mà, đúng không? Rõ ràng, nếu cả thế giới đều tiêu dùng như người Mỹ, thì phải cần đến 5 trái đất mới gánh nổi số đồ đạc mà chúng ta sở hữu – một kiểu tiêu dùng mất kiểm soát. Câu châm ngôn “những thứ chúng ta sở hữu cuối cùng lại sở hữu chúng ta” có vẻ ngày càng đúng.
Nhưng mọi chuyện không nhất thiết phải diễn ra như thế.
Những ngổn ngang hiện tại
Có rất nhiều thứ từng mang niềm vui đến cho cuộc sống của chúng ta nhưng hiện tại không còn phục vụ ta như mục đích ban đầu: điện thoại bàn, đĩa mềm, máy chụp hình dùng một lần, băng cát-xét, máy fax, đầu đĩa, máy nhắn tin. Hầu hết chúng ta giữ lại đồ đạc cho đến khi chúng lỗi thời thường là vì cảm giác tôn sùng sự hoài cổ. Dấu vết của quá khứ được khắc ghi vào hiện tại theo một cách thật lạ lùng!
Chúng ta giữ khư khư những bộ sưu tập băng đĩa, điện thoại nắp gập không còn dùng được và những chiếc quần quá khổ. Không sửa chữa hay tái sử dụng, ta cứ chất đồ đạc ở bất kỳ chỗ nào còn trống trong nhà kho. Khi “bộ sưu tập đồ cũ” càng nhiều thì tầng hầm, tủ quần áo và gác mái đều thành kho chứa đồ – tràn ngập cùng mớ giấy tờ lộn xộn.
Vì có quá nhiều đồ đạc nên có những món chúng ta còn không kịp sử dụng, và có thể đây là dấu hiệu cuối cùng cho thấy chúng ta cần buông bỏ. Bạn thấy đó, khi nhu cầu, mong muốn và công nghệ của chúng ta thay đổi, thế giới xung quanh cũng thay đổi. Món đồ giúp mang thêm giá trị vào cuộc sống hôm nay chưa chắc còn có thể như thế vào ngày mai. Điều này có nghĩa là chúng ta phải sẵn lòng buông bỏ mọi thứ, kể cả món đồ đang có mục đích sử dụng hôm nay. Có buông bỏ, chúng ta mới tìm được nơi chốn mới cho đồ đạc bị lãng quên và để chúng phục vụ cuộc sống của người khác thay vì bị chôn vùi trong những nhà kho đầy bụi bặm.
Theo thời gian, mọi cái đều trở thành lỗi thời. Một trăm năm nữa, thế giới sẽ được tiếp nối bằng thế hệ con người mới. Họ sẽ từ bỏ cáp USB, iPhone, tivi màn hình phẳng, họ buông bỏ quá khứ để tiến tới tương lai. Điều này nghĩa là chúng ta phải có trách nhiệm với của cải vật chất ta mang vào cuộc sống hôm nay – chúng ta phải lựa chọn cẩn thận. Và ta cũng cần cẩn trọng không kém với những món đồ bắt đầu trở nên cũ kỹ, bởi vì sẵn lòng buông bỏ là một trong những phẩm chất khôn ngoan nhất trong cuộc sống.
Hãy tìm hiểu xem chúng ta làm điều này như thế nào và làm sao để buông bỏ.
Tình trạng thừa mứa
Một cuộc sống giản dị luôn khởi đầu với câu hỏi: Làm thế nào để sống tốt hơn khi có ít hơn? Và tôi đã mất 30 năm mới bắt đầu tự vấn mình câu hỏi này.
Tôi sinh ra tại Dayton, thuộc tiểu bang Ohio, là quê hương của anh em nhà Wright – người tiên phong cho ngành hàng không, và nhạc funk. Dayton cũng nổi tiếng là nơi sản xuất vành mâm xe hơi mạ vàng. Gần đây, bạn có thể nghe thấy tin tức rằng Dayton là nơi có tình trạng sử dụng thuốc gây nghiện quá liều tại Mỹ. Ngược về quá khứ trong suốt những năm tháng ấu thơ, tôi đã không biết là nhà mình nghèo. Cái nghèo giống như không khí, nó bao quanh tôi nhưng tôi không nhìn thấy. Chỉ đơn giản là nó có ở đó.
Tôi chào đời năm 1981 tại Căn cứ Không quân Wright- Patterson. Cha tôi lúc này 42 tuổi, vóc dáng cao ráo, có mái tóc màu bạch kim và khuôn mặt trẻ thơ, là bác sĩ trong lực lượng không quân. Mẹ tôi kém cha tôi bảy tuổi, làm thư ký, có tóc vàng, dáng người nhỏ nhắn và nghiện thuốc lá. Mẹ sinh ra vào những năm 1940, vài tháng trước khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống Nagasaki và Hiroshima.
Qua vài nét sơ lược, có vẻ như tôi đã có một tuổi thơ bình dị và êm ấm tại vùng Trung Tây nước Mỹ. Đó là khoảng đầu những năm 1980 và thành phố Dayton vẫn đang ở cuối thời kỳ hoàng kim – trước khi cụm công nghiệp vùng Trung Tây suy thoái, trước khi người dân vì nhiều lý do đã ồ ạt rời khu nội đô để chuyển ra khu ngoại thành làm cả thành phố tê liệt, và cả trước khi cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau có tính gây nghiện tràn lan khắp nước Mỹ. Ngày đó, mọi người gọi Dayton là “Detroit thu nhỏ” như một lời khen ngợi. Ngành sản xuất bùng nổ, mọi gia đình hầu như đều có được những gì họ cần, và phần lớn mọi người tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống thường ngày.
Nhưng không lâu sau khi tôi chào đời, cha tôi bị bệnh và mọi thứ bắt đầu lộ rõ mặt trái. Cha gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần – tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực – các triệu chứng ngày càng nghiêm trọng hơn do ông uống quá nhiều rượu. Trước khi tôi biết đi, ông đã bắt đầu nói chuyện lảm nhảm với những người bạn tưởng tượng của mình. Khi tâm trí quay cuồng, ông trở nên bạo lực và khó lường. Ký ức đầu tiên của tôi về cha là hình ảnh ông châm điếu thuốc cháy dở lên người mẹ tôi – lúc đó tôi mới ba tuổi.
Mẹ và tôi đã rời khỏi nhà sau một năm chịu đựng sự ngược đãi, và cũng trong khoảng thời gian này bà bắt đầu uống rượu. Chúng tôi chuyển đến vùng ngoại ô cách Dayton 30 km về phía Nam. Vùng ngoại ô, nghe thì có vẻ lý tưởng, nhưng thực ra là ngược lại. Chúng tôi đã thuê một căn hộ tồi tàn với giá 200 đô-la một tháng. (Ngày nay, kiểu căn hộ như vậy sẽ bị phá bỏ). Chó mèo hoang, cửa hàng rượu, nhà thờ, ma túy và những ngôi nhà đổ nát – đây không phải là khu phố bạo lực hay nguy hiểm, chỉ đơn giản là nghèo.
Mọi thứ dần tệ hơn khi chứng nghiện rượu của mẹ ngày càng nặng. Lúc nhỏ, tôi nghĩ tiền có hai màu: xanh và trắng. Mẹ tôi thường bán những tờ phiếu thực phẩm màu trắng với giá 50 xu để có những tờ tiền màu xanh mà mua rượu. Vốn dĩ bà có thể kiếm được mức lương tối thiểu nếu làm công việc toàn thời gian, nhưng bà không thể làm lâu dài bất kỳ một công việc nào cả. Mỗi khi uống, bà say xỉn triền miên, trốn trong căn phòng ẩm thấp nhiều ngày liền, không ăn, chỉ uống và hút thuốc liên hồi trên chiếc ghế đệm hoen ố. Căn nhà của chúng tôi lúc nào cũng thoảng mùi nước tiểu, mùi vỏ lon bia rỗng và khói thuốc lá – thậm chí đến giờ tôi vẫn còn có thể ngửi thấy.
Mỗi lần tôi bật đèn bếp thì lũ gián ùa ra chạy loạn xạ. Bọn nó hình như đến từ căn hộ bên cạnh. Hàng xóm của chúng tôi là một ông già bảy mươi tuổi, là cựu binh Thế chiến thứ hai, cô đơn và tốt bụng. Ông ấy dường như sở hữu ba hoặc bốn ngôi nhà có giá trị và không bận tâm mấy đến đám côn trùng này – có thể vì ông đã từng thấy nhiều thứ còn kinh khủng hơn hoặc đơn giản là muốn bầu bạn với chúng. Mỗi khi mẹ tôi lấy dép đập gián, bà thường lẩm nhẩm câu kinh “Hãy yêu người hàng xóm của con”. Dù vậy, khi bà say xỉn, câu nói lại biến thành “Hãy siết cổ người hàng xóm của con”. Hồi nhỏ, tôi cứ nghĩ đó là hai câu kinh khác nhau, kiểu như một sự đối nghịch giữa kinh Cựu ước và Tân ước.
Mẹ tôi là một con chiên ngoan đạo. Thực ra, bà từng là nữ tu khi ở độ tuổi hai mươi, rồi bà hồi tục và làm tiếp viên hàng không, sau đó là thư ký và cuối cùng là làm mẹ khi gần bốn mươi tuổi. Bà cầu nguyện nhiều lần trong ngày. Với chuỗi tràng hạt lủng lẳng, bà cầu nguyện đến nỗi ngón tay cái và ngón giữa của bàn tay phải có vết chai sạn. Vừa lần chuỗi hạt bà vừa lẩm bẩm xin Chúa nhận lấy lời khẩn cầu mà chữa lành cho bà, cứu vớt bà khỏi đau khổ. Nhưng cuối cùng, sự thanh thản mà bà tìm kiếm vẫn không đến.
Nhà tôi thường xuyên bị cúp điện nhiều hơn so với nhà hàng xóm, nhiều đến nỗi tôi không sao đếm hết. Nhưng không vấn đề gì, chúng tôi chỉ cần câu điện từ nhà hàng xóm để xem tivi. Khi mất điện vào mùa đông, chúng tôi không thể ở nhà nên hằng đêm hai mẹ con tôi ngủ nhờ ở khắp nơi. Ở nhà, mẹ tôi thường chợp mắt vào buổi trưa, còn tôi khi đó sẽ chơi mô hình biệt đội lính Mỹ. Tôi còn nhớ mỗi khi chơi xong, tôi luôn cẩn thận cất từng hình vào thùng một cách bài bản và thứ tự, bởi đây là điều duy nhất tôi có thể kiểm soát trong thế giới hỗn độn của mình. Tôi để nhân vật chính diện vào một thùng, phản diện vào thùng còn lại và các món vũ khí vào thùng thứ ba. Và cũng nhiều lần tôi cho nhân vật đổi phe từ xấu sang tốt.
Những túi thực phẩm thường xuất hiện trước cửa nhà tôi, bên cạnh cái khoảng trống trên sàn nơi từng lát mấy tấm ván gỗ. Mẹ tôi nói rằng bà đã cầu nguyện thánh thần ban thức ăn cho chúng tôi. Nhưng có khoảng thời gian dài chúng tôi chỉ được ban cho bơ đậu phộng, bánh mì và mấy món bánh kẹo. Năm 7 tuổi, tôi đã ngã xuống từ cái khoảng trống ở cạnh cửa đó. Một tấm ván gỗ sụp xuống dưới sức nặng của tôi và tôi ngã đập mặt xuống đất cách tôi một mét. Mặt tôi giàn giụa máu và nước mắt vì chiếc cằm bị rách sâu. Nỗi hoảng sợ của tôi tăng thêm gấp bội vì mẹ vẫn ngồi bất động khi tôi chạy vào nhà, kêu khóc, khua tay múa chân và không biết phải làm gì. Thế rồi tôi đi bộ một mình đến trạm xá cách nhà 500 mét. Các vết sẹo vẫn còn đến tận hôm nay.
Giáo viên lớp Một nhiều lần gọi tôi là “đứa trẻ tự quản” nhưng khi ấy tôi không biết ý nghĩa của nó. Hầu như ngày nào cũng vậy, tôi đi bộ về nhà sau giờ tan học, mở cửa và thấy mẹ tôi đã thiếp đi trên ghế, điếu thuốc trong gạt tàn cháy đến tận phần đầu lọc.
Nhưng đừng hiểu lầm ý của tôi. Mẹ tôi là một phụ nữ tốt bụng, có tấm lòng lương thiện. Bà quan tâm mọi người và yêu thương tôi rất nhiều. Tôi cũng yêu mẹ, đến giờ vẫn thế. Tôi luôn nhớ mẹ, đến nỗi thường xuyên gặp bà trong những giấc mơ. Mẹ tôi không phải người xấu, bà chỉ là đánh mất ý nghĩa của cuộc sống, và nỗi mất mát đó sinh ra nỗi bất mãn không cách gì xoa dịu được.
Thuở nhỏ, tôi hiển nhiên nghĩ rằng chúng tôi thiếu hạnh phúc bởi vì thiếu tiền. Giá như tôi có thể kiếm tiền, thật nhiều tiền, thì tôi sẽ được hạnh phúc. Tôi sẽ không có kết cuộc như mẹ. Tôi có thể sở hữu tất những món đồ mang đến niềm vui bất tận cho cuộc sống. Khi bước sang tuổi 18, tôi không vào đại học mà chọn một công việc không đòi hỏi kinh nghiệm, và dành cả mười năm tiếp theo để leo lên từng nấc thang trong công ty. Những cuộc họp vào sáng sớm đến các cuộc gọi bán hàng vào đêm muộn và những tuần làm việc 80 giờ, tôi đã làm mọi điều để “thành công”.
Đến năm 28 tuổi, tôi có được mọi thứ mà thuở bé mình mơ ước: một mức lương sáu con số, những chiếc xe sang trọng, tủ quần áo thời trang, một ngôi nhà ở ngoại ô với số phòng vệ sinh nhiều hơn số người sống trong nhà. Tôi là giám đốc trẻ nhất trong một công ty có bề dày 140 năm lịch sử, quản lý 150 cửa hàng bán lẻ trải dài từ Ohio, Kentucky đến Indiana. Tôi có tất cả các thứ để lấp đầy mọi ngóc ngách của cuộc sống, theo nghĩa tiêu dùng. Nhìn từ xa, bạn có thể nghĩ tôi đang sống trong Giấc mơ Mỹ.
Nhưng sau đó, không biết từ đâu, hai sự kiện buộc tôi phải đặt ra câu hỏi điều gì là trọng tâm của cuộc đời mình: Trong cùng tháng 10 năm 2009, mẹ tôi qua đời và cuộc hôn nhân của tôi kết thúc.
Khi đặt câu hỏi về mọi thứ, tôi nhận ra mình đã quá chú trọng vào cái gọi là thành công, thành tựu, và đặc biệt là tích lũy của cải. Tôi có vẻ đã “sống trong Giấc mơ Mỹ”, nhưng đó không phải giấc mơ của tôi. Đó cũng không phải ác mộng, mà đơn giản là nó tầm thường. Thật lạ là phải mất đi tất cả những gì tôi nghĩ là mình muốn thì tôi mới nhận ra có thể mình vốn không thật sự cần đến chúng.
Nghẹt thở
Khi tôi 27 tuổi, mẹ tôi chuyển từ Ohio đến Florida để nghỉ hưu theo chế độ an sinh xã hội. Sau đó vài tháng, bà phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn bốn. Tôi đã đến Florida chăm sóc mẹ trong thời gian chữa trị, chứng kiến mẹ gầy đi từng ngày khi ung thư di căn và trí nhớ của mẹ giảm sút. Đến cuối năm đó thì mẹ tôi qua đời.
Sau khi mẹ qua đời, tôi đến Floria lần cuối để xử lý đồ đạc mẹ để lại. Tôi đáp chuyến bay từ Dayton, Ohio đến St. Petersburg, Florida, và vừa đến nơi, tôi phải đối mặt với lượng đồ đạc đủ cho ba căn nhà nhét trong căn hộ một phòng ngủ bé xíu của mẹ.
Mẹ tôi không nghiện tích trữ đồ. Tôi cũng không thấy món đồ gì quá đặc biệt trong nhà của bà. Nhưng ý tôi là, mẹ có quá nhiều đồ đạc trong 65 năm tích lũy. Chưa tới 5% người Mỹ mắc hội chứng ám ảnh tích trữ, nhưng không có nghĩa là 95% còn lại không tiêu thụ quá nhiều. Chúng ta sống và níu lấy một cuộc đời của những ký ức được góp nhặt. Tôi biết mẹ tôi cũng như vậy, và tôi chẳng biết làm gì với số đồ đạc này. Vì thế, tôi đã làm một việc giống như mọi người: gọi dịch vụ chuyển đồ.
Tôi đã đặt chiếc xe tải lớn nhất của hãng có thùng xe dài 7 mét và phải chờ một ngày mới có xe. Trong lúc đợi, tôi nhờ bạn bè của mẹ đến giúp một tay để thu xếp đồ đạc. Nhiều quá nên tôi không thể làm một mình.
Phòng khách trong nhà chất đầy đồ nội thất cỡ lớn, tranh ảnh cũ và vô số khăn trải bàn. Nhà bếp tràn ngập hàng trăm chiếc dĩa, chén, bát và dụng cụ bếp để bừa bãi. Phòng tắm cũng chứa đầy hóa mỹ phẩm đủ để mở một cửa hàng làm đẹp nho nhỏ. Và có vẻ tủ quần áo của mẹ có thể đủ dùng cho một khách sạn với hàng chồng khăn tắm, khăn đi biển, khăn trải giường, chăn mền không xếp theo bộ. Còn phòng ngủ mới đáng nói, tại sao mẹ có đến tận mười bốn chiếc áo choàng mùa đông? Mười bốn chiếc, trong khi bà sống cách biển 800 mét? Chỉ có thể nói rằng mẹ tôi sở hữu quá nhiều đồ đạc.
Và tôi lại tiếp tục làm giống như mọi người: thuê một kho chứa đồ.
Tôi không thể để đồ đạc của mẹ lẫn với đồ của mình. Tôi có ngôi nhà lớn với một tầng hầm rộng chứa đầy đồ. Và kho chứa đồ có thể giúp tôi giữ lại mọi thứ phòng trường hợp tôi cần đến vào một ngày nào đó ở một tương lai giả định.
Tôi đóng gói tất cả đồ của mẹ. Khi kéo tấm khăn trải giường lên và nhìn xuống gầm, tôi thấy bốn chiếc hộp khổ A4 khá nặng, cũ kỹ, được quấn nhiều lớp băng keo. Trên từng chiếc hộp có đánh số cẩn thận: 1, 2, 3, 4. Tôi ngắm nghía và tự hỏi bên trong có gì. Tôi nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu.
Mở chiếc hộp ra, tâm trí tôi phấn khích khi thấy các bức vẽ, bài tập về nhà và phiếu điểm của tôi thời tiểu học – lớp Một đến lớp Bốn. Ban đầu tôi thầm nghĩ: “Tại sao mẹ lại giữ tất cả những giấy tờ vô dụng này?”. Nhưng rồi ký ức ùa về, và rõ ràng: Mẹ muốn giữ lại một phần thuộc về tôi. Bà đã giữ lại tất cả ký ức trong các chiếc hộp này.
“Nhưng khoan đã” – tôi thốt lên, và nhận ra dường như mẹ đã không mở mấy chiếc hộp này suốt hai chục năm qua.
Rõ ràng là bà đã không xem lại “những ký ức” này một lần nào cả. Lần đầu tiên, tôi hiểu ra một điều quan trọng: Kỷ niệm không nằm trong đồ vật, mà nằm trong chính chúng ta.
Đó có lẽ là điều mà triết gia David Hume người Scotland sống ở thế kỷ 18 muốn nói khi ông viết rằng: “Tâm trí con người có khuynh hướng trải rộng vươn tới những đối tượng bên ngoài, và sau đó kết hợp lại với những ấn tượng bên trong”. Mẹ tôi không cần giữ những chiếc hộp này để níu giữ lại một phần của tôi – tôi không bao giờ ở trong đó. Tôi nhìn quanh ngôi nhà, nhìn vào tất cả đồ đạc của mẹ và hiểu rằng tôi cũng làm điều tương tự như mẹ, nhưng thay vì lưu giữ kỷ niệm về mẹ trong một chiếc hộp dưới gầm giường, tôi cho chúng vào một cái kho lớn có khóa.
Thế là tôi hủy lệnh đặt xe tải và cả kho chứa đồ. Tôi dành mười hai ngày tiếp theo để bán và quyên góp hầu hết đồ đạc. Nói hơi quá nhưng tôi đã nhận ra nhiều bài học quan trọng suốt quãng thời gian này.
Tôi không chỉ nhận ra ký ức của chúng ta không nằm trong đồ vật, mà tôi còn hiểu về giá trị – giá trị thật. Thành thật mà nói, tôi đã ích kỷ muốn giữ lại mọi thứ của mẹ, nhưng các món đồ sẽ không mang lại giá trị thật khi ta vĩnh viễn cất chúng vào chỗ nào đó mà không đem ra sử dụng. Còn nếu đem chúng đi cho, chúng có thể mang thêm giá trị vào cuộc sống của nhiều người. Tôi đã quyên góp hầu hết đồ đạc của mẹ cho bạn bè của bà và các tổ chức từ thiện ở địa phương, mong họ có thể giúp tìm một ngôi nhà mới cho các món đồ, bởi những thứ bỏ đi này có thể là những gì mà người khác thật sự cần. Tôi cũng trao số tiền bán đồ cho hai tổ chức từ thiện đã từng hỗ trợ mẹ trong quá trình điều trị ung thư. Đến sau cùng, tôi nhận ra mình có thể đóng góp nhiều hơn nếu tôi sẵn sàng cho đi.
Khi trở về Ohio, tôi chỉ giữ lại một ít kỷ vật của mẹ: một bức tranh cũ, vài tấm hình và một chiếc khăn bàn nhỏ. Điều này làm tôi hiểu rằng khi sở hữu vài món kỷ vật, chúng ta thực sự có thể vui và ấm lòng với chúng. Tôi nhận được nhiều giá trị hơn từ số đồ vật ít ỏi so với chuyện phải chăm sóc hàng chục, hàng trăm món đồ vô giá trị.
Bài học cuối cùng là một điều khá thực tế. Mặc dù đúng là ký ức của chúng ta không nằm trong đồ vật, nhưng thật ra thỉnh thoảng đồ vật có thể khơi gợi lại kỷ niệm trong ta. Vì thế trước khi rời khỏi Floria, tôi chụp rất nhiều bức ảnh đồ đạc của mẹ, và quay về Ohio với những bức ảnh mà mẹ đã giữ lại, sau đó tôi quét chúng và lưu dưới dạng kỹ thuật số. Những bức ảnh khiến tôi dễ dàng buông bỏ hơn bởi tôi biết mình đã không bỏ sót một mảnh ký ức nào.
Sau cùng, tôi phải buông bỏ những gánh nặng trên vai để có thể tiếp tục bước đi.
Một kẻ nghiện tích trữ có tổ chức
Khi trở về nhà từ Florida, tôi bắt đầu sắp xếp lại cuộc sống. Tôi đang có một “cuộc sống ngăn nắp” nhưng hóa ra tôi chỉ là một kẻ nghiện tích trữ có tổ chức. Nghiện tích trữ, về lý thuyết, là một biểu hiện của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Là một người được chẩn đoán mắc OCD, tôi đã tích trữ. Nhưng không giống những người chúng ta thấy trên tivi với hàng đống đồ đạc bày trên sàn nhà, tôi đã giấu rác của mình một cách có trật tự.
Tầng hầm nhà tôi giống như nơi quảng cáo cho cửa hàng chuyên bán hộp trữ đồ Container Store vậy: Hàng dãy thùng nhựa xếp chồng lên nhau và dán nhãn đầy đủ, những chiếc áo phông và áo polo, vợt tennis và găng tay bóng chày, những chiếc lều và đồ dùng cắm trại chưa bao giờ dùng đến, và còn gì khác thì tôi cũng không rõ. Phòng giải trí của tôi là một cửa hàng điện tử thu nhỏ: Các bộ phim và album nhạc được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái, treo gọn gàng trên tường bên cạnh chiếc tivi màn hình lớn với hệ thống âm thanh nổi mà chỉ cần vặn một nửa công suất là vi phạm quy định về tiếng ồn của thành phố. Phòng làm việc tại nhà của tôi được thiết kế như thư viện: Các kệ sách từ sàn đến trần nhà có gần 2.000 cuốn, hầu hết là tôi chưa đọc đến. Và phòng để quần áo của tôi như y một cảnh trong bộ phim American Psycho (Kẻ sát nhân cuồng tín): 70 chiếc áo hiệu Brooks Brothers, một tá bộ vest và ít nhất 50 chiếc cà vạt hàng hiệu, 10 đôi giày da, 100 chiếc áo phông khác nhau, 20 cái quần jean giống nhau; và nhiều vớ, đồ lót cùng phụ kiện đủ để tôi thay đổi mỗi ngày trong một tháng. Tất cả đều được gấp gọn hoặc treo lên giá cách đều nhau tăm tắp. Tôi tích trữ nhiều hơn, nhưng chưa bao giờ thấy đủ. Và dù tôi có sắp xếp, chỉnh sửa và dọn dẹp bao nhiêu thì sự hỗn loạn vẫn luôn rình rập bên dưới vẻ ngăn nắp đó.
Chắc chắn mọi thứ đã trông rất ổn, nhưng chỉ là bề nổi. Cuộc sống của tôi là một mớ hỗn độn có tổ chức. Ngộp thở trong gánh nặng tích trữ, tôi biết mình cần phải thay đổi. Tôi muốn đơn giản hóa cuộc sống của mình, và định nghĩa về sự tối giản bắt đầu từ đây.
Làm thế nào để cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn khi sở hữu ít đồ đạc hơn?
Tôi đặt câu hỏi này vì cần xác định mục đích của việc đơn giản hóa cuộc sống. Không chỉ là cách làm, mà quan trọng hơn là vì sao phải làm. Nếu tôi đơn giản hóa cuộc sống, tôi sẽ có thời gian cho sức khỏe, các mối quan hệ, tài chính, sáng tạo và có thể đóng góp nhiều hơn theo một cách ý nghĩa. Bạn thấy đó, tôi có thể hiểu lợi ích của việc đơn giản hóa trước khi dọn dẹp tủ quần áo của mình.
Vì vậy, đã đến lúc tôi thực sự thanh lọc, bắt đầu từ những việc nhỏ. Tôi tự hỏi bản thân rằng: Nếu trong một tháng, mỗi ngày mình bỏ bớt một món đồ – chỉ một món thôi – thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Để tôi kể với bạn: Trong 30 ngày đầu tiên, tôi đã loại bỏ hơn 30 món đồ. Khám phá xem mình có thể bỏ cái gì thực sự là một thử thách. Tôi lục tung các phòng, tủ quần áo, hành lang, văn phòng, xe hơi để soạn đồ và bỏ đi, chỉ giữ lại những gì mang thêm giá trị vào cuộc sống. Suy ngẫm về từng món đồ trong nhà – cây gậy bóng chày từ hồi nhỏ, bộ đồ chơi xếp hình bị thiếu vài mảnh, máy làm bánh kẹp – tôi hỏi: “Liệu thứ này có mang thêm giá trị vào cuộc sống của mình không?”. Càng hỏi, tôi càng có thêm động lực và chuyện thanh lọc đồ đạc càng dễ dàng. Chẳng những thế, tôi cũng cảm thấy tự do, hạnh phúc và nhẹ nhàng hơn – và lại muốn vứt bỏ nhiều hơn nữa. Từ vài chiếc áo thành nửa tủ đồ, vài đĩa DVD thành cả chồng đĩa lớn, vài món đồ trang trí thành các ngăn tủ toàn đồ bỏ đi. Một chu kỳ thật đẹp, khiến tôi đã làm và muốn làm nhiều hơn nữa.
Suốt tám tháng từ khi mẹ mất, và vô số lần đến thăm các tổ chức từ thiện địa phương, tôi đã cân nhắc loại bỏ hơn 90% đồ đạc. Sự hỗn loạn đã trở thành tĩnh lặng. Nếu bạn đến nhà tôi bây giờ, sau hơn một thập kỷ sống tối giản, bạn sẽ không nói tôi là “người sống tối giản”, mà bạn có thể nói rằng tôi sống “ngăn nắp” và bạn sẽ hỏi làm cách nào tôi và gia đình sắp xếp đồ đạc trật tự như vậy. Gia đình tôi không còn sở hữu quá nhiều đồ nữa, nhưng mọi thứ chúng tôi có đều mang đến giá trị thực sự. Đồ dùng nhà bếp, quần áo, xe hơi, đồ nội thất, tất cả đều có chức năng riêng. Là một người theo chủ nghĩa tối giản, mọi món đồ tôi có đều phục vụ một mục đích hoặc mang đến niềm vui cho tôi. Những thứ khác chẳng còn quan trọng.
Khi dẹp gọn mớ lộn xộn, tôi đặt ra cho mình câu hỏi sâu sắc hơn: Từ khi nào mà tôi đã áp cho của cải vật chất nhiều ý nghĩa như vậy? Điều gì là quan trọng trong cuộc sống của tôi? Tại sao tôi bất mãn? Con người mà tôi muốn trở thành là ai? Tôi định nghĩa thế nào là thành công?
Đây là những câu hỏi hóc búa khó trả lời, nhưng chúng chắc chắn quan trọng hơn nhiều so với việc bỏ bớt đồ đạc. Nếu tôi không trả lời những câu hỏi này cẩn thận, kỹ lưỡng, thì số quần áo vừa thanh lọc có thể tiếp tục tăng trở lại trong tương lai không xa.
Khi buông bỏ, và khi bắt đầu đối diện với các câu hỏi lớn trong đời, cuộc sống của tôi đơn giản hơn. Chẳng bao lâu, đồng nghiệp của tôi cũng nhận thấy có gì đó khác biệt:
“Hình như anh ít căng thẳng hơn”. “Anh có vẻ bình tĩnh hơn”.
“Chuyện gì đang xảy ra với anh? Anh có vẻ dễ chịu hơn trước”.
Đến bạn thân của tôi, Ryan Nicodemus, còn hỏi “Sao trông anh hạnh phúc quá vậy?”.
Tôi đã nói với anh ấy về khái niệm chủ nghĩa tối giản.
“Chủ nghĩa tối giản là gì?”, anh hỏi.
“Chủ nghĩa tối giản là thứ giúp chúng ta vượt qua nhiều thứ”, tôi trả lời. “Và anh biết không Ryan, tôi nghĩ chủ nghĩa tối giản cũng có thể phù hợp với anh, bởi vì... vì anh cũng có nhiều vấn đề”.
Cội nguồn của một giấc mơ
Ryan chào đời trong một gia đình không bình thường. Với một tuổi thơ không hạnh phúc nên câu chuyện của anh cũng khá quen. Cha mẹ ly hôn từ khi anh lên 7. Ryan sống với mẹ và sau đó còn có cha dượng. Anh thường xuyên chứng kiến việc dùng ma túy, uống rượu, lạm dụng, và dĩ nhiên có cả chuyện rắc rối về tiền bạc.
Mặc dù mẹ anh sống nhờ tiền trợ cấp của chính phủ, nhưng bà luôn bất mãn về chuyện tiền nong. Tiền cũng là vấn đề với cha của Ryan. Ông có một cửa hàng nhỏ chuyên sơn sửa nhà cửa nhưng vẫn phải vật lộn với cuộc mưu sinh hằng ngày, không có tiền tiết kiệm và cũng không có kế hoạch nào cho tương lai.
Thuở niên thiếu, Ryan dành hầu hết thời gian nghỉ hè để làm việc trong cửa hàng của cha, sơn và thi công giấy dán tường ở những ngôi nhà xa hoa đến khó tin: Nhà để xe rộng cả trăm mét vuông, bể bơi trong nhà, sân chơi bolwing riêng. Tuy các dinh thự lộng lẫy này không phải là niềm khao khát của Ryan nhưng chúng thực sự gây ấn tượng sâu đậm trong anh.
Vào một ngày hè, hai cha con Ryan có hợp đồng thi công giấy dán tường cho một ngôi nhà ngoại ô tại Cincinnati, Ohio. Tuy không đáng giá triệu đô, nhưng ngôi nhà này trông vô cùng đáng yêu. Khi Ryan gặp chủ nhà, anh cảm nhận cặp vợ chồng họ rất hạnh phúc. Các bức tường được trang trí bằng ảnh của gia đình và bạn bè đang tươi cười dường như càng khẳng định thêm cuộc sống hạnh phúc. Trong nhà có đủ tivi, lò sưởi, bàn ghế, đồ nội thất. Vừa làm việc, Ryan vừa hình dung mình sống ở đây. Anh tưởng tượng bản thân sẽ hạnh phúc đến mức nào khi sở hữu một ngôi nhà với tất cả vật dụng như thế.
Ryan hỏi cha phải kiếm bao nhiêu tiền để mua được một ngôi nhà như vậy. Cha anh trả lời: “Con trai, nếu con kiếm được 50.000 đô-la một năm, con có thể mua căn nhà giống thế này”. (Lưu ý bạn rằng đây là những năm 1990 và số tiền 50.000 đô-la còn nhiều hơn toàn bộ thu nhập của cả cha và mẹ Ryan kiếm được trong một năm). Thế là con số 50.000 đô-la trở thành tiêu chuẩn của anh.
Mục tiêu dần thay đổi
Năm cuối trung học, Ryan và tôi thường ăn trưa với nhau và tâm sự về kế hoạch sau khi tốt nghiệp.
“Tớ chẳng biết phải làm gì, nhưng nếu có cách để kiếm được 50.000 đô-la một năm, tớ sẽ hạnh phúc”, Ryan nói.
Tôi chẳng có gì để phản đối, bởi cả hai chúng tôi đều theo đuổi mục tiêu như vậy. Một tháng sau khi tốt nghiệp trung học, năm 1999, tôi làm đại diện bán hàng cho một công ty viễn thông tại địa phương. Vài năm sau, tôi lên chức quản lý cửa hàng và mời Ryan – lúc đó vẫn còn làm cho cửa hàng của cha – gia nhập nhóm của tôi. Tôi tiết lộ cho anh biết số tiền hoa hồng và anh ấy lập tức nhận việc.
Trong vòng vài tháng, Ryan trở thành nhân viên bán hàng giỏi nhất trong nhóm, và nhanh chóng kiếm được khoản tiền 50.000 đô-la kỳ diệu. Nhưng có gì đó chưa đúng, bởi anh vẫn không thấy hạnh phúc. Rà soát lại vấn đề, anh nhận ra mình quên tính đến lạm phát. Có thể 65.000 đô-la mới là hạnh phúc, hay là 90.000 đô-la, hoặc một trăm ngàn đô-la. Cũng có thể sở hữu nhiều đồ đạc mới là hạnh phúc. Bất kể đó là gì, Ryan biết rằng anh phải có nó thì mới cảm thấy được tự do. Càng kiếm được nhiều tiền, anh càng tiêu xài nhiều hơn – tất cả chỉ để mưu cầu hạnh phúc. Nhưng với mỗi tờ hóa đơn mang Giấc mơ Mỹ đến gần hơn, anh lại càng đi xa khỏi sự tự do.
Vào năm 2008, tức chưa đầy mười năm từ khi tốt nghiệp phổ thông, Ryan đã có mọi thứ mà anh “phải” có: một chức danh ấn tượng tại một tập đoàn lớn, sự nghiệp thành công với mức lương sáu con số và quản lý hàng trăm nhân viên. Cứ vài năm Ryan lại mua một chiếc xe hơi mới, anh còn có ngôi nhà ba phòng ngủ, ba phòng tắm và hai phòng khách (một cho anh, một cho con mèo anh nuôi). Mọi người đều nói Ryan “đã thành công”.
Đúng là anh ấy có mọi thứ mang nghĩa là thành công, nhưng anh cũng có nhiều vấn đề chẳng thể nhìn thấy từ bên ngoài. Mặc dù kiếm được rất nhiều tiền, anh ấy cũng mắc nợ chồng chất. Việc theo đuổi hạnh phúc theo cách ấy khiến Ryan phải trả giá đắt hơn – cuộc sống đầy căng thẳng, lo lắng và bất mãn. Trông thì thành công, nhưng Ryan vẫn cảm thấy đau khổ và không biết điều gì là quan trọng trong cuộc đời mình.
Một điều rõ ràng là, cuộc đời anh có một khoảng trống. Và giống như nhiều người, Ryan đã cố gắng lấp đầy nó bằng đồ đạc, rất nhiều đồ đạc. Anh mua xe hơi, đồ điện tử, quần áo, đồ trang trí nội thất. Khi không có đủ tiền mặt, anh sử dụng thẻ tín dụng để chi trả cho các bữa ăn xa xỉ, đồ uống đắt tiền và những kỳ nghỉ sang trọng. Ryan mượn tiền để mua những thứ mà anh không cần và theo đuổi một lối sống mà anh không đủ sức đáp ứng.
Anh nghĩ lẽ ra cuối cùng mình cũng tìm thấy hạnh phúc. Nó phải ở đâu đó quanh đây chứ? Nhưng đồ đạc không thể lấp đầy khoảng trống – mà càng khoét sâu hơn. Bởi vì không biết điều gì là quan trọng nên Ryan tiếp tục rót đầy cuộc sống với đồ đạc, mắc nợ nhiều hơn và làm việc cật lực để mua những thứ không làm anh thấy hạnh phúc, vui vẻ hay tự do là mấy. Chuyện cứ kéo dài trong nhiều năm, như một vòng luẩn quẩn.
Cú trượt dài
Gần ba mươi tuổi, cuộc sống của Ryan ngỡ như hoàn hảo khi nhìn từ bên ngoài. Nhưng bên trong là sự hỗn độn. Dần dần, rượu trở thành một phần không thể thiếu đối với anh. Chưa hết giờ làm mà Ryan đã nghĩ đến việc sẽ rủ ai đi uống rượu trong khung giờ ưu đãi của quán. Chẳng bao lâu sau, anh bắt đầu uống rượu mỗi đêm – nửa thùng bia, hơn chục ly rượu, và đôi khi còn nhiều hơn.
Ryan thường lái xe về nhà trong tình trạng say mèm (và đó sẽ là một đêm tốt lành nếu anh không đánh mất ví và điện thoại). Anh cũng thường xuyên gặp tai nạn và ít nhất ba lần làm hỏng xe hơi. Sự thật là mỗi chiếc xe mới mua đều hư hỏng chỉ trong vòng vài tháng. Tuy nhiên, anh chưa bao giờ phạm tội trong lúc say khướt, và may mắn là cũng không gây ảnh hưởng đến ai khác trừ bản thân anh.
Anh nhớ có một lần uống quá chén đến mức nôn mửa khắp nơi, làm hỏng tấm thảm trong phòng khách nhà người đồng nghiệp, ói lên chiếc bánh sinh nhật của một người bạn, lên chiếc áo khoác da trị giá 1.000 đô-la, và lên cả danh tiếng của chính mình. Tất cả chỉ trong một đêm. Chuyện giống như trong một cảnh phim truyền hình dở tệ, có điều đây là đời thực. Cuộc sống của Ryan luôn mất kiểm soát mỗi lần anh nốc cạn ly.
Không chỉ là rượu, cú trượt dài của Ryan còn do thuốc. Sau một đêm say xỉn, Ryan tỉnh dậy với một ngón tay cái bị gãy. Anh nghĩ chẳng sao, nhưng mọi việc trở nên tệ hơn. Bác sĩ đã kê cho anh đơn thuốc giảm đau. Thế là trong vòng vài tháng, Ryan nghiện thuốc. Khi không được bác sĩ cho thuốc nữa, anh đã lén mua thuốc bất hợp pháp: Percocet, Vicodin, Oxycontin – bất cứ loại thuốc giảm đau nào có chất gây nghiện. Ngón tay bị gãy cùng cảm giác tuyệt vọng đã nhanh chóng biến thành thói quen uống 20, đôi khi đến 40 viên thuốc giảm đau một ngày. Mỗi tháng, anh tốn đến 5.000 đô- la cho rượu và thuốc để xoa dịu cơn đau – đau vì phải chịu đựng cuộc sống mà bản thân đã tạo ra.
Uống nhiều thuốc dẫn đến quá liều. Chìm sâu trong tuyệt vọng – mối quan hệ, công việc, nhà cửa, xe cộ, nợ nần, đồ đạc, toàn bộ cuộc sống đều tệ hại – Ryan đã uống hết cả lọ thuốc. Không phải anh muốn tự tử, chỉ là muốn mọi thứ dừng lại. Mặc dù sống sót qua tai nạn này nhưng anh phải dưỡng bệnh trong viện tâm thần một tuần, tỉnh táo dưới ánh đèn huỳnh quang ngột ngạt trong bệnh viện. Lần nhập viện này làm Ryan nợ một khoản tiền viện phí không thể trả nổi, thế là anh sớm quay về với rượu và thuốc, tiếp tục cố gắng che đậy cuộc sống của bản thân.
Và dĩ nhiên, Ryan đang làm tổn hại các mối quan hệ vì hành vi của mình, nhưng thời điểm đó anh không nhận ra như vậy mà chỉ đóng vai một nạn nhân. Sau khi ly hôn, anh lừa dối hầu như tất cả những người bạn gái. Anh nói dối như một thói quen – với mọi người, về mọi thứ. Vì muốn che giấu bí mật, anh trốn khỏi các mối quan hệ thân thiết bởi anh xấu hổ về con người mà mình đã trở thành. Thay vì dành thời gian với gia đình và bạn bè, anh ăn chơi với người khác chỉ vì họ chơi chung một loại thuốc nghiện.
Mẹ anh sống gần nhà anh nhưng anh hiếm khi gặp bà, viện lý do là công việc bận rộn – điều này cũng đúng phần nào nên mẹ anh cũng hiểu. Nhưng thực ra, lý do là vì Ryan quá bận rộn với thuốc, rượu bia và cuộc sống giả dối mà anh đã tạo ra.
Bề ngoài trông rất ổn, nhưng bên trong vụn vỡ. Dù có một ngôi nhà rộng rãi, những chiếc xe mới và các món đồ “đúng chất”, Ryan vẫn không thấy ý nghĩa từ chúng. Cuộc sống của anh thiếu mục đích và đam mê, giá trị và định hướng, sự mãn nguyện và tình yêu. Anh suy sụp – ban đầu là từng chút, rồi nhanh hơn – đến mức không còn nhận ra bản thân mình nữa. Chàng thanh niên từng hình dung về cuộc sống hạnh phúc với 50.000 đô-la không phải là người đàn ông mà anh thấy trong gương vào mỗi sáng.
Ryan tiếp tục làm việc 60, 70, đôi khi 80 giờ một tuần, bỏ mặc những khía cạnh quan trọng của cuộc sống. Anh hầu như không nghĩ về sức khỏe, các mối quan hệ hay sự sáng tạo của mình. Và tệ nhất là anh cảm thấy trì trệ: không phát triển và không đóng góp được gì hơn.
Vào một ngày Thứ Hai tại văn phòng, Ryan và tôi gặp nhau tại hành lang sau một cuộc họp tiếp thị chẳng mấy hứng thú. Tôi hỏi đam mê của anh là gì. Vẫn còn chếnh choáng sau cơn say đêm qua, anh sững sờ nhìn tôi: “Tôi chẳng biết nữa!”. Anh ấy không chỉ sống bằng tiền lương, mà sống vì tiền lương. Sống vì vật chất, sống cho một công việc mà anh không hứng thú, sống vì thuốc, rượu và những thói quen xấu, Ryan không thực sự đang sống. Anh tuyệt vọng và trở thành một lớp vỏ cứng che đi tiềm năng của bản thân.
Một bữa tiệc khác lạ
Theo nghĩa nào đó, cuộc sống của Ryan chẳng khác gì một trung tâm thương mại bỏ hoang. Nhiều năm tiêu thụ quá mức, nhiều năm chạy theo những thú vui phù phiếm và gác những mối quan hệ sang một bên, càng nắm giữ nhiều càng khiến anh thấy trống rỗng. Mọi người đi hết, mọi thứ ý nghĩa cũng mất hết, chỉ còn một sự trống tuếch.
Khi gần ba mươi tuổi, Ryan nhận thấy có gì khác ở người bạn thân nhất của anh trong 20 năm qua: là tôi. Anh nói sau nhiều năm mới thấy tôi dường như đang hạnh phúc, nhưng anh không hiểu vì sao. Chúng tôi đã là đồng nghiệp từ những năm 20 tuổi, cả hai đều thăng tiến qua từng cấp bậc, và tôi cũng từng khổ sở như anh ấy. Hơn nữa, tôi còn trải qua hai cột mốc khó khăn trong đời – mẹ mất và hôn nhân tan vỡ. Xét cho cùng, tôi hoàn toàn không có cơ may nào để trở nên hạnh phúc hơn anh ấy.
Ryan mời tôi ăn trưa. Khi cả hai dùng bữa, anh hỏi: “Thế sao trông anh hạnh phúc quá vậy?”.
Tôi dành 20 phút để nói về hành trình hướng đến chủ nghĩa tối giản của mình. Tôi giải thích cách tôi đơn giản hóa cuộc sống trong vài tháng, loại bỏ những thứ tạp nham để dọn chỗ cho điều thực sự quan trọng.
Như một người cố gắng giải quyết sai lầm, Ryan quyết định trở thành người theo chủ nghĩa tối giản ngay lúc đó. Anh nhìn tôi và hào hứng tuyên bố: “Được rồi, tôi tham gia!”. Anh khựng lại một lúc khi thấy nét bối rối trên mặt tôi: “Sao hả?”.
“Tôi sẽ trở thành một người theo chủ nghĩa tối giản!”, anh quả quyết.
“Ừa, được thôi”, tôi nói.
“Bây giờ tôi làm gì?”, anh hỏi.
Tôi không cố gắng thay đổi anh – hay ai khác – để trở thành người theo chủ nghĩa tối giản, vì thế tôi không biết phải làm gì. Tôi kể với anh về tám tháng cắt giảm đồ đạc, nhưng như vậy là quá lâu với Ryan. Anh ấy muốn kết quả nhanh hơn.
Một tháng sau, tôi nảy ra một ý tưởng kỳ lạ: “Chúng ta phải đối mặt với tất cả đồ đạc của mình là khi nào?”.
“Khi nào?”, anh hỏi lại.
“Khi anh chuyển nhà”, tôi trả lời, vì tôi cũng vừa chuyển nhà chưa đầy một năm. “Vậy, nếu chúng ta giả vờ anh sắp chuyển nhà thì sao?”.
Và chúng tôi đã làm như vậy. Chúng tôi quyết định đóng gói tất cả đồ đạc của Ryan như thể anh đang chuyển nhà, và anh chỉ lấy ra những món đồ thực sự cần thiết trong vòng ba tuần tiếp theo. Chúng tôi gọi đây là tiệc dọn nhà (bởi vì nếu có thêm chữ “tiệc” vào thì Ryan sẽ hào hứng).
Vào ngày Chủ Nhật, tôi lái xe đến nhà Ryan và giúp anh ấy đóng gói mọi thứ: quần áo, đồ dùng nhà bếp, khăn tắm, đồ điện tử, những bức tranh, tác phẩm nghệ thuật, đồ vệ sinh cá nhân. Chúng tôi thậm chí phủ tấm trải giường lên các đồ nội thất không dùng đến. Sau chín tiếng – và ăn vài cái bánh pizza – mọi thứ đã đóng gói xong, và căn nhà của anh nồng lên mùi hộp giấy các-tông. Chúng tôi ngồi trong căn phòng khách thứ hai của nhà anh, mệt rã người, nhìn chằm chằm vào các thùng đồ xếp chồng lên nhau cao đến ba mét.
Mọi thứ Ryan sở hữu – mọi thứ mà anh đã làm việc để có trong hơn 10 năm qua – đều nằm trong căn phòng này. Những chiếc thùng chồng chất lên nhau. Mỗi thùng đều dán nhãn để anh biết chỗ lấy đồ nếu cần: đồ linh tinh, phòng khách 1, đồ dùng nhà bếp, tủ quần áo phòng ngủ, đồ linh tinh 7, và nhiều nữa.
Anh chỉ lấy ra những món đồ cần thiết trong vòng 21 ngày: một bàn chải đánh răng, tấm trải giường, quần áo để đi làm, đồ nội thất thực sự cần dùng, nồi và chảo, chỉ những thứ làm tăng giá trị cho cuộc sống. Sau ba tuần, 80% đồ đạc của anh vẫn yên vị trong thùng và chẳng cần đến. Khi nhìn lại những chiếc thùng, anh cũng không nhớ trong đó có gì. Tất cả mọi thứ lẽ ra mang đến hạnh phúc cho anh lại không làm đúng việc của nó. Đó là lúc anh quyết định buông bỏ – bán đi hoặc quyên góp mọi thứ có trong mớ thùng các- tông kia.
Vào cuối “bữa tiệc” kéo dài nhiều tuần, Ryan chia sẻ lần đầu tiên anh cảm thấy tự do kể từ khi trưởng thành – tự do khi mọi thứ được giải quyết để nhường chỗ cho những điều đáng ở lại. Khi thanh lọc những món đồ không làm cuộc sống ta thay đổi, ta sẽ tạo ra không gian cho những đổi thay sẽ xảy ra trong vài tuần và vài tháng sau đó.
Khi Ryan thay đổi cuộc sống – dọn sạch tàn dư, ưu tiên những điều mới mẻ và tiếp thêm sức mạnh cho thói quen mới – nói một cách ẩn dụ là anh ấy cải tạo trung tâm mua sắm bị bỏ hoang thành không gian cộng đồng, khôi phục cuộc sống của mình về thuở ban đầu. Những tháng tiếp theo, cuộc sống tuy có khó khăn nhưng ý nghĩa hơn. Lần đầu tiên sau một thời gian dài, Ryan bắt đầu biết nghĩ đến người khác. Anh hướng đến cộng đồng, mà không phải chủ nghĩa tiêu dùng: cho đi, không nhận lại, vì con người, không phải vì đồ vật. Điều này xảy ra khi sự thèm khát mất đi, chủ nghĩa duy ngã cũng dần tan biến, để giúp ích cho người xung quanh. Dù điều này không nằm trong kết quả dự tính ban đầu, nhưng Ryan dần hiểu rằng anh ấy không phải là trung tâm của vũ trụ.
Những người tối giản
Một tháng sau khi loại bỏ đồ đạc, toàn bộ quan điểm sống của Ryan cũng biến chuyển. Anh nhận ra nhiều người có thể tìm thấy giá trị trong niềm hân hoan vừa có được, và mong có một cách hiệu quả để chia sẻ câu chuyện. Anh ấy biết tôi vốn đam mê viết lách, vì thế năm 2010, chúng tôi đã lập một trang blog, đặt tên là TheMinimalists.com.
Sau khi ra mắt trang blog vào ngày 14 tháng 12 năm 2010, một điều đáng chú ý đã xảy ra: 52 người ghé thăm trang web của chúng tôi trong tháng đầu tiên! Nghe có vẻ không ấn tượng, nhưng chúng tôi rất phấn khích bởi vì ít nhất vài chục người đã tìm thấy giá trị trong thông điệp của chúng tôi về lối sống tối giản.
Chẳng mấy chốc, 52 người đọc tăng thành 500, 500 thành 5.000; và hiện tại chúng tôi có một đặc ân để chia sẻ thông điệp của chủ nghĩa tối giản đến hàng triệu người mỗi năm. Rõ ràng khi bạn mang thêm giá trị vào cuộc sống của người khác, họ sẽ sẵn lòng lan tỏa câu chuyện của bạn đến bạn bè và gia đình họ. Việc tăng thêm giá trị sống là bản năng gốc của con người.
Giờ đây, sau mười năm đơn giản hóa cuộc sống, chúng tôi được gọi chung là The Minimalists – Những người tối giản. Chúng tôi giúp hơn 20 triệu người sống một cuộc sống ý nghĩa với ít đồ đạc hơn – tất cả là vì họ đã tìm thấy giá trị trong một thông điệp đơn giản: Phải buông bỏ để có chỗ cho những điều quan trọng.
Chủ nghĩa tối giản là gì?
Chủ nghĩa tối giản bắt đầu với đồ đạc, nhưng đó chỉ là bước khởi đầu. Thoạt nhìn, chắc chắn chúng ta nghĩ rằng chủ nghĩa tối giản chính là loại bỏ tài sản vật chất: dọn dẹp, phân loại, vứt đi, buông bỏ. Nếu đúng vậy thì mọi người có thể thuê một chiếc thùng rác và ném tất cả đồ đạc vào, sau đó tận hưởng niềm hạnh phúc mãi mãi. Và dĩ nhiên, bạn có thể vứt hết mọi thứ mà vẫn cảm thấy khổ sở; hoặc cũng có thể, bạn trở về trong một ngôi nhà trống trơn và cảm thấy tồi tệ vì đã vứt đi những món đồ làm mình vui vẻ.
Bỏ đi những thứ thừa thãi là phần quan trọng của quy trình – nhưng đó mới là một phần. Nếu chúng ta chỉ quan tâm đến đồ đạc, chúng ta đang bỏ lỡ những điều lớn lao hơn. Thoát khỏi mớ lộn xộn không phải kết quả cuối cùng mà chỉ là bước đầu tiên. Đúng là bạn sẽ nhẹ nhõm hơn, nhưng bạn không thể cảm thấy mãn nguyện lâu dài bằng cách cứ ném đi tất cả đồ đạc.
Bởi vấn đề không nằm ở chủ nghĩa tiêu dùng, mà là cách tiêu dùng không suy nghĩ. Chúng ta có thể thay đổi bằng cách cân nhắc hơn cho từng quyết định. Ai cũng cần đồ đạc, điều quan trọng là sở hữu lượng đồ đạc phù hợp – những thứ đúng đắn – và bỏ đi phần còn lại. Đó là lúc chủ nghĩa tối giản bước vào cuộc sống của bạn.
Những người sống tối giản không tập trung vào việc sở hữu ít đi mà hướng đến việc có thêm nhiều hơn: nhiều thời gian, nhiều đam mê, nhiều sáng tạo, nhiều trải nghiệm, nhiều cống hiến, nhiều mãn nguyện và nhiều tự do. Dọn dẹp những lộn xộn sẽ giúp tạo thêm nhiều giá trị vô hình khiến cho cuộc đời trở nên đáng sống.
Đôi khi mọi người cũng né tránh chủ nghĩa tối giản vì bản thân khái niệm này nghe có vẻ cực đoan và có tính chống đối. Nhiều người không muốn đơn giản hóa cuộc sống vì họ không muốn gắn cái mác “người theo chủ nghĩa tối giản”.
Nếu chủ nghĩa tối giản nghe có vẻ khắc khổ, bạn có thể chọn một cách gọi khác cho mình để diễn tả sự đơn giản hóa cuộc sống, ví dụ: chủ nghĩa sống có chủ đích, chủ nghĩa vừa đủ, chủ nghĩa chọn lọc, chủ nghĩa thiết yếu, chủ nghĩa thực tế,... Tên gọi không quan trọng mà quan trọng là chủ nghĩa tối giản giúp chúng ta vượt trở ngại để hướng đến những điều quan trọng hơn – và không chỉ gói gọn ý nghĩa trong đồ đạc.
Vậy những gì được xem là “quan trọng”? Đó là điều mà quyển sách này hy vọng khám phá ra.
Quyển sách này không đơn thuần là lời hướng dẫn làm thông thoáng ngôi nhà – bởi ngoài kia đã có rất nhiều gợi ý rồi. Mục đích của chúng tôi là muốn giúp bạn dễ dàng vượt qua bước đầu tiên trong việc loại bỏ đồ đạc để đi đến giai đoạn khó khăn kế tiếp: Học cách sống một cuộc đời có chủ đích và ý nghĩa.
Yêu con người, dùng đồ đạc
Câu nói này lấy cảm hứng từ hai sự kiện mà chúng tôi không nhớ rõ thời gian chính xác. Khoảng năm 1925, Cố Tổng Giám mục Fulton J. Sheen là người đầu tiên nói rằng: “Bạn phải nhớ yêu thương mọi người và sử dụng vật chất, hơn là yêu vật chất và lợi dụng người ta”. Tôi đã bắt gặp câu nói này suốt thời thơ ấu mỗi lần đi qua phòng ngủ của mẹ, nó được đóng khung và treo lên đầu giường của bà. Gần một thế kỷ sau, siêu sao nhạc pop Aubrey Drake Graham đã lặp lại câu nói này trong lời hát: “Tôi ước bạn sẽ học cách yêu con người và sử dụng đồ vật, chứ không phải làm điều ngược lại”. Chúng tôi đã lấy lại ý này để tạo ra khẩu hiệu của chúng tôi: Yêu con người và dùng vật chất vì điều ngược lại sẽ không bao giờ đúng (Love people and use things because the opposite never works). Câu nói này là lời chào tạm biệt trong mỗi tập podcast của chúng tôi. Khi Ryan và tôi nói câu này để kết thúc các chương trình trực tiếp, khán giả thường đồng thanh lặp lại. Một số người còn dũng cảm xăm khẩu hiệu này trên cơ thể để nhắc nhở bản thân mỗi ngày.
Bản thân chủ nghĩa tối giản không phải một ý tưởng mới mẻ mà nó đã có từ thời của chủ nghĩa khắc kỷ và tồn tại trong các tôn giáo lớn từ rất lâu. Nhưng nó mới ở chỗ: Chưa bao giờ con người bị chủ nghĩa vật chất cám dỗ như ngày nay, và chưa bao giờ người ta lại sẵn sàng từ bỏ những điều mà họ yêu thương chỉ để mua hàng đống đồ đạc vô nghĩa như hiện tại.
Với quyển sách này, chúng tôi sẽ lý giải cặn kẽ các giải pháp đã được chứng thực về chủ nghĩa tối giản. Chúng tôi không có ý đẩy bạn rời xa thế giới hiện đại, mà chúng tôi hướng dẫn cho bạn cách sống tốt hơn trong thế giới này.
Làm thế nào để chúng ta sống tự tin mà không cần đến những món đồ đạc vật chất mà ta từng thuyết phục bản thân rằng chúng cần thiết? Làm thế nào để cuộc đời ta có ý nghĩa và đáng sống hơn? Làm cách nào để thiết lập lại thứ tự ưu tiên? Làm sao để thay đổi cái nhìn của chúng ta về bản thân? Và làm cách nào để đạt được những điều chúng ta mong muốn có trong đời?
Chúng tôi khám phá những câu hỏi này bằng việc xem xét bảy mối quan hệ thiết yếu định hình nên con người chúng ta: mối quan hệ với đồ đạc, sự thật, bản thân, giá trị, tiền bạc, sự sáng tạo và con người. Những mối quan hệ đan xen vào cuộc sống của chúng ta theo những cách bất ngờ, làm lộ ra những mô thức hành vi mang tính hủy hoại. Chúng lặp lại thường xuyên và hầu như không được soi xét, bởi ta đã chôn chặt chúng dưới mớ hỗn độn của chủ nghĩa vật chất. Quyển sách này mang đến những công cụ để giúp bạn chống lại chủ nghĩa tiêu dùng, bắt đầu hướng vào cuộc sống có ý nghĩa.
Ryan và tôi tin rằng việc chúng tôi công khai những sai lầm và cách giải quyết vấn đề của chính mình có thể giúp mọi người xử lý vấn đề cũng như nỗi xấu hổ xung quanh các quyết định trong quá khứ của chính họ. Chúng tôi đã truyền tải hết tâm can của mình trong cuốn sách này, cũng như sử dụng thông tin của các chuyên gia và những trường hợp điển hình để làm rõ hơn những sự thật mà nhiều người đang che đậy, giấu đi nỗi xấu hổ dưới một núi đồ đạc vô ích giống như chúng tôi từng trải qua.
Cách sử dụng cuốn sách hiệu quả
Tác giả Derek Sivers có nói: “Một quyển sách hay làm thay đổi suy nghĩ, còn quyển sách tuyệt vời làm thay đổi hành động”. Tôi tin là chúng tôi đã viết một quyển sách hay, có khả năng làm thay đổi suy nghĩ của bạn, nhưng bạn mới là người làm cho quyển sách trở nên tuyệt vời. Vì thế, khi đọc, bạn hãy đánh dấu và gạch chân những đoạn hữu ích, viết ghi chú bên lề sách, mua một quyển sổ tay (hoặc có thể sử dụng một trong những quyển sổ bạn đang tích trữ ở nhà) và hoàn thành bài tập ở mỗi cuối chương. Và điều quan trọng nhất, bạn phải hành động.
Nếu bạn chỉ đọc mà không vận dụng những gì đã đọc, bạn sẽ không thể hiểu được trọng điểm. Bạn tiếp thu thông tin để bắt đầu, nhưng chính hành động mới thay đổi cuộc đời bạn. Và nếu muốn ghi nhớ sâu sắc hơn, hãy thảo luận hoặc suy nghĩ về việc truyền đạt lại những gì bạn học được cho người khác.
Để giúp bạn dễ nhớ, cuối mỗi chương sách đều có bộ năm câu hỏi để bạn trả lời. Những câu hỏi sẽ đi kèm với danh sách năm điều nên và không nên làm – đây là danh mục hành động cụ thể cho bạn ứng dụng ngay vào cuộc sống hằng ngày. Dành thời gian trả lời câu hỏi, sau đó hành động với những việc nên và không nên làm trước khi chuyển sang đọc chương mới – điều này sẽ giúp bạn đúc kết lại những gì đã đọc.
Bạn sẽ sớm nhận ra đây không chỉ là quyển cẩm nang hướng dẫn, mà nó còn đưa ra lý do tại sao bạn phải hành động. Chúng tôi muốn bạn đi qua từng chương với những chỉ dẫn thiết thực về cách thay đổi cuộc sống và những câu chuyện hấp dẫn sẽ thúc đẩy bạn nhớ vì sao phải thay đổi. Khi bạn kết hợp giữa cách làm và lý do, bạn sẽ có sự thay đổi lâu dài.