Dành tặng Rebecca và Mariah
Đường phố đột nhiên xuất hiện đầy những người mặc quân phục tay lăm lăm súng trường cỡ lớn. Họ yêu cầu chúng tôi đóng cửa và ở yên trong nhà. Trên bầu trời, trực thăng quần thảo và phát om sòm bản nhạc Stayin’Alive của nhóm Bee Gees như điềm báo về một tương lai không mấy sáng sủa. Bỗng hai tiếng súng nổ liên hoàn. Đùng! Đùng! Tôi giật mình choàng tỉnh. Vợ tôi nằm ngủ ngay bên cạnh, con gái tôi cũng đang say giấc trong phòng riêng. Tôi bước ra phòng khách, hé tấm màn cửa sổ và nhìn ra bên ngoài. Đây là Los Angeles vào nửa đêm. Phố xá vắng tanh dưới cơn mưa lâm râm và không có bóng dáng của bất kỳ bộ quân phục nào, trừ một chiếc xe bán tải bị chết máy nằm im dưới chân đồi. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Hóa ra tất cả chỉ là một giấc mơ, thật may mắn! Nhưng cái thế giới mà tôi vừa thức dậy đây, cái gọi là thế giới thực, đã hoàn toàn khác so với những gì tôi trải qua trong suốt bốn mươi năm cuộc đời. Không phải là hậu tận thế, nhưng nó cũng chẳng hề bình thường.
Quầy thanh toán tại siêu thị thưa người. Các cửa hàng ở phố Rodeo Drive đóng cửa hàng loạt khiến khung cảnh thêm đìu hiu. Sự im lặng bao trùm và hủy hoại các rạp chiếu phim không một bóng người. Trong đám đông, mọi người đứng cách nhau 2m và tập trung tại những kệ hàng thực phẩm trống trơn. Nhiều gia đình lo lắng với việc sống chung mà vẫn phải giữ khoảng cách trong thời gian “giãn cách tại nhà”. Tại bệnh viện, các y bác sĩ đều kiệt sức và giấu đi nỗi căng thẳng của họ phía sau những chiếc khẩu trang tự chế. Mùa xuân năm 2020, khi tôi vừa viết xong chương đầu của quyển sách này, đại dịch Covid-19 đã bùng phát trên toàn cầu.
Tình trạng “bình thường mới” của chúng ta thật không bình thường. Trong cơn khủng hoảng kép về tài chính lẫn sức khỏe, nỗi lo lắng và sợ hãi chiếm lĩnh lấy cuộc sống của ta. Nhưng giữa thời điểm hỗn độn này, có lẽ chúng ta vẫn có cách để lấy lại tinh thần, và thậm chí còn trở nên thịnh vượng.
Ngay từ lúc bắt đầu viết cuốn sách này thì tôi không biết, cho đến khi phải giãn cách tại nhà thì tôi mới nhận ra tôi và Ryan Nicodemus đã dành hai năm qua để viết một cuốn sách không chỉ về các mối quan hệ, mà theo nhiều nghĩa thì đây là một cẩm nang ứng phó với đại dịch. Giá như chúng tôi có thể mang quyển sách này đến tận tay những người đang gặp khó khăn trước khi đại dịch xảy ra – những người đang mắc nợ, những người không đặt giá trị bản thân làm ưu tiên hay đang chìm trong chủ nghĩa tiêu dùng – thì có lẽ chúng ta đã giảm thiểu được nhiều nỗi đau, bởi sống có chủ đích là cách chuẩn bị tốt nhất trước một cơn khủng hoảng.
Khi nhìn lại, chúng ta có thể thấy những người tin vào tận thế – vốn có xu hướng tích trữ thật nhiều đồ đạc – lại là những người ít chuẩn bị nhất trước khủng hoảng. Bạn không thể bán ngô đóng hộp hoặc vũ khí đạn dược để đổi lấy sự ủng hộ và niềm tin của một cộng đồng gắn kết. Nhưng bạn vẫn có thể sống tốt nếu bạn cần ít đồ đạc hơn, và bạn cũng có thể tồn tại ngay trong khủng hoảng nếu các mối quan hệ của bạn vẫn được duy trì và phát triển.
Đại dịch âm thầm làm cho mọi thứ trở nên sáng tỏ. Trong tai ương, nhiều người mới hiểu ra rằng một nền kinh tế dựa trên tốc độ tăng trưởng cấp số nhân không phải là nền kinh tế khỏe mạnh, mà thực ra lại dễ bị ảnh hưởng hơn cả. Nếu một nền kinh tế sụp đổ chỉ vì mọi người mua nhiều hàng nhu yếu phẩm thì nó không hề lớn mạnh như chúng ta những tưởng.
Lần đầu tiên chủ nghĩa tối giản thu hút được sự chú ý của cộng đồng mạng là sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Lúc bấy giờ, mọi người khao khát có một giải pháp cho vấn đề nợ nần và tiêu dùng quá mức. Nhưng trong hơn chục năm qua, một lần nữa, chúng ta trở nên quá thoải mái, và kẻ thù lần lần này không chỉ có chủ nghĩa tiêu dùng, mà nó còn là cuộc sống sa đà, không chủ đích.
Giữa nỗi hoang mang do đại dịch gây ra, tôi nhận thấy nhiều người đang vật lộn với câu hỏi mà tôi và Ryan đã cố gắng trả lời trong hơn thập kỷ qua: Điều gì là cần thiết? Đương nhiên, câu trả lời tùy vào mỗi cá nhân, nhưng thường chúng ta hay gộp những điều thực sự cần thiết vào chung với những điều không thực sự cần thiết và... rác rưởi.
Trong tình huống khẩn cấp, chúng ta không chỉ loại bỏ rác (đương nhiên) mà đôi khi còn buộc phải từ bỏ cả những cái không nhất thiết phải có – chúng thường tăng thêm giá trị cho cuộc sống chúng ta nhưng trong tình trạng khẩn cấp thì không còn cần nữa. Nếu làm được, chúng ta có thể khám phá ra điều gì thực sự là cần thiết. Rồi sau đó, chúng ta mới dần dần đưa trở lại vào cuộc sống của mình những điều không nhất thiết phải có theo chiều hướng giúp cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, để không làm cuộc sống ta rối tung lên với những thứ tạp nhạp.
Nói rõ hơn, “điều cần thiết” thay đổi khi chúng ta thay đổi. Những gì cần thiết với bạn cách đây năm năm hoặc thậm chí năm ngày thì bây giờ có thể không còn quan trọng nữa. Vì thế, chúng ta phải liên tục đặt câu hỏi, điều chỉnh và buông bỏ. Điều này càng đúng đắn hơn trong cơn khủng hoảng, khi một tuần ngỡ như một tháng, còn một tháng ngỡ như cả đời người.
Khi mắc kẹt ở trong nhà, nhiều người phải đối mặt với thực tế là đồ đạc tài sản hóa ra không quan trọng như họ từng nghĩ. Sự thật này phơi bày ngay xung quanh. Mọi món đồ bám đầy bụi – những chiếc cúp thời trung học, sách giáo khoa đại học hay những chiếc máy xay thực phẩm hỏng hóc – tất cả đều không bao giờ quan trọng bằng con người. Đại dịch đã làm rõ một thực tế và chứng minh cho chúng ta bài học cốt yếu: Điều thật sự cần thiết chính là các mối quan hệ.
Thế giới của chúng ta đang dần mất đi sự kết nối giữa người với người, điều phải được vun đắp chứ không thể mua mà có. Để làm được, chúng ra phải đơn giản hóa từng việc một, bắt đầu với đồ đạc rồi đến các khía cạnh khác trong cuộc sống. Mục đích của quyển sách này là giúp bạn, và cả tôi, đối mặt với những hỗn độn bên ngoài trước khi hướng vào bên trong để giải quyết các vấn đề về tình cảm, tinh thần, tâm lý, tài chính, sáng tạo, công nghệ cũng như những điều khác đang đè nặng và làm chúng ta ngắt kết nối với người xung quanh.
Đây không phải là quyển sách viết về đại dịch, mà là quyển sách hướng dẫn cho đời sống hằng ngày. Đại dịch chỉ đơn giản là làm sáng tỏ vấn đề và thúc đẩy chúng ta hành động quyết liệt hơn. Với sự suy thoái tài chính và cuộc tìm kiếm ý nghĩa mới cho cuộc sống, xã hội của chúng ta phải đối mặt với những thực tế quan trọng trong tương lai không xa. Nhiều tiêu chuẩn mới đã được xác lập và sẽ còn tiếp tục khi cuộc sống tiến về phía trước.
Vài người sẽ níu kéo quá khứ để được “trở lại bình thường”, nhưng điều này giống như tìm mọi cách để giữ viên nước đá trong tay, và khi nước đá đã tan chảy thì chẳng còn lại gì. Có người hỏi tôi: “Khi nào mọi thứ sẽ quay trở lại?”. Nhưng “trở lại” với hàm ý quay về một trạng thái bình thường giống như quá khứ thì không còn phù hợp với hầu hết chúng ta nữa. Mặc dù tôi không biết tương lai sẽ ra sao, tôi vẫn hy vọng chúng ta thoát khỏi sự bất định này với một “bình thường mới” dựa trên sự chủ đích và tính cộng đồng thay vì “niềm tin của người tiêu dùng”.
Để sống trong bình thường mới, chúng ta phải đơn giản trở lại.
Chúng ta phải dẹp bỏ những hỗn độn để tìm ra con đường phía trước.
Chúng ta phải tìm thấy hy vọng bên kia phía chân trời.
Trong đỉnh điểm khủng hoảng của đại dịch Covid-19, tôi có trò chuyện với Karl Weidner, một doanh nhân đồng thời là cố vấn của tôi. Ông cho tôi biết trong tiếng Trung Quốc, từ “khủng hoảng” – weiji – nghĩa là “nguy hiểm” (wei) và “cơ hội” (ji). Dù đang có nhiều cuộc tranh luận giữa các nhà ngôn ngữ về ký tự “ji” có phải mang nghĩa “cơ hội” hay không thì phép suy luận trong trường hợp này vẫn có thể đúng: Trong một cuộc khủng hoảng thì luôn tồn tại cả nguy hiểm lẫn cơ hội.
Theo thời gian, chắc chắn sẽ còn nhiều điều khó đoán định hơn xảy ra. Dù bị bủa vây trong hiểm nguy, chúng ta hãy nắm bắt cơ hội như người bạn Joshua Becker của tôi từng nói: “Sống những ngày này để đánh giá lại mọi thứ”.
Có thể đây là tiếng chuông cảnh tỉnh cho chúng ta. Đừng lãng phí cơ hội để nhìn nhận lại tất cả, để buông tay và bắt đầu lại. Chúng ta đã sống cuộc đời tối giản cách đây một thập kỷ, và bây giờ là cơ hội thứ hai để làm điều này.
– Joshua Fields Millburn